Cùng cân một khối lượng: cân chuẩn của chợ Bà Chiểu, TP.HCM (trái) có chỉ số 2,3kg, trong khi cân đã được “độ” (phải) lại lên đến gần 2,7kg - Ảnh: Quang Định |
Ngoài việc gắn “phụ kiện” tăng trọng lượng “ảo” cho hàng hóa, nhiều người buôn bán còn giở trò “độ” cân để ăn gian.
Ông N.V.C. (40 tuổi, quê tỉnh Hải Dương), người có thâm niên gần 15 năm buôn bán trái cây dạo dọc các tuyến đường ở TP.HCM, đúc kết:
“Bán buôn dọc đường quan trọng nhất là thủ thuật ghi giá, giá có bắt mắt mới lôi kéo được người đi đường. Khách mua hàng cứ nghĩ mua được giá rẻ, nhưng thực tế với giá tiền họ bỏ ra chỉ được cân một nửa, thậm chí 1/3 trọng lượng hàng, do cân được “độ” ăn gian từ trước”.
1kg ăn 3 lạng
Nhiều năm nay, tiệm cân A Danh ở kế chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (quốc lộ 1, P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM) nổi tiếng khắp vùng với chiêu trò “độ” cân cho dân buôn và được mệnh danh là lò “độ” cân “uy tín, chất lượng”.
Từ “tiếng tăm” này, trưa 7-7 trong vai người buôn bán trái cây dọc quốc lộ 13, chúng tôi xách chiếc cân loại 5kg còn “zin” đến tiệm A Danh.
Ở phía ngoài tiệm này trưng bày hàng chục chiếc cân đủ loại lớn nhỏ, càng đi vào trong “lò” các bộ phận cân được tháo rời nằm ngổn ngang. Tại “lò” lúc này có ba thợ 20 - 30 tuổi đang hí hoáy “lên đời” những cái cân cũ kỹ.
Khi thấy chúng tôi xách chiếc cân, một thanh niên nhanh tay chộp lấy hỏi: “Cân còn mới, anh muốn chỉnh mấy lạng?”. Chúng tôi còn lớ ngớ thì người này giải thích: “Ý là muốn chỉnh 1 lạng hay 3, 4 lạng. 4 lạng nghĩa là 1kg ăn 4 lạng”.
“Thông thường chỉnh được mấy lạng?” - chúng tôi hỏi. “Cái đó tùy anh, muốn chỉnh bao nhiêu thì chúng tôi chỉnh bấy nhiêu”. Sau khi thống nhất chỉnh “3 lạng”, người này chuyển cân cho một thợ khác ngồi trong góc và báo giá: “1 lạng là 10.000 đồng, cái này lấy 20.000 đồng”.
Dưới bàn tay “ma quái” của thanh niên này, chiếc cân 5kg nhanh chóng được “mổ” bung ra từng bộ phận. Chỉ trong vòng vài phút, người này thoăn thoắt lấy lò xo dùng kìm kéo giãn rồi gắn lại và cho ra kết quả: “1,3kg”.
Chúng tôi tò mò nếu “độ” lên nữa liệu có bị phát hiện không, người này nhếch mép cười: “Độ như vậy được rồi ông ơi, 1kg ông ăn tới 3 lạng của người ta rồi, độ thêm dễ bị phát hiện lắm”.
Ông Nam (đường Hậu Giang, P.2, Q.6, TP.HCM) “độ” cân cho khách. Với tỉ lệ 1kg thành 1,2kg, mỗi ký bán ra người bán nghiễm nhiên ăn gian 2 lạng mà người mua không hề hay biết - Ảnh: Hoàng Lộc |
5 phút là xong
Không “hoành tráng” như tiệm “độ” cân A Danh, có một tiệm “độ” cân khác với diện tích khá khiêm tốn nép bên lề đường Hậu Giang (P.2, Q.6). Tiệm này do ông Nam (42 tuổi) quản lý.
“Muốn làm 1kg ăn bao nhiêu?” - vừa thả cân xuống “lò” ông Nam hỏi ngay. Chúng tôi nói “2 lạng”, ông nhẩm tính: “Vậy là 1kg thành 1,2kg, 2kg thành 2,4kg nha. Tiền công 20.000 đồng”.
Theo ông này, ngoài cân 5kg ông còn làm đủ loại cân 20 - 100kg: “Cái nào cũng làm được hết, làm sai mà, làm đúng thì khó chứ làm sai dễ lắm”.
Chúng tôi hỏi thông thường loại cân nào được “độ” nhiều nhất, ông Nam tay thoăn thoắt “độ” cân, miệng nói: “Tùy theo kinh doanh, ví dụ người bán cá thì “độ” cân nhỏ, bán sắt vụn, ve chai thì xài cân 30kg, lớn hơn nữa thì xài cân 100kg, mỗi người sẽ xài khác nhau”.
Theo ông Nam, ngoài dân buôn bán “độ” cân thì dân đá gà đòn chuyên nghiệp cũng “độ” cân để ăn gian hạng cân khi gà “thượng đài”.
Theo hướng dẫn của một số người bán hàng ở khu chợ tạm đường Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), chúng tôi tìm đến “lò độ cân” của ông Quận chuyên “độ ký” cho những người bán hàng rong. Bên ngoài “lò” này là một tiệm sửa xe máy, có trưng bày thêm nhiều loại cân cũ.
Bước vào trong nhà, hàng chục bàn cân đồng hồ cũ đã hỏng không thể sửa chữa được bày khắp nơi, ông Quận nói dùng để lấy phụ tùng thay thế khi sửa chữa hay “độ” cho khách.
Với loại cân 12 - 15kg cũ đã tân trang, ông Quận ra giá 170.000 đồng/cái, cộng thêm tiền thay lò xo để “độ ký” theo ý khách là 20.000 đồng. Ông này quảng cáo: “Tui độ một bàn cân chỉ trong năm phút”. Ông Quận khẳng định tiệm của ông “độ” cân dùng lò xo loại tốt nên giá bán hơi cao.
Sau đó, ông Quận lấy một bàn cân đồng hồ loại 15kg ra bán cho khách với giá 170.000 đồng, đồng thời tính thêm 20.000 đồng vì khách yêu cầu “độ ký”, từ 1kg thành 1,2kg.
Ông này nhanh chóng đặt cân lên bàn rồi mở hai nắp đậy bên hông bàn cân, dùng tuôcnơvit nạy bung lò xo. Sau đó tháo một lò xo từ một bàn cân cũ loại 12kg ra rồi đem tới máy mài mỏng bớt. Ông mài vừa tới “chuẩn” thì dừng.
Chỉ một cái nạy, chiếc lò xo vừa mài được gắn vào trong cân, ông này đặt quả cân 1kg thì lên được gần 0,2kg. Sau đó, lại dùng tuôcnơvit kéo giãn lò xo thêm một ít thì bàn cân này tăng đúng 0,2kg.
“Nếu anh dùng lâu thì phải đem đến đây thay lò xo khác hoặc chỉnh lại, không thì số ký cân thiếu sẽ tăng, dễ bị khách phát hiện” - ông Quận nói.
Cách độ cân - Đồ họa: Tấn Đạt |
“Độ” công nghệ cao
Ngoài các dạng “độ” thông dụng như “độ” lò xo, “độ” lắc..., để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, nhiều nơi còn có một số “lò” nhận “độ” công nghệ cao, tức gắn chip vào cân, sử dụng điều khiển từ xa để điều chỉnh mức ăn gian tùy ý.
Những “lò” này thường hoạt đông rất tinh vi, chỉ nhận “đơn hàng” và giao hàng qua trung gian.
Sau nhiều lần liên hệ với một số đầu mối, chiều 7-7 tại chợ Kim Biên (Q.5), chúng tôi được giới buôn bán cân giới thiệu ông Năm (trên 60 tuổi) - đầu mối trung gian nhận phân phối cân gắn chip công nghệ cao.
Theo ông Năm, “lò” độ cân công nghệ cao hoạt động ở Thủ Dầu Một (Bình Dương). Nếu khách có nhu cầu “độ” cân bao nhiêu ký thì đặt hàng, đặt cọc phân nửa số tiền, ông sẽ yêu cầu người làm.
“Ở đây chẳng ai dám làm nên có nhiều người tại các tỉnh miền Bắc cũng đặt hàng qua tôi, không được đến trực tiếp lò “độ”. Nếu đặt hàng thì ba ngày là có cân đảm bảo chất lượng bảo hành một năm, giá 8 triệu đồng/cân. Có cân này như “bùa” trong tay, muốn ăn bao nhiêu tùy ý. Ví dụ cân ve chai thì 100kg có thể ăn 15 - 20kg, cân càng nhiều ăn càng nhiều” - ông Năm phổ biến.
Theo ông Năm, hiện nay có một số chỗ nhận làm cân “độ” công nghệ cao với giá 2,8 - 3 triệu đồng/cân nhưng rất mau hỏng vì xài hàng Trung Quốc dễ chập điện, gây cháy.
“Hàng “lò” chúng tôi sản xuất có kinh nghiệm trên 30 năm, tuy giá có cao nhưng tiền nào của nấy. Chúng tôi sử dụng toàn hàng Đài Loan nên “bao” chất lượng” - ông Năm quảng cáo.
Theo ông này, điểm khác biệt giữa cân “độ” lò xo, “độ” lắc và “độ” công nghệ cao là cân “độ” lò xo, “độ” lắc... dễ bị phát hiện nếu bị đưa cân còn “zin” ra so sánh.
“Trong khi đó, sử dụng cân công nghệ cao bình thường cân vẫn đúng, chỉ khi mình muốn ăn thì cứ việc cầm điều khiển nhỏ như hộp diêm để trong bao tay vô tư mà bấm” - ông Năm dặn dò. Theo ông Năm, pin điều khiển cân là loại pin bình, nếu sử dụng nhiều thì hai ngày sạc một lần là được.
Cân “độ” ra đường
Chúng tôi đã mang chiếc cân còn “zin” đi mua trái cây tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé vào mua hàng là một xe đẩy bán chôm chôm trên tỉnh lộ 43 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức).
Chúng tôi yêu cầu phụ nữ bán hàng cân 2kg chôm chôm và hỏi: “Cân có đúng không?”. “Cân ok, bao luôn” - người phụ nữ này quả quyết. Người này bốc chôm chôm vào túi, đặt lên bàn cân hiện lên chỉ số “2,2kg”. Chúng tôi hỏi lại một lần nữa: “Chỉ số đã đúng chưa?”.
Người này nói chắc nịch: “Chính xác”. Lúc này, chúng tôi đặt túi chôm chôm lên bàn cân mang theo thì hiện vạch chỉ non “1,7kg”, tức chúng tôi đã bị ăn gian 0,5kg chôm chôm.
Nhìn vào cân, người phụ nữ biện minh: “Tui cân đủ, nhưng chắc tại chạy rớt qua rớt lại nên cân nhảy số sai”.
Tương tự, chiều cùng ngày chúng tôi ghé điểm bán trái bòn bon, đào... do một thanh niên tên Thái (quê Bình Định) đứng bán và đề nghị Thái bán 1kg đào, giá 20.000 đồng/kg. Thanh niên này cân cho chúng tôi 1,6kg đào và báo giá “30.000 đồng”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi cân lại bằng cân “zin” thì trọng lượng non 1kg, tức bị cân gian hơn 6 lạng. Thấy chúng tôi chụp hình ghi lại bằng chứng, người này sừng sổ: “Tui ở quê mới vô không biết, giờ cân thiếu anh mua lại em bán đủ cho chứ có sao đâu mà chụp hình!”.
Chúng tôi thắc mắc tại sao thiếu đến 6 lạng, người này nói: “Buôn bán anh cũng biết rồi, bán cái giá đó 1kg phải thiếu
2 - 2,5 lạng chứ. Em bán thiếu có 2,5 lạng, mua giùm thì mua, không mua thì thôi chứ làm gì mà chụp hình ghê vậy!?”.
Với trò cân gian bị lật tẩy, người này chỉ dám lấy 20.000 đồng cho
1,6kg đào.
|
Bắt nhiều người dùng cân “độ” ăn gian
Giữa năm 2011, TAND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đưa ra xét xử ông H. (quê An Giang) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì gian lận khi cân cá tra của nông dân.
Theo đó, sau khi được một công ty chế biến thủy sản ở Đồng Tháp thuê coi cân và vận chuyển cá tra, ông H. cùng với một số người dùng thanh kim loại chêm vào lỗ phía sau của chiếc cân làm dư trọng lượng 4-5kg trong mỗi lần cân để hưởng phần chênh lệch.
Ông H. sau đó bị phát hiện và bị bắt. Qua cân lại, cơ quan điều tra xác định ông H. gian lận lên đến gần nửa tấn cá.
Trước đó năm 2009, Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bắt vợ chồng ông T. (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) khi dùng thủ đoạn gắn chip điện tử vào bàn cân để ăn gian trọng lượng khi mua cá.
Ông T. cùng vợ thuê bốn xe tải đến xã Xuân Hưng (huyện Xuân Lộc) mua cá, loại cân sử dụng là cân 100kg. Để ăn gian, vợ chồng ông T. dùng remote điều khiển hạ thấp trọng lượng, khi cân được 1.793kg cá thì bị công an bắt quả tang.
Qua kiểm tra, cân lại số cá thì trọng lượng thực lên đến 2,5 tấn. Công an xác định bàn cân mà vợ chồng ông T. sử dụng được gắn chip điện tử, cài mật mã và dùng remote điều khiển để làm giảm trọng lượng cá, mỗi lần hưởng lợi 20kg.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150709/dien-dao-do-can-an-gian-1kg-con-6-lang/774654.html
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét