Thuận Đất theo Trời, hòa hợp với tự nhiên được xem là nguyên tắc chủ đạo trong dưỡng sinh của người cao tuổi.
Tôn Tư Mạc, danh y được người đời tông xưng là Dược Vương sống thọ tới 141 tuổi từng khởi xướng và tự áp dụng học thuyết “sống thuận theo tự nhiên”, hiệu quả vô cùng.
Đông y coi cơ thể người với tự nhiên là một thể thống nhất, các trạng thái sinh hoạt bởi thế cũng cần thích ứng với thay đổi của bốn mùa vì chúng thực sự có ảnh hưởng tới sức khỏe và tuổi thọ. Cổ nhân dạy: “Nhân dĩ thiên địa chi khí sinh, tứ thời chi pháp thành” nghĩa là sự tồn tại của con người không thể xa rời thế giới tự nhiên,con người và giới tự nhiên là một thể thống nhất. “Thiên địa chi khí” tức là chỉ các loại vật và chất trong giới tự nhiên, con người phải dựa vào quá trình trao đổi vật chất này mà tồn tại. “Tứ thời chi pháp” chính là chỉ quy luật biến hóa của bốn mùa trong năm, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ thể người nên cần thuận theo sự biến hoá của nó, thuận theo cái ôn nhiệt hàn lương của từng mùa mà dưỡng sinh.
Nguyên tắc chủ đạo trong dưỡng sinh của người già chính là nguyên tắc “sống thuận theo tự nhiên”, học cách sống hòa hợp với tự nhiên trời đất. Tôn Tư Mạc, danh y được người đời tôn xưng là Dược Vương từng khởi xướng và tự áp dụng học thuyết “sống thuận theo tự nhiên” nhấn mạnh, trong cuộc sống, ngoài công việc và sở thích ra, còn lại là những thứ đều có thể hoặc nên tuỳ ý, chấp nhận, thuận theo tự nhiên mà sinh trưởng, phát triển. Ông cũng là người áp dụng khí công trong thuật dưỡng sinh, tương truyền sống thọ 141 tuổi.
Đạo dưỡng sinh với người cao tuổi thuận theo tự nhiên cần chú ý tránh gió vào mùa xuân, tránh nắng vào mùa hạ, tránh ẩm vào mùa thu, tránh hàn vào mùa đông, điều chỉnh âm dương, thuận theo sự thay đổi của tự nhiên mà duy trì chế độ sinh hoạt bình thường. Ngoài ra còn cần chú ý những điều sau:
Dưỡng hậu thiên, bảo tiên thiên
Đông y coi tỳ vị của cơ thể là “hậu thiên chi bản” là nguồn gốc sản sinh khí huyết. Thận tạng được coi là “tiên thiên chi bản” là nơi cất giữ tinh khí hậu thiên và tiên thiên của nhân thể. Ăn uống điều độ thì tỳ vị khỏe mạnh, chính khí dồi dào thì có thể sống thọ.
Khi về già chức năng tỳ vị cũng suy yếu, chú ý chăm sóc là điều then chốt kéo dài tuổi thọ. “bảo tiên thiên” cũng chính là gìn giữ thận khí. Thận là gốc của tiên thiên, nơi cư ngụ của thủy hỏa cũng là nơi cất giữ nguồn nguyên khí của cả thân thể. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát sinh, phát triển và lão hóa. Muốn bảo toàn nguyên khí cần học cách sống điềm đạm, thanh tĩnh. Tâm trí thảnh thơi, ít dục vọng, ít lo âu, vận động sẽ không thấy mệt mỏi. Vì ít truy cầu theo đuổi nên sẽ biết đủ làm vui, hài lòng với những gì mình đang có, ăn uống thế nào cũng ngon, phục sức thế nào cũng được, sống sao cũng thấy vui. Người sống vô tư vô cầu giản đơn, thị dục không làm cho mỏi mắt, dâm tà không huyễn hoặc được tâm tư. Biết điều dưỡng tốt mới thực sự có thể giữ gìn được tinh thần, sinh lực và mới có thể sống thọ.
Người cao tuổi nếu ăn quá nhiều, quá no, vị (tức dạ dày) sẽ không còn chỗ để co bóp, không tiết ra đủ dịch vị, không đủ không gian để hoạt động, sẽ không thể hoàn thành công việc tiêu hoá cơ bản. Khi tiêu hoá có vấn đề, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ. Khi chức năng tiêu hoá hoặc hấp thụ gặp trở ngại, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể sẽ không đủ, như vậy thì không thể đảm bảo được vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Khi ăn ít hơn, dạ dày tiết dịch dồi dào hơn, nhu động ruột hoạt động mạnh hơn, không chỉ không làm cho tì vị mệt mỏi, mà còn giúp cho việc hấp thụ các thành phần dinh dưỡng thuật lợi
Điều chỉnh trạng thái tinh thần
Đông y coi các trạng thái tình cảm như: Vui mừng, giận dữ, buồn bã, vui vẻ, yêu thương, ghét và ham muốn hay nói cách khác là hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục là thất tình. Nếu không tự biết điều chỉnh cân bằng các trạng thái này sẽ làm tinh thần mệt mỏi, thần trí hoảng loạn, khí huyết không lưu thông, ảnh hưởng tới hoạt động của lục phủ ngũ tạng tất sẽ dẫn tới bách bệnh.
Cảm xúc của người già dễ bị lung lay bất an, sinh hoạt hằng ngày càng cần chú ý điều chỉnh, không để những kích động bất thường ảnh hưởng tới tâm lý. Nên khoan dung cởi mở với mọi người, gặp việc gì cũng cần bình thản không hoảng loạn, ít suy nghĩ không đau thương, tinh thần thoải mái vui vẻ mới luôn được khỏe mạnh.
Dưỡng sinh quan trọng ở dưỡng tâm
Đức Khổng Tử dạy: “Quân tử hữu tam giới: thiếu chi thì, huyết khí vị túc, giới chi tại sắc; cập kì tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kì lão dã, huyết khí kí suy, giới chi tại đắc. Cập kỳ lão dã, huyết khí ký suy, giới chi tại đắc” tạm dịch: Người quân tử có ba điều cần đề phòng: Lúc trẻ trung, khí huyết chưa ổn định cần đề phòng sắc dục; đến khi trưởng thành, khí huyết dương mạnh mẽ, đề phòng ham tranh đấu; lúc về già, khí huyết đã suy tàn, đề phòng tính tham lam. Nếu quá ham mê công danh, lợi lộc truy cầu những lợi ích cá nhân về già sức cùng lực kiệt sẽ không thể sống thọ.
Cơ thể bị bệnh là do tâm suy yếu, tà bên ngoài xâm nhập. Mà tâm suy yếu là do tâm hồn hỗn loạn, cơ thể không khỏe, có nhiều điều bất an. Ham ăn, ham thắng, ham được, ham vui là những dục vọng dễ gây bệnh. Không có được những điều ham muốn, đây gọi là sân. Tham và sân sẽ khiến lòng không yên, khí không ổn định, ảnh hưởng đến gan mật, chấn động kinh mạch, rối loạn ngũ tạng, lúc này những cái không tốt bên ngoài sẽ xâm nhập vào, đây chính là nguyên nhân gây bệnh.
Người già tâm và thần bất an, tính tình bồn chồn là nguyên nhân chính gây bệnh. An tâm là việc cần làm đầu tiên. Tâm ổn định thì khí hòa, khí hòa thì máu lưu thông, tuần hoàn máu tốt thì tinh túc và thần vượng. Những ai có tinh thần khỏe mạnh, sức đề kháng trong cơ thể mạnh mẽ, bệnh sẽ tự nhiên mất đi. Điều quan trọng nhất trong đạo dưỡng sinh chính là ở dưỡng tâm.
Thiền định là phương pháp dưỡng sinh, dưỡng tâm tốt nhất với người cao tuổi
Lạc quan bình thản khi có bệnh
Đại đa số các loại bệnh tật là biểu hiện khi cơ thể đang điều tiết, thanh lọc những thứ không tốt, là trạng thái tự động điều tiết cân bằng trở lại, vì thế chúng ta nên coi đó là hiện tượng sinh lý bình thường, chứ không nên coi đó là căn bệnh để tiêu diệt. Khi bị bệnh, nhất định không nên có tâm thái oán trách và giận giữ, tâm lý cần ổn định, tâm ổn định thì khí sẽ thuận, khí thuận thì máu sẽ thông, khi thuận huyết thông thì trăm bệnh đều sẽ tiêu tán.
Việc này giải thích tại sao nhiều bệnh nhân ung thư có thể vượt qua “cửa tử” một cách ngoạn mục mặc dù bác sĩ dự đoán thời gian sống của họ không còn bao xa. Khi bình thản chấp nhận bệnh tật, chúng ta sẽ có cơ hội để chăm sóc mình tốt hơn, trân trọng cuộc sống nhiều hơn. Tình yêu sẽ sinh ra năng lượng chữa lành những tổn thương và cân bằng những rối loạn trong cơ thể.
Kiên Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét