Đô thị và đô thị hóa

Thời bao cấp, ai có hộ khẩu TP Hà Nội, TPHCM, có chế độ tem phiếu là sống tạm đủ. Tuy hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ còn thiếu thốn, nhưng được như thế là tốt rồi. Ở cơ quan tôi, vì muốn con mình được suất bánh trung thu theo phân phối, mà vợ một nhân viên không có hộ khẩu thành phố phải nhờ chị bạn có hộ khẩu thành phố đứng tên làm giấy khai sinh cho con của mình. Chuyện có lẽ không hiếm…
Đời sống kinh tế đất nước dần khá lên, nhiều công trình xây dựng mọc lên san sát. Người ta đi lại bằng ô tô xe máy; xe lam, xích lô giờ vắng dần. Nhiều khu dân cư ở trung tâm thành phố phải giải tỏa để mở những trung tâm thương mại. Tôi được mua hóa giá căn hộ tập thể 50m2. Vất vả cả tháng mới chạy đủ tiền để trả. Vừa đúng lúc vợ chồng tôi về hưu. Có người bày tôi bán căn nhà mới hóa giá ở Tân Định, ra ngoại thành mua đất cất nhà, hoặc nhà xây sẵn để ở, vừa giãn dân, vừa tránh nơi đô thị ồn ào. Đúng rồi, đất trung tâm quận 1, để buôn bán kinh doanh thì đắt, chứ đất ngoại thành vườn ruộng đáng bao nhiêu. Đã thế, không khí lại trong lành, rau quả ê hề, lo gì… Thế rồi vợ chồng tôi đặt cọc luôn một căn nhà gần cầu chợ Cầu, quận Gò Vấp, một trệt, một lầu, hơn hẳn căn nhà cũ. Tôi treo biển bán căn hộ. Mỗi ngày tiếp bốn năm lượt khách, chả biết ai khách thật, ai cò. Việc bán nhà cũng hoàn tất. Tính ra tiền bán căn hộ tập thể đủ sức mua 2 căn nhà vùng ven ngoại thành, lời chán…
Vợ chồng tôi tuy là cán bộ Nhà nước, có hộ khẩu ở TPHCM nhưng không có nhà, phải ở nhà tập thể. Bà con ở quê miền Trung cứ tưởng đấy là nhà riêng của vợ chồng tôi nên đến TPHCM đưa con đi chữa bệnh đều xin ở nhờ. Khổ nỗi căn hộ 50m2 chứa 5 nhân khẩu (vợ chồng tôi và 3 đứa con) giờ làm việc luôn đóng cửa thì làm sao dám cho họ hàng vào ở nhờ. Tôi đành tìm lời từ chối. Thế là họ về quê, đồn đại trách móc đủ kiểu: nào giàu có ở thành phố coi khinh người quê, nào là không thèm nhìn nhận bà con… Ở quê, có đất trồng được rau khoai, có trái chuối, mớ rau; nuôi được con gà con vịt, có trứng ăn. Ở thành phố, mọi chi tiêu, học hành cho con cái đều trông ba cọc ba đồng của vợ chồng tôi. Rồi tiền điện, tiền nước; lại bạn bè mời đám cưới đám hỏi. Ở thành phố cũng phải hiếu hỉ sao cho ra dân thành phố. Vợ tôi có lúc cằn nhằn - biết thế này thì xin chuyển về quê công tác! Tôi đành an ủi: Bà rõ lẩn thẩn, người ta mơ cái hộ khẩu thành phố không được!

Đêm đầu tiên ngủ ở nhà mới, tôi nghe ếch nhái kêu râm ran ngoài ruộng. Hàng xóm bảo, chỗ này trước kia là trại nuôi heo, là ao trồng rau muống. Người ta còn bảo, chỗ này trước kia là gò cao, đi hay vấp, nên mới gọi là Gò Vấp. Chẳng biết đúng không nữa. Chỉ biết sau một thời gian, cái gò cao ấy cũng bắt đầu ngập, mưa nhỏ cũng đủ ngập thành vũng.
Quanh đây, tôi gặp lại mấy ông bạn hưu trí, ông nào cũng có biệt danh “ếch hai hang”. Một hang chính để thường trú, còn hang phụ là tạm trú, đón đầu mua đất cất nhà cho con.
Đường hẻm có nhà tôi đã gần lấp đầy nhà, có mấy nhà nền thấp phải nâng nền. Tổ dân phố họp dân, bảo: Phường ta cũng có chủ trương đô thị hóa, tráng hẻm làm đường, kinh phí nhà nước và nhân dân cùng làm. Ban nâng đường tráng hẻm được thành lập, lập kế hoạch đầy đủ. Những chỗ đất trống chưa xây dựng thì cho chịu, khi chủ nhà xây mới thanh toán. Đường hẻm quanh co uốn lượn. Thế là tổ lại vận động dân hiến đất để nắn đường…
Cầu chợ Cầu xây mới, to cao làm mấy căn nhà nhỏ bé bên cạnh cầu cứ lọt thỏm dưới bụng. Chịu vậy chứ biết sao. Lợi ích của dân phải phục tùng lợi ích đất nước, lợi ích tập thể. Chợ Cầu tự phát dời đi chỗ khác, rồi lại tái phát vài bận. Do thói quen của dân ta cả, biết làm sao được.
Ở Chi hội Người cao tuổi khu phố tôi, có cặp vợ chồng chuyển bán nhà đến lần thứ hai. Lần đầu từ Tân Bình về Gò Vấp, lần thứ hai từ Gò Vấp đi quận 12. Ông chồng bảo: Kiểu đô thị hóa này, vợ chồng tôi còn chuyển nữa. Cứ lần chuyển sau mua nhà nhỏ hơn nhà trước. Tiền chênh lệch dùng để sống. Đến trăm tuổi thì về với đất, về với ông bà…

 CAO PHI YẾN
SGGP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét