TƯ DUY ĐẼO CÀY
Sự thay đổi xoành xoạch của nền giáo dục trong nhiều năm qua mà hiệu quả dường như quá khiêm tốn so với sự lộn xộn mà nó mang lại dễ khiến người dân cảm nhận rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn hời hợt hoặc là quá hoảng hốt, mất bình tĩnh trước dư luận mà đưa ra những thay đổi quá vội vàng.
Sự thay đổi xoành xoạch của nền giáo dục
Mấy tuần qua, dư luận xã hội “dậy sóng” xung quanh một điều trong dự thảo điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT là thay tên gọi lớp trưởng thành chủ tịch hội đồng tự quản. Rất nhiều ý kiến phản bác, không đồng tình, cho rằng việc gọi lớp trưởng là chủ tịch là một cách gọi buồn cười, lố bịch và không có ích vì như thế là cho học sinh đóng vai quan chức sớm quá, dễ tạo cho các em tâm lí háo danh, kèn cựa, địa vị.
Một số nhân vật trọng yếu của Bộ GD & ĐT thì giải thích rằng việc đặt ra một hội đồng tự quản để học sinh bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch sẽ làm tăng khả năng tự chủ, tự quản của học sinh, tạo điều kiện để các em cùng sinh hoạt, trao đổi, góp ý lẫn nhau qua đó tăng cường kĩ năng sống.
Từ suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng cách gọi chủ tịch lớp là một cách gọi hoàn toàn bình thường, không có gì vệnh lệch hay lố bịch cả. Nếu đặt trong tương quan giữa Quốc trưởng – tỉnh trưởng – huyện trưởng – xã trưởng – hiệu trưởng - lớp trưởng và Chủ tịch nước – chủ tịch tỉnh – chủ tịch huyện – chủ tịch xã - chủ tịch trường – chủ tịch lớp thì sẽ thấy cách gọi chủ tịch lớp so với cách gọi lớp trưởng về ý nghĩa chẳng có gì khác biệt.
Lâu nay người ta đã quá quen với cách gọi lớp trưởng nên bây giờ nghe nói đến Chủ tịch lớp thì cảm thấy lạ, thấy chướng mà thôi. Giả sử từ xưa đã gọi là chủ tịch lớp thì bây giờ từ lớp trưởng cũng sẽ trở thành lạ lẫm. Âu cũng chỉ là cái tên gọi, về bản chất chẳng có gì khác. Từ điều này có thể thấy việc thay đổi từ tên gọi lớp trưởng sang chủ tịch lớp là không cần thiết vì nó chẳng những không đem lại thay đổi tích cực nào mà còn gây xôn xao dư luận.
Những ích lợi của cách gọi này theo như giải thích của những quan chức Bộ giáo dục đã đề cập ở trên theo tôi chỉ là lý thuyết hoa mỹ mà hoàn toàn thiếu tính thực tế. Ai cũng hiểu rằng, với học sinh tiểu học – lứa tuổi mà những bậc cha mẹ theo cách nuôi dạy con ở Việt Nam là phải theo sát từng bữa ăn, giấc ngủ - thì việc tổ chức ra một hội đồng tự quản để các em phát huy quyền tự do, tự chủ bầu ra chủ tịch, phó chủ tịch, rồi trao đổi, góp ý, xây dựng lẫn nhau để cùng tiến bộ là điều bất khả thi nếu không muốn nói là ảo tưởng.
Điều này khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về chuyện đổi mới. Người xưa dạy rằng “Nhật nhật tân, hựu nhật tân.” (Ngày ngày đều phải luôn đổi mới, tiếp tục đổi mới nữa). Xã hội muốn phát triển thì phải không ngừng đổi mới, sáng tạo để hướng đến những tầm cao mới, những chân trời khác.
Sự bảo thủ, cố chấp, không chịu thay đổi chính mình sẽ là lực cản lớn khiến xã hội trở nên trì trệ, chậm phát triển. Tuy nhiên, sự đổi mới chỉ thực sự đem lại những hiệu quả tích cực nếu đó là sự thay đổi đúng đắn, khoa học, phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Còn sự thay đổi vội vàng, hấp tấp, thiếu thực tế, thiếu khoa học thì chỉ khiến tình hình phức tạp thêm mà thôi.
Cho nên, trước khi đưa ra bất cứ một sự thay đổi nào (nhất là trong giáo dục – lĩnh vực được xem là quốc sách hàng đầu, được xã hội đặc biệt quan tâm) những người có trách nhiệm cần phải đắn đo, suy nghĩ, phân tích một cách khoa học. Để có được những quyết sách đúng đắn, thiết nghĩ cần phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ nhân dân để tránh một cái nhìn chủ quan, độc đoán. Tuy nhiên, lắng nghe là để có cơ sở mà phân tích, đánh giá, suy ngẫm chứ nhất thiết không được theo đuôi dư luận để thay đổi một cách vội vàng.
Sự thay đổi xoành xoạch của nền giáo dục trong nhiều năm qua mà hiệu quả dường như quá khiêm tốn so với sự lộn xộn mà nó mang lại dễ khiến người dân cảm nhận rằng Bộ GD còn hời hợt hoặc là quá hoảng hốt, mất bình tĩnh trước dư luận mà đưa ra những thay đổi quá vội vàng.
Không nói đâu xa, trước kì thi THPT quốc gia vừa rồi, học sinh đã mấy phen “thót tim” vì những thay đổi bất thình lình của Bộ. Từ thang điểm 10 như xưa nay, Bộ GD đưa ra phương án dùng thang điểm 20, học sinh đang chuẩn bị tâm thế cho thang điểm mới, các trường THPT chuẩn bị thi thử theo thang điểm mới thì thình lình, nghe góp ý của dư luận, Bộ lại quyết định đổi lại thành thang điểm 10.
Hay khi bà Đặng Kim Chi – đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trường Phạm Vũ Luận tại Nghị trường rằng tại sao Phú Yên có hai trường đại học nhưng hơn một vạn học sinh phải vào Khánh Hòa để dự thi THPT quốc gia, đặc biệt là những em ở ba huyện thị Tuy An, Đồng Xuân và Sông Cầu, dù giáp với Bình Định nhưng vẫn phải đi quãng đường rất xa để vào Khánh Hòa. Lúc này, mặc dù các điều kiện cho thi cử đã hoàn thành, nhiều thí sinh đã mua vé tàu và đặt chỗ ở, Bộ trưởng vẫn ngay lập tức quyết định chuyển các thí sinh của 3 huyện, thị xã nói trên về dự thi tại Bình Định. Quyết định này khiến không ít học sinh, phụ huynh hoang mang. Phải sau khi có sự phản hồi từ tỉnh Phú Yên, Bộ mới thay đổi lại như cũ.
Những thay đổi như vậy, liệu có hấp tấp quá chăng? Phải chăng Bộ GD đang “đẽo cày giữa đường” giữa trùng vây của dư luận? Sự đổi mới luôn luôn là cần thiết nhưng phải được thực hiện bằng một tư duy khoa học và một chiến lược bền vững. Còn thay đổi xoành xoạch theo tư duy “đẽo cày giữa đường” thì lợi đâu không thấy nhưng rắc rối thì rành rành ra đấy “Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì”
Hồ Tấn Nguyên Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét