- Vị quan cứu hai làng thoát khỏi án tử

Xưa kia nhờ cụ mà cả làng Thạch Đà (Mê Linh, TP Hà Nội) và làng Đinh Xá (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thoát khỏi án tru di của vua Lê Trung Hưng.

Trải qua hơn 400 năm, nhưng những câu chuyện về quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì
quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì (thị Trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn được người dân nơi đây ca tụng. 


Anh hùng từ thời niên thiếu
Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Duy Thì (Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh), tại quê hương Danh nhân - thôn Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chúng tôi trở về thị trấn Thanh Lãng tìm về gốc tích của quan Thượng thư, hay còn gọi là quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì, được người dân chỉ dẫn vào nhà của ông trước đây. Căn nhà xưa kia quan Thượng thư Nguyễn Duy Thì ở và làm việc giờ là đền thờ ông. Ông Nguyễn Duy Mùi (61 tuổi) hiện là hậu duệ của cụ Nguyễn Duy Thì cho hay, theo sử sách ghi chép lại thì xưa kia cụ Nguyễn Duy Thì làm quan dưới thời vua Lê - chúa Trịnh. Cụ làm quan đến chức Thượng thư sau đó được vua Lê Trung Hưng cho về quê mở phủ để làm việc, cai quản cả vùng.

Ông Mùi bảo, theo các cụ trong làng kể lại từ nhỏ cụ Nguyễn Duy Thì nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. "Một hôm, cụ Thì đi học muộn, cuối buổi học thầy giữ lại phạt vì đi học muộn. Trước lớp học có một chiếc ao có nhiều bèo tấm, thầy phạt cụ vớt hết bèo lên bờ mới cho về. Các bạn bè đứng bên cạnh hết sức lo lắng, bởi với số lượng bèo tấm có trong ao đến đêm mới vớt xong. Nhưng cụ Thì rất nhanh trí ra đống rơm bện các cọng rơm với nhau, sao cho độ dài của dây bằng với chu vi của ao bèo. Cụ chỉ cần buộc cố định một đầu, đầu dây kia cụ quây lại. Nhờ thế mà chỉ trong thời gian ngắn cụ đã vớt hết bèo tấm có trong ao. Thầy giáo chủ nhiệm khâm phục, bạn bè vỗ tay reo hò", ông Mùi kể.

Dù sống trong thời kỳ loạn lạc giữa vua Lê, chúa Trịnh, nhưng Nguyễn Duy Thì luôn thể hiện được tài năng của mình. Năm 27 tuổi ông ra Kinh đô để thi, sau đó ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ đời vua Lê Thế Tông (1598). Hiện trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn văn bia tiến sĩ của ông.

Ông Nguyễn Duy Mùi bên bàn thờ cụ Nguyễn Duy Thì.

"Đi vua nhớ, ở chúa nể"

Cụ Nguyễn Duy Hiền cho biết, ngày ấy trong dân gian lưu truyền rằng quan Thượng thư Nguyễn Duy Thì là người "đi vua nhớ, ở chúa nể". Ông là trụ cột vững chắc, được vua chúa tin dùng. "Ngày ấy chúa Trịnh lộng quyền muốn dùng nghi vệ như vua Lê, vì thế chúa đã sai người làm một cái kiệu xa hoa lộng lẫy sánh ngang kiệu vua.

Nguyễn Duy Thì rất muốn can chúa nhưng biết nói thẳng chúa sẽ khó nghe. Một hôm ông giả bị cảm ngã vào kiệu chúa, cấm khẩu không nói được. Hôm sau ông vào tâu với chúa rằng: Hôm qua thần bị cảm, đội ơn chúa thượng bao dung, cái kiệu đó thần đã trót ngồi lên rồi, không tiện để chúa ngồi nữa, xin sẽ sắm cái khác đẹp hơn dâng nộp. Chúa hiểu ý về sau không hỏi việc chiếc kiệu nữa", cụ Hiền kể.

Cụ Hiền bảo, xưa kia cụ được các cụ trong làng kể về việc Thượng thư Nguyễn Duy Thì dám can ngăn chúa Trịnh đi thăm ái phi. Đó là khi chúa dong thuyền về làng Mông Phụ (nay thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) để thăm một ái phi. Khi đó cụ Nguyễn Duy Thì ra đón đường và can chúa: "Sao vì một người đàn bà mà làm mệt sĩ tốt". Chúa Trịnh không bằng lòng, nhưng cũng đành phải cho thuyền quay lại về Kinh. Về việc này, Nguyễn Duy Thì cũng đã nhiều lần can chúa không nên quá sủng ái các phi để họ dựa thế vua chúa mà ức hiếp dân lành.

Chiếc đòn khênh kiệu của quan Thượng Láng vẫn được lưu giữ.

Cứu giúp hai làng thoát khỏi án tửÔng Nguyễn Duy Hợp, một người con của dòng họ Nguyễn Duy, một thầy giáo có nhiều năm nghiên cứu, tìm tư liệu về cụ Nguyễn Duy Thì cho hay, theo những tư liệu ông tìm thấy xưa kia cụ Nguyễn Duy Thì đã ra tay cứu giúp, xin với vua Lê Trung Hưng để hai làng thoát khỏi án tru di. Khi đó con cháu chúa nghênh ngang qua làng Thạch Đà (xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) bị thanh niên làng đánh, chúng tức giận về tâu vua, nói rằng dân làng Thạch Đà âm mưu làm phản triều đình. Nghe thấy vậy vua lập tức hạ lệnh tru di cả làng.

Ông Nguyễn Duy Mùi cho hay, từ bao đời nay người dân hai làng Thạch Đà và Đinh Xá vẫn nhớ tới công ơn của cụ Thì đã cứu họ thoát khỏi án triệt hạ của vua. Vì thế, khi cụ còn sống người dân nơi đây thường đến cảm ơn vào dịp lễ, Tết. Khi cụ mất đi họ lấy ngày 11/9 Âm lịch ngày giỗ của cụ để dâng lễ tạ ơn.

Trước đại họa các bô lão trong làng Thạch Đà đến nhờ quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì cứu giúp. Lúc đó ông đi vắng ở phủ chỉ có thân mẫu ở nhà, thấy các cụ làng Thạch Đà khóc lóc van xin nên bà thương tình nhận lễ và hứa sẽ nói để con trai cứu giúp mọi người. Khi Nguyễn Duy Thì về, thân mẫu liền dọn mâm cơm lễ ra cho ông ăn. Ông đang ăn uống ngon lành thì bà mẹ mới kể đầu đuôi câu chuyện. Nguyễn Duy Thì liền bỏ mâm đứng dậy, cho người chuẩn bị hành lý về Kinh nói chuyện với vua. Khi ông đi ngang qua làng Thạch Đà thấy quân lính đang chuẩn bị thi hành lệnh vua, ông vội hét bảo bọn lính dừng tay và về triều vào cung gặp vua. Ông xin với vua về làng Thạch Đà điều tra lại sự việc, nếu thực sự dân làng nơi đây có ý mưu phản thì sẽ cho quân lính đến trừ khử sau cũng chưa muộn.

Nghe quan Thượng Láng nói có lý có tình, vua liền cho quân lính áp tải ông về làng Thạch Đà điều tra sự việc. Sau đó ông về báo cáo với vua rằng, đó chẳng qua là mâu thuẫn của mấy người cháu của vua với thanh niên làng Thạch Đà nên mới xảy ra xô xát giữa hai bên. Tuyệt nhiên không có chuyện dân làng nơi đây làm phản. Sự việc được sáng tỏ, vua cho Nguyễn Duy Thì trở về làng Thạch Đà truyền lệnh xóa tội cho dân làng.

Dân làng hai thôn Thạch Đà và Đinh Xá đến làm lễ tại đền cụ Nguyễn Duy Thì.

Ông Hợp bảo cụ Nguyễn Duy Thì không chỉ cứu làng Thạch Đà mà còn cứu làng Đinh Xá (xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). "Hồi ấy, phía Bắc làng Đinh Xá có một quán năm gian, một lần có viên quan đi qua làng, lính tráng cờ quạt linh đình. Viên quan vào quán nghỉ tự xưng là quan sứ triều đình, hống hách gọi lý dịch làng ra hạch sách nạt nộ. Bọn lính thì kéo nhau vào hàng quán ăn uống không trả tiền. Nhiều người phẫn uất liền huy động trai tráng trong làng vác gậy gộc, gạch đá lao ra đánh cho bọn chúng một trận tơi bời. Viên quan tức giận về tâu với triều đình là dân làng Đinh Xá làm phản. Viên quan này là đại thần trong triều nên vua rất tin cẩn, vua nghe nói vậy thì hạ lệnh triệt hạ cả làng Đinh Xá.

Làng Đinh Xá rất gần với quê ông Nguyễn Duy Thì nên ông biết dân làng hiền lành chất phác. Vì thế, ông rất bất ngờ khi nghe nói dân làng nơi đây có ý làm phản, bị vua lệnh cho quân lính triệt hạ. Ông đã gặp các cụ bô lão trong làng điều tra mọi việc kỹ càng, rồi vào triều tâu với vua việc tên quan làm bậy, về thăm quê mà dám mạo xưng là sứ giả triều đình để ức hiếp vu khống dân lành. Vua liền bãi chức viên quan đó và xóa bỏ án triệt hạ cho dân làng Đinh Xá.

Quan Thượng Láng Nguyễn Duy Thì là vị quan thanh liêm sống trong thời kỳ đất nước trị vì vua Lê, chúa Trịnh. Nhưng ông là người sống rất gần gũi với người dân. Chính ông đã cứu giúp hai làng Thạch Đà và Đinh Xá thoát khỏi án tru di của vua Lê Trung Hưng.

Ông Nguyễn Huy Sơn (BQl di tích, Sở Vh - Tt & Dl tỉnh Vĩnh Phúc)

Đại Cát

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét