Về địa danh “Hồ Con Rùa”
Hồ Con Rùa là một di tích gắn liền với lịch sử Sài thành.
1/- Thời Nguyễn:
Vào nửa cuối năm 1788, nhân khi Tây Sơn đang bận rộn với công cuộc bình định Bắc hà, Nguyễn Ánh chiếm lấy Sài Gòn, dùng nơi đây làm căn cứ địa để giành lại giang san. 1790, Nguyễn Ánh đặt Sài Gòn làm kinh đô, gọi là Gia Định kinh.
Được sự giúp đỡ của hai viên sĩ quan công binh Pháp, Nguyễn Ánh huy động ba vạn dân phu xây thành Gia Định trên nền đồn cũ ở làng Tân Khai, để củng cố hậu phương. Toà thành này gọi là thành Bát giác (trong dân gian gọi là thành Quy, vì trông giống con rùa – với vị trí Ủy ban nhân dân Thành phố hiện thời là đầu rùa, và vị trí Hồ Con Rùa là đuôi). Thành có tám cổng: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Vị trí Hồ Con Rùa ngày nay chính là cổng Khảm khuyết (cửa Khảm). Từ vọng lâu của Khảm khuyết, có thể kiểm soát toàn bộ mặt Bắc của kinh thành.
Kể từ khi xây xong thành Quy, Tây Sơn không còn cơ hội đánh phá vào Gia Định nữa; chẳng những thế, suốt hơn hai mươi năm, cứ hễ đến mùa gió thuận, từ đây, Nguyễn Ánh lại xuất quân đánh Tây Sơn. Miền Trung thời đó có câu ca:
Lạy trời cho cả gió nồm, Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra
1802, Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Long. Ông đặt Phú Xuân (Huế) làm kinh đô. Gia Định kinh do đó đổi thành Gia Định thành, làm trị sở của Tổng trấn Nam kỳ.
Đời Minh Mạng, 1830, Tổng trấn Lê Văn Duyệt cho sửa sang củng cố lại thành Bát quái, cửa Khảm khuyết do đó đổi thành Vọng Khuyết.
Tháng 7 năm 1833, Lê Văn Khôi – con nuôi Tả quân Lê Văn Duyệt – nổi loạn đánh chiếm thành Gia Định. Cuộc khởi nghĩa lập tức lan ra đến tận Lục tỉnh, đến 1835 thì bị dập tắt. Sau đó Minh Mạng cho san bằng thành cũ để xây lại thành mới (1838) nhỏ hơn, mang tên “thành Phụng”. “Thành Quy” trở thành “Gia Định phế thành”, vị trí Vọng Khuyết của Hồ Con Rùa nằm lọt ra ngoài châu vi thành mới.
2/- Thời Pháp thuộc:
Tháng 8 năm 1858, Pháp liên quân với Tây Ban Nha đánh chiếm nước ta. Do bị cầm chân ở Đà Nẵng, Pháp bèn mở mặt trận thứ hai, đánh chiếm thành Gia Định. Trận chiến này diễn ra chóng vánh, bắt đầu lúc rạng sáng 17 tháng 2 năm 1859 và kết thúc khoảng 10 giờ trưa cùng ngày.
Người Pháp phá bỏ thành cũ để qui hoạch lại thành phố Sài Gòn. Hồ Con Rùa lúc này nằm ngay cuối con đường dẫn ra bến sông, được đánh số 16 (lúc đó, Sài Gòn có 26 con đường, mang số thứ tự từ 1 đến 26). Trên con đường này, dinh Thống đốc đầu tiên được xây dựng (tại vị trí đắc địa có diện tích 15ha, nổi lên cao nhất vùng Sài Gòn; dinh này là tiền thân của Dinh Độc Lập, tức Dinh Thống Nhất hiện nay). Ngày 01-02-1865, Đề đốc De La Grandière (Thống đốc Nam kỳ) đặt tên cho các con đường trong thành, đường số 16 được mang tên Catinat (tức đường Tự Do, là Đồng Khởi ngày nay). Đường Catinat được mở rộng, khơi thông và nối dài đến đường Mayer (đường Võ Thị Sáu). Từ đó, vị trí này trở thành giao lộ như ngày nay, với tên gọi Công trường Maréchal Joffre – tên một viên Thống chế Pháp. Cắt giao lộ là đường Testard (tức đường Võ Văn Tần) và đường Larclauze (đường Trần Cao Vân).
Tại vị trí này, người Pháp xây dựng một tượng đài ba binh sĩ Pháp bằng đồng, dân Sài Gòn gọi nơi đây là “Công trường ba hình”. Đến năm 1956 thì công trình này bị phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ trong quần thể tượng đài, và giao lộ đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
3/- Thời Việt Nam Cộng Hòa:
1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, thì Công trường Ba hình là vòng xoay giao thông của hai đường Duy Tân và đường Trần Quý Cáp. Khoảng năm 1965 (1967?), Tòa Đô chính qui hoạch nơi đây thành nơi thư giãn cho cư dân trong vùng. Mẫu thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Kỳ được chọn.
Công trình này bao gồm một vòng xoay đi bộ có đường kính ước 100m, bao quanh một hồ nước hình bát giác. Từ bốn hướng có đường đi theo hình xoắn ốc tụ vào giữa. Giữa hồ là Đài tưởng niệm chiến sĩ, có đặt một con rùa lớn bằng hợp kim đồng, trên lưng rùa đặt tấm bia ghi quốc hiệu những đồng minh có công viện trợ Việt Nam Cộng Hòa (do con rùa này mà nơi đây được người Sài Gòn gọi là “Hồ Con Rùa”). Khu vực trung tâm có 5 trụ bê tông chụm lại thành hình ngọn tháp, lại giống như năm bàn tay đang hứng lấy cánh hoa. Chung quanh hồ được trồng cây xanh tỏa mát giữa lòng thành phố.
Sau khi xây dựng xong Hồ Con Rùa, chỗ giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi thành Công trường Quốc tế.
4/- Vụ án Hồ Con Rùa:
Theo truyền miệng của các thầy bà phong thủy, thì Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu khi dọn vào Dinh Độc Lập đã nhờ thầy Tàu xem thế đất, thấy Dinh Độc Lập nằm trên long mạch, là hình tượng “đầu rồng”, và “đuôi rồng” chính là Công trường Chiến sĩ cần phải được trấn yểm. Từ đó suy ra, hình tượng ngọn tháp của Hồ Con Rùa thật ra là thanh gươm cắm xuống ghìm lấy đuôi rồng. Giai thoại này được chính quyền cách mạng tận dụng, để che đậy một âm mưu lớn: đuổi cùng giết tận văn nghệ sĩ miền Nam.
Đêm 01 tháng 4 năm 1976, vào khoảng 8 giờ, một tiếng nổ gầm lên giữa trung tâm Sài Gòn. Sáng hôm sau, trong khi người dân còn đang ngơ ngác chưa đoán ra được nguồn cơn, thì báo chí của nhà nước đồng loạt đưa tin: Một nhóm phản động đã đặt mìn ở Hồ Con Rùa, phá tan con rùa to lớn bằng đồng, mục đích của chúng là tháo trấn yểm, giải thoát “con rồng”, để rồng bay lên phá hoại chính quyền cộng sản!
Vẫn còn nhiều nghi vấn về vụ đặt mìn này. Huỳnh Bá Thành thuật lại trong cuốn “Vụ án Hồ Con Rùa” ((Nxb Tuổi Trẻ, Sài Gòn 1982):
Theo giám định hiện trường của các đồng chí cán bộ cảnh sát thuộc bộ phận khoa học hình sự đã xác định sơ bộ: “Chất nổ được đặt ngay ở thân con rùa đồng, loại TNT có sức công phá ước chừng mười đến mười lăm kilogam”. Ông Huỳnh Bá Thành có biết: với 10kg TNT thì chẳng phải chỉ con rùa đồng, mà toàn bộ công trình sẽ biến mất tiêu, và ở vị trí Hồ Con Rùa hiện giờ đã phải cắm bảng cảnh báo độ sâu nguy hiểm!
Trước đó, hàng đêm, Hồ Con Rùa là nơi các chiến sĩ công an, bộ đội đóng ở gần đó (Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bưu điện, Tòa Đại sứ Mỹ) tụ tập hóng mát. Nhưng điều bất thường là đêm xảy ra sự việc, xung quanh Công trường Quốc tế tuyệt không thấy bóng dáng một cán binh nào, những người bị thương vong trong vụ nổ đều là dân thường.
Lúc bấy giờ là một năm sau ngày “giải phóng”, các binh lính sĩ quan viên chức của Việt Nam Cộng Hòa đều đã được đưa vào trại cải tạo, chỉ còn lại bọn văn nghệ sĩ miền Nam là khiến nhà cầm quyền điên tiết. Tuy tháng 9-1975, đảng đã phát động chiến dịch tiêu hủy “văn hóa phản động-đồi trụy”, nhưng việc đó chỉ khiến văn nghệ sĩ miền Nam càng thêm bất mãn, chứ không thể khiến họ qui phục chế độ mới. Lý do “bọn phản động cho nổ Hồ Con Rùa” được Huỳnh Bá Thành thuật lại trong cuốn sách mà báo Tuổi Trẻ khẳng định là “một câu chuyện hoàn toàn có thật” là nhằm phá con rùa “ếm đuôi rồng” để cho đuôi rồng quậy phá chế độ mới. Và thời điểm đó lại nhạy cảm: Ngày 29-4-1976 sắp tới, sẽ diễn ra cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất đầu tiên của Việt Nam.
Vì vậy, “Vụ án Hồ Con Rùa” lập tức được mở rộng, một chiến dịch quy mô được tung ra. Toàn bộ các văn nghệ sĩ bất mãn liền bị truy bắt, chiến dịch này kéo dài hơn ba tuần lễ, từ 02-4 (chỉ 12 tiếng đồng hồ sau khi xảy ra vụ nổ) đến 28-4-1976. Gần 50 văn nghệ sĩ thuộc “thành phần nguy hiểm” bị bắt bớ giam cầm không cần xét xử. Đó là những tên tuổi lớn của miền Nam tự do: Các văn thi sĩ Doãn Quốc Sỹ, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Sĩ Tế, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Hồ Hữu Tường, Hồ Nam, Lê Xuyên, Nguyễn Hữu Hiệu, Mặc Thu, Thái Thủy, Trần Dạ Từ, Nhã Ca; các họa sĩ Đằng Giao, Choé Nguyễn Hải Chí; các nhà báo Minh Vồ tờ Con Ong, Hồ Văn Đồng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh; các nghệ sĩ, đạo diễn Minh Đăng Khánh, Hoàng Vĩnh Lộc, v.v… Sau này, những ai được thả ra, thì trong giấy ra trại của họ cũng không hề ghi lý do bị bắt đưa đi cải tạo. Trong bọn họ, có người sau này đã vượt biên, không bao giờ có ý định muốn quay lại xứ sở này, và có người đã vĩnh viễn nằm lại trong rừng thiêng nước độc của các trại cải tạo ngu xuẩn và tàn độc của chính quyền cộng sản thời đó.
* * *
– Vĩ thanh:
Tối 25-7-2015, tại Công trường Quốc tế thuộc quận I Sài Gòn, đã diễn ra lễ khánh thành “công trình tô điểm Hồ Con Rùa”. Công trình này đã khoác lên cho hồ một diện mạo mới. Lòng hồ được vệ sinh sạch sẽ, toàn bộ khu vực được sơn phết và tô điểm để biến không gian công viên trở nên tươi mát hơn. Đặc biệt, với hệ thống đèn led lắp đặt quanh Hồ Con Rùa, công trình này đã rũ bỏ lớp áo cũ kỹ và trở nên hiện đại, thân thiện và trẻ trung hơn (theo baomoi.com).
Cô bạn ngày xưa cùng sánh vai thòng chân té nước bên hồ, giờ em ở phương nào?
(Nguồn: Lượm lặt từ Internet- levinhhuy).
Tôi tjovvjj
Trả lờiXóaDịch vụ phối giống chó Poodle
Dịch vụ phối giống chó bull pháp
Mua cáo tuyết tại Hà Nội ở đâu
Địa chỉ bán cáo tuyết tại Hà Nội