Bài thuốc giảm đau nổi danh Trung Quốc từ trái ớt
Từ lâu người Trung Quốc đã có bài thuốc cổ truyền dùng ớt chế làm cao để giảm đau cho những căn bệnh đau cơ, đau xương khớp.
Ảnh minh họa
1. Câu chuyện bài thuốc cổ truyền Trung Hoa chinh phục người phương Tây
Bài thuốc này rất phổ biến ở quê hương của nó nhưng lại khiến cho người phương Tây đặt dấu hỏi về hiệu quả của vị thuốc có phần thô sơ.
Với sự phát triển của nền y học phương Tây, đã có nhiều loại thuốc được điều chế để hỗ trợ căn bệnh đau lưng nhưng kết quả cũng vẫn chỉ là điều trị triệu chứng chứ không chữa khỏi được bệnh.
Bởi thế, các nhà khoa học nghi ngờ về tác dụng của loại cao ớt mà người Trung Hoa hết mực ca ngợi. Liệu nó có thực sự tác dụng đối với căn bệnh mà Tây y đã phải "bó tay" không?
Nghi ngờ này đã được giải tỏa khi một nhóm các bác sĩ người Áo tiến hành nghiên cứu cao ớt trong điều trị các chứng bệnh đau xương do thoái hóa đốt sống lưng. 320 người được chia làm 2 nhóm để sử dụng cao ớt và loại cao không chứa hoạt tính.
Kết quả cho thấy 82% số người được sử dụng cao ớt không còn đau, trong khi con số ở nhóm kia chỉ là 31%.
Từ kết quả trên, tác giả của các cuộc thí nghiệm kết luận, cao ớt của người Trung Quốc có thể là một liệu pháp bổ sung cho những phương thức chữa trị bệh đau đốt sống, vốn rất phổ biến.
2. Vì sao ớt có công dụng giảm đau
Quả ớt thuộc họ cà, Đông y gọi là lạt tiêu, lạt tử, ngưu giác tiêu, hải tiêu... Về dược tính, ớt có vị cay, nóng, có tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau).
Sở dĩ ớt có tính giảm đau là do trong loại quả này có chứa chất capsaicin. Đây là một hoạt chất gây đỏ và nóng, có đặc điểm bốc hơi ở nhiệt độ cao. Chất này chỉ có khi quả ớt chín, chiếm tỷ lệ 0,01 - 0,1%.
Capsaicin có khả năng kích thích não sản sinh ra chất endorphin, một chất morphin nội sinh, có đặc tính như những thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho những bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính, bệnh đau đầu do thần kinh và các chứng đau do bệnh ung thư.
Ở những người đau khớp, cơ thể sản sinh ra chất "P" có nhiệm vụ đưa tin đau từ da đến cột sống. Capsaicin có thể làm giảm tác dụng của chất "P", chặn đường chất "P" vì vậy nó có tác dụng như một chất giảm đau lâu dài.
Khi dùng ớt ở ngoài da dưới dạng rượu hay dầu nóng, nó có tác dụng kích thích tại chỗ gây giãn mạch, tăng lưu lượng máu cục bộ, làm tan máu bầm, giảm đau.
3. Cách dùng ớt để giảm đau, trị bệnh
- Dùng ớt trị bệnh đau lưng, đau khớp:
15 quả ớt chín, 20g lá đu đủ, 20g lá ngải. Giã nhỏ nguyên liệu trên, ngâm với rượu nồng độ cao, dùng xoa bóp thường xuyên vào chỗ đau nhức. Bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm.
15 quả ớt chín, 3 lá đu đủ, 80g rễ chỉ thiên. Giã nhỏ ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng xoa bóp ngoài.
Ớt chín giã nát ngâm rượu trắng với tỷ lệ 1/2. Dùng xoa bóp ở chỗ đau.
- Dùng ớt trị viêm khớp mãn tính: Dùng 1- 2 quả ớt chín, dây đau xương, thổ phục linh mỗi bị 30g. Sắc uống ngày 1 thang.
4. Lưu ý khi dùng ớt
Ớt tuy có nhiều tác dụng với sức khỏe nhưng cũng nên ăn một lượng vừa phải, nếu ăn nhiều sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, đau bụng, đi ngoài, nếu bị trĩ sẽ gây chảy máu.
Người bị viêm họng mãn tính, viêm loét dạ dày, người mắc bệnh trĩ không nên ăn ớt, hoặc ăn hạn chế.
SKGĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét