Dư luận con người cũng giống như thời tiết thay đổi bất thường. Sáng trời có mây đến trưa thì quang đãng. Lúc này rực nắng chói chang, lúc kia lại mưa rồi. Vậy thì, cớ gì trong cuộc sống chúng ta cứ phải chạy theo những ý kiến của dư luận…
Chuyện kể rằng:
Hakuin là một thiền sư Nhật vào cuối thế kỷ 17 (1685–1768), ông rất được mọi người trọng vọng kính nể vì phong cách đạo đức thánh thiện của ông.
Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai. Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo cô con gái về lai lịch tình nhân của cô.
Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ đó là thiền sư Hakuin.
Tin xấu đồn ra nhanh chóng. Cha mẹ cô gái giận dữ, đùng đùng lên chùa và mắng xối xả vào mặt Hakuin. Khi họ dứt lời, Hakuin chỉ thốt hai tiếng “Thế à!”
Sau khi đứa bé chào đời, gia đình cô gái mang đứa bé quẳng cho Hakuin nuôi. Trong thời này, Hakuin đã bị tai tiếng và nhiều người chê bai trách móc ông đủ điều, nhưng Hakuin vẫn thản nhiên như không, dường như câu chuyện kia chẳng có dính líu gì đến ông cả.
Hakuin chăm sóc đứa bé thật tử tế và bồng nó đi xin sữa khắp nơi.
Một năm sau, cô gái vì cảm thấy ray rứt hối hận nên đã thú thực với cha mẹ là người cha đứa bé không phải là Hakuin mà là một chàng thanh niên làm việc ở chợ cá. Cha mẹ cô ta vội chạy lên chùa dập đầu tạ lỗi với Hakuin và xin mang đứa bé về.
Thiền sư Hakuin vẫn thản nhiên như không, thốt lên hai tiếng “Thế à!”
Thiền sư Hakuin không chấp nhận cũng không phủ nhận. Hakuin không nói “Tôi không chịu trách nhiệm chuyện này”. Hakuin cũng không nói “Tôi chịu trách nhiệm chuyện này”. Hakuin chỉ điềm nhiên thốt lên hai tiếng không ăn nhập vào đâu hết “Thế à!”
Hakuin không cần phải tranh cãi vô ích. Nếu người ta đã gán cho ông cái tội như vậy, thì nếu càng biện hộ lại càng làm cho mọi người nghi ngờ hơn. Hakuin không chọn lựa, không tranh cãi gì cả. Hãy nhớ một điều là “nếu ta càng biện hộ tranh cãi thì càng nói lên sự sợ hãi, khuyết điểm của ta vậy”.
Nếu Hakuin chỉ là một vị sư bình thường, một người đạo đức bình thường, thì Hakuin sẽ chống trả tự bào chữa ngay là ông không phải là cha đứa bé đó, rằng ông không hề phạm tội, rằng ông trong sạch, rằng ông bị người ta vu oan v.v.. ngay cả nếu ông có phạm tội, ông cũng không nhận.
Cái gì đã xảy ra trong tâm Hakuin? Không, không có gì cả. Hakuin chỉ lẳng lặng nghe những lời buộc tội đó, chỉ điềm nhiên nghe những lời khinh chê báng bổ đó, Hakuin không phản ứng cách này hay cách khác. Ông không nói có cũng chẳng nói không. Nội tâm không xao động, phong cách vẫn an nhiên tự tại, Thiền sư Hakuin đón nhận đứa bé với tinh thần vô quải ngại, vô úy.
Một khi ta phản ứng, một khi ta nói cái này đúng, cái kia sai, cái này có, cái kia không, thì ta đã bộc lộ sự sợ hãi của ta rồi. Chỉ có sợ hãi mới đưa đến phản ứng chống trả lại. Còn tinh thần không sợ sệt, không khuất lấp, không ngại ngần sẽ đưa đến bình tĩnh an nhiên trước nghịch cảnh. Vì sao? Vì chính tinh thần vô quải ngại, vô úy đó mới là sức mạnh nội tâm tuyệt đối.
Đối với bậc thượng nhân, những lời tâng bốc, khen thưởng hay những lời châm biếm thóa mạ chẳng có tác động gì đến họ cả. Họ đã vượt ra ngoài những lý luận dung tục tầm thường của người đời.
Còn chúng ta, chúng ta quan tâm quá đến dư luận, quan tâm quá đến ý kiến của người khác. Tại sao dư luận lại quan trọng đối với chúng ta như vậy? Tại sao chúng ta lại lo lắng đến ý kiến suy nghĩ của người khác? Bởi vì chúng ta không còn tự chủ được nữa. Từ nhỏ, người lớn đã tập cho chúng ta phải cúi đầu tùng phục nên chúng ta cũng không còn biết mình là ai nữa. Chúng ta lệ thuộc vào người khác quá nhiều, chúng ta coi trọng dư luận quá nhiều. Nếu họ nói chúng ta đúng, tốt thì chắc chắn chúng ta như vậy. Nếu họ nói chúng ta sai, xấu thì quả thật chúng ta sai, xấu, không trật chút nào. Chúng ta tự biến mình thành nô lệ cho dư luận, nô lệ ý kiến người khác.
Cuộc đời tặng ta cái gì, ta đón nhận cái đó. Nó tặng ta đau khổ và chê bai nguyền rủa, hãy dang tay ôm tất cả vào lòng. Nó tặng ta thành công hay hạnh phúc, hãy an nhiên đi đứng thẳng lưng trong vầng hào quang đó. Và nhớ là đừng khởi niệm phân biệt gì cả. Nếu ta khởi lên một vọng niệm nào, tức thì ta bị mất thăng bằng ngay, khi đó, thì lẽ dĩ nhiên ta sẽ bị té ngã xuống bất cứ lúc nào.
Khi ta giữ được thăng bằng nội tâm, ta sẽ có sức mạnh. Khi ta không giữ được, để cho tâm thức nghiêng ngả bên này bên kia, ta dễ vướng vào tội lỗi. Tội lỗi không chỉ thành hình khi ta hành động, mà nó đã nẩy mầm ngay trong ta khi ta bị mất thăng bằng – có nghĩa là quan trọng nhất đừng để bị loạn tâm, ý thức khởi lên phân biệt.
Theo sách Osho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét