"Kỳ bí" cây đa thần chế ngự hòn đá mặt quỷ

Người dân ở làng Phú Hiệp thuộc xã Tây Phú (Tây Sơn, Bình Định) luôn tin rằng, dân làng mình thành đạt, làm ăn khấm khá là nhờ có cây đa thần chế ngự được hòn đá mặt quỷ trên núi.Và, nhờ có ngôi miếu Ba Sứ, nơi có ông Bạch Hổ đến tu, phù hộ nên dân làng thoát được nhiều tai ương.


Đa thần khắc thạch quỷ
Theo lời kể của cụ Đặng Trang (82 tuổi) ở xóm 2, thôn Phú Hiệp, xã Tây Phú, hậu duệ của Đô đốc Long (nhà Tây Sơn), thuở xa xưa, người dân làng Phú Hiệp không ai dám bén mảng đến gần hoặc nhắc đến hòn đá mặt quỷ (thạch quỷ) nằm trên núi Dong Xà Kính phía cuối làng.
Trên núi Dông Xà Kính có vô số đá, trong đó có tảng đá to nhất, nằm hướng về phía làng Phú Hiệp có tên là hòn đá mặt quỷ.
“Ông bà tôi kể lại, hòn đá này cao khoảng 10m, ngang 20m, mặt phẳng nhất hướng về phía làng. Trên mặt tảng đá có nhiều vết nứt nẻ, lồi lõm, trông như gương mặt người nhăn nheo, rất gớm ghiếc, dữ tợn. Ai nhìn vào cũng thấy rùng mình, ớn lạnh”, cụ Trang kể.
Không chỉ mang hình thù kỳ dị, hòn đá này còn gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ.
Núi Dông Xà Kính có hòn đá mặt quỷ
Núi Dông Xà Kính có hòn đá mặt quỷ 
Trước đây, có một người trong thôn Phú Hiệp đi phát rừng làm rẫy dưới chân núi. Khi đốt rẫy, đám lửa từ chân núi theo chiều gió cháy lan về phía đỉnh núi, thiêu rụi cánh rừng phía trên.
Nhìn ngọn lửa cao cả chục mét, cháy ngùn ngụt như muốn nuốt chửng cả ngọn núi, dân làng ai cũng hoảng hốt. Thế nhưng khi ngọn lửa cháy lan đến cách hòn đá mặt quỷ khoảng vài trăm mét thì bỗng nhiên tắt ngấm.
Thời trước, cuộc sống dân làng Phú Hiệp rất long đong, luôn bị thiên tai hoành hành. Những tai ương được cho là xuất phát từ hòn đá mặt quỷ.
Trong đó phải kể đến trận mưa liên hoàn suốt bảy ngày bảy đêm, khiến người dân ở đây sống dở, chết dở. Sau thiên tai khủng khiếp ấy, người dân Phú Hiệp chết rất nhiều.
Ông Đặng Lang bên cây đa thầnÔng Đặng Lang bên cây đa thần 
Sau đó, năm nào người dân làng này cũng gánh nhiều trận lũ lụt, người chết vô số, người sống thì nghèo đói bủa vây. Một số người kham không nổi phải bỏ xứ ra đi.
Thế rồi trên đất Phú Hiệp bỗng xuất hiện 1 cây đa thần. Tương truyền, sau một đêm mưa to gió lớn, ở mảnh đất đầu làng Phú Hiệp mọc lên một cây đa. Ban đầu chẳng mấy ai để ý tới cái cây bé nhỏ, mọc bờ mọc bụi này.
Thế nhưng sau khi cây đa mọc được vài năm, nhiều người bị ốm đau, điên dại trong làng bỗng nhiên khỏi bệnh. Thiên tai cũng không còn hoành hành.
Thấy sự lạ, dân làng vui mừng, nhưng không biết nguyên nhân do đâu. Theo năm tháng, cây đa lớn dần lên rồi trở thành cây cổ thụ cao lớn, uy nghi.
Cây đa này rất linh, ai mạo phạm sẽ bị phạt nhỡn tiền. Vị trí cây đa mọc nằm trên đường thẳng nối liền đỉnh núi Dông Xà Kính.
Theo các nhà phong thủy thì đây chính là cây đa thần, được sinh ra để chế ngự hòn đá mặt quỷ.
Còn người làng Phú Hiệp thì nghĩ, trên trước muốn ngăn chặn hòn đá mặt quỷ gieo rắc tai họa nên ban cho cây đa để án ngữ nơi đầu làng nhằm khắc chế hòn đá mặt quỷ. Từ đó dân làng xem cây đa như một vị thần, là vật trấn yểm hòn đá mặt quỷ.
Bây giờ, theo cách tả của các bậc cao niên thì khó ai có thể đoán được niên đại của cây đa này, chỉ đoán chừng vài trăm năm.
“Thuở ông nội của cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh còn sống, nhà cụ ở sát bên cây đa, mỗi khi bọn tôi chăn bò ở gò đất gần đó hỏi cụ cây đa có từ khi nào. Cụ bảo, khi lớn lên đã thấy cây đa to đùng rồi. Theo cách nói của cụ, đến nay cây đa ít nhất có đến 200 năm tuổi”, ông Đặng Lang (79 tuổi), Trưởng Ban tín ngưỡng thôn Phú Hiệp, cho biết.
Ông Đặng Lang cho biết thêm, những gia đình ở xóm Phú Lộc, gần cây đa, sinh con cháu có người làm đến cấp tướng (cố Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh), cấp tá trong quân đội; có người làm cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, bác sĩ, nhà giáo.
Không như ở làng Phú Thọ, ngôi làng nằm chính diện với hòn đá mặt quỷ, không có cây đa án ngữ, trước năm 1975 chỉ có 2 sĩ quan cấp thiếu úy, 1 ông thì đào ngũ, ông kia tử trận, giờ cũng không có ai thành đạt.
Miếu Ba Sứ độ dân
“Nhờ ngôi miếu linh thiêng nên dù tọa lạc ở địa điểm hoang vắng, xa khu dân cư, nhưng không ai dám vào phá phách, nhất là chặt những cây cổ thụ gỗ quý. Thậm chí lớp thanh niên trong làng còn nhiệt tâm trồng thêm cây vào khu vực quanh miếu và quyên góp trùng tu ngôi miếu ngày càng khang trang hơn”, ông Đặng Lang, Trưởng Ban tín ngưỡng thôn Phú Hiệp, nói.Trên địa bàn làng Phú Hiệp còn có ngôi miếu Ba Sứ nổi tiếng linh thiêng.
Theo các bậc lão niên ở đây, ngôi miếu này được tổ tiên người dân làng này xây dựng từ xa xưa, thuở chưa có cây đa. Ban đầu, ngôi miếu được dựng lên bằng tranh tre nứa lá, mặt quay về hướng Tây, hướng chính diện với hòn đá mặt quỷ trên núi Dông Xà Kính.
Miếu vừa dựng xong, sáng hôm sau người làng bỗng thấy ngôi miếu đã bị dỡ lên dựng lại, quay mặt sang hướng khác. Kiểm tra thì dân làng Phú Hiệp thấy trên nền đất quanh miếu có dấu chân của 3 ông voi.
Họ đồ rằng trên trước không muốn ngôi miếu đối mặt với hòn đá mặt quỷ nên sai 3 sứ giả (3 ông voi) xuống dỡ miếu, quay sang hướng khác. Từ đó, người dân làng Phú Hiệp đặt tên cho ngôi miếu là “Miếu Ba Sứ”.
Cụ Đặng Trang kể, từ khi miếu Ba Sứ được dựng lên, bỗng dưng có ông cọp bạch (cọp trắng) từ trên núi xuống trú ngụ. Ông cọp bạch này rất hiền lành, không phá phách, không gây hại đến người làng.
Ông Đặng Lang trước miếu Ba SứÔng Đặng Lang trước miếu Ba Sứ 
“Ông bà tôi kể lại, thời ấy dân làng Phú Hiệp thường xuyên bị thú dữ trên núi xuống phá phách hoa màu, đe dọa đến tính mạng. Thế nhưng từ khi có ông cọp bạch về ở tại miếu Ba Sứ, tịnh không còn thú dữ nào dám xuống Phú Hiệp quậy phá dân làng”, cụ Trang nói.
Đến khi ông cọp bạch chết, dân làng tập trung lên chôn cất, khấn xin ông cọp bạch cái “thủ” (đầu cọp) để thờ tại miếu. Từ đó, ngôi miếu trở nên linh thiêng. Người trong làng Phú Hiệp đau ốm, về miếu khẩn xin thể nào cũng được lành bệnh.
“Hiện nay, tại miếu Ba Sứ vẫn còn thờ bộ “thủ cốt” của ông cọp bạch”, ông Lang cho biết. Dắt tôi về miếu Ba Sứ để tôi được mục sở thị bộ “thủ cốt” của ông cọp bạch, trên đường đi, ông Đặng Lang kể thêm nhiều chuyện linh thiêng của miếu Ba Sứ.
Năm 1984, trong cơn bão kinh hoàng từ ngoài Bắc đưa vào, cây cối chung quanh miếu ngã rạp. Cây ké có thân to hơn 1 người ôm đứng bên hông phía Bắc cách ngôi miếu chừng 1 sải tay cũng ngã, nhưng lại ngã ra phía Bắc, không ngã theo hướng gió nên ngôi miếu được an toàn.
Bộ “thủ cốt” của ông cọp bạch được thờ trong khuôn viên miếu Ba Sứ.Bộ “thủ cốt” của ông cọp bạch được thờ trong khuôn viên miếu Ba Sứ. 
Theo người dân ở đây, gió từ hướng Bắc thổi vào mà cây lại ngã về hướng Bắc là điều khó có thể, chỉ nhờ vào sự linh thiêng của ngôi miếu xô cây ngã sang hướng khác để bảo toàn cho ngôi miếu.
Thời kháng chiến chống Pháp, có 1 ông thầy pháp cậy mình cao tay ấn ngang nhiên vào miếu đốn củi, không ngờ khi về đến nhà liền bị bệnh nằm quặt quẹo.
Hoặc cách đây chưa lâu lắm, có 1 nông dân trồng mía trong vùng tổ chức nấu đường ở vùng đất bên cạnh miếu, anh này cần 1 cái cây để chống bao đường, giữa đồng không mông quạnh không tìm đâu ra cây, anh này vào miếu chặt đại 1 cái cây để làm.

Ngay sau đó đầu anh bỗng đau như búa bổ, uống thuốc gì cũng không bớt, dân làng bày anh phải về miếu khấn, khi ấy anh mới thoát cơn đau đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét