- Ngụm nước kia là của bạn mình

TẤN NGHĨAngum-nuoc-ban-minh
Câu chuyện tiền thân Paniya nói về tác dụng của việc sữa chữa các lỗi lầm nhỏ nhặt. Chuyện kể về năm trăm dân chúng thành Savatthi đã xuất gia và thọ giới Tỷ-kheo. Tuy nhiên, câu chuyện cho biết:Trong khi sống ở tinh xá trên con-đường-lát-vàng, vào ban đêm, họ chìm đắm trong dục tưởng.
Con-đường-lát-vàng chỉ Jetavana, hay Kỳ thọ Cấp- cô-độc viên, nơi nhà đại phú gia Anathapindika (Cấp- cô-độc) mua của thái tử Jeta (Kỳ-đà) với giá dùng vàng lấp kín đất của khu vườn, chừa lại cây đã trồng; sau khi mua xong, Anathapindika dựng tinh xá cúng dường Tăng đoàn của Đức Phật.
Trở lại với câu chuyện, Đức Phật biết tâm ý của các Tỷ-kheo thành Savatthi nên đã triệu tập họ lại và bảo:
Này các Tỷ-kheo, không có việc gì được xem là lỗi lầm nhỏ nhặt cả. Một Tỷ-kheo phải chế ngự tất cả các dục khi chúng khởi lên. Các trí nhân thuở xưa, trước khi Đức Phật ra đời, đã biết điều phục ác dục và đạt đến trí tuệ của một vị Độc giác Phật.
“Không có việc gì được xem là lỗi lầm nhỏ nhặt” là điều Đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Lý do là lỗi tuy nhỏ nhưng nó sẽ phát triển đến mức độ không kiểm soát được. Đây cũng là cơ sở cho việc “cải tiến liên tục”. Sửa chữa các khiếm khuyết nhỏ sẽ ngăn ngừa các khiếm khuyết lớn trong tương lai. Theo Đại Trí Độ luận thì Độc giác Phật là vị đã quán sát lý nhân duyên mà được giải thoát cho nên còn được gọi là bậc Duyên giác, là một vị tự chứng đắc đạo vô thượng trong thời không có Phật pháp. Tuy nhiên, vị này không có khả năng thuyết giảng rộng rãi những điều mình chứng ngộ.

Sau khi nhắc nhở Tăng chúng như trên, Đức Phật kể cho họ nghe những câu chuyện tiền thân. Ngài kể:
Một thời khi vua Bramadatta trị vì thành Ba-la-nại, có hai người bạn trong một làng kia ở quốc độ Kasi. Hai  người ấy ra đồng mang theo hai bình nước uống. Họ đặt khuất bên đường trong lúc cuốc đất, mỗi khi khát nước lại đến đó uống. Một trong hai người ấy, khi uống nước đã để dành nước trong bình của mình và uống nước trong bình kẻ kia.
Chuyện này gọi là chuyện“ăn cắp vặt”. Mặc dù là“vặt”, nhưng cũng vẫn là “lấy của không cho”. Những chuyện “ăn cắp vặt” thời hiện đại xảy ra đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, sử dụng điện thoại cơ quan để giải quyết việc riêng, nhiều nơi chịu không nổi tiền điện thoại đã cắt đi chức năng gọi liên tỉnh. Chuyện khác là lấy xe công đi làm việc tư như đám cưới, đám giỗ, đi chùa… Đi vào siêu thị lấy trộm thức ăn cũng là dạng “vặt”…
Buổi chiều khi ra khỏi rừng tắm rửa xong, kẻ ấy đứng suy nghĩ: “Ta có phạm lỗi gì hôm nay không?”.
Chuyện thì “vặt” nhưng bộ não của chúng ta ghi nhận lại tất cả. Khi rảnh rỗi, nó lại “truy xuất” ra những chuyện “vặt” này. Tuy chỉ là vặt nhưng nó làm cho một người hiểu rõ lẽ nhân quả phải bận tâm, vì người ấy biết rằng lỗi dù nhỏ cũng do tham dục kích thích, và đã là lỗi thì chắc chắn sẽ là một duyên để tạo thành quả xấu về sau, và nếu không ngăn chặn ngay thì nó sẽ phát triển. Nếu chuyện không “vặt” như là cướp của chẳng hạn thì tâm lý lo lắng sợ hãi sẽ vô cùng lớn. Những người có nền tảng tâm lý kiểu này sẽ sớm thấy được lỗi và tự thẹn với lương tri của mình, do đó họ thường tránh không làm điều lỗi lầm. Biết tự thẹn với lương tri của mình mỗi khi làm lỗi sẽ sớm biết được lỗi lầm, là điều kiện tiên quyết để tiến hành phòng vệ cho bản thân. Trong kinh điển Phật giáo, tâm trạng này được gọi là “tàm”. Không có được nền tảng tâm lý này thì được gọi là “vô tàm”. Đó là trường hợp của người làm điều sai trái nhưng không bao giờ dùng lương tri soi rọi để thấy đó là lỗi, do đó không hề biết lỗi. Tình trạng này được ví với tâm trạng của con heo, nó sống  rất thoải mái trong cái chuồng của nó, không thấy dơ; đã vậy nó còn yêu thích cái chuồng của nó không chịu rời xa, vì nó không có lương tri để soi rọi. Cũng giống như kẻ làm điều sai trái đã không biết mà còn bào chữa rằng mọi người đều làm thế thì tôi cũng làm như thế, không hề tự thẹn với lương tri.
Lúc đó kẻ ấy nhớ lại đã uống ngụm nước trộm như thế nào và buồn phiền kêu lên: “Nếu sự thèm khát này khởi lên trong ta, nó sẽ khiến ta phải tái sanh vào cõi dữ. Vậy ta quyết nhiếp phục lỗi lầm”.
Đây là tâm trạng “sợ hãi do thấy được hậu quả nguy hại” của lỗi lầm. Danh từ Hán Việt gọi là “quý”. Nếu thấy được hậu quả nguy hại của một hành vi thì người ta thường tránh hành vi đó; một mặt, vì người ta sợ hãi những hậu quả của nó; mặt khác, người ta cảm thấy thẹn đối với những người có trí, những người quen dùng lương tri soi rọi hành vi của mình. Cũng có những kẻ “vô quý” vì không thấy hậu quả nguy hại của lỗi lầm nên sẽ không biết sợ hãi, không cảm thấy thẹn trước những người có trí, cho nên kẻ đó không đề phòng, không tránh né một hành vi sai trái. Hai thành phần “thấy lỗi” và “thấy nguy hại của lỗi” là hai thành phần căn bản giúp ta ngăn ngừa các hành vi xấu.
Vì vậy, do chuyện uống ngụm nước trộm này mà kẻ ấy dần dần đạt được thiền định và chứng đắc thắng trí của một vị Độc giác Phật.
Mặc dù đã thực hiện một hành vi xấu, nhưng người này đã thu được một thành quả vĩ đại. Đây là một đặc điểm được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong kinh điển Phật giáo: trong một tình huống xấu, người ta vẫn chuyển hóa được nó thành điều tốt. Chẳng hạn chuyện tiền thân Seyya kể lại câu chuyện một vị quan đại thần bị bỏ tù. Nhưng nhờ đó ông lại suy nghĩ về sự bất trắc của đời sống và đạt quả Dự lưu. Chuyện tiền thân Paniya kể tiếp về một trường hợp khác:
Một người địa chủ nhìn thấy một người nọ dẫn vợ đi tới. Vừa thấy nàng là một mỹ nhân dung sắc tuyệt thế, người địa chủ liếc nhìn nàng. Sau đó lại suy nghĩ: “Nếu tham dục này tăng trưởng, nó sẽ khiến ta đọa vào cõi ác thú”. Kẻ ấy vừa tu tập vừa làm phát khởi thiền định và đạt thắng trí của một vị Độc giác Phật.
Người địa chủ thấy người đàn ông nhưng sau đó lại… liếc nhìn vợ người ta! Chuyện này xảy ra cũng bình thường. Tuy nhiên, vì phát khởi ý tưởng tham dục nên người này lo ngại nó phát triển. Câu chuyện này nói lên bước khởi đầu của các dục tưởng và liên hệ tới giới thứ ba trong năm giới là “không tà dâm”. Lại một trường hợp khác nữa:
Tại lối đi vào rừng có nhiều kẻ cướp trú ẩn. Khi bắt được hai cha con đi vào rừng thì họ giữ người con lại, bắt người cha về lấy tiền chuộc. Khi bắt được hai anh em, họ giữ người em lại và bắt người anh về lấy tiền chuộc. Khi bắt được hai thầy trò thì họ giữ ông thầy lại và bắt người học trò về lấy tiền chuộc. Lúc bấy giờ có hai cha con cùng đi  vào rừng, họ bàn nhau: “Con đừng gọi ta là cha, ta cũng không gọi con là con”. Khi quân cướp xông lại, chúng hỏi hai người có quan hệ gì với nhau, hai người đáp: “Chúng tôi chẳng là gì đối với nhau cả”.
Đây là một trường hợp vi phạm giới thứ tư “không nói dối” trong năm giới. Chuyện nói dối trong trường hợp này được mọi người xem là “có lý do chính đáng”. Tuy nhiên, đối với luật nhân quả, nếu nói dối (cho dù là “chính đáng” hay không) sẽ bị hậu quả là nói không ai tin, không ai nghe, sắc diện xấu xí… Do đó, nếu đã phải dùng phương cách nói dối để giải quyết vấn đề, người Phật tử vẫn ý thức được rằng điều đó sẽ mang lại hậu quả xấu cho mình. Vì thế, họ sẽ không đem sự nói dối đó ra để khoe khoang như là một chiến công.
Khi hai người ra khỏi rừng và nghỉ ngơi sau khi đã tắm rửa buổi tối xong, người con xem xét lại đức hạnh của mình và nhớ lại lời nói dối kia, nghĩ thầm: “Lỗi lầm này nếu tăng trưởng sẽ nhận chìm ta vào cõi ác. Ta quyết khắc phục lỗi lầm”. Sau đó người ấy tu tập thiền định và đạt thắng trí của một vị Độc giác Phật.
Câu chuyện tiếp tục kể về một trường hợp khác liên quan đến giới đầu tiên của năm giới: “không giết chóc”.
Trong một làng ở Kasi cũng có một địa chủ ra lệnh cấm sát sanh. Lúc bấy giờ người ta thường dâng lễ tế thần, một đám đông tụ tập lại và nói: “Thưa chủ nhân, đây là lúc tế lễ, xin cho chúng tôi giết dê lợn và những súc vật khác để dâng lễ cúng thần linh”. Người ấy bảo: “cứ làm như các ngươi đã làm trước kia”.
Lý do này cũng rất chính đáng, thường được gọi là “làm theo truyền thống” hay “xưa sao nay vậy”. Theo quan niệm chung, nếu làm theo truyền thống thì người thực hiện không có lỗi. Nếu không làm theo truyền thống thì rất dễ bị cộng đồng phản đối. Tuy nhiên, đối với Phật học, mọi vấn đề phải được thực hiện theo nhân quả. Nếu “làm theo truyền thống” mà đem lại cái hại cho mình, cho người, cho môi trường thì không nên làm theo truyền thống.
Dân làng liền giết rất nhiều súc vật. Khi người ấy thấy một lượng lớn cá thịt, liền suy nghĩ: “Người ta đã giết hết các con vật này chỉ vì lời nói của ta mà thôi!”. Người ấy ăn năn hối hận; và khi người ấy đứng bên cửa sổ, người ấy tu tập thiền định và đạt thắng trí của một vị Độc giác Phật.
Câu chuyện tương tự về việc“làm theo truyền thống” được kể liên quan đến giới cuối cùng trong năm giới: “không sử dụng phương tiện gây nghiện”.
Một địa chủ ở Kasi cấm bán rượu mạnh. Một đám đông đến kêu gào: “Thưa chủ nhân, chúng tôi phải làm sao? Đây là đại tửu hội được yêu chuộng lâu đời rồi mà!”. Người địa chủ đáp: “Cứ làm như các ngươi vẫn làm trước kia”. Dân chúng tổ chức đại tửu hội, uống rượu mạnh và gây sự lẫn nhau. Kẻ gãy chân tay, người vỡ đầu sứt tai và phải chịu hình phạt về chuyện này. Người địa chủ thấy vậy nghĩ thầm: “Nếu ta không cho phép chuyện này thì dân chúng đã không phải chịu khổ sở như vậy”. Người ấy cảm thấy ăn năn vì việc nhỏ nhặt kia. Sau đó người ấy tu tập và đạt thắng trí của một vị Độc giác Phật.
Sau khi chấm dứt Pháp thoại, Bậc Đạo sư nói thêm: “Này các Tỷ-kheo, không có gì gọi là lỗi lầm nhỏ mọn cả, ngay cả đến những lỗi nhỏ nhất cũng phải được người trí điều phục”. „■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét