Đừng dạy học sinh “nói dối” nữa
Viết về nhân vật A phải “cao cả”, tả về cô giáo nhất định phải dáng thon, tóc dài…Học sinh không dám đánh cược cảm xúc thật sự với điểm số trong kì thi quan trọng.
Kì thi THPT quốc gia 2015 tiếp tục cho ra đời nhiều bài văn lạ của học sinh.
Nhiều người bật cười vì lời văn ngô nghê, hoặc thở dài trước những câu văn công nghiệp, rập khuôn, mười bài như một. Bên cạnh đó là cách thể hiện cảm xúc của học sinh trong những câu nghị luận xã hội na ná nhau, không có chính kiến và tính phản biện.
Nhiều ý kiến đề nghị: “Đừng biến môn Văn thành môn tập chép. văn mẫu làm học sinh nói dối, khiến các em “tự nhiên” với những lời “nói dối” trong tương lai”.
Cảm xúc đánh cược với điểm số, ai dám?
Phổ điểm môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 |
“Nhiều khi cũng muốn viết theo những gì bản thân nghĩ nhưng mà viết kiểu đó thì điểm không cao nên thành ra phải viết theo dàn ý có sẵn. Nhất là đi thi tốt nghiệp, nhỡ viết sai so với đáp án bị điểm liệt thì ai chịu trách nhiệm?”, bạn Ngọc Hân (17 tuổi, Nha Trang) nói.
Phụ huynh Thu Hương kể: Con tôi học lớp 12, cô giáo môn văn bắt buộc trong bài luận phải mang ý tưởng của cô thì mới có điểm, con tôi phát biểu “văn là cảm xúc mà cô” liền bị cho điểm 3 không thương tiếc (dù cháu là học sinh giỏi văn 11 năm).
Bạn Bảo Bình (Đồng Nai) chia sẻ một câu chuyện mà bạn nhớ mãi về môn văn lớp 7 của mình: Cô giáo ra đề: “Theo em, điều gì là quý giá nhất trong cuộc sống, hãy chứng minh”. Sau đó cô hỏi ý kiến cả lớp, nhiều ý kiến đưa ra như sức khỏe, lúa gạo, tiền bạc, hạnh phúc, tự do…Nhưng cuối cùng cô giáo chốt lại “theo cô, sức lao động là quý nhất”. Sau đó cả lớp 42 học sinh đều làm bài “sức lao động là quý nhất” theo ý cô giáo.
Thầy Nguyễn Thanh Huy, dạy văn tại trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng trước áp lực thi cử phải có điểm số, nhất là kì thi quan trọng như tốt nghiệp, không học sinh nào dám đem những xúc cảm cá nhân thật sự vào bài thi nếu điều đó làm ảnh hưởng đến điểm số của mình.
“Đối với những bài viết trong lớp, học sinh có thể sáng tạo thoải mái, nhưng trước những kì thi quan trọng, giáo viên đều phải hướng dẫn học sinh những cách thức cơ bản nhất để bài làm đúng đáp án và đạt được điểm số cao”, thầy Huy chia sẻ.
Học văn hay học photocopy?
Sĩ tử Nghệ An ra về sau khi làm xong phần thi môn văn tại điểm thi Trường ĐH Vinh, Nghệ An |
Nhiều học sinh thừa nhận, sau 12 năm học, đa số các em được học theo văn mẫu là chính.
Thầy Nguyễn Thanh Huy cho rằng thực trạng học sinh dần xa lánh, đôi khi sợ hãi môn văn xuất phát từ việc các em không được bày tỏ cảm xúc thật sự của mình. Việc phải thể hiện quan điểm theo cách nhìn có sẵn làm cho các em chán ngán, từ đó biến mình thành những cỗ máy tập chép và photo cảm xúc cho an toàn.
Cô Hồ Khánh Vân, giảng viên ngành Văn học ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng, lỗi một phần thuộc về giáo viên và học sinh.
Nhiều giáo viên dạy văn vẫn theo tư duy mình được học phổ thông đem dạy lại cho học sinh, đi theo lối mòn và lười sáng tạo.Thậm chí nhiều đồng nghiệp của cô Vân cũng ít cho học sinh bày tỏ quan điểm riêng mà vẫn chủ yếu theo ý kiến có sẵn trong sách hướng dẫn và giáo viên xem đó là căn cứ đánh giá, chấm điểm.
Học sinh cũng theo đó mà thụ động, không tư duy, ít chịu bày tỏ ý kiến của mình về tác phẩm hay vấn đề xã hội mà phần nhiều chọn cách làm theo hướng dẫn của thầy cô để hoàn thành bổn phận.
Cô Hồ Khánh Vân đánh giá hệ thống giáo dục đang gặp nhiều vấn đề nhưng chưa có những giải pháp triệt để.
Chương trình giảng dạy còn nặng nề, giáo viên và học sinh phải tải mấy chục tác phẩm trong một năm với thời lượng ít ỏi, không đủ để các em tìm hiểu và yêu thích tác phẩm.
Học sinh ít có sự lựa chọn tác phẩm văn học mình yêu thích để phân tích và tìm hiểu mà phải theo những tác phẩm có sẵn trong sách giáo khoa.
Cô Khánh Vân cho rằng trong những năm qua dù cách ra đề và chấm thi đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa triệt để và đạt được những hiệu quả như mong muốn. Mọi thứ vẫn còn đang lẩn quẩn trong chuyện đọc – chép và cách tư duy sáo mòn của việc cảm thụ môn văn.
Tương lai nào cho môn văn?
Một cô giáo dạy văn hơn 20 năm (giấu tên) chia sẻ rằng những năm qua, đề thi có đổi mới theo hướng mở nhưng cách chấm vẫn theo những barem gợi ý có sẵn, thậm chí với cả nghị luận xã hội.
Học sinh không thể nào làm khác đi. Có thể các em có những suy nghĩ khác nhưng cuối cùng vẫn chọn phương án an toàn.
Bản thân giáo viên, đôi khi rất muốn hướng học sinh tư duy sáng tạo, nhưng họ không thể vượt ra khuôn khổ. “Mình dạy học trò làm khác đi, đến khi thi, các em bị điểm thấp thì giáo viên làm sao gánh trách nhiệm”, cô giáo này chia sẻ
Thầy Nguyễn Thanh Huy đề xuất hãy để cho giáo viên và học sinh được tự do lựa chọn tác phẩm văn học yêu thích và cùng tìm hiểu về nó. Bộ GDĐT chỉ cần ra định hướng, phân chia từng mốc thời gian trong năm giáo viên sẽ giảng dạy những đề tài nào (ví dụ văn học lãng mạn, yêu nước…), việc còn lại hãy để giáo viên và học sinh thoải mái trong việc bày tỏ cảm xúc, nhìn nhận, đánh giá tác phẩm.
PGS.TS Đoàn Lê Giang, trưởng khoa Văn học ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết những đổi mới trong giáo dục đối với môn văn chủ yếu là bồi dưỡng khả năng ngữ văn sẵn có của học sinh và thứ hai là đào tạo nhân cách.
Chúng ta đang hướng cho học sinh thể hiện tư duy văn chương theo cảm nhận có chiều sâu và sáng tạo, khuyến khích tính trung thực trong nhìn nhận và đánh giá vấn đề.
Tuy nhiên qua quá trình chấm thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, PGS.TS Đoàn Lê Giang vẫn nhìn nhận, thực trạng chưa được cải thiện nhiều.
Học trò là sản phẩm của giáo dục, của nhà trường, thế nên trách nhiệm phải thuộc về giáo dục, giáo viên, những người làm công tác quản lý.
Ông Giang nhấn mạnh hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi toàn diện và sâu sắc hơn nữa, cần những đổi mới mang tính thực chất để thay đổi thật sự chất lượng giáo dục.
Và riêng với môn văn, phải làm sao để các em yêu văn và cảm nhận văn học sâu sắc, tự nguyện chứ không phải thái độ học đối phó và sợ môn Văn như hiện nay.
THEO TUỔI TRẺ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét