Thề trước toàn dân, thề với chính mình
Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao sẽ tuyên thệ thay cho phát biểu nhậm chức, đó là quy định trong Dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) được UB Thường vụ Quốc hội đưa ra tại cuộc họp chiều 18.8.
Tuyên thệ khác với một bài phát biểu, tuyên thệ có ý nghĩa sâu sắc và thiêng liêng. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao khi nhận chức vụ là nhận trách nhiệm cao nhất với đất nước, trước nhân dân. Chính ý nghĩa quan trọng và mang tính thiêng liêng đó, cho nên cần lập một lời thề trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào.
Đứng đầu các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là gánh trên vai trọng trách trước toàn dân. Nhậm chức chính là sự hy sinh, là sự ký thác cuộc đời cho việc phụng sự quốc gia, dân tộc. Sự hưng thịnh của đất nước, niềm hạnh phúc của nhân dân phụ thuộc rất lớn vào trí tuệ và khí phách của các vị lãnh đạo.
Cho dù không quy định thủ tục tuyên thệ thì chúng ta vẫn tin rằng, những người nhận trách nhiệm cao cũng tự tuyên thệ với chính mình. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai lời tuyên thệ, trước sự chứng kiến của toàn dân là sự xác lập chính thức lời thề. Để rồi, mỗi vị lãnh đạo đều nhớ về lời tuyên thệ của mình và nhân dân cũng dõi theo việc thực hiện lời thề đó.
Một nội dung quan trọng khác được đặt ra, đó là dự thảo nội quy quy định việc đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp. Về chuyện những chiếc ghế trống tại Quốc hội, đã có nhiều ý kiến phản ánh. Mỗi một kỳ họp Quốc hội, phải chi số tiền lớn cho các đại biểu. Vậy thì đại biểu cần chi tiêu tiền thuế của dân cho thật hiệu quả, không thể vắng mặt khi không có lý do chính đáng. Đại biểu Trần Văn Giàu cho rằng: “Cứ nói kiêm nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ luôn có mặt, trừ khi đi công tác nước ngoài. Có những đại biểu chức trách không lớn lắm thì lại dự họp không thường xuyên”.
Có trường hợp đại biểu vắng mặt do đi công tác nước ngoài, vậy thì tại sao không bố trí công tác cho phù hợp hoặc ủy quyền cho người khác đi thay. Trong đợt sửa đổi này, dứt khoát phải có quy định rõ ràng, cụ thể về việc chấp hành thời gian dự họp.
Trí tuệ, nhiệt tâm của đại biểu Quốc hội chính là nguồn tài sản của quốc gia. Có trí tuệ mà thiếu nhiệt tâm thì sẽ không thành tài sản. Cử tri bầu đại biểu với mong muốn các đại biểu làm việc cho dân, không phải làm việc cho cá nhân mình.
Một đại biểu Quốc hội nếu mà chỉ tính đến việc cho cá nhân thì không xứng đáng với vị trí, vai trò đại biểu Quốc hội và đáp ứng lòng tin của cử tri..
Còn nhiều chiếc ghế trống trong các buổi họp Quốc hội chứng tỏ còn nhiều người chưa làm hết trách nhiệm.
THEO DÂN TRÍ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét