- Gìn Giữ Tính Trong Sáng Của Tiếng Việt

Thời cửa mở, toàn dân đổ xô ra đường làm kinh tế, kinh doanh. Văn hoá kinh tế hóa, tiếng Việt trở thành công cụ đắc lực và cũng bị thị trường hóa, bình dân hóa. 

Thông qua bức tranh ngôn ngữ của thời mở cửa này, chúng ta thấy rất rõ sự sôi động, những cũng đầy xô bồ, hỗn tạp của văn hoá Việt thời cửa mở…


TIẾNG VIỆT THỜI CỬA MỞ…

Trần Ngọc Thêm
(Sưu tầm và bình luận)

♣♣♣

Lỗi ngôn ngữ phổ biến nhất có thể thấy trên các biển hiệu, quảng cáo là lỗi chính tả s-x.


Trên cỗ máy tìm kiếm uy tín bậc nhất Google, các từ với cách viết SỔ xố (chứ không phải XỔ SỐ, xổ = mở ra, số = con số) xuất hiện nhiều đến mức trở thành những từ khóa khá phổ biến!

Cửa hàng nọ ở tận tầng 2 mà vẫn nhào ra vỉa hè để chào bán túi SÁCH, là túi để đựng SÁCH vở, hay là TÚI để XÁCH bằng tay?


Nhà hàng tạo mẫu thời trang tóc Vân Hương thì uốn SOẮN chứ không uốn XOẮN.

Hàng cơm kia thì bán phở mỳ SÀO (sợi mỳ dài bằng cây sào?), chứ không bán phở mỳ XÀO (làm chín bằng phương pháp xào).


Người Hà Nội bây giờ rất thích bán “Cơm XUẤT” (xuất khẩu? – để cho ra?) chứ không phải Cơm SUẤT (chia theo từng suất) để cho vào. Hiện tượng “Cơm XUẤT” phổ biến đến mức “Cơm SUẤT” trở thành rất hiếm hoi, giới trẻ ngồi cãi nhau về chính tả thì phe bảo “Cơm XUẤT” mới đúng thường là chiến thắng! (x. bài "Cơm suất" hay "cơm xuất" của Quang Huy viết ngày 19/08/2010 trên blog tamtay.vn). Những người yêu tiếng Việt hẳn là thấy đau!

Tương tự, ta gặp trên đường phố Hà Nội lãi XUẤT thay vì lãi SUẤT (= phần được lãi).


Xe máy hiện đại thì đứng bên cạnh xe thô XƠ (làm bằng xơ mướp chắc?), còn xe thô SƠ (sơ = đơn giản, sơ sài) thì biến đi đâu rồi?

Trên “Nội quy” của một Toa-let nào đó, cụm từ “vệ sinh SONG” được nhắc đi nhắc lại đến 3 lần. Chủ nhân của Toa-let này chắc mắc bệnh thích S hơn X nên may mà chỉ sai có một chữ ba lần, chứ nếu mắc bệnh “mù s/x” thì có khi sẽ viết “vệ XINH SONG” (thành ra sai tới 2 chữ 6 lần) cũng chưa biết chừng!

Không biết bao giờ cái căn bệnh sai chính tả s/x này mới được giải quyết XONG?

***

Ta chuyển sang một loại lỗi khác cũng phổ biến không kém là lỗi chính tà l/n, thường được gọi là ngọng l/n. Là nhà ngôn ngữ học, tôi không chủ trương xem việc lẫn lộn l/n là “ngọng”. Vì nó phổ biến cho cả một vùng rộng lớn, nên theo tôi, hiện tượng đó phải được xem là cách phát âm đặc thù của địa phương, cũnng như việc người miền Bắc phát âm không phân biệt phụ âm đầu, người miền Nam phát âm không phân biệt phụ âm cuối. Nhưng chính tả lại là chuyện khác.

 Chính tả có chuẩn mực quy định, nên viết không đúng quy định sẽ là sai.
Sức mạnh thì phải được tạo NÊN chứ không phải tạo LÊN.

Ma-NƠ-canh chứ không phải MALƠCANH (gốc từ chữ “mannequin” trong tiếng Pháp, chỉ con búp bê người mẫu trưng trong tủ kính thời trang).

Lỗi chính tả này gặp ở mấy biển hiệu, quảng cáo ven đường thì thôi cũng thông cảm được đi, nhưng mấy nhà báo, tòa soạn báo hưởng lương hàng chục triệu đồng một tháng mà đưa lên tiêu đề chữ to đùng về việc ai đó NÓNG NÒNG (nòng pháo hay nòng nọc?) chờ hỗ trợ thì khủng khiếp quá chừng. Báo chí mà còn như thế, thì tiếng Việt thân yêu của chúng ta như thế này cũng không có gì đáng lạ!


Đọc dòng chữ “cấm ÁM SÁT” trên mặt sau ô-tô, hành khách không khỏi rùng mình, chưa chừng có người lưỡng lự không dám lên xe. Nhưng đọc tiếp dòng dưới “phanh gấp – nguy hiểm” thì mới hiểu là chủ xe cấm xe đi sau "BÁM SÁT” vào xe mình (chữ B đã bị rơi rụng, tạo ra một khoảng trống). Loại nhắc nhở này, có chủ xe tếu táo đã ghi là "Đừng HÔN em"!

Hơn đâu hết, sách giáo khoa và các tài liệu phục vụ việc đào tạo trong nhà trường, nhất là trường phổ thông, đòi hỏi tính chuẩn mực khắt khe về mọi phương diện. Có thể hình dung được các bậc phụ huynh sẽ nghĩ gì khi nhìn thấy trong sách dạy viết cho trẻ nhỏ - sản phẩm của một tập thể, trải qua một quy trình sản xuất từ tác giả - qua hội đồng thẩm định và duyệt sách - đến biên tập viên - rồi lãnh đạo NXB ký duyệt, con DƠI đã được biến thành con RƠI (“con rơi” là con hoang đấy bà con ạ!) và xếp vào cùng một nhóm “R” với con rùa, con rắn và củ cà-rốt!


Rồi “đất nước” thì thành “đất NỚC”, “lái xe” thì thành “LÁY xe”, “quai mũ” thì thành “QUAY mũ”!!!


“Cánh buồm” viết thành “Cánh BƯỜM” thì đơn giản là không hiểu được hoặc liên tưởng thành “Cánh BƯỚM” (tôi cho rằng chủ nhân cái Restaurant này chơi ngông, cố tình viết sai khiến người ta tò mò, liên tưởng lung tung để kéo tới ăn đông hơn – ngành quảng cáo được bổ sung thêm một chiêu dụ khách mới nhé). Nhưng “nhà nghỉ” mà thành “nhà NGHĨ” thì rõ ràng là chuyển đổi mục đích công năng của kiến trúc rồi. 


Cuối cùng, có lẻ không còn gì để nói khi ta thấy “khối CHÍ thức” thì xuống đường tham gia tuần hành, còn trang nhất báo Văn nghệ thì cho biết là làng quê ta MÊNH MONH! (không biết chữ này đọc ra sao ta?).

***
Có lẽ là nói về lỗi chính tả như vậy cũng đã tạm đủ.


Trong giao tiếp văn bản, việc viết tắt là chuyện quá bình thường. Nhưng cái gì vừa phải thì mới bình thường, chứ chữ tắt TDĐKXDĐSVHƠKDC (= Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư) trên khẩu hiệu này thì thật kinh hoàng! Nó hoàn toàn có thể được đưa ra giành kỷ lục Guiness để làm vẻ vang cho dân tộc Việt về tài sáng tạo ra chữ tắt dài nhất thế giới!


“Phòng thu ÂM HỘ” là sản phẩm của việc ngắt dòng tùy tiện (về loại lỗi này cách đây 20 năm từng có riêng một bài nghiên cứu của Nguyễn Thị Tuyết Ngân nhan đề “Cách ngắt dòng trong việc trình bày đầu đề ở các văn bản” in trong t/c “Ngôn ngữ và đời sống”, số t.7-1992, trang 18-21).

Sự thiếu hiểu biết về nghĩa của từ đã biến phòng hồi sức trong bệnh viện (dành cho những người mất nhiều sức sau khi trải qua phẫu thuật) thành “phòng hồi SINH”. Khoa học hồi sinh thì có (hồi sinh là một môn khoa học đấu tranh chống lại cái chết, nghiên cứu về khả năng dự phòng và điều trị các tình trạng hấp hối khác nhau, môn này được hình thành và phát triển từ giữa thế kỷ 20 nhờ những tiến bộ trong phẫu thuật, nhất là phẫu thuật tim phổi, mạch máu). Tuy nhiên, không biết trong bệnh viện Việt Nam hiện nay đã có loại phòng dành cho những người từ cõi chết trở vể như vậy hay chưa? Hay đây là sáng tạo viết tắt của "Phòng hồi sức sau khi sinh (nở)"?

Đi hát Karaoke là để giải trí, nhưng hiện nay ở các đô thị, quán Karaoke mọc lên quá nhiều, chất lượng âm thanh tuyệt vời còn chưa chắc đã thu hút được khách hàng, huống hồ chất lượng âm thanh mà tuyệt VỌNG thì cầm chắc là khách hàng chỉ có nước bỏ chạy!


Trong thuật bán hàng, tất có chuyện khuyến mãi, bán kèm. Bao cao-su là vật phẩm không thể thiếu trong đời sống tình dục của người trưởng thành, còn bánh trung thu là đồ ăn chủ yếu dành cho trẻ nhỏ. Bao cao-su nhằm hạn chế sinh đẻ, giảm số trẻ con; còn bánh Trung thu thì mang lại niềm vui cho trẻ em, cho những "dân số mới". Hai thứ gần như trái ngược nhau về nhiều phương diện này đem gắn kết lại với nhau mgang đến cho chúng ta thông điệp gì? Khuyến khích tiêu thụ nhiều bao cao su (để giảm bớt số trẻ con), hay khuyến khích tiêu thụ nhiều bánh trung thu (= do dùng ít bao cao su)?


Cũng vậy là sự liên tưởng giữa một việc rất nghiêm túc là “Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp” với một việc quá ư đời thường, thậm chí còn “bụi bặm vỉa hè” nữa là khuyến mãi bia hơi Hà Nội “uống 2 tặng 1” ở nhà hàng Trúc Bạch! 


Thật là vô trách nhiệm khi trong một bài báo dài chỉ có 14 dòng, tác giả để cho một sĩ quan công an đã phải hy sinh thân mình được nhắc tới 3 lần thì mang 3 chức vụ khác nhau: lúc là THƯỢNG SĨ, lúc là THIẾU ÚY, lúc là THƯỢNG ÚY. 

Từ thượng sĩ, anh vừa được "phong vượt cấp trước niên hạn" thành thiếu úy thì hiểu được, nhưng làm cách nào để khi bị thương ngã xuống sông anh đã kịp trở thành thượng úy?


Thủ đô (Hà Nội) mà được giải phóng vào ngày 30-4 (1975) thì chắc Tp. Hồ Chí Minh sẽ được giải phóng sớm lên 21 năm, vào ngày 10-10 (1954) quá ta!

***

Bài này nói về tiếng Việt thời mở cửa. Nhưng chính nhờ có mở cửa mà tiếng Anh mới có dịp được ồ ạt tràn vào qua cửa mở. Và vì vậy, nói về tiếng Việtthời cửa mở mà bỏ sót không nhắc đến tiếng Anh ở Việt Nam thì thật là thiếu lịch sự với khách quý.


Trước hết, nhờ toàn dân dùng điện thoại di động mà Viettel đã trở thành “VIỆT THEO” (theo gì đây không biết?).

Card-visit vốn là cái thẻ để gửi lại khi tới thăm nhau mà chủ nhân vắng nhà, nay dùng để giới thiệu danh tính, địa chỉ, làm quen để mời tới thăm nhau (= visit). Vậy mà Card-visit đã biến thành Card VIRIS (nghe giống VIRUS quá!).

Nhưng khủng khiếp hơn cả là con mực biển để ăn đã biến thành INK là mực để viết! Mực để viết mà lại đem hấp với nướng một nắng, hai nắng thì không biết người nước ngoài sẽ phải hiểu thế nào? Nhất là khi tất cả các tên món ăn bằng tiếng Anh trong bản thực đơn ngắn ngủi này đều sai về từ vựng và ngữ pháp!


Tấm hình biển báo “PHÍA TRƯỚC AHEAH 50M CÔNG TRƯỜNG WORKS” là do chính tay tôi chụp được trên đường Phan Văn Trị (Bình Thạnh), đoạn gần ngã ba Phan Văn Trị - Nguyên Hồng vào giữa năm 2011. “AHEAH” ở đây (thay vì ahead) đơn giản là vô nghĩa.

Nhưng Café FAST FOOD (thức ăn nhanh) mà biến thành Café FAST FOOT (cái CHÂN nhanh) thì không biết đó là loại café gì?


Cuối cùng, khi đọc dòng chữ “KHÔNG CÓ TAI NẠN Ở HIỆN TRƯỜNG CHÚNG TA LÀM CHO MÌNH CƯỜI”, bạn và tôi chắc hẳn sẽ băn khoăn, không biết có phải mình đang đứng trên đất Việt Nam đọc khẩu hiệu do người Việt dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh (nếu cần), hay là đang đứng ở nước ngoài, đọckhẩu hiệu do người nước ngoài dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt?!

***

Chuyên mục này mở ra để giới thiệu những tấm ảnh vui, nhưng vui trong website văn hoá học còn phải là vui có ý nghĩa.

Những bức ảnh trên hẳn khiến chúng ta nhiều lúc không nhịn được cười, nhưng xem xong có lẽ phần đông trong chúng ta sẽ có cảm giác thấy thật buồn. Buồn cho tiếng Việt của mình, văn hóa Việt của mình thời mở cửa để cho cửa mở...

Nhưng nghĩ đi cũng phải có nghĩ lại. Nếu không có mở cửa và cửa mở thì lấy đâu ra việc nhà nhà bung ra mặt tiền để quảng cáo, người người làm kinh doanh để cho đời sống vật chất khá lên, theo đó mà website mọc lên như nấm làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần, trong đó có website vanhoahoc.vn mà các bạn đang xem này? Buôn bán nhiều thế, bảng hiệu nhiều thế, website nhiều thế, bài vở nhiều thế, thì có sai sót âu cũng là chuyện khó tránh khỏi, do khó kiểm soát hết được.

Vì vậy bạn và tôi có lẽ cũng không nên ngạc nhiên khi có người sẽ chỉ ra những lỗi tương tự trong bài viết của bạn hoặc của tôi. Chỉ mong rằng khi bạn đọc nhìn thấy những lỗi tương tự của chúng tôi hoặc trên website này thì xin cứ dọn vườn và vui lòng thông báo cho chúng tôi biết để kịp thời sửa chữa. Mục đích của tiếng cười và việc don vườn không gì khác hơn là để cho các sản phẩm của mỗi người chúng ta mỗi ngày một hoàn thiện hơn!

T.N.T.


Tiếng Việt mới
Nhìn bức ảnh trao bằng tốt nghiệp, đố ông bà thấy có gì sai? Sinh viên này đứng vẻ hàng hai? Hoa cầm tay là hoa plastic? Bức ảnh nhàm, không gì kích thích, nỗi vui mừng kẻ gắng tâm can? Lời đáp sai! Nếu chịu đầu hàng, tôi phân giải, đưa ra ánh sáng:


Xem bên trái, đằng sau, trên bảng:



Chữ viết to tổ bố: “chuyên NGHÀNH”.

đây là trường Đại Học trứ danh,

Sư Phạm Hà Nội, trung tâm văn hóa!

Ối giời ơi, nhà văn, học giả,

từ Hà Tĩnh cho đến Lào Cai,

xem chữ NGÀNH từ thưở phôi thai,

bây giờ được cộng thêm chữ H(át).

bộ Giáo Dục mà còn bố láo,

viết tiếng Việt một chữ còn sai,

thảo nào dân là lũ khôi hài,

tiếng mẹ đẻ đánh vần loạn xạ!

“bún chả” họ viết là “bún TRẢ”,

“vệ sinh chung” viết “vệ sinh TRUNG”

treo “huân chương”, dẹp, viết “huân TRƯƠNG”,

“hạ giá” viết lại thành “hạ DÁ”
ai “đổ rác”, tôi đây “đổ GIÁC”,



chuyện “xẩy ra” xin viết “SẨY ra”,


“đằng trước”, không! viết lại “CHƯỚC nhà”,

tôi yêu cầu anh nên “SỬ lý”.

“RỤNG cụ” đọc nghe mà có lý,



tôi đợi anh mãi quá “nóng NÒNG”,

“gương” viết ẩu biến lại “tấm GƠNG”

ai mang “đá XỎI” lên “DỖ tổ”?
đường “GHỒ ghề” coi chừng xuống hố,



“SÔI thịt” này bán “TRÍN TRỤC NGÌN”,


“sign” làm gì, thôi hát ” SINGNING”,

“WELL COME”, mời cô vào đi “SOP”.
lỗi lầm này đáng đem bỏ bót:



nơi quốc tế triệu khách nhìn xem,


tên nước mình ghi chữ VIET-NEM,

thế mà chẳng một ai chú ý!
tôi dân Mít, ở nhà bên Mỹ,



xa quê hương hơn bốn mươi năm.


tiếng Việt tôi vẫn viết rõ ràng,

xấu hổ thay nền văn hóa mới!


Nguyễn Tài Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét