Nghiệp báo truyền sáu đời, phúc phận 800 năm
Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa mưu hại huynh đệ Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, chiếm đoạt ngôi vua, làm nhiều việc bất nghĩa, gây hại cho đời sau, con cháu bị tuyệt hậu hai lần, phải chịu nỗi nhục cả hoàng tộc bị bắt làm nô lệ nước Kim. Ngược lại, Phạm Trọng Yêm là một minh thần Bắc Tống, suốt cuộc đời ông đều lo lắng cho đất nước và tạo phúc cho trăm họ, không hề hối tiếc cho dù bị giáng chức bốn lần. Phạm Trọng Yêm sống thanh đạm suốt một đời, nhưng con cháu đời sau rất hưng vượng, phú quý tám đời, vậy bí quyết nằm ở đâu?
Chiếm đoạt giang sơn cải biến sách sử, Tống Thái Tông chịu nghiệp báo sáu đời
Mặc dù Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa nhiều lần cải biến sách sử, nhưng rất nhiều sự thật lịch sử khó có thể bị chôn vùi. Ông giết anh trai để chiếm ngôi, giết chết con trai của huynh trưởng, giết chết người em trai làm thái tử Triệu Đình Mỹ, đều là vì muốn mình là người thừa kế ngai vàng duy nhất. Ông ta còn bắn chết Hoa Nhị phu nhân, đầu độc Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, hãm hại hoàng hậu Tiểu Chu, còn đầu độc nguyên Ngô Việt Quốc Chủ Tiền Thục,…
Ông tưởng rằng làm thế thì có thể nắm giữ giang sơn mãi mãi, không ngờ báo ứng cho những việc ác giống như một tấm lưới trời chụp lên gia tộc của ông.
Con trai cả của Thái Tông bị điên, con trai thứ làm người kế vị, kết quả là bị bệnh chết, con trai thứ ba đăng cơ chính là Chân Tông. Con cái của Chân Tông lần lượt bị chết yểu, chỉ còn lại một người con trai chính là Nhân Tông sau này. Nhân Tông không có con, dòng dõi chính bị tuyệt hậu. Ông đã nhường ngôi cho con trai của hoàng thúc, lại truyền tiếp đến đời thứ hai, đời thứ ba thì xảy ra nỗi nhục của Tĩnh Khang, hậu duệ của Thái Tông – hoàng thất kinh thành đều bị bắt làm nô lệ ở nước Kim, hậu cung bị ép thành kỹ nữ (trong đó có mẹ đẻ và vợ của Triệu Cấu), chỉ có Triệu Cấu trốn thoát, đã lập ra Nam Tống. Con cái đều chết, Triệu Cấu lại bị quân nước Kim dọa cho không đứng dậy nổi, từ đó tuyệt hậu. Sử sách ghi chép rằng, được Mẫu Nguyên Hựu thái hậu báo mộng, ông không tìm người thừa kế còn lại của Thái Tông mà tìm hậu duệ của Tống Thái Tổ làm hoàng tử, trả lại ngai vàng cho hậu duệ của Thái Tổ.
Đừng tưởng rằng khi xưa Thái Tông có thể đứng trên vương pháp, hành ác cũng có thể không chịu trừng phạt, nhưng đạo đức ước chế tất cả, Thiên lý rõ ràng, thiện ác tất báo.
Ưu quốc vi dân tạo phúc, chỉ dòng tộc Phạm Trọng Yêm phồn thịnh
Phạm Trọng Yêm là một vị minh thần thời Bắc Tống, ông còn là một nhà văn học, nhà quân sự tài ba. Tác phẩm “Lạc Dương lâu ký” của ông được coi là tuyệt tác thiên cổ, đạt đến cảnh giới “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), trở thành phong thái lý tưởng của bậc danh sỹ Trung Hoa.
Phạm Trọng Yêm mồ côi cha từ nhỏ, quyết tâm học tập trong cuộc sống thanh khổ, sau khi đỗ tiến sỹ, ông luôn lo lắng và tạo phúc cho bách tính trăm họ.
Khi làm huyện lệnh Hưng Hóa (nay là thành phố Hưng Hóa tỉnh Giang Tô) ông chăm lo đê điều. Một lần, một đợt thủy triều lớn đã cuốn đi hơn trăm người dân, ông đứng trên ngọn thủy triều chỉ huy tu sửa đê điều. Không lâu sau, con đê dài hàng trăm mét đã vắt ngang bờ biển Hoàng Hải. Diêm điền và nông điền đều được bảo vệ, dân cư trở về quê cũ làm ăn sinh sống, từ đó mọi người gọi con đê biển này là “Phạm Công Đê”, đến nay con đê này vẫn còn tồn tại.
Phạm Trọng Yêm không chấp hành, không phục tùng với những sai lầm của triều đình, vì thế ông đã bị giáng chức khỏi kinh thành bốn lần, nhưng vẫn không thay đổi bản chất. Ông cầm quân đánh đuổi Tây Hạ, giữ vững kinh thành. Sau khi triều đình đại bại, nhờ chiến lược của ông nên mới có được hiệu quả. Quân địch đều khâm phục tài cầm quân của Phạm Trọng Yêm, cuối cùng đã giải hòa. Phạm Trọng Yêm đã chỉ đạo xóa bỏ chính sách không đúng đắn, cải cách toàn diện, xã hội đổi mới, khi đó gọi là “Khánh lịch tân chính”. Sau khi bị giáng chức vì những lời gièm pha, ông vẫn luôn nghĩ cho bách tính trăm họ.
Khi Phạm Trọng Yêm ngã bệnh sắp ra đi, cả triều đình trên dưới đều thương tiếc. Nhân dân cả nước khóc thương, ngay cả dân tộc thiểu số Tây Hạ cũng ăn chay mấy ngày liên tục và tập trung lại để tưởng niệm ông. Triều đình đã tặng cho ông danh hiệu cao nhất của một bậc văn nhân: “Văn chính”.
Phạm Trọng Yêm sống lương thiện suốt cả cuộc đời, lúc ra đi gia đình nghèo khó. Nhưng ông đã lưu lại phúc đức cho con cháu đời sau. Con trai ông là Phạm Thuần Nhân, sau này cũng làm tể tướng. Trung Quốc có câu “Giàu không quá ba đời”, nhưng dòng họ Phạm Trọng Yêm hưng vượng hơn 800 năm, đến thời Dân Quốc, Phạm gia vẫn là một dòng họ nổi tiếng. Đây đúng là một minh chứng chân thực cho việc tích đức hành thiện, tạo phúc báo cho đời sau.
Lấy lịch sử làm gương, có thể biết được thăng trầm của lịch sử. Ở đây có sự thăng trầm của triều đại và cũng có hưng vượng của gia tộc.
Tác giả: Minh Huệ | Dịch giả: Sơn Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét