Theo quan điểm của người Á Đông, “cái tên quyết định cả số phận của mỗi người”. Cùng với thời gian, việc đặt tên cho con đã có nhiều thay đổi, mang những màu sắc thể hiện quan điểm, nhận thức đa dạng của các bậc phụ huynh nhưng không ít lần làm cán bộ hộ tịch “hoang mang”…
Những cái tên quá dài, quá xấu, tên nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước ngoài khiến cán bộ hộ tịch “hoang mang”.
Tên, bao gồm họ, tên chính và tên đệm (nếu có) để phân biệt người này với người khác hoặc để phân biệt giới tính (như nguyên tắc đặt tên nam “văn”, nữ “thị” trước đây). Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, cá nhân có quyền có họ, tên cũng như quyền được thay đổi, họ, tên trong trường hợp việc sử dụng họ, tên gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó. Tuy nhiên, việc đặt tên quá dài, quá xấu, tên nửa tiếng Việt, nửa tiếng nước ngoài hay theo tên các lãnh tụ, anh hùng dân tộc, tên thần thánh… pháp luật không quy định có bị cấm hay không.
Vì thế, có những cái tên mang đúng tiêu chuẩn “độc và lạ”, “hướng ngoại”, “lạ lẫm với xã hội” chỉ để chứa đựng hết những mong muốn, kỳ vọng, ý thích của ông bà cha mẹ, hay đơn giản “đặt tên xấu cho dễ nuôi” khiến cán bộ hộ tịch “hoang mang” nhưng chỉ biết chấp nhận mà đăng ký như Lò Vi Sóng, Cà Văn Dái, Hồ Hận Tình Đời, Đồng Hồ Thụy Sỹ, Nguyễn Phạm Nhân, Phạm Thị Lâu Ra, Đỗ Phi Đencacstrô, Nguyễn Thị Lờ, hoặc tên dài “vô tận” Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Lương Tâm Nhân…
Thậm chí, để ăn chắc có tên “phúc lộc” cho con, cháu, nhiều ông bà, cha mẹ còn cất công đi “xin tên” từ các thầy phong thủy, thầy bói. Chưa biết cái tên được “xin” có giúp người có tên phát tài, thành đại hay không, nhưng chỉ vì chuyện đặt tên có trường hợp trở thành nguyên nhân của mâu thuẫn, xung đột gia đình. Trường hợp anh T.H.T (Hà Nội) chỉ muốn đặt tên con đơn giản, mang tính truyền thống, trong khi vợ lại muốn đặt tên con theo các Hoa đán điện ảnh Trung Quốc. Không ai chịu chấp nhận cái tên của người kia đặt cho con, vợ anh T. bỏ về nhà ngoại.
Giới hạn 25 chữ cái “phạm” quyền nhân thân?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, việc đặt họ, tên và chữ đệm tuy là một quyền nhân thân của cá nhân, nhưng Nhà nước cũng cần phải đề ra những quy định cần thiết. “Quy định đặt tên phải bằng tiếng Việt, khống chế không quá 25 chữ cái trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) rất cần thiết. Bởi nếu đặt tên quá dài thì các giấy tờ như khai sinh, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm xã hội… thậm chí phải viết tắt mới đủ chỗ. Điều này không chỉ gây rắc rối cho công dân mà còn khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp”, Bộ trưởng Cường lý giải.
Ủy viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thị Nhung cho biết, cán bộ hộ tịch ở cơ sở nhiều khi bất lực khi thuyết phục cha, mẹ đặt tên cho con không thuần Việt. Tên quá dài cũng gây khó khăn trong quá trình sử dụng. Cho nên, cần quy định những nguyên tắc để tránh tình trạng vì mong muốn của bố, mẹ, dòng tộc mà đặt tên con không phù hợp với phong tục, tập quán, đồng thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở.
Tuy nhiên, nhìn nhận “quyền đối với họ, tên là quyền nhân thân của một cá nhân mà Bộ luật Dân sự không nên hạn chế”, luật sư Phạm Thị Ngọc Oanh (Văn phòng Luật sư Hồng Chuyên) nhấn mạnh, “việc đặt tên dài không ảnh hưởng gì tới an ninh xã hội. Bản thân cha mẹ khi muốn đặt tên cho con cũng sẽ suy nghĩ đến tương lai của nó nên không nhất thiết phải có quy định như vậy”.
Cũng lo ngại quy định như Dự thảo sẽ “vượt qua Hiến pháp”, Chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nêu quan điểm, “tên dài có ảnh hưởng gì đến sức khỏe cộng đồng, đến đạo đức xã hội đâu. Nếu lo ngại tên dài phức tạp thì nên lý giải cho người dân chứ không nên áp đặt”.
Các chuyên gia và các luật sư đều phân tích, đặt tên là quyền nhân thân của mỗi người, cần được tôn trọng mà không bị “gò bó, áp đặt” bởi quy định như đề xuất trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Cần “quy định cấm đặt tên con với những cái tên phản cảm, tục tĩu, trùng cả tên họ với những người độc ác, lãnh tụ cách mạng…”.
Luật sư Lưu Thị Ngọc Lan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định. TS Hồ Xuân Thắng (Trưởng Khoa Luật, Đại học Sài Gòn) cũng cho rằng, “cái tên quá 25 chữ cái là hiếm, hy hữu nên không cần quy định. Dự thảo Bộ luật Dân sự nên quy định không đặt tên trái với phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và đưa ra một từ, cụm từ khác làm cơ sở để các văn bản dưới luật đề cập.
Theo Báo Thanh Tra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét