- Làm từ thiện kiểu Việt Nam

Một cách ngắn gọn, tôi thấy kiểu làm từ thiện bên VN thường là cơ hội để quảng bá và PR, chứ không hẳn vì phúc lợi xã hội và người nghèo.

Hôm nọ, ngồi nói chuyện với một anh bạn về cách làm từ thiện bên Việt Nam thật là thú vị, và vỡ ra vài điều. 
Làm từ thiện (hãy tạm gọi thế, trong ngoặc kép) theo kiểu VN có vẻ rất màu mè. Có lần tôi đi xe từ Sài Gòn ra miền Trung, thấy một đoàn xe bus gồm 3 chiếc, cờ quạt và biểu ngữ rình rang. Người không chú ý như tôi cũng phải ghé mắt nhìn qua.

Thì ra, các biểu ngữ cho biết đó là một đoàn bác sĩ và y tá từ Sài Gòn đi khám bệnh từ thiện ở Phan Thiết. Nhìn những khuôn mặt rạng rỡ trên xe bus, có thể thấy ngay là họ rất hào hứng và vui vẻ. Nhìn từ xa, với cờ quạt và biểu ngữ màu mè, chúng ta có cảm giác như là một gánh hát cải lương hay đoàn mãi võ sơn đông tôi hay thấy hồi nhỏ ở trong quê. 

Có thể nói rằng cái hình ảnh làm từ thiện đó rất thích hợp với hai chữ “phường tuồng”.

Đó là hình thức, chứ nội dung thì tôi không rõ hiệu quả của việc làm từ thiện như thế ra sao. Tôi chỉ đọc trên báo chí và thấy hoạt động chủ yếu của các đoàn như thế là phát thuốc và khám bệnh. Thuốc thì phần lớn là do các công ti dược cung cấp, và cái đó là một lòng hảo tâm đáng quí của họ. Tuy nhiên, cho thuốc, đối với nhiều người cũng có thể xem là một hình thức quảng bá thương hiệu khá hiệu quả.


Còn khám bệnh thì tôi không rõ hiệu quả như thế nào, vì thiếu những thiết bị xét nghiệm, có lẽ các bác sĩ chỉ “khám chay” là chủ yếu. Tôi thử tưởng tượng nếu mình từ một người bình thường và khoẻ mạnh được khám, và cho ra một chẩn đoán, thì chắc tôi lo lắng lắm. Người Tây có câu mang tính chơi chữ, “a diagnosis is a sentence” (một chẩn đoán là một bản án); do đó, chưa chắc tôi chào đón bản án từ một sự khám sơ sài như “từ thiện”. Còn đối với những bệnh mãn tính thì việc khám bệnh chẳng giúp ích gì nhiều.

Còn điều trị? Làm sao có thể điều trị trong vòng 1 ngày khám bệnh. Thành ra, nhìn chung, tôi đoán rằng hiệu quả của những nỗ lực khám bệnh từ thiện như thế chắc là không cao, chẳng giải quyết được vấn đề gì về lâu dài, thậm chí vấn đề ngắn hạn.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc làm đó cho cá nhân người tham gia thì chắc rất cao. Dù sao thì bác sĩ và y tá tham gia những chuyến khám từ thiện cũng cảm thấy họ làm được một việc có ích cho bệnh nhân, cho cộng đồng. Đó là lợi ích trước mắt mà có lẽ ai cũng thấy được.

Một lợi ích khác là những chuyến đi khám từ thiện cũng là những cơ hội để được đi du lịch, và đàn hát vui vẻ với nhau. Thỉnh thoảng tôi xem qua các hình ảnh của những người đi khám từ thiện thì thấy vui thật. Những bức hình chụp đủ kiểu, lúc thì giơ tay, lúc thì làm dấu chữ V, lúc thì tươi cười trước ống kính, lúc thì õng ẹo làm dáng, lúc thì khoe vài bộ phận và đường cong hấp dẫn của cơ thể, lúc thì khoe màu sắc chói chang, v.v. làm cho người nhìn cảm thấy đó là những chuyến đi picnic hơn là làm việc.

Ở dưới quê, chúng tôi thường xem những người từ thành phố về quê là “công tử” và “công chúa” vì thấy ai cũng trắng trẻo, đẹp, và sang trọng quí phái. Những chuyến đi như thế cũng là dịp tuyệt vời để các công tử và công chúa biểu diễn sự quí phái và sang trọng của người thành phố cho người dân dưới quê. Nhìn như thế thì thấy việc khám từ thiện có lẽ giúp nâng cao cái tôi cao hơn là nâng cao lợi ích cho cộng đồng.

Ấy thế mà tôi được biết là những hoạt động “từ thiện” như thế được tính điểm cho các danh hiệu như “Chiến sĩ thi đua”! Thì ra, làm từ thiện cũng là một cách để thăng quan tiến chức, và rất có thể đây mới chính là động cơ chính cho những chuyến đi làm từ thiện (?) Như thế thì làm từ thiện cũng chỉ là một trong những biến chứng của căn bệnh thành tích.

Từ bệnh thành tích, nó biểu lộ ra cái hình thức màu mè và phường tuồng. Có lẽ đã đến lúc các bác sĩ và y tá có suy nghĩ và đàng hoàng nên suy nghĩ lại cách làm từ thiện sao cho có hệ thống hơn và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Người có lòng làm từ thiện thật sự không bao giờ màng đến lợi danh, không bao giờ đánh bóng tên tuổi, và không hình thức phường tuồng, chứ không làm theo phong cách tiền hô hậu ủng và kèn trống rình rang vốn là một căn bệnh của hình thức chủ nghĩa.

GS Nguyễn văn Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét