Gần 1000 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp

* Lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 khoản lệ phí và 937 khoản phí

Nhấn mạnh về điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: “Không ai, cơ quan nào có quyền đẻ thêm các khoản phí, lệ phí khi chưa được Quốc hội cho phép. Việc thu phí, lệ phí phải được quy định cụ thể, minh bạch ngay trong Luật vì nó tác động trực tiếp đến quyền con người đã được quy định trong Hiến pháp”.

Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hôm qua (10/8), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, phiên họp có nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, QH khóa XIII.
Theo đó, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến 17 dự án luật và 1 dự án pháp lệnh. Đây là các luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013.

Tránh lạm thu tạo gánh nặng cho người dân

Ngay trong phiên khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật phí, lệ phí. Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm về phí, lệ phí và giá dịch vụ, đảm bảo rõ ràng, minh bạch, làm căn cứ phân loại Danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ được chính xác.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp, cho hay: Hiện có hai ý kiến lớn, khác nhau của dự án Luật phí, lệ phí. Một, quan điểm của cơ quan soạn thảo đề nghị chỉ đưa vào Luật các nhóm danh mục phí và lệ phí. Hai, quan điểm của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cho rằng: Phải đưa danh mục từng loại phí, lệ phí cụ thể được quy định ngay trong Luật. Bởi điều này nó ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân được quy định trong Hiến pháp.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, về bản chất, phí, lệ phí và giá dịch vụ là khác nhau. Giá dịch vụ là quan hệ cung cầu, mang tính ngang giá và tính đến lợi nhuận của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước đầu tư, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Phí là khoản thu của Nhà nước khi thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho người dân, mang tính bù đắp chi phí bỏ ra khi Nhà nước cung cấp dịch vụ. Lệ phí là khoản thu có tính chất bắt buộc, thông qua hoạt động quản lý Nhà nước.
Để phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo quyền và nghĩa vụ công dân, đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng lạm thu tạo gánh nặng cho người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị Chính phủ cần quy định danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn đến từng loại phí, lệ phí ngay trong Luật.
Về những đề nghị này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, nếu đưa toàn bộ danh mục phí, lệ phí vào trong Luật sẽ không khả thi vì nó có hàng trăm loại khác nhau. Ông Dũng tiếp tục đề nghị trong Luật chỉ đưa ra danh mục từng nhóm phí, lệ phí rồi giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong hướng dẫn thi hành Luật hoặc bằng các Nghị định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng viện dẫn ra các loại phí và lệ phí trong lĩnh vực nông nghiệp để cho thấy nó quá nhiều và rất lớn. Ông nói: Ngày 29/5/2015, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực thú y và hiện Bộ Tài chính đã ban hành để bãi bỏ đi những khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Bộ NN-PTNT. Tuy vậy, sau rà soát, bãi bỏ đến nay lĩnh vực thú y vẫn còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngoài lĩnh vực thú y, ngành nông nghiệp còn nhiều khoản phí, lệ phí khác, chiếm số lượng rất lớn, nếu đưa hết vào Luật khó khả thi. Ông Dũng kể: Lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn 16 khoản lệ phí, 95 khoản phí. Lĩnh vực quản lý chất lượng nuôi trồng thủy sản gồm 70 khoản lệ phí, 183 khoản phí. Lĩnh vực chăn nuôi 16 khoản lệ phí, 1 khoản phí. Giống cây trồng 15 khoản lệ phí và 52 khoản phí.
“Tóm lại, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 khoản lệ phí và 937 khoản phí. Nó lớn và nhiều như thế. Và còn ở những lĩnh vực, ngành khác nữa” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chốt.
16-48-13_bo-truong-bo-ti-chinh-tiep-thu-y-kien-cu-chu-tich-qh-v-cc-uv-ubtvqh-de-som-hon-chinh-du-n-lut-phi-le-phi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp thu các ý kiến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên UBTVQH để sớm hoàn chỉnh dự án luật phí, lệ phí
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã không nhận được sự đồng tình từ phía cơ quan thẩm tra dự án Luật và các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, việc đưa danh mục phí, lệ phí vào trong Luật càng cụ thể, càng tốt, càng dễ thực hiện. Ngay cả khi làm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi lựa chọn danh mục ngành nghề kinh doanh vào Luật. Nhưng với tinh thần quyết tâm của cả QH và cơ quan soạn thảo, chúng ta đã hoàn chỉnh một dự án Luật được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Vậy thì không cớ gì ở dự án Luật phí, lệ phí lại không đưa ra được một danh mục cụ thể về phí, lệ phí vào Luật.
“Cái gì liên quan đến người dân thì Quốc hội phải được biết mới quyết được và phải do thẩm quyền của Quốc hội quyết định. Đó chính là hồn cốt của quyền lợi người dân đã được quy định trong Hiến pháp” – ông Phan Trung Lý nói.

Không bấm nút thông qua nếu…

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc hội đã thẳng thẳn nêu rõ quan điểm rằng, nếu chưa rà soát hết thì tiếp tục làm, hoàn chỉnh trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp thứ 10. Trường hợp chưa chín muồi thì để kỳ họp thứ 11 thông qua. Vấn đề này nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân nên phải làm cho chắc chắn, phù hợp.
Câu chuyện quả trứng phải cõng 14 khoản phí, một lần nữa được Chủ tịch Quốc hội nêu ra và coi đó là bài học thực tiễn để lần hoàn thiện dự án Luật phí, lệ phí phải rút ra được kinh nghiệm để có những quy định ngay trong Luật thật sự sát với cuộc sống.
“Quả trứng mà đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí thì làm sao phát triển được?” – Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Xuất phát từ thực tế đó, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị lần này, phải đổi mới theo đúng tinh thần của Hiến pháp và hội nhập. Nếu không làm được như nói thì sẽ khó khăn cho thực hiện.
“Vấn đề phí, lệ phí nhất định phải đưa vào Luật một cách cụ thể. Danh mục đó lớn bao nhiêu, dài, ngắn thế nào cũng phải đưa đầy đủ vào trong Luật. Tuyệt đối không để ngoài Luật. Hiến pháp đã ghi rõ rồi, chỉ Quốc hội mới có đủ thẩm quyền cho phép thu của người dân khoản phí, lệ phí gì.
Không ai, cơ quan nào có quyền đẻ thêm các khoản phí, lệ phí ngoài danh mục Quốc hội quy định. Lẽ ra Quốc hội phải quy định luôn cả mức thu bao nhiêu cho từng khoản phí, lệ phí ngay trong Luật nhưng như thế sẽ khó khả thi. Việc quy định mức thu này sẽ giao cho Chính phủ và HĐND cấp tỉnh quy định, hướng dẫn chi tiết” – Chủ tịch QH lưu ý với ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật.
Quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là phải rà soát lại, cắt bỏ bớt đi những khoản phí, lệ phí không phù hợp nữa để đưa vào Luật; đặc biệt là không đẻ thêm khoản phí, lệ phí nào nữa. Tinh thần là thu cái gì, chi cái gì phải được thể hiện rõ ràng, minh bạch.
“Khi chưa có một danh mục cụ thể cho phí, lệ phí thì Quốc hội sẽ không thông qua dự án Luật này. Luật gì mà lại chỉ đưa ra từng nhóm phí, lệ phí. Quốc hội mà còn chưa được rõ tên phí, lệ phí thì làm sao người dân họ biết được. Không thể bấm nút thông qua như thế được.
Tôi nhắc lại là phải tiếp tục rà soát, loại bỏ đi những khoản phí, lệ phí không phù hợp và nhất định phải đưa đầy đủ danh mục phí, lệ phí sẽ thu vào trong Luật. Có hoàn chỉnh được như vậy thì mới là vì dân, của dân và do dân. Cái hồn cốt của Hiến pháp phải được thể hiện rõ trong Luật này là như thế” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh.

Nông Nghiệp Việt Nam

http://bongbvt.blogspot.com/2015/07/tot-cung-cua-su-boc-lot-nong-dan.html

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=211509&zoneid=433

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét