12 CON GIÁP (Kỳ 1/12)



Vì sao chuột lại đứng đầu trong 12 con giáp.

Trong 12 con giáp, chuột được xếp  đầu tiên. Sự oai phong dũng mãnh của rồng và cọp, sự dễ thương thân thiện của thỏ và khỉ, sự ích lợi cho con người của trâu ngựa dê, sự gần gũi với người của heo gà chó, tất cả đều không qua được vẻ ngoài xấu xí, ai thấy cũng đều ghét của con chuột để cho nó vọt lên đứng đầu các con giáp. Mỗi khi nhắc đến chuột, ai nấy đều chau mày nghiến răng, muốn tận diệt hết chúng mới hả dạ. Sở dĩ con người căm ghét chuột đến thế là vì sự phá hoại của chuột đối với đời sống con người vô cùng lớn, từ thức ăn, quần áo, sách vở, qua sự viếng thăm của chuột sẽ trở nên tan nát hư hỏng, nhưng con vật bé nhỏ đáng ghét ấy lại đường đường hoàng hoàng đứng đầu 12 con giáp khiến người ta không khỏi cảm thấy rất hoang đường, một số người mang chủ nghĩa duy mỹ và đạo đức gia càng thấy bất bình, mong sao loại bỏ con chuột khốn kiếp kia khỏi 12 con giáp. Ông Vương Hữu Quang người đời Thanh đã từng viết bài hịch phạt chuột trong cuốn 2 quyển “Ngô hạ ngạn liên”: “Heo xếp đứng cuối là điều đương nhiên, để chuột đứng đầu thoạt chẳng ai phục. Với sự thần linh của rồng, dũng mãnh của cọp là những con vật uy dũng được muôn loài tôn sùng chỉ xếp ở giữa, tuy ở trên heo nhưng lại chịu dưới chuột, thật là chuyện nghịch lý vô cùng!”
Qua đó ta có thể thấy được những nỗi bất bình, những lời trượng nghĩa như thế từ xưa đã có. Trong 12 con giáp tại sao chuột lại đứng đầu? Từ xưa đến nay có nhiều cách nói và truyền thuyết khác nhau.

Có học giả cho rằng cơ sở để sắp xếp thứ tự các con vật trong 12 con giáp có thể do việc người xưa dùng địa chi thay cho 12 giờ * (theo lối tính thời gian ngày xưa ở Trung quốc, một giờ bằng 2 tiếng đồng hồ) có liên quan mật thiết đến qui luật hoạt động của các con vật trong một ngày đêm. 

Giờ tý là lúc 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng, chuột hoạt động nhộn nhịp nhất vào giờ này, do đó lấy giờ tý gắn với chuột. Từ 1 đến 3 giờ sáng là giờ sửu, là lúc con trâu còn đang nhai lại thức ăn đêm qua. Từ 3 đến 5 giờ sáng là giờ dần, là lúc con cọp đang tìm thức ăn trong rừng, lúc nó hung tợn nhất. Từ 5 đến 7 giờ sáng là giờ mão, là lúc mặt trời chưa lên, ánh trăng còn vằng vặc, thỏ ngọc còn đang bận rộn sắc thuốc. Từ 7 đến 9 giờ là giờ thìn, là lúc đàn rồng đang hô mây gọi gió trong truyện thần thoại. Từ 9 đến 11 giờ là giờ tị, theo truyền thuyết vào giờ này rắn thu mình trong hang, rất ít cắn người. Từ 11 đến 1 giờ trưa là giờ ngọ, lúc này dương khí đang lên đến cực điểm, ngựa là con vật thuộc tính dương, là lúc thiên mã đang phi giữa không trung. Từ 1 đến 3 giờ chiều là giờ mùi, theo truyền thuyết con dê ăn cỏ vào giờ này thì sức sống của cây cỏ càng mạnh. Từ 3 đến 5 giờ chiều là giờ thân, là lúc khỉ nhảy nhót vui nhộn nhất. Từ 5 đến 7 giờ chiều là giờ dậu, là lúc gà bắt đầu về ổ. Từ 7 đến 9 giờ tối là giờ tuất, là lúc chó bắt đầu phải giữ nhà phòng trộm. Từ 9 đến 11 giờ khuya là giờ hợi, là lúc heo ngủ ngon nhất. Người xưa căn cứ vào thói quen của 12 con vật trong 12 con giáp để ghi giờ với hình tượng sinh động và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Từ xưa đến nay cũng có nhiều văn nhân cho rằng 12 con giáp có liên quan đến 12 giờ, đồng thời cũng có những lý giải riêng về con chuột tại sao lại được đứng đầu 12 con giáp.

Ông Hồng Tốn người đời Tống trong “Dương Cốc mạn lục”, có giải thích: 12 địa chi được chia thành âm tính và dương tính. Số lẻ trong cầm tinh là dương, số chẵn là âm. Trong tất cả 12 con vật trong con giáp, những con vật có số ngón chân là số lẻ thuộc dương tính, số ngón chân là số chẵn thuộc âm tính. Cọp, rồng, khỉ, chó đều có 5 ngón chân, ngựa có một ngón đều là dương tính. Còn trâu, thỏ, dê, gà, heo đều có 4 ngón thuộc âm tính, rắn tuy không có chân, nhưng lưỡi chia thành 2 là số chẵn cũng thuộc âm tính. Riêng chuột ngoại lệ, chân trước 4 ngón, chân sau 5 ngón, như vậy nó thuộc tiền âm hậu dương, nằm giữa âm dương, là lúc bắt đầu của một ngày mới, đúng với đặc điểm của giờ tý là nằm giữa lúc âm dương nên chuột đi với giờ tý.

Trong “Thất tu loại cảo” của ông Lang Anh người đời Minh thì viết: “Tử vi âm, cực ưu tiềm ẩn hối, dĩ thử phối chi, thử, tàng tích dã” (Tý là âm, là u ám tịch mịch kín đáo, thích hợp với chuột lẩn trốn nên đi với chuột). Cách lý giải này dựa theo thói quen tính cách của loài vật.

Trong “Quảng Dương tạp ký” của Lưu Hiến Đình người đời Thanh có viết: “Thiên khai ư tý, bất hảo tắc kỳ khí bất khai. Thử, hao trùng dã, ư thị, dạ thượng vị ương, chính thử đắc lịnh chi hầu, cố tý thuộc thử.”(Trời mở vào giờ tý, khi chưa tiêu hao hết màn khí hỗn độn thì chưa thấy được ánh bình minh, chuột là con vật chuyên ăn đêm, do đó ban đêm là lúc nó hoạt động rầm rộ nhất, nên giờ tý phải là chuột). Điều này đã dẫn ra truyền thuyết “Chuột cắn trời mở”. Chuyện rằng, màn đêm phủ kín đến trời, phải tiêu hao hết bầu không khí hỗn độn mới có thể xóa đi đêm đen để bình minh ló dạng. Chuột hoạt động rầm rộ nhất vào ban đêm, nó cắn phá đêm đen, mang đến ánh dương, do đó giờ tý chỉ có đi đôi với chuột mà thôi. Chính vì chuột tiêu hao đi bầu không khí hỗn độn nên còn có biệt danh là “Hao tử”. 

Lấy đặc điểm của động vật mà con người quen thuộc để tính giờ có thể là lý giải hợp lý nhất về nguyên nhân sắp xếp thứ tự của 12 con giáp. Trong dân gian cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết thú vị về việc sắp xếp này.

Tương truyền vào thời xa xưa, Hoàng đế Hiên Viên muốn chọn 12 con vật để trực nhật quản lý thời gian, Hoàng đế quyết định tổ chức một cuộc chạy đua giữa các động vật và sẽ sắp xếp theo thứ tự thắng thua. Bắt đầu cuộc đua, trâu chạy nhanh nhất, còn chuột thì nhảy lên lưng trâu, khi gần đến đích, chuột phóng ngay xuống, thế là nó đến đích sớm hơn trâu, được xếp thứ nhất.

Những truyền thuyết tương tự cũng có nhiều ở các dân tộc. Có chuyện dân gian kể rằng, chuột và mèo kết oán là do mèo vốn mê ngủ, nên dặn chuột khi sắp vào cuộc đua đánh thức mèo, nhưng chuột lại bỏ mặc mèo đi thi một mình và được về nhất. Từ đó chuột và mèo trở thành kẻ thù truyền kiếp.

Cũng có truyền thuyết nói rằng Ngọc Hoàng Thượng Đế chọn được 12 con vật để đặt cho con giáp và phán: Trong tất cả các ngươi, trâu lớn nhất, vậy Ta để trâu đứng đầu vậy. Chuột tỏ ý phản đối và nói rằng trong lòng con người nó được coi là lớn hơn trâu, vì thế Ngọc Hoàng cùng tất cả các con vật xuống trần thế, khi trâu đi ngang qua con người, chỉ nghe người nói: Con trâu này béo khỏe thật, mà không phải là con trâu này to lớn thật. Lúc này, con chuột gian xảo đột nhiên nhảy lên lưng trâu, dùng 2 chân đứng thẳng lên, con người trông thấy kinh ngạc nói: “Ối chà! Con chuột này to thật!” Thế là chuột được chọn đứng đầu các con giáp. 

Trong tất cả các truyền thuyết, cho dù truyền thuyết nào sinh động hơn thì tính cách chung của chuột vẫn là tinh ranh xảo quyệt, thường hay dùng mưu để thắng đối thủ mạnh hơn là trâu để giành lấy vị trí thứ nhất trong 12 con giáp. Những truyền thuyết này xuất phát từ tư tưởng thuần túy dân gian, tuy không thể làm cơ sở giải thích một cách khoa học, song nó cũng thể hiện cách nhìn về chuột trong dân gian Trung Quốc, vừa căm ghét sợ hãi, lại vừa kính nể sùng bái. Khi sắp xếp 12 con giáp, người xưa cho rằng nó thông minh nhất, đương nhiên phải xếp ở vị trí đầu. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét