Tại sao người Nhật in poster cờ đỏ sao vàng để ngăn chặn nạn ăn cắp?

Báo chí thời gian qua rộ lên tin tức khiến nhiều người Việt buồn rầu và tức giận. Đó là bản tin hai người du khách từ VN bị cảnh sát Thuỵ Sĩ bắt vì tội ăn cắp trong một tiệm bán hàng đắt tiền. Chưa dừng lại ở đó, người Nhật lại cho in poster chống ăn cắp nhưng với hình cờ đỏ sao vàng vẽ theo dạng những giọt máu tươi, kèm theo dòng chữ “lao động là vinh quang”.


Ngoài vụ ăn cắp, báo chí còn làm ồn ào vụ một số hành khách nữ bị chận lại ở phi trường Singapore, không cho nhập cảnh, vì họ bị nghi ngờ là sang đó làm gái bán thân.

Cả hai sự việc đều được người dân cho là liên quan đến quốc thể. Vụ in quốc kì Việt Nam hiện nay giống như một lời cảnh báo bàn dân thiên hạ là người mang quốc tịch Việt Nam hay ăn cắp. Lá cờ đó với cách in như thế cũng ngầm để hiểu rằng đó là biểu tượng của một nhóm người ăn cắp. Cũng như cái hộ chiếu của nước Việt Nam là tín hiệu của “có vấn đề”, cụ thể là nạn ăn cắp và làm gái bán thân.
Điều làm tôi suy nghĩ là họ thiết kế cái poster theo thể loại tuyên truyền ở Việt Nam, món đặc trưng ở trong nước. Nhiều người cho rằng người Nhật đang sử dụng chiêu “gậy ông đập lưng ông” để tuyên truyền điều ngược lại. Tuy nhiên tại sao lá cờ đỏ rỉ máu? Tại sao có dòng chữ “lao động là vinh quang”? Có lẽ họ muốn người ăn cắp hay có ý định ăn cắp phải nhận thức rằng muốn có món gì thì phải bỏ tiền mua, phải lao động và đừng có lười.
Tìm cách bao biện
Đa số đều cảm thấy bức xúc và tức giận, nhưng một số không nhỏ có những phản ứng theo kiểu bao biện, nếu không muốn nói là nực cười. Người thì cho rằng ở Mĩ, Pháp, Nhật cũng có người ăn cắp, chứ có riêng gì người Việt Nam; người thì cho rằng nói ra sự thật như thế là bôi nhọ Việt Nam; có người còn đi xa hơn đổ thừa cho một đảng phái nào đó ở nước ngoài!
Đành rằng trong thế giới mạng thì có người này kẻ khác, nhưng những phản ứng trên làm cho chúng ta phải suy nghĩ là chúng ta đang sống bên cạnh sự biến thái văn hoá đến mức không tự nhận biết xấu hổ nữa rồi.
Trước hết là lí giải kiểu “Ở Nhật cũng có người ăn cắp” theo tôi là buồn cười nhất. Người ta đang nói chuyện người Việt ăn cắp, tự dưng chuyển sang chuyện người Nhật! Đó là một kiểu nguỵ biện nhằm đánh lạc hướng, lấy cái xấu biện minh cho cái xấu, “họ ăn cắp thì tôi cũng được ăn cắp”.
Thật ra, câu người Nhật cũng ăn cắp là rất đáng nghi. Giáo sư Gregory Pflugfelder, một chuyên gia văn hoá Nhật Bản, nhận xét rằng “ăn cắp đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ nào để mô tả chính xác hành động này”.
Nên nhớ rằng thói ăn cắp và qui mô ăn cắp của người Việt ở Nhật đã trở thành một vấn nạn. Tôi nói vấn nạn là không quá đáng, vì gần đây có thông tin từ cảnh sát Nhật cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 401 vụ liên quan tới người Việt, và con số này chiếm 40% tổng số vụ ăn cắp có dính dáng đến người nước ngoài. Con số 40% đó không thể xem là ngẫu nhiên, là cá biệt được.
40% là một con số mang tính quần thể, liên quan đến một cộng đồng. Thật vậy, trong con mắt của nhiều người Nhật, có lẽ họ nghĩ người Việt là một cộng đồng ăn cắp, cũng giống như một cộng đồng ở bên Âu châu nổi tiếng ăn cắp ở những ga xe điện.
Ăn cắp là một thói cực kì xấu đối với bất cứ nền văn hoá nào. Một cộng đồng mà nổi tiếng ăn cắp thì chỉ có thể nói là nhục nhã.
Thói ăn cắp của người Việt dường như đã hình thành qua lịch sử lâu dài; nó đã được chính sử gia người Việt ghi lại. Trong “Việt Nam sử lược” (1919) của Trần Trọng Kim, phần viết về người Việt, tác giả viết:
“Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỉ, sùng sự lễ bái, nhưng không thực tâm tin nơi Thần Phật nào cả, kiêu ngạo và hay nói khoác …”
Nói “không mới lạ” vì chuyện người Việt có thói quen ăn cắp vặt từ lâu đã “nổi tiếng” ở nước ngoài. Một độc giả báo Tuổi Trẻ (13/4/2014) viết qua lời kể của thầy ông rằng 50 năm trước ở Pháp, ngay trên một bãi biển có hàng chữ “Coi chừng người ăn cắp vặt Việt Nam” (Attention aux voleurs vietnamiens).
Do đó, không ngạc nhiên khi người Việt bị kì thị ở nước ngoài, và sự kì thị rõ ràng nhất thường là ở phi trường. Tác giả bài viết cũng đã có một kinh nghiệm chẳng hay ho gì về sự kì thị của hải quan Pháp đối với người Việt. Năm đó, ông bay sang Pháp từ Sài Gòn trong một chuyến bay của Vietnam Airlines. Chuyến bay diễn ra bình thường. Chỉ khi đến phi trường mới có vấn đề.
Tác giả rất ngạc nhiên khi mới ra khỏi máy bay đã có 3-4 người cảnh sát đứng chờ ngay tại cửa đường ống! Họ đứng đó và đòi khách phải xuất trình hộ chiếu. Ông chú ý thấy rõ ràng là tất cả những người mang hộ chiếu VN đều bị hỏi vớ vẩn vài ba câu và có khi hoạnh hoẹ (như trường hợp một chị có con nhỏ, giống như là du học sinh, đứng trước tôi). Đến phiên mình, vì mang hộ chiếu Úc, họ không thèm nhìn mà chỉ khoát tay cho tôi đi.
Đến khi vào khu vực làm di trú lại thấy thêm một sự kì thị như thế. Lần này thì tôi thấy cả người Việt và người da đen (chắc là từ Phi châu) đứng chờ khá lâu và họ nói gì đó tôi nghe không rõ. Đến phiên tôi, không có vấn đề gì cả, không đầy 1 phút tôi đã ra khỏi khi di trú. Cùng là người Việt Nam, cùng đi một chuyến bay từ Việt Nam, vậy mà nhân viên Pháp rõ ràng phân biệt người dựa vào hộ chiếu.
Cứ nhìn vào thứ hạng về hộ chiếu được chấp nhận trên thế giới (hạng 81 trên thế giới, sau cả Lào Và Campuchea) thì biết chúng ta đang ở đâu và được đánh giá như thế nào trên thế giới.

Theo Tuấn’s Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét