khoa học của thuyết “thiện ác báo ứng”
Hàng ngàn năm qua thuyết thiện ác báo ứng được lưu truyền rộng rãi qua các thời kỳ lịch sử, nhiều thư tịch ghi chép lại rất nhiều các câu chuyện chứng minh sự thực về thuyết thiện ác báo ứng là không còn nghi ngờ gì, như các truyện trong «Tập phúc tiêu tai chi đạo», «Nhân thoại lục»… Dù thế, quá trình vận hành cụ thể bên trong như thế nào thì phải dựa vào nhiều nghiên cứu trong khoa học hiện đại ngày nay để làm rõ...
Giáo sư về lý luận sinh mệnh Stephen G Post của Đại học Case Western Reserve ở Mỹ, và tiểu thuyết gia Jill Nei Mark đã xuất phát từ góc độ Y học khoa học hiện đại để nghiên cứu mối quan hệ giữa “lòng hy sinh” và “hiệu ứng trả lại” trong hàng loạt những hành vi hành thiện của con người.
Người nghiên cứu đã tạo ra một bảng đo lường chi tiết và theo dõi trong thời gian dài những người có thói quen sống hy sinh vì người khác, từ đó chỉ ra hệ quả của “lòng hy sinh” đối với “chỉ số hạnh phúc”: Lòng nhân ái, thích hành thiện, sẽ giúp phát triển tích cực năng lực giao tiếp xã hội, năng lực phán đoán, cảm xúc đúng đắn… Cho dù chỉ là một nụ cười thầm hay một thiện ý ngầm với người khác cũng dẫn đến làm tăng nồng độ kháng thể phân tử immunoglobulin trong nước bọt…
Các nhà khoa học về lĩnh vực hóa học thần kinh cũng nghiên cứu và nhận ra hiện tượng:
Người có tấm lòng lương thiện, suy nghĩ tích cực thì tế bào thần kinh mạnh khỏe, tế bào miễn dịch hoạt động mạnh, cơ thể giảm thiểu bệnh tật, hệ thống miễn dịch cũng mạnh mẽ; còn nếu tâm chỉ có ác niệm, suy nghĩ tiêu cực, là đi ngược hoạt động hệ thống thần kinh, làm hướng phụ hệ thống thần kinh bị kích thích, còn hướng chính bị ức chế, ảnh hưởng xấu cho cơ thể.
Thực tế, trong tác phẩm kinh điển của Trung Y cổ đại là «Hoàng đế nội kinh» viết: “Tĩnh tắc thần tàng, táo tắc tiêu vong”. Tĩnh, là chỉ tinh thần con người, giữ cảm xúc trong trạng thái vô tư thanh thản, tinh thần yên bình không tạp niệm, khiến chân khí sung túc. Kỳ thực, ý nghĩa của tĩnh rất rộng, không đơn thuần chỉ sự tĩnh tại bất động mà còn là tư tưởng và hành vi của con người khi bị tác động từ bên ngoài vẫn có thể dùng tấm lòng bao dung mà tha thứ, không biến mọi thứ trở thành căng thẳng, một sống hai chết. Nghiên cứu trong khoa học hiện đại cũng cho thấy, con người ở trạng thái tĩnh, sóng não sẽ có thể trở lại trạng thái như thời thơ ấu, làm cho tuổi già tạm thời bị “đẩy lùi”.
Một tạp chí ở Mỹ từng có báo cáo nghiên cứu “Tâm trạng xấu làm sinh ra độc tố”, báo cáo chỉ rõ: “Trong kết quả nghiên cứu tâm lý thực nghiệm, ác niệm làm máu huyết sản sinh độc tố. Khi con người trong trạng thái bình thường thổi hơi vào trong ly đá, thứ ngưng tụ lại là vật chất trong suốt không màu; còn nếu trong trạng thái căm hận, giận dữ, sợ hãi, ghen ghét, vật chất ngưng tụ lại sẽ có nhiều màu sắc; qua phân tích hóa học người ta nhận ra khi chúng ta suy nghĩ tiêu cực sẽ làm cơ thể sản sinh ra độc tố.”
Đại học Yale và Đại học California từng làm nghiên cứu đề tài: “Ảnh hưởng của quan hệ xã hội với tỷ lệ tử vong của con người”.Họ đã tiến hành nghiên cứu 7000 người trong thời gian 9 năm, thống kê nghiên cứu cho thấy, những người hay giúp đỡ và hòa thuận với mọi người có tình trạng sức khỏe và tuổi thọ mong muốn vượt trội so với người thường mang ác tâm, lòng dạ hẹp hòi, hại người lợi mình, còn tỷ lệ tử vong của họ so với người bình thường cũng cao hơn 1,5 đến 2 lần. Ở những nhóm người khác chủng tộc, giai cấp xã hội, thói quen tập thể dục, kết quả cũng như nhau.
Những nghiên cứu khoa học này cho thấy, quan niệm thiện ác báo ứng của người xưa không có nghĩa họ là những người ngây thơ về tư tưởng, mà đó chính là cách nhìn về cái gốc của sinh mệnh.
Nói thiện ác báo ứng cũng chính là nói tư tưởng của con người là cởi mở, là khai minh. Tâm thái cởi mở nghĩa là không tùy tiện có những tư tưởng cực đoan, tự đóng lại con đường của mình, đó là cảnh giới tư tưởng thoát khỏi sự giam cầm của ác niệm, là hiệu ứng sinh ra từ tư tưởng được khai minh, có thể cảm nhận được sự hài hòa của trời đất. Cũng như cuốn sách Y học cổ xưa từng ghi về chuyện phúc thọ, khỏe mạnh là: “khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm phạm” (chính khí tồn nội, tà bất khả can).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét