Lương tối thiểu - lương còm

Lương tối thiểu 2016:

 “Đừng để công nhân vật vờ với đồng lương còm”


LUÔNGTOITHIEU-NHUCAU1
 “Những ngày nắng, nóng, công nhân lao đông không thể quay về chỗ ở trọ vì vừa chật chội, nóng nực. Họ không thể sử dụng hệ thống làm mát vì giá điện “ăn” quá nhiều vào đồng lương còm”, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân, công đoàn nói.
Ngày 25/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp tục nhóm họp để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016.

Phiên họp trước đó đã không thành vì đại diện chủ sử dụng lao động (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam – VCCI) và đại diện người lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) chưa đi được đến thống nhất về mức tăng.
Trong khi Tổng liên đoàn lao động đề xuất mức tăng 350.000 – 550.000 đồng tùy từng vùng (tăng bình quân 16,8% so với năm 2015) thì VCCI đưa ra con số là tăng bình quân 7,2% và sau đó là 10% so với năm 2015.
Tại phiên họp lần thứ 2 này, Lãnh đạo Tổng liên đoàn vẫn không đồng ý với mức tăng này và giữ nguyên đề xuất là 16,8%, bởi cho rằng đời sống của người công nhân đang vất vưởng, dặt dẹo với mức lương “làm việc không ra làm việc, chơi cũng chẳng ra chơi”.
Trong khi đó, phía Hiệp hội dệt may Việt Nam vẫn chỉ đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 chỉ khoảng 6-7%; phía VCCI cũng chỉ đề nghị tăng 10%.

Mức tăng 16,8% được tính toán kỹ

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện công nhân, công đoàn, mức lương tối thiểu mà Tổng liên đoàn dự kiến đề xuất với Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã tính toán đến các kịch bản của nền kinh tế.
Cụ thể, ông Thọ cho biết: Mức tăng 16,8% đã được tính toán dựa trên những thông tin được kiểm chứng của thị trường lao động như: Mức cung lao động, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế; tỉ lệ thất nghiệp trong xã hội; giá công lao động khu vực và một số thị trường mà Việt Nam thương thảo và khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam trong các thị trường khu vực và quốc tế…
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu chi tiêu tối thiểu của người lao động và khả năng tích lũy từ tiền lương của người lao động để bảo đảm cuộc sống sau thời gian lao động… cũng được tính đến.
Qua đó, ông Thọ khẳng định: Tổng liên đoàn lao động đã tính đến các kịch bản của nền kinh tế trước khi đề xuất mức lương tối thiểu năm 2016.
“Chúng tôi không hoàn toàn bỏ qua những lợi thế tạm thời có được của “lao động giá rẻ” khi so sánh tổng quan trong khu vực và thế giới. Chúng tôi cũng đã tính đến mức năng suất lao động của Việt Nam ở khu vực làm công, ăn lương”, ông Thọ nói.

Ông Thọ cho biết, mức năng suất lao động của Việt Nam chưa cao, thậm chí còn thấp nếu so sánh với một vài quốc gia tiêu biểu của ASEAN và thế giới… nhưng không vì thế có thể phó mặc đời sống vất vưởng, dặt dẹo của người công nhân.

Giá lao động Việt Nam quá “bèo ”

Theo ông Thọ, mức giá công lao động của Việt Nam là quá thấp. Lương thấp làm thui chột mọi sáng kiến hoặc những nỗ lực cải tiến, đề xuất sáng kiến, người lao động không có nguồn kích thích để có trách nhiệm với công việc.
“Họ làm việc như một cái máy và tệ hơn, không có nhu cầu lớn về sinh hoạt văn hóa, tinh thần, lại không biết sử dụng thời gian nhàn rỗi sau ca làm việc vào việc gì?
Những ngày nắng, nóng, công nhân lao đông không thể quay về chỗ ở trọ vì vừa chật chội, nóng nực. Họ không thể sử dụng hệ thống làm mát vì giá điện “ăn” quá nhiều vào đồng lương còm”, ông Thọ chia sẻ.
Qua khảo sát, ông Thọ cho biết: Hầu hết công nhân lao động đều muốn được làm thêm để tăng thêm thu nhập vì mức lương đang quá thấp. Thậm chí, nhiều công nhân tăng ca làm thêm để tránh được cái nóng, nắng mà không phải trả thêm tiền điện.
Theo ông Thọ, năm 2014 sang năm 2015, chúng ta đã thỏa thuận tăng thêm 14,6%, vậy hà cớ gì năm 2016 sắp tới, bầu trời kinh tế Việt Nam sáng sủa hơn năm qua, chúng ta không tăng mức cao hơn 14,6%?
Nếu mức lương tối thiểu mà Tổng liên đoàn lao động đề xuất được chấp thuận, thì theo ông Thọ, việc cân bằng nhu cầu sống tối thiểu và lương tối thiểu sẽ được giải quyết trong năm 2017.
Được biết, dự kiến phiên họp thứ 3 về việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 sẽ diễn ra vào ngày 3/9 tới. Nếu lần thứ 3 không đạt được nhất trí về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, tức Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Phạm Minh Huân sẽ quyết định mức đề xuất để trình Chính phủ.

THEO DIỄN ĐÀN ĐẦU TƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét