Jiddu Krishnamurti hay J. Krishnamurti, (12 tháng 5, 1895–17 tháng 2, 1986) là một tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng về các vấn đề triết học và tinh thần.
Các chủ đề bao gồm (nhưng không giới hạn): mục đích của thiền định, mối quan hệ giữa con người, và phương cách để tạo nên sự thay đổi xã hội tích cực trên phạm vi toàn cầu.
Krishnamurti được sinh ra trong một gia đình Bà la môn tại Ấn Độ (khi ấy là một nước thuộc địa). Khi còn thanh niên, Krishnamurti có cơ hội gặp gỡ với ông C.W. Leadbeater một nhà huyền bí học nổi tiếng và có vị trí cao trong Hội Thông Thiên Học tại một khu đất thuộc trụ sở chính của Hội Thông Thiên Học ở Adyar thuộc Madras (bây giờ là Chennai). Sau đó, Krishnamurti được nuôi dưỡng dưới sự giám hộ của bà Annie Besant và ông C.W. Leadbeater, những nhà lãnh đạo của Hội Thông Thiên Học, lúc đó tin rằng Krishnamurti sẽ trở thành vị Thầy Thế giới trong tương lai.
Krishnamurti đã bác bỏ ý tưởng này và giải tán hội Ngôi Sao Phương Đông (một tổ chức toàn cầu được lập để hỗ trợ ý tưởng này). Krishnamurti khẳng định rằng mình không thuộc bất cứ quốc tịch, tầng lớp, tôn giáo hay trường phái triết học nào, và ông giành suốt quãng đời còn lại của mình đi khắp thế giới như một nhà diễn thuyết độc lập, nói chuyện với các nhóm lớn và các nhóm nhỏ, cũng như với những cá nhân quan tâm.
Krishnamurti là tác giả của rất nhiều cuốn sách, ngoài ra, một khối lượng đồ sộ các bài nói và thảo luận của ông cũng được xuất bản. Ở tuổi 90, Krishnamurti đã diễn thuyết tại Liên Hợp Quốc về chủ đề hòa bình và nhận thức, và ông đã được trao tặng Huân chương Hòa Bình của Liên Hợp Quốc năm 1984.
Buổi nói chuyện trước công chúng cuối cùng của ông diễn ra tại Madras, Ấn Độ, tháng 1 năm 1986, một tháng trước khi ông qua đời tại nhà riêng tại Ojai, California.
Những người ủng hộ ông, làm việc trong các chức phi lợi nhuận, trông nom một số trường học độc lập thực hiện quan điểm của ông về giáo dục – tại Ấn Độ, Anh Quốc và Mỹ – và tiếp tục sao chép và phổ biến hàng nghìn bài nói, các cuộc thảo luận nhóm và cá nhân, và các tác phẩm khác, xuất bản chúng dưới nhiều định dạng khác nhau, bao gồm sách, audio, video, sách điện tử, internet, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
J.Krishnamurti, cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Là một hiền nhân, triết gia và tư tưởng gia, ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là "làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện", ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.
Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ "triết thuyết" nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.
Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh.
Những người ủng hộ ông, làm việc trong các chức phi lợi nhuận, trông nom một số trường học độc lập thực hiện quan điểm của ông về giáo dục – tại Ấn Độ, Anh Quốc và Mỹ – và tiếp tục sao chép và phổ biến hàng nghìn bài nói, các cuộc thảo luận nhóm và cá nhân, và các tác phẩm khác, xuất bản chúng dưới nhiều định dạng khác nhau, bao gồm sách, audio, video, sách điện tử, internet, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
J.Krishnamurti, cuộc sống và những lời dạy của ông trải dài trong phần lớn thế kỷ hai mươi, được nhiều người tôn vinh là một con người có ảnh hưởng sâu sắc nhất vào ý thức nhân loại trong thời đại hiện nay. Là một hiền nhân, triết gia và tư tưởng gia, ông soi sáng cuộc sống của hàng triệu người khắp thế giới: những người trí thức và những người bình thường, cả người già lẫn người trẻ. Ông tạo ra ý nghĩa căn bản và mới mẻ cho tôn giáo bằng cách chỉ rõ một cách sống vượt khỏi tất cả những tôn giáo có tổ chức. Ông can đảm đối diện những vấn đề của xã hội hiện nay và phân tích bằng sự rõ ràng có khoa học những hoạt động của cái trí con người. Tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là "làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện", ông tìm kiếm sự giải thoát con người khỏi tình trạng bị điều kiện sâu thẳm của tánh ích kỷ và đau khổ.
Từ đầu những năm 1920 đến năm 1986, Krishnamurti đi khắp thế giới cho đến cuối đời lúc 91 tuổi, tổ chức những buổi nói chuyện, những cuộc thảo luận, viết sách hay là ngồi yên lặng cùng những người đàn ông và phụ nữ đang tìm kiếm sự hiện diện đầy nhân ái và an ủi của ông. Những lời dạy của ông không dựa vào những hiểu biết thuộc sách vở và kinh điển nhưng dựa vào sự thấu triệt về tình trạng bị điều kiện của con người và quan điểm của ông về sự thiêng liêng. Ông không trình bày bất kỳ "triết thuyết" nào, trái lại nói về những sự việc liên hệ với tất cả chúng ta trong cuộc sống hàng ngày: những vấn đề khi đang sống trong xã hội hiện đại với sự phân hoá và bạo lực của nó, sự tìm kiếm của cá nhân để có an toàn và hạnh phúc, và sự đòi hỏi của con người để được tự do khỏi những gánh nặng tâm lý của tham lam, bạo lực, sợ hãi và đau khổ.
Krishnamurti không lệ thuộc vào bất kỳ tôn giáo, giáo phái, hay là quốc gia nào. Ông cũng không tán thành bất kỳ trường phái tư tưởng thuộc học thuyết hay chính trị nào. Trái lại ông quả quyết rằng những trường phái này chính là những yếu tố phân chia con người với con người và tạo ra xung đột lẫn chiến tranh.
Ông nhấn mạnh vào thời gian và lặp lại liên tục rằng chúng ta là những con người cao quý và quan trọng nhất, rằng mỗi người trong chúng ta là phần còn lại của nhân loại và không khác biệt gì cả. Ông vạch ra sự quan trọng để tạo ra cuộc sống hàng ngày của chúng ta một chất lượng thiền định và tôn giáo sâu sắc. Ông nói chỉ có một sự thay đổi triệt để mới có thể tạo ra một cái trí mới mẻ, một nền văn minh mới mẻ. Vẫn vậy lời dạy của ông vượt khỏi tất cả những biên giới do con người tạo ra của những niềm tin tôn giáo, những cảm tình quốc gia và những quan điểm thuộc giáo phái. Cùng lúc, chúng cho một ý nghĩa và một phương hướng mới đến việc tìm hiểu của con người hiện đại về chân lý, về thiêng liêng. Những lời dạy của ông, không chỉ liên quan đến thời đại hiện nay, mà còn có tính tổng thể và không thời gian.
Jiddu Krishnamurti
Qua những buổi nói chuyện của Krishnamurti, người ta cảm thấy thái độ của ông đối với tôn giáo có vẻ khắc nghiệt, và điều này làm nhiều người sùng đạo buồn lòng; tuy nhiên, có người tìm ra được những đoạn ông nói về điều bất khả tri, về điều vô lượng, về năng lực phi thường từ hư vô, lại nghĩ ông là người duy linh, mê tín. Nói chung cả thái độ theo tôn giáo lẫn chống tôn giáo tìm thấy ở Krishnamurti điều đáng trách. Chúng ta thấy có nhiều nơi ngăn trở không cho Krishnamurti nói chuyện vì nghĩ rằng ông bài xích tôn giáo, và lại có nơi ngăn trở ông vì cổ xúy tín ngưỡng huyền hoặc hay thuyết giảng tư tưởng tiêu cực.
Như vậy không phải là điều đáng tiếc lắm sao, khi mà chỉ vì sợ hãi một đóa hoa không hề quan tâm đến tôn giáo cũng không quan tâm đến vô tôn giáo mà ngăn chặn không cho hoa tỏa hương? Không phải là điều đáng tiếc lắm sao khi mà suy tưởng của Krishnamurti được đưa ra xem xét nó có lợi hay có hại, trong khi khái niệm lợi hại không hề có trong suy tưởng của ông. Có một điều người ta không thể chối bỏ được là lời nói Krishnamurti xác thực quá mức tưởng tượng, thực đến nỗi không tìm đâu ra được một sự thực thứ hai, nhưng khi nhìn quanh lại không tìm đâu có được sự thực như vậy. Đó là một nghịch lý có lẽ sẽ bỏ ngõ đến tận vài trăm năm sau, như lời trăn trối của Krishnamurti.
Theo chúng tôi, thật ra vấn đề Krishnamurti quan tâm là tổ chức và định kiến. Tôn giáo mà ông khắc nghiệt phê phán đều có hình thức tổ chức cao, và như thế đã biến thành bộ máy quản lý đầy uy quyền. Krishnamurti nói rằng tổ chức càng chặt chẽ thì càng rời xa chân lý. Như vậy không phải tôn giáo, mà chính tổ chức mới là điều gây trầm luân cho tinh thần con người. Điểm thứ hai là định kiến, và điều này đã quá rõ, không cần phải bàn đến nhiều khi hiểu rằng định kiến là sản phẩm chết cứng của tư tưởng và làm tâm trí hoàn toàn mất đi tính sinh động của nó, làm tê liệt khả năng khám phá điều mới lạ.
Những người lần đầu tiên đọc Krishnamurti có thể có hai phản ứng: Hoặc là không chấp nhận hay không hiểu gì cả, và do đó bài bác hay chối bỏ ông; hoặc là cảm thấy ngạc nhiên, phấn khích, cảm thấy như mình mới vừa sinh ra trong một xứ sở thần kỳ chưa từng nghe nói đến, và do đó tìm đọc ông trong suốt nhiều năm. Đối với người phản bác ông ngay từ đầu thì chẳng có gì để nói thêm, bởi vì người ta sẽ xếp sách lại và quên ngay cái tên Krishnamurti. Nhưng đối với người cảm thấy có sự phấn khích khá mãnh liệt lúc đầu, sau nhiều năm đi vòng vo, lặn ngụp, vật vã trong những khái niệm về thời gian, tư tưởng, sợ hãi, hiện thể, tự do, tĩnh lặng, thiền định… họ thấy dường như mình quay lại điểm xuất phát ban đầu, dường như cuộc đời mình không thay đổi gì cả, trái tim mình vẫn chai đá, tâm trí mình vẫn rối bời, và nỗi đau khổ vẫn canh cánh bên lòng.
Krishnamurti đã chặn đứng tất cả mọi sự giả vờ và tưởng tượng, vì thế mọi người không dám che giấu cái sự thật lạnh lùng đang hiện hữu trong lòng là mình không hiểu gì cả. Krishnamurti đã chặn đứng tất cả mọi ngõ ngách dẫn con người chạy trốn về cái lối mòn muôn thuở của các tổ chức chân lý, và vì thế con người đã cùng đường bí lối. Krishnamurti đã vô hiệu hóa mọi ngôn từ, mọi suy nghĩ, và con người cảm thấy bơ vơ tận cùng, cô độc giữa dòng đời hung tàn cứ mãi lạnh lùng trôi. Phải chăng Krishnamurti đã đòi hỏi quá sức con người, muốn mỗi người phải là một ông thánh, trong khi lạc thú cuộc đời chờ chực lôi kéo người ta vào địa ngục lại giăng đầy khắp nơi?
Con người thèm khát chân lý, muốn vươn đến chân lý, hạnh phúc, muốn thu đạt chân lý trong tay, nhưng Krishnamurti lại bảo rằng chân lý giống như ngọn gió, không thể bắt lấy nó, không thể cầm giữ nó trong nắm tay. Con người cần hy vọng, cần niềm tin, nhưng Krishnamurti lại bảo hy vọng chỉ là ảo tưởng của một tâm trí cùn lụt chẳng biết phải làm gì với hiện tại; còn niềm tin chỉ là sự ám thị hoang tưởng. Con người cần hoài niệm về quá khứ, bảo tồn truyền thống, nhưng Krishnamurti lại bảo truyền thống là ngục tù. Con người cần tư duy trong mọi lãnh vực, nhưng Krishnamurti lại bảo suy nghĩ làm suy đồi mọi vẻ đẹp của cuộc sống. Con người cần người hướng dẫn, giúp đỡ, cần được an ủi vỗ về, nhưng Krishnamurti lại từ chối mình làm nạng chống cho bất cứ ai, và không thừa nhận bất cứ ai làm nạng chống cho con người.
Con người lo sợ, bất an nhưng hình như Krishnamurti chỉ làm người ta hoảng sợ hơn, vì đã lấy đi tất cả phương cách chạy trốn mà con người đã phát minh được. Con người lần khần, hẹn ngày mai sẽ thay đổi, nhưng Krishnamurti lại bảo sẽ không bao giờ có chuyện dần dà, sự thay đổi chỉ xảy ra ngay lập tức hoặc là không bao giờ. Con người chạy tìm tình yêu, thiền định, nhưng Krishnamurti lại bảo tất cả mọi hình thức thiền định hiện nay chỉ làm tâm trí con người đờ đẫn, trì trệ, và tình yêu theo kiểu hiện nay chỉ là sự dối gạt, chỉ là các thứ tương tự tình yêu nhưng không phải là tình yêu, vì con người hiện nay chỉ biết bảo toàn cho cái tôi của mình.
Krishnamurti đã đẩy tư duy của con người đến mé bờ tuyệt vọng, nhưng ông cũng lấy luôn sự tuyệt vọng của con người, khi bảo rằng tuyệt vọng, kỳ vọng, hy vọng chỉ là vọng, không có cái nào là chân trong đó. Con người quẫn bách tìm đến lạc thú, sống buông thả, tìm đến sự hung bạo, và Krishnamurti lại nói sự hung bạo đã đầy dẫy trong đời thường, trong hành động hàng ngày, trong tâm trí con người, khỏi phải tìm đâu xa; còn sống buông thả, tìm lạc thú chỉ là cách sống vớ vẩn. Và khi con người đã bị Krishnamurti tước sạch mọi thứ, chẳng được chừa lại thứ gì, con người lại bắt đầu hỏi “Vậy thì đường nào đến chân lý?”, thì Krishnamurti lại lạnh lùng trả lời “Chân lý không có đường vào”, như ông đã từng nói từ những ngày đầu tiên bắt đầu du thuyết, “Nó có ở đó cho ngài, hãy nhận lấy hoặc bỏ đi”.
Con người hỏi vậy phải làm gì, Krishnamurti lại nói chẳng cần làm gì cả ngoài việc nhận ra và hiểu biết, chính sự nhận ra đó đã là hành động tích cực rồi. “Chân lý không mang lại hy vọng, nó chỉ mang lại sự hiểu biết”. Nhưng thật khó tưởng tượng được sống mà không cần hy vọng hay chỉ cần hiểu biết là đã đủ cho cuộc sống này.
Bài nói chuyện cuối cùng của Krishnamurti trên đời được ghi nhận tại Ấn Độ, vào đầu năm 1986, khoảng một tháng trước khi ông chết, khi ấy ông chín mươi mốt tuổi. Ông nói, “chúng ta phải bắt đầu từ cái chúng ta đang là bây giờ, không phải từ cái chúng ta đã là trong quá khứ hay cái chúng ta sẽ là trong tương lai. Cái chúng ta sẽ là ở tương lai là cái chúng ta đang là bây giờ (Krishnamurti, The Future is Now). Rõ ràng thời gian là một trọng tâm mà Krishnamurti lặp đi lặp lại trong hầu hết các buổi nói chuyện của mình, có lẽ chính vì thời gian là nỗi ám ảnh và là một định mệnh của con người.
Con người trầm luân vì đã lỡ mang trong định mệnh của mình thành tố thời gian, và để vượt qua sự trầm luân ấy không còn cách nào khác hơn là phải vượt qua thời gian. Dĩ nhiên thời gian ở đây là thời gian tâm lý, là sự chuyển dịch của tâm trí qua lại điểm cân bằng là hiện tại. Đối với Krishnamurti quá khứ là cái đã chết rồi, nhưng không hề bị chôn vùi, ký ức về nó vẫn còn đâu đó trong tâm trí bây giờ, và đó chính là ngục tù của tâm trí. Con người không thay đổi được vì không muốn thay đổi, không muốn đánh mất cái nhà tù quá thơ mộng, quá yên ổn của quá khứ. Thoát ra khỏi nhà tù quá khứ, con người sẽ cảm thấy bơ vơ tận cùng, cảm thấy bản ngã mình bị đánh rơi, bị lạc mất, không biết phải làm gì với sự thể ở hiện tại. Con người cảm thấy mình không thể sống nổi nếu không có quá khứ.
Quá khứ ở đây không chỉ là những kỷ niệm êm đềm hay ê chề, mà là toàn bộ truyền thống, văn hóa, nếp sống, tư tưởng, tri thức đã có hàng ngàn năm. Dù có lý luận hay dở thế nào thì con người cũng không muốn hay không thể tách rời ra với quá khứ, và do đó phải lệ thuộc thời gian. Một con người không có quá khứ thì biết phải hành xử ra sao trong hiện tại? Do vậy đa số vì sinh tồn sẽ quyết định con đường tuyển chọn, sẽ chọn ra quá khứ nào hay để giữ lại, quá khứ nào tồi tệ phải bỏ đi, và như thế, Krishnamurti nói, vẫn lệ thuộc thời gian. Ngay dù có lối sống bất chấp truyền thống, bất chấp quá khứ, thì đó vẫn là một lối sống khuôn theo một ý tưởng, và do vậy con người vẫn bị khuôn định trong thời gian.
Vì mọi hành động của con người loay hoay trong cái rọ quá khứ, tức là trầm luân trong thời gian, con người trở nên ngộp thở và bắt đầu tư duy để tìm ra lối thoát, bắt đầu dự kiến đến các mô hình tương lai, trong đó có cả thiên đường, cực lạc, hay cái chết hư vô, nhưng vô ích, Krishnamurti nói, vì tư duy, tư tưởng là thời gian, và do vậy nỗ lực vượt thoát nỗi đau hiện tại để đi đến tương lai hạnh phúc vẫn là một ước mơ thuộc thời gian. Cho nên từ lúc bắt đầu đến lúc chấm dứt, tâm trí con người ngụp lặn trong thời gian, dùng tư duy là thời gian để bứt phá cái định mệnh thời gian xuyên suốt từ quá khứ đến tương lai thì cũng giống như lấy mực bôi mực, biết chừng nào mới hết bẩn.
Krishnamurti nói rằng suy nghĩ không thể dừng được, vì bản chất của suy nghĩ là dịch chuyển, khi dừng lại thì suy nghĩ sẽ chết. Suy nghĩ chết thì con người sẽ chết, vì hoạt động của con người cần đến suy nghĩ. Nhưng có một cái có thể chấm dứt, đó là thời gian tâm lý. Con người không muốn bỏ những kho tàng mà họ trân trọng trong quá khứ, cũng không muốn bỏ những kỳ vọng, những ước mơ tươi đẹp về tương lai, con người không muốn tay trắng, chẳng có gì cả và chẳng là gì cả trong đời, và vì thế họ không chịu thay đổi. Con người đưa thân mình chống đỡ cả hai đầu quá khứ và tương lai, và họ cam chịu ở lại với hiện trạng mà theo Krishnamurti là đầy lòng tham lam, ganh tỵ, ghen tuông, mê tín, thích tôn thờ người khác, thích cai trị người khác, sợ hãi, thù hận, hung tàn, và dĩ nhiên xen kẽ có những lạc thú mong manh.
Mọi vấn đề của con người có thể gói gọn trong hai chữ thời gian, là một khái niệm hết sức trừu tượng, co dãn, biến hóa, và đôi khi mơ hồ đến mức chẳng ai buồn để ý. Nỗ lực là thời gian. Mong cầu là thời gian. Thành tựu là thời gian. Rèn luyện là thời gian. Kiến thức, tri thức là thời gian. Hứa hẹn, hy vọng, mơ ước là thời gian. Thiên đường, cực lạc cũng là thời gian. Ý chí là thời gian. Lý tưởng là thời gian. Và hạnh phúc, chân lý, tình yêu cũng đã bị ném tận cuối con đường thời gian.
Krishnamurti nói rằng con người muốn mình chuyển hóa thì thời gian phải chấm dứt và chấm dứt ngay lập tức, và phương cách để chấm dứt thời gian là thiền định, với điều kiện thiền định phải là một tâm thái không thuộc thời gian tức là không nỗ lực, không cố gắng, không tìm kiếm, không chọn lựa, không loại trừ. Điều này là dĩ nhiên vì nếu thiền định thuộc thời gian thì nó không thể chấm dứt cái sản sinh ra nó là thời gian. Nhưng nếu điều này là đúng thì việc chấm dứt thời gian tâm lý phải là trọng tâm trong mọi suy tưởng, quan sát, xem xét, vì đây là mấu chốt của mọi vấn đề, bất kể là vấn đề nào. Theo Krishnamurti, thiền định có thể phá vỡ cấu trúc kiên cố của thời gian, nhưng tất cả không chỉ có thế, thời gian chấm dứt chỉ mới là một tiền đề, nhưng đó là một tiền đề không phát sinh vấn đề.
JIDDU KRISHNAMURTI – MỘT CON NGƯỜI KHÔNG CHÍNH KIẾN, KHÔNG TÍN NGƯỠNG, KHÔNG THUỘC TỔ CHỨC NÀO. SUY TƯỞNG CỦA ÔNG MANG TÍNH ĐỘC ĐÁO, VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU, VÀ CÓ LẼ SẼ KHÔNG TÌM THẤY TRONG VÀI TRĂM NĂM NỮA.
Mộc Nhiên
Nguồn: nhattrangjk.blogspot.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét