Dạy trẻ tự tắm, gội và mặc quần áo

1.  Dạy trẻ tự tắm:

Thông thường thì cha mẹ đảm nhận hết cho trẻ; nghĩa là chỉ biết tận lực phục vụ chứ dứt khoát không dạy dỗ, xin miễn bàn tới những cha mẹ này. Thông thường, khi tắm thì phải mở vòi sen pha nước và làm cho ướt người, gội đầu, xả tóc và xát xà phòng lên người, rồi xả nước cho hết xà phòng, tắt nước, lau khô người.
Trước tiên, bạn tắm cho con, hướng dẫn từng giai đoạn, đồng thời cho áp dụng ngay nếu không thì trẻ sẽ quên. Khi thấy con bỡ ngỡ, bối rối, bạn nên đặt bàn tay mình trên tay con mà chỉ dạy; ví dụ như con  không biết bôi xà phòng lên miếng bông tắm hay bàn chải tắm để chà mình và con không biết phải chà như thế nào. Bạn cần làm trước và chậm rãi chỉ cho con làm sau. Mỗi ngày một lần tắm và một lần dạy. Bạn cứ dạy mãi, trẻ sẽ thông thạo và tự tắm một mình.
Nếu bạn không dạy trẻ thì khi bạn bận việc hay khi bạn bị ốm, con sẽ để mình dơ chờ bạn tắm cho.

2. Dạy trẻ tự gội đầu:

Tương tự như phần dạy trẻ tắm, bạn dạy trẻ gội đầu bằng cách lấy một chai không còn dầu gội đầu bên trong, đổ vào chừng hai muỗng canh canh dầu gội nguyên chất pha loãng với nước và bạn lắc đều. Dạy trẻ gội y như bạn làm cho chính mình. Nhớ xoè bàn tay bạn và co lại như muốn bấu một ai và dời hai tay lên đỉnh đầu để trẻ cào gội một cách nhẹ nhàng. Thông thường khi đổ dầu gội đầu xong trẻ có khuynh hướng xoè lấy một bàn tay và xoa nhè nhẹ lên đỉnh đầu rồi tưới nước  là xong. Vì vậy đầu trẻ bị xà phòng ăn, sinh ra ghẻ lở , mất thẩm mỹ và mất vệ sinh.
Khi trẻ tắm bạn phải ngồi trong nhà tắm nhắc nhở, chỉ dẫn, quan sát từng giai đoạn, phần nào trẻ làm sạch giỏi thì khen, làm dơ, làm dối, cẩu thả thì dứt khoát bắt làm lại cho thật hoàn chỉnh. Dạy rửa bằng xà phòng những nơi tiêu tiểu hàng ngày và giải thích lý do.

3. Dạy trẻ tự  pha nước tắm:

Khi bạn pha nước cho trẻ để tự tắm, kinh nghiệm cho thấy có rất ít trẻ làm được và dám làm điều này vì không biết vặn để mở nước. Bạn nên tập cho trẻ vặn mở nút chai, lý do là cơ bắp bàn tay của trẻ rất yếu. Lúc thạo rồi thì sử dụng việc mở nước kèm theo sự gúp đỡ của bạn như đã hướng dẫn ở phần dạy chà mình. Cho con thấy vặn nước không có gì đáng sợ và khó khăn. Bạn hãy giữ tay trẻ trong tay bạn, tắt mở nhiều lần để trẻ vui mà quên đi nỗi lo sợ.
Tự pha nước để tắm là một điều rất khó khăn cho trẻ, nếu nhà có con khác, bạn nên cho anh chị em của trẻ tắm trước, lúc đó nước nóng đã có sẵn thì trẻ chỉ mở nước và tự pha, bạn chỉ cần thử ấm lạnh và ra lệnh cho con tắm là đủ. Dần dà, để trẻ chủ động việc này mà bạn chỉ đưa tay vào thứ để xem trẻ pha nước có đúng với thời tiết hiện tại không. Nhớ khen thưởng để khuyến khích sự cố công chịu khó học tập của con dù rằng không hoàn chỉnh lắm. Từ từ bạn sẽ sửa sai những vấn đề không khéo và sạch sau. Trẻ tắm phần lớn là ướt trước mặt khô sau lưng, nên dạy cho trẻ đứng và xoay tròn người đúng vị trí khi tắm. Bạn cần có nhiều ý hay và sáng tạo thêm khi quan sát con bạn đang tắm. Sau khi tắm xong, trẻ cũng thường chỉ lau khô phần trước mà không lau sau lưng. Bạn nên nhắc nhở chỉ dẫn con phải lau khô toàn thân, từ đầu đến chân theo từng giai đoạn.

4. Dạy trẻ tự  mặc quần áo

Thoạt đầu trẻ xỏ một ống và bạn xỏ ống kia cho con, trẻ xỏ một tay và bạn giúp con xỏ một tay, trẻ xỏ một chân, bạn giúp con xỏ một chân. Dần dà, bạn trải quần áo ra nhà chỉ trẻ ngồi mặc, Giai đoạn hai là dạy nhìn ký hiệu để biết trước sau. Cài cúc áo thì bạn phải giúp trẻ cài 2/3 của một cúc áo. Trẻ chỉ cần bật qua thôi, lúc thạo rồi thì chia áo làm ba hay bốn phần, bạn cài một nút bỏ một nút cho con tự cài, cho tới khi lúc bạn chỉ cần cài nút đầu, nút cuối , khoảng giữa để lại cho trẻ. Sau cùng là đến một ngày trẻ không cần bạn nữa.
Xin đi ngược lại vấn đề một chút, phần đông cha mẹ Việt Nam có thói quen mặc đồ bó sát hay vừa với khổ người của bé mới sinh. Điều này sẽ gây cản trở khi tập cho trẻ cử động như vươn thẳng người, dang tay, dang chân, hoặc lắm khi trẻ tự động đạp , quơ theo ý. Do mặc đồ chật nên làm được động tác tay thì chân phải co lại nhường chỗ. Trẻ khuyết tật (như trẻ mắc bệnh down hay các bệnh khác) thường yếu về thể chất, ít cử động. Do đó, lời khuyên là bạn nên cho con mặc đồ rộng rãi để dễ dàng cho cả chân và tay.
Khi trẻ hiểu biết hết mọi việc bạn đã dạy, bạn chỉ hướng dẫn trẻ mặc màu nào giữa quần và áo nhìn cho đẹp mắt, dần dần, để trẻ tự sửa soạn lấy. Nếu không hài lòng về màu sắc thì bạn giải thích và khuyên trẻ nên thay đổi. Cần có sự hỗ trợ của cả gia đình để trẻ biết mình sai mà có sự vui vẻ khi thay đổi tư tưởng và đi đổi quần áo, cũng như đê tránh vấn đề cau có bực dọc khi muốn chuẩn bị đi đâu. Bạn nên cho các con, nhất là trẻ khuyết tật một thời gian đủ dư để sửa soạn và chuẩn bị. Trẻ khuyết tật không được như bạn,nói đi là chạy như bay vào thay đồ xẹt một cái là xong xuôi, vọt lẹ ra và đi ngay. Nhiều bậc cha mẹ quên hay không muốn hiểu cho sự khó khăn của con trẻ nên không cho con thời gian, và cũng vì không đủ thời giờ chuẩn bị nên đôi khi không cho trẻ đi theo. Hay có đi theo thì không cho ra khỏi xe lúc đến nơi vì trẻ ăn mặc lôi thôi lếch thếch. Bạn sợ xấu nên không cho con ra là đúng, nhưng tình trạng này cần phải chấm dứt để trẻ có sự bình đẳng vì cũng là một con người.
Nguồn: Tài liệu của chamevoiconkhuyettat.org.au

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét