Chuyện phiếm: VỢ DẠI

Có thể nói được rằng tục ngữ ca dao là cái túi khôn của người Việt Nam, đã tích luỹ được biết bao nhiêu kinh nghiệm quí giá.

Xin đưa ra một vài thí dụ cụ thể:
Chẳng hạn như bàn về cái ngu, các cụ ta đã bảo:
– Trên đời có bốn cái ngu,
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

Chẳng hạn như bàn về cái khó, các cụ ta đã nói:
– Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà,
Cả ba việc đó đều là khó thay.

Chẳng hạn như bàn về cái khổ, các cụ ta đã cho hay:
– Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ hai nhà dột, thứ ba nợ đòi.

Hôm nay, xin lượm lặt những mẩu chuyện nho nhỏ trên mạng, cũng như trên báo chí, để “tám” về nỗi khổ thứ nhất của các anh chồng có vợ dại.

Thực vậy, đờn ông ai cũng muốn vợ mình phải là một phụ nữ giỏi giang, tháo vát, vừa khéo chiều chồng, lại vừa khéo nuôi con.
 Bởi vì một chị vợ vụng về làm sao có thể vun quén được một mái ấm gia đình hạnh phúc, một bà mẹ vụng về làm sao có thể nuôi dạy được những đứa con nên người.
 Chữ “dại” ở đây không phải là ngu dốt, cũng không phải là điên khùng, mà chỉ là hơi bị đần một chút xíu mà thôi. Sự dại ấy thường được biểu lộ qua hai trạng thái:

TRƯỚC HẾT, ĐÓ LÀ VỢ CHẬM.
Anh chồng vốn tính nóng nảy, làm việc gì cũng phải nhanh nhẹn. Còn chị vợ thì trái lại, vốn tính chậm rãi, khoan thai, từ tốn. Anh ta nghĩ rằng một khi đã ráp lại với nhau và thành vợ thành chồng, hai tính khí khác biệt ấy sẽ bổ túc cho nhau, để rồi sẽ dẫn tới một tình trạng tuyệt vời. Nhưng anh ta đâu có ngờ, ngay sau ngày cưới, đã phải nếm mùi đau khổ vì cái sự khoan thai, chậm rãi và từ tốn của nàng. Chính anh ta đã “bật mí” cho bàn dân thiên hạ biết về nỗi đau khổ của anh ta trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, số 13, ra ngày 10.4.2011, đại khái như thế này:

Nỗi khổ thứ nhất là chờ nàng trang điểm 
Khi mới yêu nhau, mỗi lần hẹn hò, thì việc chờ nàng là cả một hạnh phúc, anh ta hồi hộp và sung sướng, dù có phải chờ một hai tiếng đồ hồ cũng chẳng nhằm nhòi gì. Lúc mới cưới, mỗi lần chuẩn bị đi chơi, anh ta rất lấy làm thú vị khi nhìn ngắm nàng trang điểm. Đôi khi còn ra vẻ hiểu biết, góp ý cho nàng pha màu và chọn quần chọn áo.

 Thế những bây giờ sự đời đã ra khác.
Việc phải chở nàng đi đâu đó quả là một cực hình. Anh ta “thắng bộ” xong xuôi, uống hết ly cà phê, đọc xong tờ báo mà nàng vẫn chưa rời bàn phấn. Việc chờ đợi trước kia thi vị bao nhiêu, thì nay lại khốn khổ bấy nhiêu. Có những lần đi đám cưới, khi vợ chồng anh ta tới nơi, thì thiên hạ đã xử tới món…tráng miệng!

Nỗi khổ thứ hai là chờ nàng nấu cơm 
Lúc đầu anh ta phụ giúp nàng những việc lặt vặt, nhưng sau mấy lần đói muốn xỉu cả người, mà vẫn chưa có cơm ăn, anh ta bèn phải xung phong làm bếp chính. Anh ta đảm trách việc nấu cơm, kho cá, còn nàng thì nhặt rau. Nồi cơm đã xong, niêu cá đã rắc tiêu, thịt đã bằm sẵn và nước cũng đã sôi, thế mà nàng vẫn còn đánh vật với rổ rau.
Nàng biết mình chậm chạp, nên cũng rất cố gắng. Đi làm về, nàng tranh thủ bắt tay ngay vào phần việc của mình, vậy mà lục đục mãi cũng vẫn chưa xong. Nhiều bữa nàng đi làm về với bộ dạng ủ rũ, thì ra nàng bị sếp dũa te tua vì cái tội làm việc với tốc độ rùa bò.
Anh ta cũng đã thử giúp nàng cải thiện tình hình, chẳng hạn như lên lịch làm việc cho hợp lý, sắp xếp đồ đạc cho ngăn nắp…tính chậm chạp của nàng cũng được cải thiện ít nhiều, nhưng vẫn không thể nhanh như lòng mong muốn.

Nỗi khổ thứ ba là chậm chạp trong việc chăm sóc con cái 
Chính anh ta đã bật mí cho biết sau khi sinh con, cũng vì tính chậm chạp của nàng, mà thằng nhỏ mấy lần suýt phải đưa vào bệnh viện. Chẳng hạn tắm cho con, thằng nhỏ lạnh run, mà mẹ nó vẫn chưa xong tiết mục quấn tã và mặc áo. Chẳng hạn thằng con sốt bừng bừng, bác sĩ dặn phải cho uống thuốc hạ nhiệt ngay, thế mà mẹ nó cứ loay hoay mãi, ly thuốc vừa pha xong lại đánh đổ mất. Cuối cùng anh ta đành phải kết luận: Có vợ chậm, khổ ơi là khổ. (Văn Thuỳ).

TIẾP ĐẾN, ĐÓ LÀ VỢ ĐOẢNG 
Khi nói tới chữ “đoảng”, người ta thường nghĩ ngay đến sự vụng về trong phạm vi “nữ công gia chánh” của phe đờn bà con gái.

 Thế nhưng, không phải chỉ phe đờn bà con gái mới đoảng, mà nhiều khi cánh đờn ông con giai cũng đoảng thầy chạy, và hơn thế nữa, đoảng còn có mặt trên từng cây số trong nhiều lãnh vực khác nhau. Câu chuyện sau đây là một điển hình:
Hai vợ chồng ghé vào ăn tại một quán ven đường. Ăn xong, khi đã lên xe và đi được khá xa, chị vợ mới sực nhớ là mình quên cặp kính trên bàn ăn. Suốt quãng đường trở lại quán, anh chồng luôn cằn nhằn tính đoảng và hay quên của chị vợ.
 Thế nhưng, đến chỗ cũ, khi chị vợ tất tả chạy vào tìm kính, anh chồng bèn dặn với theo:
– Em nhớ cầm ra luôn cả chiếc mũ của anh nữa nhé! (Quy Tung).
Tuy nhiên, trong bài này, gã chỉ xin bàn tới sự đoảng của các chị vợ mà thôi.

Đoảng với bản thân
Một anh chồng đã tâm sự: “Tôi có người vợ xinh, tác phong sinh hoạt thì luộm thuộm, bạ đâu bỏ đó, không có thói quen đánh răng buổi tối. Khi ngủ thì ngáy to và toàn mùi tỏi do thức ăn bữa tối còn đọng lại. Có lần ngủ quên, dậy muộn, bèn mặc nhầm cả quần của tôi để đi làm, mặc dù quần rất rộng mà cũng chẳng hay biết”. (Quốc Hiếu).

Một anh chồng khác nhiều lần phải đỏ mặt khi nhà có khách. Số là chị vợ có phong cách ăn mặc khá mát mẻ. Hôm nào oi bức là chị diện áo mỏng, khoét cổ rộng, hãi nhất là bên trong không thèm mặc gì cả. Có ai đến chơi, chị vợ đều vô tư cúi người, rót nước mời khách. Anh chồng góp ý, thì chị vợ lại bảo:
– Có ai để ý đâu mà anh lo.
“Chịu hỏng nổi” tính đoảng của chị vợ, một anh chồng đã kể lại như sau: Hôm lễ thượng thọ của bố, vợ chồng đến nơi, vui vẻ trò chuyện với mọi người. Thế nhưng, sắp vào giờ thiêng, chuẩn bị tuyên bố lý do, bỗng nhiên bà xã tôi trốn biệt trong buồng, gọi mãi cũng không chịu ra. Mẹ tôi bực mình:
– Sao lại tránh mặt, không thích quay phim, chụp hình thì cũng phải chịu chứ.
Tiệc chưa tàn, bà xã nằng nặc đòi về. Trên đường đi, mặt tôi sưng lên như bị dị ứng, lúc đó bà xã mới tiết lộ:
– Em phát hiện ra mình quên mặc áo trong anh ạ, hèn gì mà thấy dễ chịu mát mẻ thoải mái như ở nhà. Không biết có ai nhìn thấy không? Kỳ quá, làm sao mà dám xuất hiện ở chỗ đông người.
Nhìn bà xã cười hì hì, tôi cũng nghẹn luôn. (Phư Chu, Tuổi Trẻ Cười).
Nhiều chị vợ mắc sai lầm khi cho rằng đã là vợ chồng, thì cuộc sống chung thế nào cũng được. Chị vợ có ăn mặc lôi thôi, nhà cửa có hơi bề bộn thì anh chồng cũng cố mà chịu. Dĩ nhiên, anh chồng không đòi vợ mình rực rỡ như hoa hậu, nhưng các chị vợ cũng cần phải gọn ghẽ và sạch sẽ.

"Phần lớn các anh chồng đều chết khiếp vì vợ mình lôi thôi, nhà cửa bề bộn và con cái bẩn thỉu".

 Nếu chẳng may mắc phải tính cẩu thả, chị vợ nên tự nhìn nhận để tìm cách sửa đổi. Hoàn thiện bản thân cũng chính là một cách giúp duy trì hạnh phúc gia đình.

Đoảng với chồng.
Chuyện rằng:
Anh chồng nọ vốn sợ cái tính đoảng của vợ. Ngày tết, hai người đến chúc tuổi thủ trưởng. Vừa vào nhà, chị vợ đã ôm chầm lấy vợ thủ trưởng mà khen:
– Lâu không gặp chị, dạo này chị trẻ và xinh quá. Chẳng bù cho ông nhà tôi, ngày một hói trán và bụng phệ. Chị có bí quyết gì bảo em với.
Vợ thủ trưởng rất ngượng vì lời khen ấy. Và cũng từ đó, anh chồng không bao giờ đi đâu cùng chị vợ nữa.

Chuyện rằng:
Anh chồng kia đi làm về, thấy chị vợ có vẻ lo lắng bèn hỏi:
– Em gặp chuyện gì buồn phiền à?
Chị vợ trả lời:
– Em buồn lắm, bởi vì lúc ủi quần áo, em sơ ý đã làm thủng một lỗ trên chiếc quần mới của anh.
Anh chồng an ủi:
– Đừng nghĩ ngợi nhiều! Chẳng lẽ em không nhớ anh còn một chiếc quần mới giống hệt chiếc ấy sao?
Chị vợ mỉm cười:
– Tất nhiên là em nhớ lắm. Thế nên mới có cái để vá vào chiếc quần thủng này chứ.

Chuyện rằng:
Một anh chồng khác được vợ đãi món canh bầu nấu hến. Anh ta nói:
– Đó là món mình mê nhất đấy.
Thế nhưng hôm ấy, anh ta đã phải nhắm mắt nuốt canh vì bầu thì nhão, còn hến thì nguội và rất tanh. Anh ta còn hài hước nói thêm:
– Chưa hết, vợ mình mà thái thịt xong, nếu chịu khó tìm xung quanh, thế nào cũng nhặt được vài miếng. Có miếng nằm cạnh bình gas, có miếng ở gần chân ghế, và có miếng lại vắt vẻo trên vòi nước trong chậu rửa bát. Thế mới ghê!

Đoảng với con cái 
Ngày mới quen nhau, trông cô ấy hơi…tưng tưng, thấy hay làm sao. Như lúc vào quán ăn, cô ấy nhìn muối ra đường, nhìn đường ra bột ngọt, bỏ lung tung vào tô cháo, ăn không được, cả hai cùng cười ngặt nghẻo…Vui thế, mới nên duyên chồng vợ. Nhưng rồi, cái kiểu “vớ vẩn” của chị vợ không thể tạo ra niềm vui mãi được.
Ai đời, bả tắm cho con, mà thằng bé cứ vùng vẫy khóc thét lên. Anh chồng sốt ruột, đến kiểm tra hiện trường thì trời ơi! Toàn kiến. Hoá ra bả không rửa cái thau, cứ đặt con vào. Thằng bé khóc, bả tưởng nó nhõng nhẽo, còn phét vào mông nó nữa chứ. Chỉ hai mẹ con trong nhà mà như có chiến tranh. Thế mới ghê!

Đoảng với bàn dân thiên hạ 
Có những chị vợ thật tốt nết, nhưng chỉ phải cái tật…đoảng.
 Chẳng hạn một chị vợ kia đi công tác xa. Trong thời gian vắng nhà, thì ông bố chồng phải cấp cứu, tưởng không qua khỏi. Ngày chị vợ về, anh chồng đã căn dặn:
– Ông nội ốm nặng, em đến thăm ông ngay đi.
Tưởng chị vợ sẽ vội vã đi ngay, nào ngờ cô ấy đáp:
– Mệt lắm, em về nhà ngủ đã, để mai.
Anh chồng tức đến nghẹn lời. Anh ta biết bản chất chị vợ rất tốt. Bình thường cô ấy vẫn yêu quý bố mẹ anh ta và không nề hà việc gì. Tuy nhiên, có lẽ cô ấy đã nghĩ rằng đằng nào ông cũng ốm, đến ngay cũng chẳng giải quyết được việc gì. Nhưng cô ấy đâu biết còn có bao nhiêu người trong gia đình anh đang nhìn vào.

Khi đón ông về nhà, chị vợ rất tận tình chăm sóc: cơm cháo mỗi ngày một thực đơn. Thế nhưng, cô ấy lại oang oang nói chuyện điện thoại, hay vặn tivi quá lớn, khi ông nội đang gật gà ngủ trưa. Dọn dẹp thì vẫn cái tính động đến cái gì là loảng xoảng cái nấy. Ầm cả nhà. Góp ý, thì cô ấy bảo:
– Em quen rồi, không nói nhỏ, không làm nhẹ được.

Một cặp vợ chồng khác có con đi học nhà trẻ. Nhân sinh nhật cô giáo, vợ chồng bàn với nhau:
– Mua quà không thực tế bằng phong bì.
Sợ chị vợ ăn nói không khéo, anh chồng nhận nhiệm vụ đưa con đi học, rồi gửi phong bì cho cô. Thế mà đến tối, chị vợ bồn chồn báo cáo với chồng:
– Anh ơi, em đoảng quá anh ạ. Hình như em chưa bỏ tiền vào phong bì.
Trời đất, anh chồng giận như muốn la làng, còn chị vợ lại đổ thừa:
– Anh phải kiểm tra chứ.

Mẹ chồng ở quê lên chơi, mới vài ngày cũng đã đòi về vì cái tính đoảng của con dâu:
– Đời thuở nhà nao, hết xíu quách, chân gà đến bắp nướng, ổi giòn. Bộ vợ con tính cướp đi mấy cái răng còn sót lại của mẹ à? (Phư Chu, Tuổi Trẻ Cười).
Đối với tính đoảng của chị vợ, anh chồng la mắng hay phàn nàn thì cũng tội nghiệp, mà không phản ứng, thì cấp độ đoảng ngày càng gia tăng, để rồi đi đến chỗ sứt mẻ và đổ vỡ.

Hiện nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào xác minh tính đoảng có phải do di truyền hay không? Nhưng nếu bình tĩnh mà phân tích, người ta sẽ dễ dàng nhận thấy các bà mẹ vợ đã góp phần không nhỏ vào chuyện “đẻ” ra các bà vợ đoảng.

 Có hai nguyên nhân chính:
Nguyên nhân khách quan, đó là trong thời gian ở nhà với mẹ, các cô gái được ưu tiên không phải làm gì cả, “vì kêu nó làm, chỉ vướng chân, rồi mình phải làm lại”. Đến khi lập gia đình dễ phát sinh ra chứng đoảng qua các biểu hiện đầu óc không tập trung, nói và làm không đi đôi với suy nghĩ.
 Dạng này được điều chỉnh bằng cách luyện tập thể thao cho tâm trí, phải nghĩ kỹ trước khi phát ngôn, hay hành động.

Còn nguyên nhân chủ quan là do các chị vợ muốn anh chồng để ý, quan tâm tới gia đình. Số này có quan điểm: Mình đảm qúa, chồng ỷ lại và hư đi. Từ đoảng giả chuyển sang đoảng thật lúc nào cũng không hay.

Thế nhưng, dù chủ quan hay khách quan, dù thật hay giả, thì anh chồng cũng đừng ngồi đó mà rủa xả hay than trách tính đoảng của chị vợ, nhưng hãy lấy tình yêu và sự kiên nhẫn của mình để giúp chị vợ biến đổi từ đoảng sang đảm, cho gia đình được an vui hạnh phúc.

Helen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét