- Chùa Bà Đanh

Chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ 

“Vắng như chùa bà Đanh” dường như là thương hiệu có một không hai, biến Bảo Sơn Tự (Kim Bảng, Hà Nam) trở thành điểm tham quan gây tò mò cho nhiều du khách.

Chùa Bà Đanh tên chữ là Bảo Sơn Tự thuộc thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Theo truyền thuyết của địa phương, chùa thờ nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nên được gọi là chùa Đức Bà làng Đanh, gọi tắt là chùa Bà Đanh như tên gọi ngày nay.

Chùa Bà Đanh mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy. Ảnh: hatvan

Có nhiều cách lý giải về sự ra đời của câu nói “vắng như chùa Bà Đanh” nhưng theo ý kiến của nhiều người, là do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt.

Ngày nay, đường đi lối lại đã thuận tiện hơn, cộng với “thương hiệu” ai ai cũng biết nên lượng khách đến tham quan chùa ngày một đông hơn. Từ Hà Nội, bạn chỉ cần đi thẳng quốc lộ 1 đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào quốc lộ 21, đi khoảng 10 km, đến cầu treo Cấm Sơn sẽ nhìn thấy ngôi chùa cổ kính thấp thoáng hiện ra sau những bóng cây, nhìn ra con sông Đáy hiền hòa.

Lối dẫn vào chùa hiện đã trải nhựa phẳng lì, hai bên là hàng nhãn, vải xanh rợp bóng. Để vào bên trong tất thảy phải bước qua cổng tam quan, được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản. Tuy nhiên cổng này chỉ mở khi chùa có đại lễ nên bạn sẽ phải đi qua hai cổng nhỏ ở hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt.


Một vài du khách đến tham quan, vãn cảnh chùa. Ảnh: bqn

Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm, có đặt các chậu cây cảnh, giỏ phong lan tạo nên không gian hài hòa, xanh mát. Dưới ánh nắng nghiêng chiều, bóng cau khẳng khiu vươn cao trên nền trời xanh thẳm, ngoài sân gạch hoa đại trắng phủ đầy, trong vườn thoang thoảng hương thơm hoa thảo như nhài, mẫu đơn...

Cây bưởi đỏ trĩu quả được trồng ngay thềm cửa. Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ về giống bưởi đỏ hiếm có, khó trồng này khiến ngôi chùa nổi tiếng vắng vẻ càng thêm bí ẩn. Mọi bước chân qua lại dường như khẽ khàng, tiếng nói cũng dịu hơn. Nhờ vậy mà có không ít khách thập phương tìm đến tham quan, lễ bái nhưng chùa vẫn giữ được dáng vẻ trang nghiêm, thanh bình và tĩnh lặng như vốn có.

Là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…, ngôi chùa thuộc dòng Phật giáo Đại Thừa này có những nét riêng độc đáo. Trong chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu và các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ. Đặc biệt trong chùa có pho tượng của tín ngưỡng dân gian là Pháp Vũ trong “tứ pháp” (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong).


Không gian uy nghiêm, trầm mặc trong sân chùa Bà Đanh. Ảnh: wordpress

Đến chùa, bạn đừng quên chiêm ngưỡng pho tượng Bà Đanh, được tạc theo tư thế tọa thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt đẹp, hiền từ, đầy nữ tính, gần gũi và thân thiết. Sự hài hoà giữa pho tượng và chiếc ngai tạo nên vẻ hấp dẫn của nghệ thuật điêu khắc chùa Bà Đanh.

Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 2 (âm lịch) hàng năm. Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ cầu an, rước kiệu và trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, bơi thuyền chải, cờ người.

Nếu không có dịp đi vào đúng hội, sau khi hành lễ ở chùa, bạn có thể tham quan núi Ngọc cách chùa Bà Đanh 100 m về phía bắc. Tuy không cao lắm nhưng khi đứng trên ngọn núi, bạn có cảm tưởng như được tách riêng biệt khỏi sự ồn ào náo nhiệt của cuộc sống hiện đại để hòa mình vào sự yên tĩnh thuần khiết của thiên nhiên với núi, sông, cây cỏ.

Hoặc đơn giản, chỉ cần quay ngược lại cầu treo Cấm Sơn là bạn đã có thể đến thăm quần thể đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn nằm ngay đối diện.

Chùa Bà Đanh nằm bên con sông Đáy hiền hòa có không gian cổ kính cùng những tích xưa bí ẩn sẽ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.

Chùa Bà Đanh còn có tên khác là Bảo Sơn tự, nằm cạnh ngọn núi Ngọc thơ mộng, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng với câu thành ngữ "vắng như chùa Bà Đanh".
Kiến trúc của chùa vẫn còn giữ được những nét độc đáo và cổ kính. Bạn có thể bắt gặp những câu chữ tiếng Nôm hay hoa văn được chạm khắc một cách tỉ mỉ và tinh xảo.
Bước vào sân chùa, bạn sẽ ngửi được hương hoa thơm phảng phất nhưng khó đoán được tên vì trong vườn có rất nhiều loại. Càng tiến sâu vào bên trong, ngôi chùa càng hiện rõ ra với màu đỏ rêu phong của những tấm ngói và viên gạch lót.
Chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc độc đáo có nhiều gian thờ với thiết kế tinh tế như nhà tổ, thượng điện, trung đường, gian thờ Mẫu,... Điều đáng chú ý ở lối kiến trúc này là hình rồng trên mái, tượng trưng cho quyền năng của các đấng Thiên Tử. Đây cũng là linh vật được xếp bậc nhất trong Tứ linh. 


Có nhiều lý giải cho sự vắng vẻ đi vào thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh” của ngôi cổ tự này. Người cho rằng ngôi chùa trở nên vắng vẻ như vậy vì nơi đây rất linh thiêng, ai trái ý sẽ bị trừng phạt ngay nên rất ít người dám đến. 
Nhưng cũng có ý kiến là do ngày xưa chùa nằm ở vị trí di chuyển khó khăn, xung quanh rừng rậm hoang vu, muốn đến phải đi đò sang nên ít ai lui tới. Chính vì lẽ đó nên ngôi chùa luôn giữ được vẻ thanh tịnh, tôn nghiêm vốn có.
Điều này lại tạo nên vẻ đẹp bình yên và thanh khiết cho ngôi chùa mà không phải nơi nào cũng có được.
Quả chuông lớn trong chùa được treo thấp, làm bằng đồng. Tiếng chuông ngân vang trong không gian xanh của nhiều loại cây trái khác nhau tạo nên điều đặc biệt cho ngôi chùa. Nó gợi lên một hình ảnh thanh đạm nhưng trù phú và tươi tốt cho những ai đến thăm chùa.
Một bức tượng độc đáo được đặt trong sân chính của chùa.
Đi từ Hà Nội theo quốc lộ 1A cũ, khi đến thành phố Phủ Lý bạn rẽ phải qua cầu Hồng Phú đến quốc lộ 21, đi thêm khoảng hơn 10 km đến cầu treo Cấm Sơn. Từ đây, bạn có thể thấy bóng dáng ngôi chùa hiện ra bên cạnh dòng sông Đáy hiền hòa.

Phong Vinh


Sự linh thiêng kỳ bí và những câu chuyện “rợn tóc gáy“ ở chùa Bà Đanh

Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện lạ như người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một câu bất kính cũng sẽ bị bà trừng phạt khiến nhiều người lo lắng mà không dám qua chùa vì sợ không giữ được mồm miệng… Nói "vắng như chùa Bà Đanh" là do ngôi chùa này không có ai đặt chân đến hay bởi sự thiêng liêng, kỳ bí…?





Kỳ bí ngôi chùa cổ
Chùa Bà Đanh (Hà Nam) còn được gọi là Bảo Sơn tự, cạnh hòn núi Ngọc nổi tiếng thơ mộng và linh thiêng. Từ bao đời nay, chùa Bà Đanh được thêu dệt bằng những câu chuyện lạ mà tâm điểm là tượng Bà Đanh. Người dân nơi đây bảo rằng, người đi đường trót cười cợt bình phẩm dù chỉ một câu bất kính cũng sẽ bị bà trừng phạt cho hộc máu hoặc mất mạng. Nhiều người lo lắng mà không dám qua chùa vì sợ không giữ được mồm miệng…

Cụ Chuyên, một cao niên làng Đanh Xá cho biết: “Ngôi chùa trở nên linh thiêng từ khi làng tổ chức rước vong phật Pháp Vũ về thờ. Phật Pháp Vũ thuộc hệ Tứ Pháp chùa Dâu (Bắc Ninh) gồm: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Lịch sử còn ghi lại sự linh ứng mỗi khi các vua thời Lý đến chùa Dâu cầu khấn, từ đó chùa các nơi xin rước Tứ Pháp về thờ”.

Không gian ngôi chùa khá đẹp và tĩnh lặng.

Làng Đanh Xá cũng là một địa phương xin rước Pháp Vũ về chùa làng để thờ. Như linh ứng, năm làng Đanh Xá rước vong Pháp Vũ có mưa to gió lớn làm đổ cây mít cổ thụ trong chùa. Người làng thấy lạ nên thuê thợ giỏi tạc tượng Pháp Vũ, sau đó hô thần nhập tượng và đặt trong điện thờ. Người thợ tạc tượng ấy sau một đêm nằm mơ thấy thần đến mách bảo dung nhan Pháp Vũ nên đã tạc lại theo giấc mộng kỳ lạ.

Chưa hết, sau khi nhập hồn cho tượng thì dưới bến nước trước chùa có vật lạ nửa nổi nửa chìm. Người dân cứ đẩy ra thì vật lạ ấy lại dạt vào dù cho dòng nước có xoáy mạnh. Thấy lạ, dân làng bàn nhau vớt lên xem thì thấy đó là một cái ngai bằng gỗ. Họ đưa vào chùa và thật lạ, tượng vừa khít khi đặt vào ngai như được đo đạc trước.

Ngôi chùa đẹp, cổ kính nhưng đặc biệt ít khách viếng thăm.

Từ đó, trong vùng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lời đồn Thánh Bà Bảo Sơn linh ứng lan truyền khắp nơi, khách thập phương đổ về đông như đi hội, thuyền bè qua lại tấp nập hương khói và những câu chuyện thần bí bắt đầu được thêu dệt từ ngôi chùa này.

Sư thầy Thích Đàm Đam - Trụ trì chùa Bà Đanh cho hay: “Nhiều vị khách cố chụp tượng Pháp Vũ nhưng không tài nào chụp nổi. Hình ảnh đều bị nhòa hoặc bị cháy phim không lý giải được… Tôi cho rằng, tượng Pháp Vũ rất thiêng, ngôi chùa bà Đanh càng thiêng hơn nữa”?.

“Chùa Bà Đanh có rất nhiều giai thoại huyền bí mà các cụ ngày trước thường hay kể lại cho con cháu nghe. Tuy nhiên, thời gian đã khiến các giai thoại ấy thất truyền gần hết và câu hỏi vì sao chùa bà Đanh vắng khách hầu như không thể giải mã. Nếu giải mã được thì cũng chỉ mang tính tương đối do có nhiều dị bản khác nhau” - ông Trương Văn Đô, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn nói.

Ngày hô thần nhập tượng cũng là ngày hội của cả làng Đanh Xá. Thời trước, ngày hội được tổ chức rất long trọng nhưng rồi ngày một nhạt phai, khách thập phương ít qua lại và chùa trở nên vắng vẻ cho đến ngày nay dù cho tỉnh Hà Nam cố gắng tổ chức các tour du lịch thu hút khách nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Danh hiệu “đệ nhất vắng”

Nhiều người ở Hà Nam không biết vì sao chùa Bà Đanh lại vắng khách. Chỉ biết rằng, thời xưa nghe các cụ kể lại, khu vực chùa Bà Đanh là rừng rậm, có nhiều thú dữ nên không ai dám vào. Muốn vào đó an toàn chỉ có cách đi thuyền qua sông Đáy để tránh thú dữ, vì bất tiện nên khách thập phương muốn đến lễ bái cũng không có điều kiện.

Sư thầy Thích Đàm Đam trong một lần trả lời báo chí cho biết: “Đừng đổ lỗi cho chùa không thiêng hay cách đối xử của nhà chùa với khách. Chùa vắng khách cũng có cái lý riêng, vừa xa khu dân cư, đường vào lại hiểm trở, ngày trước là rừng rậm nhiều hổ báo nên người ta sợ… Bây giờ chùa đã được trang trí với không gian rộng, đường đi lại thuận lợi, rất tốt cho khách đến cầu lễ”.

Lại có câu chuyện khác nói rằng, Bà Đanh có tên nôm là Bà Đậu – một người bình thường trong làng. Từ khi dân làng Đanh Xá rước vong phật Pháp Vũ về và hô thần nhập tượng nên mới yên ổn làm ăn. Chuyện đến tai Trạng Quỳnh, Trạng bất bình nên đến chùa trách bà, đã là Phật thì chớ hại sinh linh. Là Phật không được thờ cũng phải phù hộ chứ chưa được thờ lại nổi mưa to gió lớn hại trăm họ…?

“Phải khẳng định là chùa Bà Đanh rất linh thiêng, tuy nhiên chuyện vắng khách đã có từ lâu. Ngày xưa, vùng này có nhiều thú dữ hại người nên người dân sợ hãi mà không dám đến chùa. Chính quyền tỉnh Hà Nam cũng đã có những phương cách thu hút khách du lịch về chùa” - sư thầy Thích Đàm Đam tâm sự.

Chùa Bà Đanh luôn rộng cửa đón du khách thập phương.

Có lẽ truyền thuyết cũng chỉ là truyền thuyết, lời đồn thì vô cùng, vô tận. Nhiều người bảo chùa bà Đanh không linh, không ai đến là sai. Mặt khác làng Đanh Xá hy vọng rằng, cái tên ngôi chùa vắng sẽ được nhiều người biết đến bằng cái tên ngôi chùa đệ nhất khách. Hiện tại, chùa được đầu tư xây dựng với kiến trúc rất đẹp. Bên cạnh chùa, có nhiều di tích danh thắng như Núi Ngọc, Núi Cấm, Ngũ Động Sơn… mang ý nghĩa lớn lao” - một người dân cho biết.

Theo VnExpress, ngày nay chùa Bà Đanh không còn vắng vẻ. Hiện nay, chùa Bà Đanh được đầu tư tôn tạo rất tỉ mỉ với quần thể liên hoàn gồm tam quan, tả vu, hữu vu, phủ Mẫu..., lưu giữ nhiều cổ vật, cổ thư quý hiếm, nhất là tượng Phật, Bồ Tát, khánh đá, đại tự, câu đối và nhang án…

Lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức từ ngày 9 đến 11 tháng 2 (âm lịch) hàng năm đã thu hút du khách thập phương đến thắp hương, chiêm báo. Ngoài những nghi thức tế lễ truyền thống, chùa còn tổ chức lễ cầu an, rước kiệu và trò chơi dân gian như: chọi gà, kéo co, bơi thuyền chải, cờ người.

Theo PV (GDVN, VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét