Tiếng kêu nặng lòng xã hội

Một tiếng kêu nặng lòng xã hội

Nội dung tấm bảng xin việc.
"Tôi đã tốt nghiệp Đại học. Tôi đã làm bố. Tôi cần có việc làm để sống, để có tiền mua sữa cho con. Xin hãy tuyển dụng tôi. Email của tôi là..."
Một tấm biển và đứng sau là một người đàn ông. Cả hai đều chườn mặt ra đường. Không phải xin việc mà yêu cầu có việc làm. Quyền được có việc làm cũng như quyền có nhà ở, quyền tự do đi lại v.v. đã được ghi vào Hiến pháp.
Không có việc thì không có tiền để sống, để mua sữa cho con, nghĩa là, chưa thể có đầy đủ quyền làm người và những quyền thiêng liêng khác của con người.
Anh cử nhân này không phải kẻ mang tâm trạng của chàng Hamlet hoài nghi trong câu tự vấn phổ quát nổi danh vẫn chưa có lời giải đáp: "To be or not to be" (tồn tại hay không tồn tại). Câu tự vấn của anh cử nhân thất nghiệp có nghĩa hẹp hơn nhiều: "Ta và con ta sẽ sống hay chết đói". Anh mong và tin sẽ có câu trả lời tắp lự, có một việc làm, có đồng lương dù ít hay nhiều và có tiền mua sữa cho con.
Như thế, anh ta không như chàng hoàng tử Hamlet hoài nghi kia, loay hoay với mớ triết lý rối bời như canh hẹ mà không dám đưa ra một quyết đoán nào.
Anh ta đã hành động chứ không bơi lội trong bát canh hẹ triết lý: ra đường nói cho bàn dân thiên hạ biết tôi đang thất nghiệp đây! Và anh đòi việc làm với một sự tự tin chắc nịch: hãy tuyển dụng tôi. Tôi phải sống, phải có tiền mua sữa cho con!
Anh ta có quyền ấy không? Có, vì là công dân, anh ta có quyền được lao động, có việc làm. Là một cử nhân có bằng, anh ta có điều kiện cần và đủ để làm việc. Nếu không, anh ta đã không là cử nhân. Còn trong trường hợp bằng giả hay bằng thật mà kiến thức dzỏm là chuyện khác, lỗi không thuộc anh ta.
Chuyện đòi việc làm với hình thức phong phú, độc đáo khác như đeo bảng trước ngực hay hình thức khác vẫn xẩy ra như cơm bữa ở các nước dân chủ văn minh, chẳng ai lấy làm lạ.
Chẳng có chuyện "nhục hay không nhục" ở đây. Chỉ có chuyện "sống hay chết đói" mà thôi.
Cũng chẳng ai có quyền phán xét người thất nghiệp, cho rằng họ dốt hoặc lười. Nạn thất nghiệp là sản phẩm của nền kinh tế và tình trạng bất công xã hội.
Người dốt hay lười ở đâu và bao giờ cũng có. Họ buộc phải nhận đồng lương thấp tương xứng với cái dốt, cái lười ấy. Nhưng không ai có thể tước mất quyền được lao động đã ghi trong Hiến Pháp của họ.
Những ai nói anh chàng cử nhân này "nhục nhã" là không đạt thế thái nhân tình. Anh ta chỉ là một trong 170.000 cử nhân hay kỹ sư đang không có việc làm sau khi tốt nghiệp. Không ai nhận thức được đó là do lỗi của xã hội và chất lượng đào tạo. Ai cũng cho mình kém may mắn. Và lẳng lặng làm bất kỳ việc gì miễn là có thể sống.
Vì thế mà cái nguồn lực chất xám rất đáng coi trọng này đã tan biến mất như nước thấm vào đất. Và đây là lần đầu tiên một trong số mười bảy vạn cử nhân thất nghiệp ấy lên tiếng tình trạng to be or not to be, sống hay chết đói, bằng cách của mình mà không vi phạm luật pháp hay làm hại ai. Chẳng có gì để có thể chê trách anh ta.
Có thể chàng cử nhân đeo biển vẫn không có việc làm, hoàn cảnh anh ta sẽ ngày một khốn đốn hơn. Nhưng anh ta đã biết cách nói lên một sự thật: nạn thất nghiệp của trí thức. Và mong là hành động ấy sẽ không vô ích và dẫn tới bi kịch như chàng Hamlet thông minh mà cũng rất khờ dại.

Theo Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét