Tại hẻm số 13 chợ Thủ Đức, TP.HCM, bày bán rất nhiều bánh trung thu với mức giá chỉ 7.000 đồng/chiếc. Chủ cơ sở này cho biết loại bánh siêu rẻ như thế này thường được mua với số lượng lớn. Chỉ cần hôm nay đặt là ngày mai có bánh với giá nhập chỉ 1.000-2.000 đồng/chiếc.
Còn tại chợ đầu mối Bình Tây, nơi chuyên bán buôn số lượng lớn bánh trung thu 6.000-7.000 đồng/chiếc, nhãn mác được copy một cách sơ sài, tên sản phẩm được đặt theo các mẫu bánh nổi tiếng.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, 2 trong số 3 đơn vị sản xuất các loại bánh này chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Về sản phẩm, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố khẳng định cả 3 sản phẩm đều phải thu hồi. Thế nhưng, có mặt tại 1 trong 3 cơ sở làm bánh trung thu siêu rẻ đáng ra đã bị thu hồi này, đập vào mắt phóng viên vẫn là cảnh sản xuất rất nhộn nhịp. Chủ cơ sở này cho biết mỗi ngày bán ra thị trường vài trăm đến 1.000 sản phẩm.
Bánh trung thu từ xưa vốn là một mặt hàng bình dân nên giá rẻ cũng là chuyện thường tình. Trên thị trường bánh trung thu ngày nay vô cùng đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, hương vị thì giá cả có thể là một yếu tố cạnh tranh hiệu quả. Hơn nữa, những chiếc bánh truyền thống vốn được ưa chuộng thì cũng không mất quá nhiều chi phí để làm ra. Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là người tiêu dùng bỏ qua tất cả các công đoạn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Làng nghề làm bánh trung thu ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) hay ở La Phù là nơi mà mỗi một mùa trung thu lại có hàng trăm nghìn chiếc bánh được làm ra nhưng danh tiếng của lành nghề này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tay không nặn bánh, tay trần ép khuôn, không tem nhãn, không vỏ hộp, những chiếc bánh cởi trần được cơ sở Đỗ Thế Gia xuất đi cả thùng để các hàng bán lẻ tùy ý gắn nhãn hiệu và hạn sử dụng.
Tại một cơ sở sản xuất bánh trung thu khác ở Xuân Đỉnh, chủ cơ sở khẳng định đã làm kiểm nghiệm và có đầy đủ các loại giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng bên trong cơ sở sản xuất thì nhếch nhác, khu vực làm bánh ẩm ướt, hiếm có dụng cụ nào sạch sẽ, máy khoan trở thành máy trộn bột, bánh được xếp trên nền nhà chờ đóng hộp. Thế mà mỗi vụ trung thu, lò này làm ra trên dưới một nghìn chiếc bánh.
Không chỉ có Xuân Đỉnh, La Phù – một làng nghề nổi tiếng với các loại bánh kẹo siêu rẻ đợt này cũng đang chạy hết công suất làm bánh trung thu. Những lều tạm phủ bạt được dựng lên, nhà ở cũng đồng thời là nhà xưởng, can dầu làm bánh đen kịt, nhân bánh không được che đậy, thậm chí tiện đâu bỏ đấy.
Sự cẩu thả của các cơ sở sản xuất này không chỉ làm tổn hại đến chính họ mà còn làm ảnh hưởng đến cả làng nghề. Điều đáng nói là, các cơ quan chức năng bảo vệ người tiêu dùng đã có mặt ở khắp các cơ sở sản xuất bánh trung thu từ nhỏ đến lớn để giám sát quy trình làm ra những chiếc bánh, thậm chí đến kiểm tra cả những cơ sở làm bánh nhếch nhác kể trên. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc kiểm tra không hiểu sao phần lớn đều tốt đẹp cả.
Sáng hôm qua (23/9), Đội Quản lý thị trường số 33, TP. Hà Nội, đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở làm bánh trung thu truyền thống có quy mô là Đỗ Thế Gia và Bình Trung ở Xuân Đỉnh. Đây là 2 cơ sở cung cấp ra thị trường số lượng lớn, bình quân mỗi ngày 1.000-1.500 bánh nướng, bánh dẻo.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 cơ sở này đều đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, đều xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy kiểm tra mẫu bánh.Tuy nhiên, đôi khi những cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng có kết quả trái ngược với thực tế cũng là điều mà chúng ta thường thấy.
Để bảo vệ sức khỏe của mình cũng như người thân, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn mua bánh trung thu trên thị trường.
(Theo Khám Phá )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét