CẦN LẮM BÊN ĐỜI MỘT TRI ÂM…!
Vốn không phải một tình yêu nam nữ chứa đầy ham muốn của dục vọng, tri âm hay tri kỷ có mặt như một nét chấm viên mãn cho một kiếp người.
Có mặt trên cuộc đời nếu chỉ để tháng ngày trôi đi rồi kết thúc không có lấy một tri kỷ thì thật là thiếu sót. Cảm giác hụt hẫng và thiếu thốn cứ đeo bám mãi thành những tiếng thở dài, cuối cùng là ra đi trong tiếc nuối. Thời đại nào người ta cũng cần một người không nhất thiết luôn bên mình nhưng hiểu mình trong từng cung bậc của cuộc sống, vậy là đủ.
Có những người thật may mắn, bạn đời của họ không chỉ là bạn đời mà còn là một tri âm, như Gia Cát Lượng và vợ ngài chẳng hạn. Hạnh phúc trên đời nào phải được xây bằng châu báu của cải, hay những thứ vật chất ngoài thân! Đức Phật là một đấng toàn giác nhưng ngài cũng bảo rằng cuộc đời không chỉ có nỗi khổ mà còn có niềm vui, dù ngắn ngủi trong chốc lát. Niềm vui ấy chắc chắn không phải đến từ vật chất đơn thuần mà phải là một sự đồng điệu trong tâm hồn khi cả hai có thể chia sẻ cho nhau những thăng trầm của cuộc sống bất luận giàu nghèo.
…
Đó là lúc người ta dù bị đói khổ hay đọa đày vẫn tìm thấy chút niềm tin còn lại để cùng nhau san sẻ và bước tiếp thay vì nỗi oán hận và trách móc cuộc đời.
Cũng có khi chỉ là phút bình an ngồi bên nhau để cảm nhận mình tồn tại, thật sự tồn tại giữa cái bao la của vũ trụ mà chẳng cần phải nói gì.
Hoặc đôi khi phát xuất từ nội tâm một âm khúc bất kỳ, dù chưa từng có mặt trên cuộc đời nhưng bạn ta vẫn hiểu và lặng lẽ san sẻ cùng ta, như Bá Nha và Tử Kỳ chẳng hạn.
Tri kỷ của ta không bao giờ dung chứa sự hẹp hòi ích kỷ, không bao giờ để ta một mình trước sóng gió cuộc đời và cả lúc bình an.
Tri kỷ có thể không mặn nồng như bạn đời, không suồng sã như bạn hữu nhưng cũng chẳng nhạt thếch như bạn qua đường.
Nó gọi là không xa cũng chẳng gần, lúc cần liền có mặt. Nếu như các mối quan hệ trên cuộc đời được hình thành từ sự vụ lợi toan tính thì tri kỷ đến từ điều ngược lại.
Nó là vô giá và không một điều gì đủ quý để làm nên cuộc giao dịch để đổi lấy một tri kỷ.
Khi cả hai cùng thoát ra khỏi nhỏ mọn hẹp hòi, những cân đo đong đếm, những được mất hơn thua, và những cái được tạo nên từ sự dung tục của vật chất, ở đó ta tìm thấy mình là tri kỷ của nhau.
Khi bạn không phải nếm trải mùi vị của cuộc đời một mình, dù là ngọt ngào hay đắng chát, bạn đã có tri kỷ vậy.
Nghe thì có vẻ đơn giản vì tố chất để hình thành một tri kỷ không quá khó khăn để đi tìm nhưng buồn thay trong cuộc sống có những người đốt đuốc tìm cả một đời vẫn không tìm thấy để rồi phải nén tiếng thở dài,
Tìm em
giữa chốn đông người
Tìm em
hết cả một đời bể dâu
Tháng ngày
vẫn cứ trôi mau
Mà người vẫn bặt
trần gian
một màu…
Đó là cái màu xám xịt buồn tủi chứa đầy những cô đơn, trống trải không người sẻ chia. Đó là cái màu nhàn nhạt của vô vị hụt hẫng khi cứ mãi lầm lũi gặm nhấm những giả tạm của cuộc đời.
Đôi khi người ta cũng muốn mình trở thành tri kỷ của một ai đó nhưng rồi lại bị những toan tính của cuộc đời vùi lấp, tâm không còn đủ lặng cho thấu hiểu và sẻ chia… thế là trần gian cứ mãi hiếm hoi và thiếu thốn đến cạn cùng những tâm hồn đồng điệu vượt ra ngoài khuôn khổ của phân biệt.
Dõi mắt tìm nhau chẳng thấy đâu
Một mình lặng lẽ đứng trên cầu
Chiều hoang dần xuống trong trời thẳm
Đêm quạnh dâng lên giữa biển sầu.
Xa mặt cách lòng tình chẳng nhạt
Gần nhau đối diện nghĩa thêm sâu
Người ơi! ví thử ngàn năm đợi
Có xứng cau xanh quyện thắm trầu?
Nhiều khi nhủ lòng thôi không cần tìm nữa, lấy Phật làm tri kỷ và cũng xin nguyện làm tri kỷ của Ngài vậy nhưng tỉnh ra thì ôi thôi, còn xa lắm. Phiền não ô trược cứ bủa vây, tham lam dính mắc vẫn rẫy đầy, ích kỷ hẹp hòi chưa chuyển hóa, Phật nào đâu trách chỉ tự thẹn lòng nên chưa dám nhận Ngài thôi.
Tác giả: Thích Chân Tính
hời Xuân Thu có người tên là Du Bá Nha tinh thông âm luật, nghệ thuật chơi đàn cao siêu, là bậc thầy nổi tiếng về đàn đương thời.
Du Bá Nha là người thông minh hiếu học, đã từng bái một vị cao nhân làm thầy, nên kỹ thuật chơi đàn đã đạt đến trình độ rất cao, hiếm có trên đời. Nhưng Bá Nha luôn cho rằng cảm thụ của bản thân đối với sự vật vẫn chưa đủ xác thực, kỹ thuật chơi đàn vẫn chưa đạt đến cảnh giới xuất quỷ nhập Thần.
Biết được suy nghĩ của Bá Nha, sư phụ bèn dẫn Bá Nha lên thuyền rồi đưa ra đảo Bồng Lai ngoài biển Đông để Bá Nha thưởng thức cảnh sắc thiên nhiên, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ. Bá Nha ngước nhìn, chỉ thấy biển mênh mông không nhìn thấy bờ, những con sóng dâng trào tiếp nối nhau, bắn tung lên những bọt nước trắng xóa như những bông hoa, rất nhiều hải âu đang bay lượn dập dờn. Bốn mặt xung quanh núi là rừng cây cối xanh tốt um tùm, giống như lạc vào cõi Tiên.
Một cảm giác lạ kỳ từ từ dâng lên, Du Bá Nha như nghe thấy âm nhạc hài hòa vui tai của thiên nhiên. Bá Nha không nén nổi xúc động liền đem đàn ra gảy, âm thanh thay đổi theo ý nghĩ. Bá Nha hòa mình vào thiên nhiên, và thiên nhiên hòa vào trong tiếng đàn. Bá Nha thể nghiệm thấy cảnh giới xưa nay chưa từng thấy. Sư phụ vui vẻ gật đầu nói: “Con đã học thành công rồi”.
Một đêm, Bá Nha hứng khởi chèo thuyền du ngoạn. Giữa sông nước mênh mang, đắm mình trong trăng thanh gió mát, tình cảm bỗng nảy sinh vô vàn. Thế là Bá Nha lấy đàn ra chơi, tiếng đàn du dương, vang xa rồi tan vào cảnh sắc mỹ lệ. Bỗng nghe thấy trên bờ có tiếng khen “Tuyệt!”. Bá Nha bơi thuyền đến nơi có tiếng nói, chỉ thấy một tiều phu đang đứng trên bờ. Biết đó chính là người mà ông đang ngao du thiên hạ để kiếm tìm, ông liền mời vị tiều phu lên thuyền.
Bá Nha hứng chí diễn tấu cho người tiều phu nghe. Khi Bá Nha đàn một khúc nhạc ngợi ca núi cao hùng vỹ, người tiều phu thốt lên: “Đẹp quá, thật hùng vỹ lại trang nghiêm, cứ như núi Thái Sơn cao vút tận tầng mây”. Khi Bá Nha diễn tấu thể hiện những con sóng nước xô nhau giữa mênh mông biển cả, người tiều phu nói: “Tuyệt quá, mênh mông bát ngát, như thấy những dòng nước cuồn cuộn giữa biển khơi vô biên vô tế”.
Bá Nha xúc động nói: “Tri âm (hiểu âm nhạc), ông đúng là tri âm của tôi”. Người tiều phu này là Chung Tử Kỳ. Câu thành ngữ “Tri âm tri kỷ” cũng từ tích này mà ra.
*****
Người xưa nói: “Quen biết khắp thiên hạ, tri âm hỏi mấy người?”, hay: “Rượu quý chỉ uống cùng tri kỷ, thơ hay để tặng bạn thơ ngâm”, thì có thể thấy xưa nay tri kỷ khó tìm. Người xưa sẵn sàng quên mình vì tri kỷ, như Kinh Kha đơn thương độc mã vào cung vua Tần hành thích Tần Vương, cũng chỉ vì một cái tình tri kỷ với Thái tử Yên Đan.
Xưa tri kỷ đã khó tìm khó gặp, ngày nay có lẽ còn khó hơn. Nhà thơ Hồng Dương phải thảng thốt:
Đêm đốt đuốc đi tìm người tri kỷ
Chẳng thấy gì mà chỉ thấy bon chen
Thời thế bon chen, người người đều chạy theo danh vọng, địa vị, quyền thế và tiền bạc, thói đời giả dối, dòng đời bạc đen. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm từng than rằng:
Ðược thời, thân thích chen chân đến
Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi.
Như thế thì tìm tri kỷ khác nào mò trăng đáy nước, đáy biển tìm kim? Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Người bạn trong lúc hoạn nạn mới là người bạn tốt”. Đúng vậy, khi đạo đức xã hội xuống cấp thì người ta chỉ tìm đến phú quý vinh hoa kết bạn, thấy người sang bắt quàng làm họ, còn kẻ nghèo hèn thất thế thì người ta gặp cũng ngoảnh mặt đi. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cay đắng thốt lên:
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi.
Cho nên có người bạn tốt cũng là khó kiếm, nhưng bạn tốt vẫn chưa phải là tri kỷ, thế mới thấy tri kỷ hiếm nhường nào. Tại sao tri kỷ lại khó tìm khó gặp vậy? Thời nay hỏi hàng ngàn hàng triệu người, có ai là có được người tri kỷ đúng nghĩa? Tri kỷ vô cùng hiếm vì để trở thành người tri kỷ thì phải có hai điều kiện: Là người quân tử, và là người thấu hiểu.
Là người quân tử, chính là người nhân đức, nghĩa khí, vì người khác, coi nhẹ bản thân, coi thường tư lợi, trọng nghĩa khinh tài. Người quân tử chắc chắn sẽ là người bạn tốt, sẽ không bao giờ bỏ rơi bạn bè khi có hoạn nạn. Họ cũng không phân biệt địa vị danh vọng, sang hèn phú quý, vì họ chỉ coi nhân đức, nghĩa khí, thành tín mới là quan trọng nhất, mới là lẽ sống của cuộc đời.
Người thấu hiểu là người có tâm hồn nhạy cảm, đồng điệu, và cùng chung một số sở thích, lý tưởng tương đồng. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, những người có khí chất, tài năng, tâm hồn, cảnh giới tương đồng thường dễ đồng cảm và thấu hiểu, giống như hiện tượng cộng hưởng trong vật lý, khi hai vật dao động ở cùng tần số.
Buông bỏ cái tôi, suy nghĩ cho người sẽ đạt đến tiêu chuẩn người quân tử. Lắng nghe, cảm nhận, đặt mình vào vị trí của người mà suy nghĩ thì sẽ đạt được tiêu chuẩn của người thấu hiểu. Tri kỷ khó tìm, cũng do chính chúng ta chưa đạt được tiêu chuẩn của người tri kỷ, nên tần số dao động của chúng ta vẫn đang lệch pha với người tri kỷ ở đâu đó quanh ta, khiến chúng ta chẳng thể tìm ra. Do đó, chỉ cần điều chỉnh bản thân mình, thì tri kỷ sẽ ở ngay trước mắt…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét