Con cái sẽ là đòn bẩy cho sự nghiệp của bạn,

NẾU BẠN LÀ ĐÀN ÔNG

Một trong những "bước tiến" sự nghiệp tệ hại nhất đối với phụ nữ chính là ... có em bé. Đối với phái nam, ngược lại, trở nên có giá hơn so với những người đàn ông độc thân và có xu hướng nhận được thu nhập cao hơn sau khi có con cái.


Một trong những “bước tiến” sự nghiệp tệ hại nhất đối với phụ nữ chính là … có em bé. Những bà mẹ thường khó tìm kiếm việc làm hơn, khó được trọng dụng hay trả lương cao như những đồng nghiệp nam khác cùng trình độ.
Đối với phái nam, ngược lại, những đứa trẻ sẽ là một điểm cộng lớn cho con đường sự nghiệp. Họ được nhà tuyển dụng chú ý hơn so với những người đàn ông độc thân, và có xu hướng nhận được thu nhập cao hơn sau khi có con cái.


Đàn ông dễ thăng tiến trong sự nghiệp và thu nhập sau khi làm bố
Những khác biệt này thậm chí vẫn tồn tại sau khi đã tính đến các yếu tố khác như giờ làm việc, loại công việc mà họ lựa chọn hay tiền lương của họ hoặc vợ/chồng họ. Vì vậy, sự chênh lệch này không xuất phát từ nguyên nhân năng suất làm việc của các bà mẹ bị suy giảm sau khi có con cái, cũng không phải các ông bố đột xuất trở nên chăm chỉ cần mẫn hơn ở công sở – đáp án nằm ở sự kỳ vọng của nhà tuyển dụng.
Những dữ liệu phản ánh sự “thiệt thòi” của các bà mẹ và “phần thưởng” dành cho các ông bố sau khi có con cái đã hình thành một cái nhìn rõ ràng về sự nhập nhằng của văn hóa Mỹ trong vấn đề công việc và giới tính. Ngay cả khi chúng ta đang tuyên ngôn về một thời đại “Lean In” (Tựa đề một cuốn sách của tác giả Sheryl Sandberg viết về kỳ vọng, vai trò và tầm quan trọng của phụ nữ trong xã hội), ngay cả khi những người phụ nữ có con cái vẫn có thể điều hành những công ty thuộc top Fortune 500 và đứng đầu Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ, các quan niệm truyền thống rằng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” tồn tại thâm căn cố đế trong tư tưởng của phần đông xã hội. Và vấn đề sử dụng lao động có vẻ như vẫn chưa bắt kịp với thực tế phụ nữ có thể cùng lúc là một bà mẹ tốt và là một nhân viên năng suất.
Khuynh hướng này thực tế càng biểu hiện cực đoan đối với các bậc cha mẹ ít có khả năng nhất, theo số liệu mới từ Michelle Budig, một giáo sư xã hội học tại Đại học Massachusetts, Amherts, người đã nghiên cứu “khoảng cách thu nhập” giữa các ông bố và bà mẹ trong suốt 15 năm. Phái mạnh thường có các bước đột phá về thu nhập nhờ việc lập gia đình và sinh con, trong khi đó phụ nữ thu nhập thấp thường phải “trả giá đắt” cho việc này, cô phát biểu trong một bài báo khoa học được công bố tại The Third Way – một nhóm nghiên cứu với mục đích dự đoán các chính sách hợp lý. “Gia đình có nguồn lực thấp hơn phải mang nhiều gánh nặng về chi phí kinh tế khi nuôi con nhỏ” – Bà nói trong cuộc phỏng vấn.
Giả định rằng chúng ta tạm gác vấn đề văn hóa sang một bên, thì đây là thực tế: 71% các bà mẹ có con nhỏ vẫn đi làm – theo báo cáo của Cục thống kê lao động, và phụ nữ là trụ cột chính hoặc là trụ cột duy nhất trong khoảng 40% hộ gia đình có trẻ em – theo số liệu từ các nghiên cứu của Trung tâm Pew.
Thiên chức làm mẹ thiêng liêng trở thành một vật cản trong sự nghiệp và làm giảm cơ hội có thu nhập cao của các bà mẹ.

Tuy nhiên, vấn đề khoảng cách thu nhập giữa 2 giới dường như xuất phát từ những quan niệm cổ hủ của vai trò của cha và mẹ trong gia đình. “Người sử dụng lao động cho rằng những ông bố thường ổn định và gắn bó với công việc hơn, bởi họ có một gia đình cần được chăm lo và do đó họ sẽ không nhảy việc dễ dàng.” – Bà Budig nói – “Đó cũng là cách người lao động hiểu về vai trò của phụ nữ trong vấn đề làm cha mẹ. Họ thường mặc nhiên cho rằng các bà mẹ làm việc ít hơn và dễ mất tập trung trong công việc.”
Bà Budig thấy rằng, trung bình, thu nhập của nam giới tăng hơn 6% nếu họ có con và sống cùng con cái, trong đó phụ nữ chịu thiệt thòi khi giảm 4% cho mỗi đứa trẻ mà họ sinh nở và chăm sóc. Nghiên cứu của bà dựa trên số liệu từ Khảo sát quốc gia về Thanh niên 1979 – 2006, được thực hiện dựa trên việc theo dõi các hoạt động trên thị trường lao động theo thời gian. Nếu không có con cái, phụ nữ chưa lập gia đình kiếm được 96 xu cho mỗi dollar mà đàn ông kiếm được, trong khi đó nếu họ lập gia đình và có trẻ con, họ chỉ kiếm được 76 cent trên mỗi một dollar thu nhập của đàn ông – khoảng cách thu nhập đã gia tăng.
Khoảng cách này vẫn tồn tại ngay cả khi bà Budig đã loại bỏ các yếu tố như kinh nghiệm, giáo dục, giờ làm việc và thu nhập của vợ/chồng. Đúng là cũng có hiện tượng người cha làm việc chăm chỉ hơn sau khi có con cái, nhưng điều đó chỉ giải thích được 16% số tiền thưởng họ nhận được – nghiên cứu của Budig cho thấy. Và một số bà mẹ vì chăm sóc những đứa trẻ mà chấp nhận bớt giờ làm hay mức lương thấp hơn trước, nhưng lý do này cũng chỉ giải thích được 1/4 nguyên nhân gây nên thiệt thòi của phụ nữ sau khi làm mẹ.
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề, theo nghiên cứu cho thấy, là do sự phân biệt đối xử. “Rất nhiều tác động thực sự phần lớn là do định kiến văn hóa đối với các bà mẹ” – Shelley J. Correll, một giáo sư xã hội học tại Đại học Stanford và là giám đốc của Viện Clayman nghiên cứu về Giới cho biết.
Bà Correll cùng cộng sự đồng nghiên cứu và viết một báo cáo tại Cornell, trong đó các nhà nghiên cứu gửi hồ sơ xin việc giả cho hàng trăm nhà tuyển dụng. Tất cả hồ sơ giống hệt nhau, ngoại trừ một số chi tiết về tình trạng làm cha mẹ. Kết quả cho thấy: các bà mẹ chỉ có một nửa cơ hội được nhà tuyển dụng liên lạc lại, trong khi đó những người đàn ông có con cái có xu hướng được gọi lại nhiều hơn. Trong một nghiên cứu tương tự được thực hiện tại phòng thí nghiệm, bà Correll hỏi những người tham gia họ sẽ sẵn sàng chi trả bao nhiêu lương cho các ứng viên nếu họ là người sử dụng lao động. Các bà mẹ trung bình được chi trả ít hơn 11000$ so với phụ nữ độc thân và ít hơn 13000$ so với các ông bố có con cái.
Trong nghiên cứu của mình, Correll cho thấy nhà tuyển dụng hầu hết bình chọn các ông bố là hình mẫu nhân viên lý tưởng, đứng ở vị trí thứ 2 là các phụ nữ chưa sinh con, thứ 3 là đàn ông chưa có con cái và cuối cùng là phụ nữ đã có chồng con. Đồng thời, họ dường như hà khắc hơn và đặt tiêu chuẩn cao hơn đối với các bà mẹ, tỏ ra ít thông cảm hơn khi họ bị muộn hoặc mắc một số lỗi nhất định trong công việc.
“Hy vọng duy nhất để loại bỏ tác động tiêu cực này” – Theo giáo sư Correll – “là các chính sách đúng đắn bảo vệ quyền lợi cho những người phụ nữ phải điều phối thời gian của họ giữa công việc và gia đình”.
Như vậy, dưới sức ép của một xã hội công nghiệp bận rộn, thiên chức làm mẹ thiêng liêng đột nhiên trở thành một phần gánh nặng đối với nguồn thu nhập của phụ nữ. Bình đẳng giới vẫn là một quá trình đấu tranh tự nhiên và lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét