- Hãy bảo vệ tiếng Việt

Hãy chung tay bảo vệ và hoàn thiện tiếng Việt

Là người Việt Nam chúng ta phải có bổn phận cùng nhau bảo vệ và xây dựng để dần hoàn thiện hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của mình, cần lắm những người có tâm, có tầm, có lòng tự tôn dân tộc, nó không phải chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, ban ngành, tổ chức nào, đó là lòng tự hào của dân tộc.
 Hy vọng rằng Tiếng Việt của chúng ta ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện, để ít nhất sau này con cháu chúng ta hỏi về một ý nghĩa của một từ nào đó thì chúng ta cũng không phải đắn đo suy nghĩ, để giải thích cho hợp lý hợp tình, vì trong TỰ ĐIỂN TIẾNG VIỆT đã có đầy đủ và chính xác rồi. 


Học sinh Đà Nẵng (Ảnh: wikimedia.org)
Sơ lược về các loại văn tự, chữ viết và sự hình thành của chữ Quốc ngữ ngày nay: 

Trong lịch sử phát triển của mình, nhân loại đã tạo ra biết bao nhiêu nền văn minh, biết bao nhiêu là đế chế. Những đế chế ấy, những nền văn minh ấy phát triển, hưng thịnh rồi suy vong nhưng âm hưởng còn đọng lại là những nền văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, hệ thống văn tự chữ viết… Có cái còn tồn tại đến ngày hôm nay, có cái suy tàn, biến đổi, có cái hoàn toàn biến mất theo thời gian.

 Nền văn minh Ai Cập cổ đại để lại một hệ thống văn tự theo lối tượng hình, nhưng ngày nay không còn dùng nữa. Các nước phương tây được thừa hưởng hệ thống văn tự La Tinh từ thời đế chế La Mã có nguồn gốc từ nền văn minh Hy Lạp cổ đại, và ngày nay cùng với sự phát triển thịnh vượng của mình, hệ thống văn tự La Tinh này đã được phổ biến hấu như khắp thế giới. Đế Chế Sa Hoàng thì để lại cho nước Nga và các nước vệ tinh Liên Xô cũ hệ thống văn tự nửa La Tinh. Các nước vùng trung, nam Á thuộc nền văn minh Lưỡng Hà, của đế chế Ba Tư, Ấn Độ, đổ xuống phía nam như Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia thì thừa hưởng hệ thống văn tự theo lối chữ Phạn. Các nước Trung Quốc, bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam thì thừa hưởng hệ thống văn tự tượng hình của nền văn hóa Trung Nguyên. Ngày nay chữ Hán cổ của người Hán cũng đã mai một và không còn được dùng ở Trung Quốc nữa, thay vào đó là chữ Hán Giản Thể do chính quyền Trung Quốc hiện nay chế tác ra. Người Triều Tiên, Nhật Bản thì cải biến chữ Hán cổ thành hệ thống chữ viết riêng biệt của mình. Người Việt Nam thì cải biến thành chữ Nôm, được sử dụng rộng rãi nhất vào thời Tây Sơn. Khi người Pháp đô hộ Việt Nam thì cải biến theo lối văn tự La Tinh thành chữ Quốc Ngữ như ngày nay.

Sơ lược những khác biệt và phức tạp của tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác
Đa phần các ngôn ngữ khác có cấu trúc từ là Đa Âm (một từ có nhiều âm tiết), cho nên ngữ nghĩa của nó được phân biệt khi người ta nhấn mạnh vào âm nào khi đọc, và được gọi là Trọng Âm. Tiếng Việt thuộc loại Đơn Âm, nên không phụ thuộc vào trọng âm khi đọc, nhưng đòi hỏi sự ghép vần và bỏ dấu (thanh) chính xác, một từ có cùng âm tiết nhưng bỏ Dấu (thanh) khác nhau sẽ dẫn đến ý nghĩa khác nhau, đa phần người nước ngoài học tiếng Việt đều sai nghiêm trọng ở lỗi này. Hầu như các ngôn ngữ khác khi đàm thoại chỉ phân biệt được Ngôi thứ Nhất, thứ Hai và thứ Ba, nhưng tiếng Việt lại rắc rối hơn khi đòi hỏi phải phân biệt rõ ràng vai vế trên dưới, đối xứng như : ANH-EM, CHA-CON, CHÚ- CHÁU, BẠN-TÔI…, không đơn giản chỉ là Tôi–Bạn. Người ta nói “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” cũng là có ý này. Có thể lấy ví dụ về cách dùng từ, ghép từ trong Tiếng Việt đối với người nước ngoài qua trao đổi giữa người nước ngoài và người Việt Nam sau :

– Con chó đen – không phải con chó Đen mà là con chó Mực.

– Con mèo Mực – không phải con mèo Mực mà là con mèo Mun.

– Con ngựa Mun – không phải con ngựa Mun mà là con ngựa Ô.

– Đám mây Ô – không phải đám mây Ô mà là đám mây đen.

hay như:

– Tại sao lại gọi là Cháo Gà, Cháo Vịt…? – Tại vì người ta lấy gà nấu cháo thì thành cháo gà, lấy vịt nấu cháo thì thành cháo vịt.

– À vậy à : cháo gà, cháo vịt, cháo mực, cháo lươn…cháo heo.

– Ấy không được gọi là Cháo Heo mà phải gọi là cháo lòng.

– Tại sao vậy ?

– Vì Cháo Heo (Cháo Lợn) là dùng để chỉ Cháo dành cho Heo (Lợn) ăn. – !???!


Sự phân hóa của tiếng Việt trong lịch sử phát triển và quá trình thống nhất, chuẩn hóa của nó

Nền văn hóa Việt và hệ thống ngôn ngữ vốn đã bị phân hóa từ thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đằng trong và đằng ngoài phát triển theo 2 hướng khác nhau. Sau này khi thực dân Pháp phân chia Việt Nam thành 3 kỳ : Bắc kỳ, Trung Kỳ và Nam kỳ cho dễ đô hộ thì vô tình càng làm cho ngôn ngữ và hệ thống chữ Quốc Ngữ vốn chưa hoàn thiện phát triển theo hướng phân hóa càng ngày càng lớn. Khi thống nhất đất nước, hệ thống chữ Quốc Ngữ mới được điều chỉnh và chuẩn hóa từ từ, nhưng đa phần là theo định hướng người miền bắc. Không thể phủ nhận rằng mỗi vùng miền có một số hạn chế, sai phạm khác nhau về ngôn ngữ, nhưng thật sự là mỗi vùng miền đều có một chuẩn riêng và ưu điểm riêng. Nhưng đáng tiếc là những nhà ngôn ngữ học, sử học, giáo dục học không thể ngồi lại với nhau để cùng tìm ra một tiêu chuẩn chung hợp lý nhất theo tinh thần vì cái chung, vì lợi ích dân tộc, để chuẩn hóa chữ Quốc Ngữ, cho nên đến ngày hôm nay chữ Quốc Ngữ vẫn còn đang được hoàn thiện từng bước chứ chưa được hoàn chỉnh. Ví dụ :

VỀ SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC VÙNG MIỀN

– Người miền bắc nói rõ ràng hơn khi phân biệt : hỏi – ngã, có ký tự cuối cùng bằng T hay C, có G hay không có G nhưng lại sai khi phát âm các từ bắt đầu bằng L hay N (đi LÀM đọc thành đi NÀM), RÉT CÓNG đọc thành ZÉT CÓNG, sai khi phát âm vần ƯU ( CỨU NGƯỜI đọc thành KÍU NGƯỜI)…

– Người bắc miền Trung thì tiếng nói nặng hơn, khó phân biệt được dấu (thanh), nhưng phát âm rõ ràng hơn giữa các từ bắt đầu bằng S và X, hay TR và CH…

– Người nam Miền Trung và miền Nam thì không phát âm lẫn lộn giữa L và N nhưng lại lẫn lộn giữa hỏi và ngã, có ký tự cuối cùng bằng T hay C, O hay U, có G hay không có G…VĂN HÓA đọc thành ZĂNG QUÁ, HOÀNG KIM đọc thành QUÀNG KIM… THÔI RỒI đọc thành THƠI RỜI (NINH THUẬN), hoặc đọc thành THÂU RẦU (BÌNH THUẬN, BÌNH ĐỊNH, TÂY NINH…), hoặc đọc thành THÔI GỒI ( MIỀN TÂY NAM BỘ)…

VỀ SỰ CHUẨN HÓA TIẾNG VIỆT THEO MỘT HƯỚNG

– Học sinh lớp một, ngày đầu tiên được học : A – NỜ – A – NA : QUẢ NA, nhưng lớn lên học sinh phía Nam vẫn gọi là TRÁI MÃNG CẦU chứ không bao giờ gọi là QUẢ NA. Có ý kiến cho rằng tại sao không A- CỜ – A – CA : CÁI CA thì có phải là phù hợp với tất cả mọi vùng miền hay không ?

– Người miền Nam dùng từ CHÁNH như : CHÁNH TẢ, CHÁNH TÀ, HÀNH CHÁNH, CHÁNH ĐIỆN… thì người miền bắc dùng là CHÍNH như : CHÍNH TẢ, CHÍNH TÀ, HÀNH CHÍNH, CHÍNH ĐIỆN… sau một thời gian dài cải cách, ngày nay đã chuẩn hóa theo hướng : CHÍNH TẢ, CHÍNH TÀ, HÀNH CHÍNH, CHÍNH ĐIỆN…NHƯNG CÓ NHIỀU TỪ VẪN KHÔNG CẢI CÁCH ĐƯỢC NHƯ : CHÁNH ÁN, CHÁNH VĂN PHÒNG…Có ý kiến cho rằng nếu ta cải cách theo hướng CHÁNH chứ không phải CHÍNH thì ngày nay 100% đã dùng từ CHÁNH.

Nói chung những khác biệt trong phát âm ở các vùng miền mang tính địa phương thì khó có thể cải biến được, nhưng những bất cập trong việc chuẩn hóa tiếng Việt trong sách giáo khoa theo định hướng người Miền Bắc thì lại gây rất nhiều khó khăn cho người miền Trung và miền Nam, ít nhất là các em học sinh tiểu học khi viết CHÍNH TẢ và hiểu được các bài văn dùng toàn từ ngữ người miền Bắc. 

Nhớ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cùng với phong trào đổi mới toàn diện đất nước: kinh tế, chính trị… ngành giáo dục cũng trở mình quyết tâm đổi mới, quyết tâm giản lược cho tiếng Việt bớt đi những rườm rà theo họ là không đáng có.

– Họ quyết định là bỏ đi chữ Y trong tiếng Việt, thế rồi người ta viết : CHÚ Ý = CHÚ Í, TÌNH YÊU = TÌNH IÊU, đọc thấy quá bi hài, nhưng chưa bi hài bằng những người có tên là : THÚY, THỦY… được đổi thành : THÚI, THỦI… Trong khi tiếng Việt cũng như chữ Việt chưa được chuẩn hóa, chưa thống nhất và hoàn chỉnh, thì ngày nay lại phát sinh thêm những sai phạm nghiêm trọng, trong cách phát âm, tùy tiện, không thể chấp nhận được, mỗi người phát âm một kiểu, có những từ sai thành hệ thống, đó là chưa nói đến hệ thống NGÔN NGỮ TIN (TEEN) được dùng rộng rãi trên mạng trước đây chỉ được dùng bởi những cô cậu trẻ tuổi thì ngày nay có xu hướng lan rộng ra mọi thành phần, mọi lứa tuổi, có vẻ như đó được xem như một chuẩn mực nào đó cho cái sự hợp thời trang, hợp thời đại…góp phần không ít làm mất đi vẻ đẹp, trong sáng của tiếng Việt.

Thay cho lời kết 
Cái gì cũng vậy, ra đời phát triển và hoàn thiện…Tiếng Việt chúng ta cũng vậy, tuy hệ thống chữ Quốc Ngữ chỉ mới ra đời và tồn tại hơn một trăm năm nay, và chỉ mới tạm thống nhất hơn bốn mươi năm nay, đó là thời gian quá ngắn, nên chưa hoàn thiện cũng là điều dễ hiểu và thông cảm. 

Là người Việt Nam chúng ta phải có bổn phận cùng nhau bảo vệ và xây dựng để dần hoàn thiện hệ thống ngôn ngữ và chữ viết của mình, cần lắm những người có tâm, có tầm, có lòng tự tôn dân tộc, nó không phải chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân, ban ngành, tổ chức nào, đó là lòng tự hào của dân tộc. Hy vọng rằng Tiếng Việt của chúng ta ngày càng phát triển, ngày càng hoàn thiện, để ít nhất sau này con cháu chúng ta hỏi về một ý nghĩa của một từ nào đó thì chúng ta cũng không phải đắn đo suy nghĩ, để giải thích cho hợp lý hợp tình, vì trong TỰ ĐIỂN TIẾNG VIỆT đã có đầy đủ và chính xác rồi. 

http://vietdaikynguyen.com/v3/73271-hay-chung-tay-bao-ve-va-hoan-thien-tieng-viet/

BỘ GIÁO DỤC KHÔNG CÓ QUYỀN “GIỠN MẶT” VỚI CHỮ QUỐC NGỮ!
(kỷ niệm một năm về trước, nhắc để nhớ và xa lánh nó)


Tính từ năm đầu tiên chữ Quốc ngữ được đăng trên Gia Định Báo (1867) đến nay, chữ Quốc ngữ đã có tuổi đời 151 năm, được bao thế hệ nhà giáo, nhà báo, nhà văn hoàn thiện dần nên những quy tắc văn phạm, cú pháp và phiên âm như hiện tại. Giáo trình dạy chữ Quốc ngữ bậc phổ thông đã hoàn thiện và thống nhất ở cả 2 miền Nam – Bắc trước năm 1954, có một chút khác biệt từ 1954-1975 (vì chương trình phổ thông miền Bắc hệ 10 năm). Sau ngày thống nhất đất nước, chương giáo dục phổ thông vẫn không chịu thống nhất ở 2 miền cho đến năm 1988.

Lúc đó, một số nhà giáo dục được đào tạo từ khối XHCN còn ngạo mạn muốn điều chỉnh chương trình phổ thông hệ 12 năm của miền Nam xuống còn hệ 10 năm như miền Bắc. Riêng môn Quốc ngữ, tự dưng, bà bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đơn giản hóa nét chữ, bỏ nét bụng, nét đá bay bướm nhất trong số chữ của các nước dùng mẫu tự Latin.

Lúc đó, phụ huynh ở miền Nam rất khinh thường Bộ Giáo dục đã bẻ con chữ thành những cọng mì gãy vụn được phân phối từ HTX lương thực. Rồi, Bộ Giáo dục ngu xuẩn, khi không cho gọi tên mẫu tự (a, á, ớ, bê, xê, dê, đê, e, ê, giê, hát…) mà bắt phải gọi bằng phiên âm của mẫu tự (a, bờ, cờ, dờ, đờ….). Đài truyền hình gọi nhóm kinh tế G7 là “Gờ bảy” (thay vì “giê 7”), nhưng không dám gọi bút danh “N.V.L” của TBT Nguyễn Văn Linh là “đồng chí Nờ Vờ Lờ” mà phải gọi tên mẫu tự “đồng chí En nờ Vê En lờ”. Đài VTV không dám xưng mình là “đài Vờ Tờ Vờ” mà gọi đúng tên mẫu tự “Vê Tê Vê”. Láo khoét!

Bây giờ, sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” sáng chế thêm một ngu ngốc nữa, khi phiên âm 3 phụ âm “c, k, q” đều là “cờ” Người soạn sách này cực kỳ dốt về mẫu tự tiếng Việt.

Vì 3 phụ âm đơn này tuy cùng phiên âm là cờ, nhưng chúng không luôn luôn đi kèm với các nguyên âm đơn (a,e,i/y, o, u..), trái lại chúng có thể đi với nguyên âm kép như “ua”, nên phải đọc trẹo quai hàm khi “c” đi với “ua” sẽ thành con “cua” và “q” đi với “ua” sẽ thành danh xưng ngôi thứ nhất của Đặng Lê Nguyên Vũ: “qua”.

Bộ mẫu tự của VN rắc rối hơn tiếng Anh và Pháp nhiều. 
Trong 29 chữ cái, có 11 nguyên âm đơn và 17 phụ âm đơn. Bên cạnh 11 nguyên âm đơn còn có 26 nguyên âm đôi (trùng nhị âm): ai, ao, au, âu, ay, ây, eo, êu, ia/iê (ya/yê), iu, oa, oă, oe, oi, ôi, ơi, oo, ôô, ua/uô, uâ, ưa/ươ uê, ui, ưi, ươ, ưu, uy.

Đặc biệt, nguyên âm kép có i ngắn và nguyên âm kép có y dài, có thể đồng âm (như ia/iê và ya/yê) nhưng không đồng nghĩa. Riêng “úi/úy” ghép với phụ âm đôi “th” thì khác âm và khác nghĩa (thúi và thúy). Đó là chưa kể có đến 12 nguyên âm kép ba (iêu/yêu, oai, oao, oay, oeo,uao, uây, uôi, ươi, ươu, uya/uyê,uyu).

Bên cạnh 17 phụ âm đơn, có 10 phụ âm kép và 1 phụ âm kép ba (ch, gh, gi, kh, ng, nh, ph, qu, th, tr, ngh). Tiếng Việt tuy đơn âm nhưng hoàn toàn không đơn giản mà các ông Hồ Ngọc Đại, Bùi Hiền muốn viết gọn và phiên âm gọn được. Nhờ công lao của rất nhiều tiền nhân chữ Quốc ngữ bây giờ đã rất hoàn thiện rồi, các cha làm ơn đừng có “tối chế” làm khổ cho phụ huynh và học sinh.

Giờ này giáo sư các ông còn ngồi nghiên cứu cách thay thế rút gọn mẫu tự, thay đổi phiên âm thì tôi coi các ông là một lũ vừa điên vừa ngu.

Mai Bá Kiếm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét