BỆNH SỢ NGƯỜI TÀI

 Những anh lãnh đạo kém cỏi, hẹp hòi thường sợ người có tài. Họ mang trong mình mặc cảm thua kém từ đó e ngại rằng sẽ không điều khiển nổi, không khống chế nổi người tài, không cẩn thận sẽ bị vượt qua và chiếm lấy vị trí, thành ra phải tìm mọi cách để kiềm hãm, hạn chế.


Thế kỉ XV, thi hào Nguyễn Trãi từng thở dài ngao ngán
“Phượng những tiếc cao diều hãy liệng
Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”
Phượng là loài chim quý mà tiếc vì không được bay cao cho thỏa chí, còn diều là loài ác điểu mà tha hồ chao liệng trên bầu trời. Hoa là loài đáng trân quý mà thường hay héo, còn cỏ dại là thứ có hại mà lại thường tươi.

Nghịch cảnh trớ trêu ấy đâu chỉ của riêng Nguyễn Trãi, đâu chỉ thuộc về thời Nguyễn Trãi. Chừng nào những kẻ nắm quyền còn chưa đủ tâm, đủ trí trong dùng người; còn hẹp hòi, đố kị thì chừng ấy người tài còn bị vùi dập, còn phải chịu bao nhiêu chua xót, ngậm ngùi.
Người có tài thì rất thông minh, nhanh nhạy; trò mị dân hay giả tạo nào của cấp trên ngay từ trong trứng nước họ đều có thể đoán biết được ngay. Lừa ai chứ đừng mong lừa được họ. Cho nên thà đừng dùng họ còn hơn.
Người có tài thì thường cậy tài mà cứng cỏi, ngang tàng, coi trời bằng vung, họ chỉ nể phục mà làm việc chứ không hề sợ cấp trên; một khi không nể phục thì họ không ngần ngại phê phán, thậm chí tỏ rõ thái độ coi thường. Mà thói thường những kẻ ăn trên ngồi trốc thường ưa những lời nịnh nọt phù phiếm chứ được mấy người thích những lời cương trực, thẳng ngay.
Hơn nữa, người có tài thì luôn sẵn óc phản tỉnh, sẵn sàng quay lưng với chỗ tối để tìm chỗ sáng. Cho nên nhiều quan chức thà dùng những kẻ dốt mà trung thành còn hơn dùng người giỏi để lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ.
Hồi nhỏ đọc truyện Tam Quốc, tôi không hiểu nổi tại sao Tào Tháo không chém Nễ Hành – người ngang nhiên chửi mắng mình mà lại chém Dương Tu – một đại thần mẫn cán và đắc lực. Sau này lớn lên tôi mới hiểu, Dương Tu chết bởi vì ông là người thông minh, có thể đoán biết được thượng cấp nghĩ gì.
Ở các nước có trình độ phát triển cao, người có tài được trọng dụng tối đa, tha hồ tự do sáng tạo và thể hiện cá tính mà không hề lo sợ bị đố kị, chèn ép là bởi nước họ có một chính sách dùng người đúng đắn, ưu việt; có những người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm để người tài mến phục mà ra sức cống hiến.
Ở nước ta, mặc dù nhà nước luôn đề cao, trân trọng người tài và có nhiều chính sách chiêu hiền đãi sĩ nhưng ở nơi này, nơi kia vẫn không tránh khỏi nạn kèn cựa, vùi dập người tài. Khi bệnh sợ người tài trở thành một căn bệnh trầm kha trong xã hội thì đó sẽ là một mối lo cho tương lai dân tộc.
Muốn sử dụng được người tài thì bắt buộc phải có những nhà lãnh đạo sáng suốt, bao dung.Vấn đề là phải làm sao để những người sáng suốt, bao dung trở thành lãnh đạo./.

Hồ Tấn Nguyên Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét