- Phóng sinh

phong-sinh
Ông Thảo nằm yên lắng nghe tiếng họa mi từ nhà bên vọng sang, ông thích thú thả hồn trong những luyến láy tài hoa trong vắt của chú chim đang độ sung mãn. Là người đã từng nhiều năm chơi họa mi, ông biết lúc bình minh là thời khắc hoạ mi hót hay nhất trong ngày. Có lẽ năng lượng tích tụ sau một đêm, để rồi đến thời khắc thiêng liêng nhất của sự giao hòa của đất trời cùng vạn vật, chú hoạ mi cất lên những tiếng hót trong trẻo đón ngày mới với tất cả sự đam mê, say đắm. Giới sành họa mi ở Hà Nội này đều biết tiếng và khâm phục ông, bởi chỉ nhìn thoáng một con họa mi là ông có thể đánh giá được chất lượng của nó, để rồi có cách nuôi dưỡng thích hợp, luyện thành chim hót hay chim chọi. Chẳng thế mà ông đã từng chiếm được nhiều giải cao trong những cuộc thi họa mi của thủ đô và toàn quốc. Chỉ có điều những người tò mò hỏi ông lý do tại sao bây giữ lại “rửa tay gác kiếm”giã từ cái nghiệp chơi chim thì ông chỉ lặng lẽ lắc đầu mỉm cười.
Ông Thảo tản bộ quanh sân. Tiếng họa mi réo rắt như tiếng vĩ cầm đưa ông trở về với bao kỷ niệm xưa. Ngày ấy ông là người say họa mi đến mức nghe thấy tiếng đồn ở đâu có chim hay là ông không quản đường xa và giá cả, lùng tìm về cho bằng được. Thế rồi cái lần gặp gỡ Hùng, một người chơi chim ở thành phố Yên Bái về Hà Nội dự thi chọi họa mi như một định mệnh khiến ông rẽ theo ngả khác. Lần ấy Hùng đem về một chú họa mi thon nhỏ, đầu bẹp như đầu rắn, mỏ ngắn như mỏ chim sẻ, mắt biếc hình hạt dưa, lông ngắn vàng ươm. Mới nhìn thoáng qua, ông đã dự đoán đây chính là đại kình địch của ông. Và đúng như ông dự đoán, con họa mi của Hùng lần lượt vượt qua các đối thủ một cách dễ dàng để gặp con họa mi chiến của ông ở vòng chung kết. Vào trận,con họa mi của Hùng dang cánh cất lên tiếng hót lảnh lót đầy oai dũng rồi lao tới đối thủ như một dũng sĩ ra trận. Không chỉ khán giả, mà chính ông từ lúc nào không biết cũng đã cổ vũ cho chú chim của Hùng. Chú chim nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và mạnh mẽ vô cùng. Ông và mọi người có mặt bị chinh phục không chỉ bởi các đòn thế dữ dội, quyết liệt, mà chính bởi sự khoan dung mang cốt cách của đấng trượng phu khi dồn địch thủ vào thế yếu. Nét quân tử đậm chất hào hoa, như một dũng sĩ thời trung cổ khiến ông và mọi người nhiều khi phải ồ lên thán phục. Trận ấy, chú họa mi của ông thua, nhưng ông tâm phục khẩu phục và từ đấy ông và Hùng trở thành đôi bạn vong niên. Chính Hùng cho ông biết đã tìm được chú chim quý ấy ở xã Suối Giàng của huyện Trạm Tấu, tính Yên Bái. Vốn biết họa mi ở vùng cao Yên Bái hót hay và chọi giỏi có tiếng nên ông sắp xếp công việc, khăn gói lên Yên Bái nhờ Hùng dưa lên Suối Giàng.
Lần đầu tiên Suối Giàng khiến ông Thảo vô cùng thích thú. Đường dốc quanh co uốn lượn trong mây, núi tiếp núi giăng thành sừng sững bốn bề. Có lúc mây sà xuống cả mặt đường, thỉnh thoảng một vài chú ngựa vó khua lóc cóc trong sương, rồi mãi sau mới thấy người và ngựa, những cây chè Shan cổ thụ người ôm cả vòng tay không xuể, tỏa hương ngây ngất…Chính cái lúc như tan hòa cùng thiên nhiên kỳ ảo ấy, ông Thảo chợt sững người lại. Bên triền đồi, một chàng trai người H’mông đang say sưa múa khèn dưới gốc chè Shan. Chàng trai vừa thổi khèn vừa nhảy quanh gốc chè, những âm thanh du dương trầm bỗng hòa cùng mây gió. Tiếng khèn lúc thủ thỉ da diết tâm tình, khi ào ạt trào dâng như dòng thác xô bờ, lúc vi vu nhưgió reo trong tán thông xanh. Lát sau chàng trai ngừng thổi, gạt mồ hôi trên khuôn mặt ngời sáng, ngửa mặt lên trời “xủy”một tiếng. Bất ngờ trong tán chè xanh biếc, tiếng họa mi trong vắt vút cao. Ông Thảo sững người lại. Trời ơi! Thì ra chàng trai đang múa khèn với chú họa mi của mình. Trong lồng, chú họa mi lông vàng óng mướt như tơ đang ngửa cổ khoan thai nhả những hợp âm trong vắt, hoa nắng rung rinh trên cỏ biếc, rừng núi đang xôn xao dường như cũng im lặng lắng nghe, đâu đó tiếng mi mái xập xòe tình tứ. Chàng trai nhẹ rút nan cửa lồng chú họa mi thò cổ ngó nghiêng rồi bay vút lên trời cao, lượn một vòng rồi sà xuống một lùm cây, tiếng đôi chim ríu rít ấm cúng. Lát sau chú họa mi bay về nhẹ nhàng đậu trên đầu khèn cất tiếng hót đầy phấn khích,rồi khéo léo chui vào lồng rỉa lồng thích thú.
Sau này khi đã thân nhau A.Chư-chàng trai H’mông nói với ông Thảo:
– Chúng mày không hiểu họa mi bằng người H’mông ta đâu. Chơi chim mà suốt ngày nhốt trong lồng, cho ăn thức ăn công nghiệp, lại sống giữa phố xá đông người,xe cộ ồn ào bụi bặm, thì làm sao chim hót hay được?
Ông Thảo chợt giật mình, họa mi là giống chim yêu tự do, khi sống giữa thiên nhiên, mỗi con đực làm bá chủ một vùng. Tiếng hót của họa mi như tuyên ngôn về chủ quyền vương quốc của kẻ tình si vàđầy ma lực với những cô mi duyên dáng hiền thục. Tiếng hót tuyệt với của họa mi ngoài do di truyền, thì chính là sự chắt lọc những tinh hoa của âm thanh tự nhiên, của suối ngàn hùng vĩ. Có thể nói họa mi là ca sĩ số một của rừng xanh, văn võ kiêm toàn.
Lần ấy A Chư tặng ông Thảo một chú họa mi đẹpđã thuần đang độ sung sức. Ở nhà A Chư chú họa mi dạn người và hót hay là thế, mà khi về Hà Nội nó ít hót hẳn, mỗi khi ô tô, xe máy chạy qua là ló lồng lên rách toạc cả đầu, mắt lạc thần hoảng sơ. Không biết là do chưa quen với nhịp sống ồn ào của thành thị, hay chú họa mi nhớ rừng, nhớ khoảng không bao la và tiếng xùy khắc khoải của cô mi duyên dáng.
Thế rồi ông Thảo đành ngậm ngùi đem gửi con họa mi quý ở nhà một ông bạn tri âm dưới chân núi Ba Vì. Bạn ông cũng là người nổi tiếng sành và quý chim. Vừa thoáng nhìn con họa mi ông Thảo đem đến, người bạn ông không ngớt lời trầm trồ:
– Hiếm có một con họa mi nào đạt được cả ngũ trường như thế này. Ông xem, toàn thân nó thon dài, lông mịn ánh vàng mỡ màng, đầu nhỏ, mắt biếc, cổ dài, chân cao, đuôi dài. Quý lắm ông bạn ạ!
Từ đấy ông Thảo thường xuyên lên thăm bạn và con chim quý. Từ khi đến nơi ở mới, chú họa mi hoạt bát hẳn lên. Người bạn ông chăm chút chú họa mi với một cách thức đặc biệt. Ông đi bắt châu chấu cho nó ăn, rồi không tiếc công đi lùng ghi âm những giọng mi hay về mở cho chú mi nghe nho nhỏ, có lúc ông lại thủ thỉ chuyện trò với chú chim như với người bạn. Sau những lần như vậy, chú chim dạn người và hót hay hơn hẳn.
Có lần ông Thảo nói với A Chư và Hùng xuống chơi rồi đưa A Chư lên Ba Vì thăm bạn. Gặp nhau mới lần đầu nhưng mọi người đã coi nhau như bạn tri âm tri kỷ. Gặp lại con chim quý, A Chư cao hứng đem khèn ra sân múa, chú họa mi cũng nhảy nhót ra chiều phấn chấn lắm, rồi cất tiếng hót theo, đuôi xòe rộng nhịp nhàng uốn lượn.
Trước khi chia tay, A Chư ngậm ngùi bảo chúng tôi:
– Nghe con họa mi hót,tao thấy buồn lắm. Nó hót hay thêm đấy, nhưng nghe như tiếng khèn của tao khi xa nhà, nhớ rừng, nhớ vợ ấy.
Chúng tôi nhìn nhau không biết nói sao. Còn ông bạn già của chúng tôi lại càng chăm chút chú họa mi hơn, đi đâu ông cũng đem theo lồng chim, thỉnh thoảng lại đãi chú mi mấy con châu chấu béo mập.
Cái lần ông bạn già của ông Thảo ốm nặng phải nằm bẹp một chỗ, chú mi cũng ít hót hẳn đi, lúc cất tiếng hót thì rời rạc bi thương, lông bắt đầu xơ ra, trông tội nghiệp lắm. Biết người bạn già bệnh trọng khó qua khỏi, ông Thảo báo cho Hùng và A Chư xuống. Khi thấy chú họa mi rũ cánh trong lồng, A Chư thì thầm:
– Giống mi nó linh lắm, chủ ốm nó buồn rầu, chủ chết nó cũng chết theo, trước khi chết bao giờ nó cũng hót rất nhiều, nghe như khóc ấy.
Ông bạn già người Ba Vì gượng gọi cả nhà lại gần, sau khi dặn dò con cháu, ông đưa mắt nhìn A Chư và những người đi cùng, trong đôi mắt mờ đục như có ngấn nước. Ông ra hiệu cho thằng cháu nội lại gần, thằng bé mới học lớp bốn và được ông rất thương. Ông thều thào:
– Cháu…thả con mi…ra…kẻo nó…chết…mất!
Những người khách phương xa cố kìm nước mắt, rưng rưng nghẹn đắng trong lòng và đều hiểu tâm nguyện của người bạn đang sắp lìa đời. Ông cụ muốn được trả con chim về với rừng xanh, nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng và chắt chiu để có một kiệt tác của tạo hóa.
Thằng bé đem lồng chim ra sân, bước chân nó nặng chịch, nước mắt đầm đìa. Nó chần chừ giây lát ngoái lại nhìn ông rồi nín thở rút nan lồng. Chú mi đang nép mình trong lồng ngơ ngác ngó nghiêng rụt rè thò cổ ra cửa lồng như ngỡ ngàng trước bầu trời cao rộng chói chang ánh nắng. Lát sau nó chập choạng vỗ cánh bay lên đậu trên ngọn cây đào trước sân nhà, khoan khoái rỉa lông, rung cánh. Trên cao, trời xanh lam ngọc, đôi áng mây bồng bềnh sắc nắng. Trong gió như thoảng tiếng khèn ai da diết, tiếng mi cái nao nức đợi chờ. Chú họa mi tròn mắt lắng nghe, rồi bỗng cất tiếng hót vang, tung mình lên không trung lượn một vòng quanh nhà trước khi bay về nơi rừng xanh ngút ngàn. Thằng bé kiễng chân nhìn theo mãi cho đến khi chú chim khuất hẳn nơi cuối trời. Lúc thằng bé vào nhà, ông cụ như tỉnhhơn, trên khuôn mặt nhăn nheo như không còn sự sống thoáng một nét cười.
Ông Thảo cùng các bạn lặng yên cúi đầu. A Chư hàm răng nghiến chặt khiến cho khuôn mặt chữ điền thêm bạnh ra. Bất giác anh thốt lên:
N Tùx ơi! (Trời ơi)
Sau này có lần ông Thảo sang viếng mộ, cháu của ông bạn kể lại, thỉnh thoảng con họa mi vẫn về nhảy nhót ngó nghiêng tạo tác như tìm một cái gì. Trông nó nhanh nhẹn óng mượt hơn, nhưng tiếng hót nghe vời vợi bi ai lắm.
Sau cái đận ấy, ông Thảo ốm liệt giường hàng tháng trời và từ đấy không còn cái thú chơi chim nữa.
Mặt trời lên cao từ lúc nào, những tia nắng xuyên qua tàn lá làm ông Thảo chói mắt. Nhà bên tiếng họa mi vẫn hót nho nhỏ thì thầm như một dòng hồi ức.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét