Con Người Của Hòa Bình & Tính Nhân Bản
Bất cứ sử gia nào, dù là người phương Đông hay người phương Tây, dù có thiện cảm hay không đối với đạo Phật, đều phải thừa nhận đạo Phật đã tạo ra trong con người Ashoka một biến đổi thần kỳ: Ashoka, con người tàn ác (candAshoka), sau khi theo đạo Phật đã trở thành Ashoka, con người thiện lành (DharmAshoka), hay con người thân thiết với thần linh (devanampiya), con người ai thấy đều vui mừng (pyadasi)...
Hoàng đế Ashoka (Hán dịch âm A Dục) trị vì trên một nước Ấn Ðộ rộng lớn hơn bây giờ (trừ phần cực Nam của bán đảo), vào khoảng những năm 274-237 trước Tây lịch (TL). Ashoka là cháu nội của Chandragupta, người sáng lập ra triều đại Maurya (Hán dịch là Khổng Tước). Cha của Ashoka là Bindusara, có 16 người vợ và 101 con. Ashoka chỉ có một người em trai cùng mẹ là Tissa, về sau cũng xuất gia và chứng quả A la hán.
Người ta kể lại, được tin vua cha lâm bệnh nặng tại thủ đô Pataliputra, Ashoka lúc bấy giờ đang làm phó vương tại vùng Tây Bắc Ấn, vội vã kéo quân về, giết sạch tất cả anh em(?!), trừ người em đồng mẹ là Tissa, và lên ngôi vua, vào năm 329 trước TL. Nhưng lễ đăng quang chỉ được tổ chức 4 năm sau, vào năm 325 trước TL. Sự chậm trễ này nói lên bầu không khí bấtt bình trong triều cũng như ở ngoài dân chúng, trước hành động tàn bạo, làm mất nhân tâm của Ashoka lúc bấy giờ.
Vào những năm đầu của triều đại mình, để củng cố thêm vương quốc, Ashoka đã mở chiến dịch đánh chiếm xứ Kalinga (nay là Orissa). Trong cuộc chiến, 10 vạn người bị giết, 15 vạn bị bắt. Cảnh tang tóc của chiến tranh đã làm cho Ashoka vô cùng hối hận, và từ đó về sau trở thành rnột Phật tử thuần thành, một vị hoàng đế của hòa bình, của một tình cảm nhân bản, sâu sắc bao gồm cả người và loài vật.
Sự nghiệp vĩ đại của Ashoka được ghi lại bằng chính các cáo văn của ông, khắc trên các bia đá là trụ đá, do chính ông dựng lên rải rác tại khắp nhiều nơi trên vương quốc rộng lớn của ông, mà các nhà khảo cổ phương Tây và Ấn Ðộ đã dần dần phát hiện được từ nửa cuối thể kỷ XIX trở lại đây.
Lịch sử cho biết Ashoka đã bãi bỏ tội tử hình trong vương quốc mình. Trong Dụ đá Kalinga, Ashoka nói:
“Cũng như tôi mong cho con cái tôi được hưởng mọi hạnh phúc và an lạc ở đời này và đời sau, tôi cũng cầu mong cho tất cả mọi người đều cũng đưọc hưởng hạnh phúc và an lạc như vậy.
Có tình hình xảy ra là có một số ngườí bị bắt giam mà không có lý do xác đáng gì, và rất nhiều người khác bị đau khổ vô cùng.
Vì vậy mà các người phải theo con đường trung đạo, có mực thước. Nhưng sẽ không thể nào noi theo được con đường trung đạo ấy, nếu các người còn làm nô lệ cho những tật xấu như đố kỵ, không kiên nhẫn, tàn ác, nóng vội, thiếu chuyên sâu, lười biếng và thụ động.
Các người phải mong sao cho đừng phạm vào những tật xấu nói trên.
Dụ này được khắc ra ở đây, để cho các pháp quan trong thành phố tránh không bắt giam dân chúng mà không có lý do xác đáng.
Và cũng vì mục đích ấy mà cứ năm năm một lần, ta gửi các phái viên đi công cán, những phái viên của ta phải có thái độ từ ái, dễ thương, quan tâm đến sự sống thiêng liêng của mọi loài.”
Dụ trên đây cho chúng ta biết đường lối trị dân của Ashoka: Các pháp quan phải công minh, không được bắt giam người mà không có lý do xác đáng. Vua quan tâm tới hạnh phúc của toàn dân, như là quan tâm tới hạnh phúc của con cái mình vậy. Ashoka lên án mọi biểu hiện của đố kỵ, đàn áp, lười biếng, thụ động, thiếu chuyên cần v.v...
Trong Dụ thứ hai của 14 Dụ trên đá, Ashoka viết:
“Trong tầt cả mọi nơi của vương quốc ta và cũng vậy trong các nước láng giềng, như các nước Cholas, Pandyas, Satyaputra, Keralaputra. Trên đảo Tambapanni (Lanka), trong vương quốc của vua Hy Lạp Antiochus, và cả trong vương quốc láng giềng của vưong quốc của Antiochus. Tại khắp mọi nơi, ta đã cho dựng lên hai loại nhà thương, nhà thương cho người và nhà thương cho súc vật.”
Copleston, trong cuốn Ðạo Phật nguyên thủy và hiện đại (Buddhism Primitive and Present) thừa nhận rằng “Công lao xây dựng những nhà thương đầu tiên chắc chắn là thuộc về đạo Phật” . Nhưng cần nói thêm là ngoài những nhà thương đầu tiên cho người, Ashoka còn cho xây dựng những nhà thương cho súc vật nữa! Chúng ta biết nhà thương sớm nhất do người Tây phương xây dựng là nhà thương Diu ở Paris (Pháp) vào thế kỷ thứ VII TL, nghĩa là khoảng 1.000 năm sau các nhà thương của Ashoka!
Lòng thương yêu của Ashoka đối với loài vật thật là có một không hai. Dụ đầu tiên trong số 14 Dụ trên đá viết:
“Ở đây không một súc vật nào được giết và hiến tế.”
Trước đây, trong bếp nhà vua, mỗi ngày, hàng trăm súc vật bị giết thịt để làm món càri. Nhưng từ nay, sau khi đạo dụ thành tín này được khắc trên đá, thì chỉ còn đưọc giết thịt hai con công và một con nai mỗi ngày, nhưng đối với con nai thì không thường xuyên. Nhưng từ nay trở đi thì cả ba súcvật đó cũng sẽ không bị giết thịt.
Trong Dụ thứ 5 trên trụ đá, Ashoka viết:
“Ngay cả rơm rạ, nếu có sinh vật ở trong đó, cũng không bị đốt.
Rừng cũng không được đốt, hoặc vì sai lầm, hoặc là vì hung bạo và tàn ác đối với sinh vật. Không được nuôi sinh vật bằng sinh vật.”
Dụ thứ hai trên đá cho biết, chính những Phật tử đã xây đựng những nhà thương đầu tiên ở Châu Phi và Châu âu.
Nhà thương cho các súc vật là sáng tạo riêng có của đạo Phật. Các nhà thương súc vật hiện còn ở Ahmedabad, Surat và trong nhiều thành phố khác ở Ấn Ðộ là những tổ chức còn lại, hay là được xây theo mô hình của những nhà thương súc vật dưới triều đại Ashoka.
Theo bác sĩ Cumsron, tác giả cuốn Lịch sử y học, thì nhà thương súc vật hiện còn ở Surat chính do Ashoka đầu tiên xây dựng nên.
Về nhà thương đó, trong cuốn Quang cảnh xứ Ấn Ðộ, Hamilton viết như sau:
Theo bác sĩ Cumsron, tác giả cuốn Lịch sử y học, thì nhà thương súc vật hiện còn ở Surat chính do Ashoka đầu tiên xây dựng nên.
Về nhà thương đó, trong cuốn Quang cảnh xứ Ấn Ðộ, Hamilton viết như sau:
“Tổ chức đáng được chú ý nhất ở Surat là nhà thương Cây Ða (Banyan Hospital). Ðó là một cái sân rộng, xung quanh có tường cao bao bọc, và được chia thành những sân nhỏ tiện nghi đối với súc vật. Súc vật ốm được chăm sóc rất chu đáo ở đây, và nếu già yếu tàn tật, thì đây cũng là nơi an dưỡng thật tốt cho chúng. Nếu một con vật bị què chân, hay là bị thương tật, thì chủ nó đem nó đến nhà thương và nó sẽ được chăm sóc rất chu đáo, không phân biệt chủ nó thuộc quốc tịch hay đẳng cấp nào. Năm 1772, nhà thương đó chữa bệnh cho ngựa, lừa, bò cái, cừu, dê, khỉ, gà, vịt, bồ câu và rất nhiều loại chim. Kể cả một con rùa già, nghe nói đã an dưỡng ở đây từ 75 năm nay.”
Cựu Thủ tướng Ấn Ðộ Nerhu nói rằng: “Chính gương sáng của Ashoka và sự truyền bá của đạo phật đã khiến cho tập quán ăn chay trở thành phổ biến trong dân chúng Ấn Ðộ.”
Yêu quý con người, cỏ cây và loài vật tức là thương yêu và trân trọng sự sống, bất cứ sự sống đó biểu hiện dưới dạng gì, đó là đặc điểm riêng có của đạo Phật mà vua Ashoka đã thể hiện một cách sinh động và có hiệu quả không những trong vương quốc của vua, mà còn trong các vương quốc khác nữa, gần và xa, cả ở Châu Âu và Châu Phi. Ðiều này nói lên uy tín lớn lao của vua Ashoka, sức thuyết phục của chính sách hòa bình và thành tín của vua đối với các vương quốc khác, các vị vua khác.
Thi hành một chính sách như vậy, Ashoka đã thực hiện đúng theo những lời khuyên của chính Ðức Phật, khi Ngài tại thế, trong kinh Cakkavatti Sihananda Suttta (Kinh Chuyển Luân Vương).
Ðúng như vậy, lý tưởng mà Ashoka theo đuổi suốt đời mình là “Ðảm bảo hạnh phúc vật chất và tâm linh cho toàn thế giới, bao gồm cả người và súc vật và các sinh vật khác, không những trong vương quốc của nhà vua, mà trong cả thế giới mà vua được biết hay là có quan hệ.” (Giáo sư Bhanhrkar).
Tiến sĩ Bhanhrakar cho biết rằng “Ashoka đã sử dụng sứ quán của nước mình tại triều đình các vua Hy Lạp đương thời để phổ biến chánh pháp của Phật, phổ biến chính sách cai trị nhân đạo của mình, cũng giống như vua sử dụng các quan chức của mình để làm công việc đó ở trong nước...”. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên rằng đạo Phật đã ảnh hưởng tới đạo Gia Tô không những trên bình diện lễ nghi bên ngoài, mà cả trên bình diện lý thuyết và đạo đức nữa.
Tiến sĩ Bhanhrakar cho biết rằng “Ashoka đã sử dụng sứ quán của nước mình tại triều đình các vua Hy Lạp đương thời để phổ biến chánh pháp của Phật, phổ biến chính sách cai trị nhân đạo của mình, cũng giống như vua sử dụng các quan chức của mình để làm công việc đó ở trong nước...”. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên rằng đạo Phật đã ảnh hưởng tới đạo Gia Tô không những trên bình diện lễ nghi bên ngoài, mà cả trên bình diện lý thuyết và đạo đức nữa.
Dụ thứ 13 trên đá cho biết Ashoka đã từ bỏ chiến tranh theo chính sách hòa bình trong thời điểm và hoàn cảnh như thế nào.
“Khi vua Piyadasi, được các thần linh yêu mến, lên ngôi cách đây 6 năm, vua đã chinh phục vương quốc Kalinga, có đến 150 ngàn người bị tù đày, 100 ngàn người bị giết, và một số lớn hơn nữa bị chết sau đó. Nay vương quốc Kalinga đã bị chinh phục rồi, trong lòng vua sinh ra mối quan tâm đối với tôn giáo, lòng quí mến tôn giáo, muốn giải quyết vấn đề tôn giáo. Và vua hối hận về cuộc chinh phục vương quốc Kalinga. Trái lại, cuộc chinh phục bằng tôn giáo mà hiện nay vua đang tiến hành, đem lại cho vua một sự thỏa mãn rất lón. Nhưng sự thỏa mãn đó vẫn không đáng kể. Vì vua cho rằng, chỉ sự thưởng phạt ở kiếp sống sau mới quan trọng hơn.”
“Ðạo dụ về tôn giáo này được ghi lại bằng chữ viết, nhằm mục đích sau này để cho cháu chắt ta sẽ không bao giờ tiến hành một cuộc chinh phục quân sự nào nữa. Và nếu một cuộc chinh phục quân sự là cần thiết, thì cháu chắt ta phải tỏ ra có lòng từ ái, rộng lượng, chỉ trừng phạt nhẹ, và phải thấy cuộc chinh phục tôn giáo là cuộc chinh phục chân chính. Cuộc chinh phục tôn giáo đem lại kết quả tốt trong kiếp sống này và trong các kiếp sống sau. Chúng ta phải có niềm vui hỗ trợ cho tôn giáo. Bởi vì tôn giáo đem lại kết quả tốt trong kiếp sống hiện nay và trong kiếp sống sau này”...
Dụ này còn cho biết Ashoka tin ở thuyết tái sinh, là một trong những chủ thuyết của triết lý đạo Phật.
Từ nay, Ashoka trở thành một Phật tử thuần thành. Trong Dụ đá Virata nổi tiếng (hiện nay được giữ lại trong Viện Bảo tàng Calcutta), Ashoka viết:
Từ nay, Ashoka trở thành một Phật tử thuần thành. Trong Dụ đá Virata nổi tiếng (hiện nay được giữ lại trong Viện Bảo tàng Calcutta), Ashoka viết:
“Hỡi các vị Thượng thủ tôn quý, các vị đã biết lòng quý trọng, lòng tin tưởng của tôi đối với Phật, Pháp, Tăng lớn lao đến dường nào!
Thưa các vị Thượng thủ quý mến, mọi điều do Phật, đấng chí tôn nói đều hay đẹp cả...”
Vua muốn đích thân nêu gương sáng cuộc sống đạo hạnh của vua cho mọi người noi theo. Trong Dụ trên trụ đá thứ VII, Ashoka viết:
“Tôi có làm bất cứ một công việc thiện lành nào, thì dân chúng noi theo gương tôi cũng làm và sẽ làm mọi công việc thiện lành như vậy.
Và dân chúng sẽ lớn lên với những đức tính vâng lời cha mẹ, vâng lời thầy giáo, tôn trọng bậc lớn tuổi, tôn trọng và có thái độ đúng đắn đối với các bậc Thánh, đối đãi thân ái với những người nghèo và bệnh tật”.
Các Dụ đá của Ashoka nói chung, không chứa đựng những giáo nghĩa cao siêu gì, mà chủ yếu là những lời khuyến cáo có tính chất đạo đức: Tình thương người và súc vật, lòng bao dung đối với mọi tín ngưỡng, không phải chỉ tín ngưỡng Phật giáo... Tuy nhiên, trong Dụ Bhabra, có thể được công bố vào năm thứ 13 của triều đại Ashoka, vua có khuyến cáo Tăng chúng nên nghiên cứu một số đoạn kinh Phật, mà chúng ta có thể nhận biết như là một phần của Kinh tạng Pàli:
“Vua Magadha gởi lời chào Tăng chúng, chúc Tăng chúng đưọc an lạc và sức khỏe.
Các Ðại Đức kính mến, các Ðại đức đã biết rõ lòng kính trọng và lòng tin của tôi đối với Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng là sâu rộng đến dường nào.
Thưa các Ðại Đức, Thế Tôn nói mọi lời đều hay.
Thế nhưng, thưa các Ðại Đức, theo quan niệm của riêng tôi, thì có thể chỉ ra một số văn kiện đặc biệt:
1. Ðề cao giới luật.
2. Hành trạng của các bậc Thánh vĩ đại.
3. Nỗi lo sợ điều có thể xảy ra.
4. Bài ca của người ẩn sĩ.
5. Ðàm thoại về cuộc sống của người ẩn sĩ .
6. Câu hỏi của Upatishya.
7. Thuyết pháp cho Rahula đề tài tà kiến.
Tôi mong rằng đông đảo Tăng Ni sẽ thường được nghe và suy tư trên những bài kinh đó. Cả những cư sĩ cũng như vậy, nam cũng như nữ.
Vì lẽ đó, tôi cho ghi lại lời nói của tôi, để dân chúng biết rõ tôi có ý định như thế nào.”
Dụ trên được ghi bằng tiếng Magadhi.
- Văn kiện 1 “Ðề cao giới luật” chính là giới bổn Patimokka, - Văn kiện 3 “Mối lo sợ điều có thể xảy ra” rút trong kinh Pancaka Nipata thuộc Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ kinh, cuốn III).
- Văn kiện “Ðàm thoại về cuộc sống của người ẩn sĩ”, nói tới cuộc sống không còn dục vọng, cuộc sống trong đó cả ba nghiệp thân, khẩu, ý đều được bình lặng.
- Upatisya hay Upatissa là Xá Lợi Phất hay Sariputta, một trong những đệ tử lớn nổi danh của Phật. Ðức Phật trả lời Tôn giả Xá Lợi Phất về những nguy cơ đe dọa người tu hành.
- Bài thuyết pháp cho Rahula (La Hầu La) có trong Trung Bộ kinh I, tr.414-420, bản Anh ngữ.
Trong một Dụ khác, Dụ Sarnath, ông có giọng nói không phải của một Phật tử bình thường, mà là của một vị lãnh đạo giáo hội.
Trong Dụ, ông viết:
Trong Dụ, ông viết:
“Vâng, đúng như vậy, ngay cả đối với tôi tớ và nông dân, cũng phải cư xử như vậy.
Sự tiến bộ của dân chúng trong chánh pháp được thực hiện bằng hai con đường, bằng nghe thuyết giảng chánh pháp, và bằng suy tư nội tâm.
Trong hai biện pháp đó, thì biện pháp suy tư nội tâm cao cấp hơn nhiều. Hiệu quả siêu việt của biện pháp suy tư nội tâm được thể hiện trong sự tăng trưởng lòng tin đạo của dân chúng, và trong việc hoàn toàn chấm dứt tệ giết hại sinh vật.
Tôi sẽ sử dụng các vị Tăng quan (Dharmamahamatras) để bày tỏ mối quan tâm của nhà vua đối với các vị tu khổ hạnh cũng như các vị tu tại gia, đối với tất cả mọi tín đồ các tôn giáo. Tôi cũng dùng họ để đảm bảo cuộc sống hạnh phúc an lạc của Tăng già. Tôi cũng dùng họ với mục đích như vậy đối với Bà la môn, các vị tu khổ hạnh phái Ajivikas, phái Nighantas, trên thực tế tức là đối với tất cả mọi tu phái.
Họ và các quan chức chủ yếu khác được giao nhiệm vụ phân phối vật phẩm cúng dường của vua và các hoàng hậu, và ngay tại triều, ở đây, tại kinh đô cũng như tại các tỉnh, các quan chức nói trên sẽ thực hành các biện pháp khác nhau, những biện pháp sùng tín đạo giáo và bố thí đem lại niềm an lạc.
Tôi cũng thu xếp để cho các quan chức đó giúp việc phân phối vật phẩm cúng dường của con cái tôi, của các hoàng tử và công chúa khác. Vâng, họ sẽ được dùng để thúc đẩy mọi công việc thiện lành theo chánh pháp, để thúc đẩy việc thực hành chánh pháp.
Họ có chức trách thiêng liêng lo lắng để cho trong dân chúng có được sự tăng trưỏng lòng nhân từ, tính trung thực, lòng rộng lượng, trong sạch, từ hòa, thánh hạnh...
Chính nhằm mục đích ấy mà đạo Dụ này được khắc lên đá, bền lâu như mặt trời và mặt trăng để cho con cái, cháu chắt tôi, mọi ngưòi nối dõi tôi sẽ theo đúng chánh pháp.
Bởi vì những người theo đúng chánh pháp sẽ được hưởng hạnh phúc trong đời này và cả trong những đời sau”.
Dụ thứ 4 viết:
“Nay do tôi thực hành chánh pháp, tiếng trống trận của chiến tranh không còn vang lên nữa, mà thay vào là tiếng trống của chánh pháp.”
Sau trận chiến thắng Kalinga, Ashoka đã vô cùng hối hận và long trọng tuyên bố từ nay sẽ loại bỏ chiến tranh trong chính sách của vương quốc mình, và thay vào đó, dùng chánh pháp, dùng Phật pháp để chinh phục lòng người. Mà chánh pháp, đúng như Ashoka hiểu, tức là sự quan tâm đến đời sống vật chất và tâm linh của tất cả mọi dân chúng, sự quan tâm đến đời sống của mọi loài.
“Trong tất cả mọi lúc, mọi nơi, tôi đều quan tâm đến tình hình và công việc của toàn dân.
Dù đang khi ăn, dù là ở trong phòng của hoàng hậu, trong phòng ngủ của tôi, nơi đồng ruộng, trong xe hay trong hoa viên, khắp mọi nơi, các quan chức phải báo cáo cho tôi biết mọi công việc của dân chúng, và tôi lúc nào cũng sẵn sàng giải quyết công việc của dân chúng ở khắp mọi nơi.
Tôi đã ra lệnh mọi công việc của dân chúng phải được báo cáo cho tôi biết, ở khắp mọi nơi, bất cứ vào giờ nào.
Vì rằng tôi không bao giờ thỏa mãn về sự cố gắng của bản thân tôi. Ðúng như vậy, bổn phận cao nhất của tôi là đảm bảo cho toàn đất nước được hạnh phúc và an lạc Không còn chức trách nào cao quí hơn là đảm bảo hạnh phúc cho toàn dân.
Và nếu tôi có cố gắng hết sức mình: thì cũng là nhằm mục đích trả món nợ của tôi đối với tất cả moi chúng sinh, đảm bảo cho mọi loài được hưởng hạnh phúc trong đời sống này và hạnh phúc của cõi trời trong kiếp sống tương lai.
Chính nhằm mục đích ấy mà tôi cho khắc lời Dụ này trên đá, để cho chánh pháp mãi mãi lưu tồn, để cho con cái và cháu chắt tôi có thể thực hành theo chánh pháp, vì hạnh phúc và an lạc cho toàn đất nước.
Nhưng đó là một mục đích khó thành tựu được, trừ phi là có cố gắng hết sức, hết lòng mình”.
Dụ trên cho thấy Ashoka quan niệm chức trách, bổn phận của một ông vua Phật tử phải như thế nào, cho thấy một vị vua Phật tử, trước hết, phải toàn tâm toàn ý phục vụ cho hạnh phúc và an lạc của toàn dân như thế nào.
Dụ Maski (địa danh nơi tìm ra Dụ đá) viết:
“Thật sự như vậy, từ nay trở đi, tôi phải lo lắng, đảm bảo cho hạnh phúc vật chất và tâm linh cho toàn đất nước. Noi theo con đường hòa bình, tôi sẽ dắt dẫn toàn thế giới từ bỏ dục vọng đến với hòa bình.
Từ ngày tôi gặp được Tăng chúng, tự tôi, tôi đã gắng sức rất nhiều.
Hậu quả tốt của sự cố gắng không phải chỉ dành riêng cho các vĩ nhân. Nếu anh ta muốn: thì người bình thường cũng có thể gắng sức mà vươn tới được cõi trời hạnh phúc và an lạc.
Chính vì mục đích ấy mà những lời này được công bố. Tất cả mọi người, lớn cũng như bé, hãy cố gắng hết sức mình.”
Dụ Maski trên đây cho thấy Ashoka coi trọng và thực hành đức hạnh tinh tấn, siêng năng như thế nào. Một ông vua Phật tử phải là một ông vua hết sức tích cực và chủ động giải quyết mọi việc có ích lợi cho dân chúng trên cả hai mặt vật chất và tâm linh, tinh thần. Ashoka quan niệm như thế nào là con đường hạnh phúc và an lạc. Dụ trên viết tiếp:
“Phải biết vâng lời cha mẹ. Cũng như vậy, các thầy giáo và mọi người xứng đáng phải được tôn kính. Phải thương yêu mọi loài vật. Phải nói sự thật.
Ðó là những đức tính cao cả cần được thực hành và đề cao.
Cũng như vậy, học trò phải phục vụ thầy dạy, mọi người quan hệ với nhau phải nhã nhặn và lịch sự.
Ðó là tín điều chân chính và cổ xưa, tín điều ấy sẽ giúp sống thọ.
Vì vậy dân chúng hãy hành động theo đúng tín điều này”.
Các học giả phương Tây đánh giá cao các Dụ đá của Ashoka
Các Dụ đá của Ashoka được tất cả mọi học giả phương Tây đánh giá cao. Robert Blatchford trong cuốn “Thượng đế và người láng giềng của tôi” (God and My Neighbor) đã viết rằng:
“... Jesus và các Cha của nhà thờ chưa từng bao giờ cấm chế độ nô lệ, chưa từng bao giờ cấm tệ kỳ thị tôn giáo, cấm thái độ tàn ác đối với loài vật.
Còn đạo Phật trên thực tiễn đã xóa bỏ nô lệ chế và tệ khủng bố tôn giáo, dạy đức hạnh tiết độ, cuộc sống trong sạch và lòng nhân hậu, và xây dựng được nền đạo đức cao cấp hơn, đề cao tư tưởng toàn nhân loại đều là anh em.
Các Phật tử đã thực hành và truyền bá một tôn giáo nhân bản, một tình huynh đệ bao quát toàn loài người trước kỷ nguyên của Jesus. Mà không phải chỉ giảng thuyết mà còn thực hành, đó là điều mà những người đạo Gia Tô không bao giờ thành tựu được, trước kia cũng như hiện nay.
Và hơn nữa, các Phật tử không truyền bá nhân hậu và huynh đệ của họ bằng gươm giáo, cùm tra tấn, đinh đóng tay, củi thiêu người. Các Phật tử đã giải phóng người nô lệ và mở rộng lòng thương của họ, bao trùm cả loài vật.
Ðạo đức của người Phật tử không ghi lại trong sách. Nó được ghi trên đá. Không có một lý lẽ nào có thể xóa bỏ các Dụ đá của vua Ashoka...”
Về các phái đoàn truyền giáo dưới thời vua Ashoka
Dưới thời Ashoka, các phái đoàn truyền giáo được gởi đến Hy Lạp, Trung á, Sri Lanka và các xứ mang tên gọi chung là Suvannabumi (nay là bán đảo Ðông Dương).
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dòng chữ khắc trên đá: Supurisasa Moggaliputtatissa. Sapurisasa là con người thiện, con người lành. Moggaliputtabssa là vị A la hán dưới thời vua Ashoka đã lănh đạo kỳ Ðại hội kết tập kinh tạng lần thứ ba. Và sau Ðại hội này, nhiều phái đoàn truyền giáo của vua Ashoka được phái đến các nước ngoài.
Cuốn Mahavamsa, tập biên niên sử của Sri Lanka, cho biết sau cuộc Ðại hội kiết tập lần thứ ba, bốn vị A la hán cùng với Maijhima Thera được phái đến vùng núi Himalaya để truyền giáo. Nhưng đến lúc sắp nhập Niết bàn thì cả bốn vị này cùng với vị trưởng đoàn trở về xứ sở quê hương của họ. Trong hai hộp đựng xá lợi tìm thấy ở bảo tháp Sanchi, có khắc tên hai vị: Kassapagotta, vị đạo sư của vùng Himalaya và Majjhimagotta. Majjhima Thera chính là vị trưởng đoàn truyền giáo vùng Himalaya.
Ðoàn truyền giáo đi Sri Lanka cũng để lại nhiều dấu vết quan trọng. Ðoàn gồm bốn vị cao tăng Itthiya, Utthiya, Baddhiya, Sambala và vị trưởng đoàn A la hán Mahinda. Dòng chữ khắc được phát hiện thấy tại vùng Rohana, vùng phía Nam Sri Lanka, ở nơi mang tên Rajagala , có dòng chữ khắc trên đá bằng chữ Brahmi, cột đá dài tới 18 feet. Có chữ dài tới 1 foot(1): “Ye ima dipa patamaya idiya agatana ulika (Terana) hide teraha tube”. Nghĩa: “Ðây là bảo tháp, chứa xá lợi của các Thượng tọa Itthiya và Mahinda đã đến đảo này bằng phép thần thông”.
Hai cuốn sử biên niên Mahavamsa và Dipavamsa viết về Mahinda: “Ngài đến trên không bằng phép thần thông”. Tất nhiên đối với các bậc A la hán, bay trên không là chuyện dễ dàng.
Nhưng Paranavitana, một trong những nhà khảo cổ học lớn nhẩt của Sri Lanka, lại giải nghĩa đoạn câu: “Idiya Agatana” là “đến đây, vì sự an lạc của những người dân Sri Lanka”. Có lẽ vì ông cho rằng bấy giờ, ít người tin ở các phép thần thông, nhưng ở một đoạn sau, ông viểt thêm “Nhưng có sự giống nhau phần nào giữa điều tôi nói ở đây với câu trong tập Mahavamsa: “Thượng tọa Mahinda đã bay trên không từ xứ Vidisa đến”. Ðược biết sau khi Mahinda tịch, xá lợi của ngài được chia cho nhiều nơi để cho nhân dân Sri Lanka xây bảo tháp cúng dường. Bảo tháp đựng xá lợi của Mahinda được tìm thấy tại một nơi cách hàng trăm dặm nơi hỏa táng ngài tại Anuradhapura.
Mahintale là nơi Mahinda trú ngụ lâu dài. Giáo sư Paranavitana nói rằng hộp xá lợi phát hiện ở đây chắc chắn cũng là một hộp xá lợi của Mahinda. Vua Ashoka và vua Tissa ở Sri Lanka, người đồng thời với Ashoka là bạn thân. Vua Tissa gởi biếu Ashoka nhiều quà tặng, toàn là châu báu và ngọc quý. Theo yêu cầu của Ashoka, vua Tissa thực hành một lễ đăng quang lần thứ hai với tên Devanampiya, nghĩa là thân thiết đối với Thần linh. Cần nhắc rằng các vua Ấn Ðộ triều đại Maurya cũng có cùng một danh xưng đó. Từ vua Devanampiya trở đi, trong hàng nhiều thế kỷ, các vua Sri Lanka đều theo danh xưng như vậy. Danh xưng này là một bằng cớ về sự du nhập sớm của đạo Phật vào đất nước Sri Lanka. Một bằng cớ nữa là cây Maha Bodhi (cây Bồ đề) ởAnuradhapura là một nhánh của cây Bồ đề tại Maha Bodhi Gaya bên Ấn Ðộ (Bồ Ðề đạo tràng).
Giáo sư Paranavitana, khi phân tích bia đá ở Rajagala đã khẳng định là bia đá còn mang tên vị cao tăng Itthiya Thera, cùng đi với Mahinda sang Sri Lanka.
Sri Lanka hiện nay là trung tâm của Phật giáo Theravada, phổ biến tại các nước Ðông Nam Á. Mahinda - người đâu vào xứ này, vốn là một đệ tử của cao tăng Moggaliputtatissa, thầy học của Ashoka đồng thời là vị lãnh đạo cuộc Ðại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba. Ông là người biên soạn bộ luận nồi tiếng Kathavatthu, là nòng cốt của Luận tạng (Abhidharma Pitaka), được kiết tập ở kỳ Ðại hội này.
Các bia đá khắc bằng chữ Brahmi cho biết đạo Phật vào thời kỳ này được tất cả mọi tầng lớp xã hội Sri Lanka nhiệt liệt đón chào và tiếp thu. Các quan chức lớn trong triều gọi là Upasikas và Upasakas, tức Upasikas và Upasakas, Hán dịch âm là ưu bà di và ưu bà tắc, nghĩa là những Phật tử tại gia nữ và nam. Hoàng hậu Anuda xuât gia và trở thành người lãnh đạo Ni giới của Sri Lanka.
Cho đến nay đã phát hiện thấy có khoảng 1.200 bia đá khắc chữ Brahmi, kể lại các sự kiện xảy ra ở Sri Lanka trong thời gian từ thế kỷ IV trước TL đến thế kỷ I TL. Nội dung các bia đó đã được địch ra và xuất bản. Chữ Brahmi tương tự như thứ chữ khắc trên các bia và trụ đá của vua Ashoka. Các bia đá đó kể về lịch sử du nhập và truyền bá đạo Phật ở Sri Lanka.
Lúc bấy giờ, Sri Lanka đã có hai dân tộc là dân tộc Sinhalese và dân tộc Tamil. Dân tộc Tamil từ lục địa Ấn Ðộ di cư qua đây từ lâu đời. Họ tiếp thu đạo Phật và sống yên ổn với dân tộc Sinhalese bản xứ. Các Phật tử người Tamil cũng cúng dường cho Giáo hội nhiều quà tặng. Các kỷ vật của họ thường kèm theo các dòng chữ khắc: “Damida Upasaka”, “Damada Gahapathi”, nghĩa là “của ưu bà tắc người Tamil...”. Ðạo Phật du nhập đến đâu cũng trở thành một nhân tố đoàn kết mạnh mẽ ở đấy.
Về 5 vị vua Hy Lạp có ghi tên trên bia đá của Ashoka
Tên của 5 vị vua Hy Lạp ghi trên Dụ đá thứ 13 là:
1. Antiochos ở Xi-ri.
2. Ptolemy Philadelphos ở Ai Cập
3. Atigonos Gonatas ở Ma xê đoan.
4. Magas ở Cyrène.
5. Alexandre ở Epire.
Antiochos Theos là cháu của Seleuceus, biệt hiệu Nikator, nghĩa là người chiến thắng, vì Seleuceus đánh thắng nhiều trận và lập ra vương quốc Xi-ri. Là bộ tướng của Alexandre đại đế, Seleuceus đã nổi bật lên trong chiến dịch xâm lăng Ấn Ðộ. Sau khi Alexandre đại đế qua đời, Seleuceus một lần nữa vượt sông lndus, đánh quân đội của Chandragupta, là ông nội của Ashoka. Nhưng Seleuceus thua trận, phải ký hòa ước với Chandragupta, gả con gái cho Chandragupta và nhường cho ông này các tỉnh Aria, Arachosia, Paropanisadai và Credosia.
Nhưng Seleuceus vẫn còn trị vì trên một vương quốc rộng lớn, tàn dư của đế quốc của Alexandre đại đế. Tương truyền, ông ta đã xây dựng 75 thành phố tại vương quốc của ông. Kế vị Seleuceus là con trai ông, Antiochos Soter mà vương quốc kéo dài từ bờ biển Bosphore và bờ Tây của Tiểu Á đến Indus và từ Xi-ri đến các dãy núi Jaxartes và Pamir. Antiochos Soter mất năm 261 trước TL, để lại ngôi cho con là Antiochos II, được người Milesians suy tôn là Theos vì ông đã có công giải phóng họ khỏi nạn áp bức của Timarchus, một bạo chúa. Vị vua Hy Lạp được ghi tên trong Dụ đá thứ 13 của Ashoka chính là Antiochos này. Triều đại Antiochos không được yên, vì phải chiến tranh liên tục với người Hy Lạp, và ông ta cũng bị mất nhiều đất đai. Nhưng Ashoka, vị hoàng đế hùng mạnh nhất thời bấy giờ, đã giúp đỡ ông, và cho xây dựng nhiều nhà thương cho người và sức vật tại vương quốc của ông.
Những phát hiện khảo cổ học gần đây cho biết các đoàn truyền giáo của Ashoka đã đến tận Ai Cập, Iran và Palestine (theo Robert Blatchford trong God and my Neighbour). Sự kiện này nói rõ “nguồn gốc Phật giáo” của đạo Gia Tô. Như Blatchford viết: “Con đường truyền bá của đạo Phật đã được theo dõi từng bước một từ Ấn Ðộ đến Jerusalem”. Kinh sách Phật được tìm thấy nhiều trên đất đai thuộc đế quốc Parthian (Ba Tư cũ), một đế quốc lớn nằm giữa Ấn Ðộ và Palestine. Bactria và Ðông bộ của đế quốc Parthian đầy dẫy chùa chiền Phật giáo và người ta tìm thấy các đồng tiền đúc, mang hình ảnh Phật với chữ khắc Hy Lạp.
Tên vua Ptolemy trên Dụ dá của Ashoka là Ptolemy Philadelphos, con của Ptolemy Soter và hoàng hậu Berenice. Ptolemy Philadelphos lên ngôi năm 285 trước TL. Ông đã tham chiến liên miên với Antiochos II. Chiến tranh chỉ chấm dứt vào cuối triều đại ông bằng một hiệp ước hòa bình. Ông gả con gái cho Antiochos Thera. Euclid, nhà toán học nổi danh đã sống dưới thời vua Ptolem này. Vương quốc của Ptolemy gồm có ngoài Ai Cập ra, một bộ phận của Ethiopia, Libya và Arabia, còn có một số các tỉnh ở Xi-ri, cùng với một số các đảo như Cyrus, Lycia, Caria và Cyclades.
Lịch sử cho biết chính các đoàn truyền giáo của Ashoka đã đem lại cho Ai Cập và Châu Âu mô hình lý tưởng của cuộc sống khổ hạnh. V M.Flinders viết trong cuốn “Tôn giáo của Ai Cập cổ đại”:
“Lịch sử chứng minh rằng, Ai Cập và Châu Âu đã học được ở các đoàn truyền giáo của Ashoka lý tưởng của đời sống khổ hạ nh....
Nếp sống khổ hạnh của những người ẩn sĩ được thiết lập dưới thời vua Ptolemy và các tu sĩ ở đây chứng minh có một lý tưởng sống mà lúc bấy giờ phương Tây chưa từng biết tới”.
E.B.Hawell trong cuốn “Lịch sử của nền thống trị Aryan” đã viết: “Có thừa lý lẽ để chứng minh rằng các đoàn truyền giáo của Ashoka đã chuẩn bị môi trường từ đó nảy sinh ra Gia Tô giáo và Hồi giáo sau này”.
Giáo sư T.W.Rhys Dvids nói thêm: “Không phải quá lời khi nói rằng toàn bộ những lời dạy đạo đức trong Phúc âm, nếu không kể các đoạn có tính chất giáo điều đều đã tồn tại trong kinh sách Phật, xưa hơn sách Phúc âm hàng nhiều thế kỷ. Thí dụ những chủ thuyết đạo đức tổng hợp lại trong bài “Thuyết giảng trên núi”, tất cả những gì không dính dáng tới tín điều thần quyền, đều đã có trong ba tạng kinh điển của Phật giáo cả rồi”.
Vượt qua Ai Cập, các sứ giả của Ashoka lập các nhà thương cho người và súc vật cũng như các công trình công lợi khác tại xứ Cyrenaique, do vua Magas trị vì, vua này là “anh em cột chèo” với Ptolemy Philadelphos. Ptolemy cưới con gái của Antiochos Theos, và có con gái cũng đặt tên là Berenice.
Hai vị vua Hy Lạp còn lại, được ghi tên trên Dụ đá số 13 là Antigonos Gonatas và Alexandre II. Gonatas là cháu nội của một trong các vị tướng của Alexandre đại đế. Ông trị vì ở xứ Ma-xê-đoan, nguyên trước đây là vương quốc của Phi-líp, cha đẻ ra Alexandre đại đế. Các sứ giả của Ashoka cũng dựng ra ở đây những nhà thương cho người và súc vật.
Alexandre II là vua xứ Epire. Con trai của Pyrrhus và Lanassa, ông ta lên ngôi năm 272 trước TL, ông chiến tranh với Antigonos Gonatas và đánh đuổi Gonatas ra khỏi Ma-xê-đoan. Xứ Epire cũ hiện nay là miền Nam của Albania. Epire từ Hy Lạp nghĩa là “Lục địa” , lúc bấy giờ chỉ cho toàn bộ bờ biển phía Tây, phía Bắc của vịnh Corinthe. Theo Aristotle, Epire là xứ sở đầu tiên của dân Hellènes tức người Hy Lạp. Homere dùng địa danh Epire để chỉ toàn bộ bờ biển phía Tây của Hy Lạp. Epire phía Bắc giáp Illyria và Ma-xê-đoan, phía Ðông giáp Thessalia, phía Nam giáp vịnh Ambracian, phía Tây giáp biển Ionian. Các tù trưởng bộ tộc Molossians, cuối cùng thống trị toàn xứ Epire, tự xưng là con cháu của Achille, đã đánh chiếm thành Troy và truyền ngôi vua cho Molossus, là người con trưởng trong số ba người con của Achille, vợ là Andromaque, một nữ nhân vật nổi tiếng đức hạnh trong bản anh hùng ca Illiad.
Lý tưởng của Ashoka đã thúc đẩy Ashoka làm nên sự nghiệp vĩ đại nhât là “lo lắng cho hạnh phúc vật chất và tâm linh của toàn thế giới, bao gồm không những người mà cả súc vật và nhũng loài vật khác, không những trong vương quốc mình, mà cả trong toàn thế giới, mà ông được biết hay là có quan hệ”.
Theo THƯ VIỆN HOA SEN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét