Lợi ích dân tộc là số một
Sắp bước vào Đại hội Đảng, mở ra thời kỳ mới của phát triển đất nước, chúng ta sẽ có nhiều chuyện phải làm, nhưng đây là lúc hơn bao giờ hết vấn đề đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu cần được coi là một nguyên tắc căn bản của Đảng.
Từ lịch sử của Đảng đến…
Lợi ích của dân tộc luôn phải được đặt lên hàng đầu dường như là một chân lý không có gì phải bàn cãi, vậy mà trong thực tế lịch sử, không phải không có nơi, có lúc nguyên tắc tối thượng chi phối hoạt động thực tiễn của một quốc gia lại là lợi ích giai cấp và lý tưởng quốc tế. Khi ấy lợi ích quốc gia trong một chừng mực nhất định phải hy sinh để bảo vệ “những lợi ích lớn hơn”. Đã có không ít người bị quy kết nặng nề và bị phê phán là sai lập trường, lệch lạc về tư tưởng khi đề cao lợi ích dân tộc. Vào những thập niên 30, ngay cả lãnh tụ cách mạng kiên trung, hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, cũng từng bị Quốc tế Cộng sản nghi ngờ là người theo chủ nghĩa dân tộc, không có lập trường quốc tế vững vàng.
Chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá học thuyết Mác-Lênin và chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam, nhưng con đường đưa Người đến với Quốc tế Cộng sản lại là ý thức dân tộc và lòng yêu nước. Lý do Người ủng hộ Cách mạng Tháng Mười và Lênin đơn giản chỉ vì đây là những lực lượng bênh vực các dân tộc thuộc địa.
Trong suốt 85 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua muôn vàn thác ghềnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Có được những thành tựu vẻ vang ấy, trước hết và chủ yếu là do Đảng đã nhập thân vào dân tộc, hy sinh vì lợi ích dân tộc và đem lại độc lập, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, trong lịch sử cách mạng, không phải không có lúc Đảng mắc sai lầm. Đó là biểu hiện tả khuynh trong phát động phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, nhất là khi nêu ra khẩu hiệu “ Trí-Phú-Địa-Hào đào tận gốc, trốc tận rễ”. Đó là sai lầm trong cải cách ruộng đất mà rồi phải cần tới uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra trước quốc dân, đồng bào xin lỗi, hậu quả nặng nề mới dần được khắc phục. Đó là sự nôn nóng chủ quan, duy ý chí muốn đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH theo mô hình tập trung quan liêu bao cấp, để rồi phải trả giá là cả nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.
… những bài học và quan điểm mới
Nếu bình tĩnh mà suy ngẫm thì không khó để nhận ra rằng, nguyên nhân sâu xa của những sai lầm này là chưa coi trọng đúng mức quyền lợi của dân tộc, của nhân dân và bị chi phối bởi tư tưởng đấu tranh giai cấp và ảnh hưởng của những mô hình XHCN không thật phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của Việt Nam.
Sắp bước vào Đại hội Đảng, mở ra thời kỳ mới của phát triển đất nước, chúng ta sẽ có nhiều chuyện phải làm, nhưng đây là lúc hơn bao giờ hết vấn đề đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu cần được coi là một nguyên tắc căn bản của Đảng.
Điều đáng mừng, điều này đã được quán triệt sâu sắc trong quá trình chuẩn bị các văn kiện trình đại hội. Trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, lợi ích dân tộc được đặt lên hàng đầu đã trở thành một nguyên tắc. Thể hiện rõ quan điểm này, trong bài phát biểu gần đây tại Đại hội Thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị: “Quân đội ta phải tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với Hiến pháp của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của
Nhà nước…”.
Nhà nước…”.
Nếu chúng ta chú ý, đấy là quan điểm, cách đặt vấn đề rất mới của người đứng đầu Chính phủ.
GS-TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội
THEO LAO ĐỘNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét