Cuộc sống bế tắc của 'cô gái hóa bà lão' ở Hội An
“Suốt 25 năm qua, căn bệnh lão hóa cứ đeo đẳng hành hạ em. Hàng này, em như bị giam cầm ở địa ngục trần gian, sống không bằng chết”, ôm hai đứa con nhỏ, chị Mai nghẹn ngào nói.
Tháng 8/2015, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ ở phường Cẩm Châu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) chị Nguyễn Thị Ngọc Mai nằm co quắp trên chiếc nệm đã sờn màu. Dù mới bước qua tuổi 31, nhưng nhìn chị như bà lão “thất thập cổ lai hy”.
Lấy khăn lau mặt cho đứa con gái tội nghiệp, bà Nguyễn Thị Mứt (55 tuổi, mẹ chị Mai), nghẹn lòng tâm sự: “Từ đầu năm 2015, sức khỏe Mai yếu đi trông thấy. Chân tay nó co rúm, không làm gì được. Nhiều lúc, việc sinh hoạt cá nhân và ăn uống cũng phải có người giúp đỡ”.
Bà Mứt cho biết, cách đây 2 năm, nhờ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp, chị Mai được “xuất ngoại” sang Đài Loan chữa bệnh. Khi về nước, chị có khuôn mặt trẻ hơn, sự đau đớn về thể xác cũng giảm.
Hồi mới đi Đài Loan về, ai cũng mừng vì chị như được sinh ra lần thứ hai. Người phụ nữ cũng tự tin với cuộc sống mặc dù còn hơi yếu.
Thời gian gần đây, sức khỏe chị Mai ngày càng suy yếu và khuôn mặt nhăn nheo như một bà lão. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Từ căn phòng tối om, chị Mai miễn cưỡng bước ra phòng khách tiếp chuyện. Không giấu được sự mệt mỏi, người phụ nữ khắc khổ, rớm nước mắt kể, trước Tết, chị nặng 36 kg và có thể tự làm các công việc nhẹ. Song, hiện, chị còn 30 kg, gần như không ăn uống gì được.
"Mỗi tối, em chỉ ngủ được 1-2 tiếng. Có hôm, em thức trắng, ôm đầu khóc vì không chịu nổi cơn đau đầu hành hạ. Cơ thể lúc nào cũng thấy ngứa ngáy khó chịu", chị Mai nhọc nhằn kể.
Ước mơ của "bà lão" 31 tuổi
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở phố nhỏ ven sông Thu Bồn (TP Hội An), gia đình chị Mai có 3 anh chị em, mọi người đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, học đến lớp 5, khuôn mặt của chị xuất hiện những triệu chứng như một “bà lão”.
Chị Mai và 2 con phải sống nương nhờ vào quán tạp hóa của ba mẹ ruột. Ảnh: Đoàn Nguyên
Bị giày vò bởi nỗi đau thể xác và mặc cảm với bản thân, chị Mai từ bỏ trường lớp. Cách đây hơn 10 năm, chị kết hôn với anh Trần Thân Thương (38 tuổi) và sinh được 2 người con.
Con gái lớn của chị đang học lớp 3, còn cháu trai thứ 2 học lớp 1. Khác hẳn với khuôn mặt “bà lão” của chị, 2 người con đều sáng sủa và học giỏi. Từ lúc bệnh tái phát trở lại, chị đón hai đứa con về sống với mình ở nhà ba mẹ ruột.
Cuộc sống của cả gia đình gồm 5 người chỉ trông chờ vào quán tạp hóa nhỏ của ba mẹ ở đường Trần Quang Khải. Chồng chị chạy xe ôm, nhưng số tiền kiếm được không đủ nuôi thân.
Mẹ ruột và 2 con của chị Mai. Ảnh: Đoàn Nguyên.
|
“Bây giờ tôi cũng không biết phải làm sao. Nhà nghèo, ăn còn không đủ lấy tiền đâu mua thuốc. Mọi người cũng đã giúp đỡ nhiều rồi nhưng bệnh của nó không khỏi nên biết trách ai. Âu cũng là do cái số bạc bẽo”, bà Mứt ngậm ngùi tâm sự.
Ôm hai đứa nhỏ vào lòng, chị Mai nghẹn ngào: "Em chắc không còn sống được bao lâu nữa. Giờ chỉ thương 2 cháu nhỏ. Không biết nó có bị lây bệnh từ mẹ không. Em chỉ mong sống thêm được ngày nào hay ngày đó, để các cháu khỏi rơi vào tình cảnh mất mẹ khi tuổi còn quá nhỏ”.
Theo chẩn đoán của Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Đà Nẵng, chị Mai mắc bệnh mề đay mạn tính vô căn thể xuất huyết. Chị còn bị hen phế quản, viêm dạ dày, rối loạn chuyển hóa protein - kali trường diễn. Ngoài ra, do tác dụng phụ kéo dài phối hợp với corticoid (bệnh nhân dùng thuốc quá lâu, chữa trị không dứt điểm) khiến bệnh tái phát nhiều lần, dẫn đến mạn tính.
Hiện chị Mai đã bị biến chứng suy kiệt cơ thể, teo da mạn tính, tổ chức da bị thoái hóa, mỏng và sừng hóa, dẫn đến biến dạng khuôn mặt già hơn so với tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét