Tiền làm ta đau khổ hay hạnh phúc?


TTO - “Vai trò của đồng tiền trong cuộc sống” - đề văn của trường chuyên Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Hà Nội đã giúp HS lớp 11 lý Nguyễn Trung Hiếu cởi mở được những suy nghĩ thành thật của mình về vị trí của đồng tiền trong một gia đình khốn khó mà nhiều tình yêu qua bài văn làm lay động người đọc hai ngày qua.
Tiền đáng ghét vì khiến con người khổ sở, chật vật, nhưng tiền cũng là biểu hiện của yêu thương khi người ta yêu thương giúp đỡ nhau - đó là ý kiến của Hiếu.
Đề văn cũng thật sự là một câu hỏi mở dành cho tất cả chúng ta "Tiền, thật sự làm chúng ta đau khổ hay hạnh phúc?"
TTO trích đăng một bài viết cũng của một HS Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam được đăng tải trên website của trường hôm nay với chủ đề "Amsers (công dân Trường Ams) và định kiến giàu nghèo" và một số ý kiến bạn đọc xoay quanh chủ đề này.
Vượt lên nghịch cảnh thay vì đổ tội cho giàu có (*)
...Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam từng là 67 lần, bây giờ thì chẳng ai dám chắc con số ấy đang leo thang đến đâu. Trong thời buổi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ cũng chạm ngưỡng cao nhất và tại London con số là 273 lần. Liệu đó có phải là sự bất công giữa một bên "tiền lại đẻ ra tiền" với một bên không bao giờ ngóc đầu lên được?
Nếu nghèo là một cái tội thì ai là người gây ra nó? Bao giờ những người có tiền không bị gán là bọn nhà giàu? Khi nào người ta sẽ tìm cách vượt lên hoàn cảnh thay vì suy nghĩ hạn hẹp, ích kỷ?
Tranh minh họa từ InternetPhóng to
Tranh minh họa từ Internet
Có lẽ không phải lần đầu tiên mà đã rất nhiều lần những câu chuyện về học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam làm xôn xao những trang báo mạng và dậy sóng những bình luận của độc giả. Gần đây nhất là bài văn của em Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 lý viết về giá trị của đồng tiền được đưa lên mạng đã làm không ít người cảm động rơi nước mắt, nhưng cũng gợi lên suy nghĩ không biết vô lý hay vô tâm: "Trường Ams cũng có kiểu này ư?". (Ams là viết tắt của Trường Hà Nội - Amsterdam).
Đôi khi giá trị một con người được đo đếm đơn giản bằng chiếc điện thoại người đó dùng, xe họ đi, ngôi trường họ học hay trang Facebook có nhiều bạn bè không. Trường Ams không thiếu những học sinh gia đình giàu có, có điều kiện. Nhưng họ không phải những cậu ấm cô chiêu chỉ biết tiêu xài tiền của bố mẹ; chưng diện và khoe khoang theo kiểu lố bịch càn rỡ như những câu chuyện gây sốc trên mạng.
Dưới mái trường ấy trong suốt hơn 26 năm kể từ ngày thành lập luôn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, là nơi có những giáo viên tạo điều kiện để học sinh trưởng thành tự nhiên đúng với mình nhất. Một người lạ đến Trường Ams có thể được tận mắt thấy tai nghe những câu chuyện thú vị, kỳ lạ nhất mà chắc chắn sẽ làm họ thay đổi những suy nghĩ của họ về cuộc sống, theo một cách nào đó.
...Mặc cảm giàu nghèo là một cảm xúc rất nhỏ nếu so với mặc cảm về nhận thức. Đất nước Việt Nam là cái nôi của nhiều tài năng lớn. Những tài năng được nuôi dưỡng không giống như một con rôbốt, làm tất cả những việc nó được lập trình, mà sự tài hoa thật sự chỉ nở khi phá vỡ những quy luật.
Khi nào thì người ta hạnh phúc với tiền?
Đó là khi bạn có ý tưởng và tiền được rót vào ý tưởng ấy, cho suy nghĩ ấy bước ra trước mắt. Đó là khi bạn đói lả, tiền bưng ra trước mặt bạn đồ ăn ngon. Đó là khi bạn dùng tiền để tỏ lòng biết ơn với cha mẹ đã vất vả.
Những người nhiều tiền sẽ có quyền chọn lựa mặc gì, ăn thế nào... nhìn bên ngoài thì điều đó là đáng mơ ước. Nhưng ước mơ có tiền chỉ là tấm đệm sau khi con người tìm thấy ước mơ thật sự của mình và sau khi họ dũng cảm vượt lên chính mình.
Những kẻ hèn là những người không chịu thay đổi, chối bỏ sự thay đổi và sáng tạo.
...Người ta có thể rẻ rúng hoặc xem trọng giá trị đồng tiền đến đâu chăng nữa, nhưng nghĩ đến cùng đâu phải người giàu có đã là người hạnh phúc. Giàu có mà không có điểm dừng, sẽ không chạm vào hạnh phúc...
Bản thân đồng tiền không có tội
Từ xưa tới nay người ta vẫn nói là tiền - bạc. Đúng là đồng tiền là bạc thật, từ bạc mệnh, bạc phước, bạc phận, bạc tình... nhiều phần là do bạc tiền gây ra. Không biết khi nào con người không phải cần đến tiền nữa, hiện tại thì rất cần tiền, càng sợ tiền bao nhiêu, căm ghét tiền bao nhiêu thì lại là lúc cần đến tiền bấy nhiêu.
Đồng tiền tự nó không làm ra tội, cũng như lưỡi dao tự nó không làm ra tội, chỉ con người sử dụng nó làm ra tội lỗi mà thôi.
Tiền sạch thì không xài phung phí
Vượt khó để học giỏi là điều đáng khâm phục, khi mình giúp những người này mình cảm thấy đồng tiền có ý nghĩa. Hiện nay nhiều cô cậu ấm chưa làm ra tiền mà xài tiền không chút suy nghĩ, tiền cha mẹ làm mồ hôi nước mắt chắc không thể dung dưỡng cho việc tiêu xài phung phí.
Chỉ có những đồng tiền từ hối lộ, nói chung là đồng tiền không sạch mới tiêu xài vô tư được. Hãy lắng đọng tâm hồn vài phút để xem mình sống thế nào? Có vô cảm trươc những khó khăn, đau khổ của đồng loại không? Hãy mở rộng vòng tay nhân ái và bớt đi những chi tiêu vô ý nghĩa
Tiền có phải là nỗi ám ảnh của bạn không? Bạn kiếm tiền để làm gì?
Nếu có nhiều tiền bạn sẽ làm gì, còn nếu không có nhiều tiền bạn nghĩ mình sẽ sống ra sao?
Tiền làm bạn đau khổ hay hạnh phúc? Khi nào thì bạn hạnh phúc với tiền?
Vai trò của tiền trong đời sống của bạn?...
Mong bạn đọc chia sẻ ý kiến để tranh luận vấn đề rất đáng quan tâm này theo công cụ dưới bài (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).
* Tựa do TTO đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét