- Đức khiêm nhường của bậc quý nhân


22 tuổi, tôi đi làm ở công ty đầu tiên, là chi nhánh tại Việt Nam của một tập đoàn công nghiệp hùng mạnh top 3 thế giới, có gốc Bắc Âu.

Lúc đầu tôi cũng hơi ngợp một chút, vì mới ra trường đã được làm ở một công ty to đùng có đến gần 500 lao động, cách đây hai chục năm đó là niềm mơ ước của bao nhiêu bạn học cùng lớp.

Giám đốc công ty là một người đàn ông hiền lành, mắt cận nặng, hơn tôi 31 tuổi. Ông là một việt kiều Mỹ, gốc người Nam Bộ. Do học rất giỏi, ông nhận được học bổng toàn phần và đi học ở Mỹ từ đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Ông rất giỏi chuyên môn, thành danh ở xứ người, rồi được tập đoàn bổ nhiệm về quản lý công ty và nhà máy ở Việt Nam.

Ông không cho tôi gọi bằng chú. Ông bảo: “Em gọi bằng anh thôi. Ở đây tất cả mọi người gọi nhau bằng anh em hết cho dễ làm việc. Chú cháu làm gì”. Tôi cũng hơi ngại, vì biết con trai ông còn hơn tuổi mình. Cũng may tôi chưa bao giờ gặp hai bố con ông cùng một lúc, nếu không chắc phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh cho dễ xưng hô. Tiếng Việt mình cũng phức tạp quá!

Tuy gọi ông là “anh”, nhưng tôi thầm coi ông ấy như bậc cha chú của mình, không hề dám có một chút khinh nhờn, dù ông rất dễ gần.

May mắn của tôi là khi bước chân ra đời được làm việc dưới quyền một người đàn ông lớn tuổi từng trải, không những giỏi chuyên môn mà còn rất bác học, thông hiểu nhiều thứ trong cuộc sống. Thế mà với bất cứ ai, ông cũng nhã nhặn, đúng mực và không hề áp đặt. Người đàn ông lớn tuổi lịch duyệt ấy gặp ai cũng nở nụ cười hồn hậu, nói những câu đại loại như: “Bác A dạo này có được hồ hởi (phấn khởi) không?”. Các “bác” A, “bác” B, “bác” C… ấy còn kém ông đến cả một hai chục tuổi. Khi cần góp ý với ai, ông cũng nhẹ nhàng: “Anh nghĩ thế này…”. Nói chuyện với ai, kể các em các cháu non nớt như tôi, ông cũng luôn có chữ “vâng” thật êm ái ở đầu câu.

May mắn của tôi là khi bước chân ra đời được làm việc dưới quyền một người đàn ông lớn tuổi từng trải, không những giỏi chuyên môn mà còn rất bác học, thông hiểu nhiều thứ trong cuộc sống. (Ảnh: getflycrm.com)

Ông hay nói: “Dân da trắng giỏi các thứ, dân da đen thì giỏi ca vũ, thể thao. Còn dân da vàng tụi mình chỉ giỏi ngồi đọc sách”. Đấy là ông tự trào lộng về mình.

Tổng giám đốc nhà máy, sếp của ông là một tiến sĩ về kinh tế người Thụy Điển. Ông ấy gặp ai cũng chào rất lịch sự, bất kể đó là giám đốc hay chị lao công. Và trong cuộc họp của công ty dù có các sếp chủ trì hay không thì chúng tôi tự do tranh luận, có lúc rất hăng nhưng ai cũng nghĩ đến việc làm sao có lợi nhất cho công ty mình. Khi họp thì tranh luận thoải mái, ai cũng có quyền bình đẳng về ý kiến, kể cả một “ma mới” non nớt thấp cổ bé họng như tôi. Nhưng khi đã họp xong và ra được kế hoạch thì việc ai cứ răm rắp mà làm. Không thể có chuyện chây ì, hay ngấm ngầm bất mãn hay im lặng bất hợp tác. Đó là văn hóa của chúng tôi rồi.

Việc đã hứa thì phải xong, làm cách gì thì làm, tất nhiên không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, luật công ty và luật nhà nước. Nhưng làm xong việc rồi thì lúc nghỉ ngơi quân với tướng gần gũi như người một nhà, người từng trải chia sẻ kinh nghiệm cho các đàn em, đàn cháu về cuộc sống, về gia đình bên ấm trà mạn, cốc cà phê. Chúng tôi tôn trọng các sếp của mình nhưng không khúm núm và bợ đỡ.

Và Tết nhất thì không nhân viên nào phải đến nhà sếp cả. Sếp cũng không cho đến. Cũng đừng ai biếu tặng sếp cái gì nhân dịp lễ tết, việc đó thật kỳ cục. Cứ làm việc của mình cho tốt là quý nhất.

Tôi nhớ khi mình mới vào công ty chưa được 1 năm, chưa có đóng góp gì lớn, thì ông nội tôi mất. Dù tôi không báo ai ở công ty cả, nhưng giám đốc dẫn một đoàn rất đông các anh chị trong công ty đến viếng. Trông cái dáng ông sếp mình chắp thẻ hương trong hai tay giơ cao quá đầu khấn, tôi thấy trong lòng dâng lên niềm xúc động. Dù theo văn hóa Tây, nhưng công ty tôi vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống rất đẹp. Mọi người sống chân thật và quan tâm đến nhau.

Tuy vậy, tuổi trẻ ham bay nhảy và bồng bột đã dẫn tôi đến một tập đoàn khác của Tây Âu. Vị tổng giám đốc công ty này là một quý ông thực sự. Ông là con trai của một gia đình quý tộc Anh Quốc. Ông có dáng người dong dỏng cao, rất đẹp trai và cực kỳ lịch sự, đúng cung cách của một nhà quý tộc. Ông được giáo dục kỹ lưỡng trong gia đình về mọi truyền thống quý tộc, từ cách ăn mặc như thế nào là đúng điệu, cách đi đứng ăn nói chuẩn mực, tác phong giao tiếp ở xã hội thượng lưu, ông giỏi mọi thứ từ văn chương, nhảy đầm, thể thao, âm nhạc… Nhưng ít ai tưởng tượng được vị quý tộc Ăng Lê ấy bắt tay mọi nhân viên bằng cả hai tay một cách nồng ấm. Và ông ân cần chỉnh cho nhân viên từng bài báo cáo, bài viết tiếng Anh sao cho đúng chuẩn mực nhất của bản ngữ. Khi ông mất vì đau bệnh, chúng tôi thực lòng thương xót.

Những vị sếp ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Và tôi thấy mình may mắn hơn nhiều bạn đồng lứa của tôi đang phải chạy tiền và quan hệ để vào được những cơ quan “màu mỡ”. Nhưng hàng ngày, họ phải nghĩ cách nào để gây dựng phe cánh chờ đến dịp bầu cử. Họ phải dành phần lớn thời gian suy nghĩ không phải vì bổn phận hay công việc của một người lao động chân chính mà cho đấu đá nội bộ. Dân gian gọi là “ủ mưu”. Họ phải nghĩ cách lấy lòng ông sếp khó tính và lọt vào mắt xanh của ông ta để được nâng đỡ. Có khi phải làm thân với cả vợ con ông ấy mới cạnh tranh được với người khác.
Họ phải nghĩ cách lấy lòng ông sếp khó tính và lọt vào mắt xanh của ông ta để được nâng đỡ… (Ảnh: newbranch.info)

Tết nhất hay đi chơi đâu về, họ cũng phải nghĩ đến vỡ cả đầu xem mua biếu sếp cái gì, biếu mấy người có ảnh hưởng trong cơ quan cái gì. Tất cả sẽ quy ra phiếu bầu, ra những lời giới thiệu gửi gắm của kẻ có quyền lực, ra lộc lá sau này.

Một số bạn bảo tôi: “Tao nghĩ người ta bảo phải may loại áo nào vạt trước ngắn vạt sau dài là đúng đấy. Làm ở mấy cơ quan này phải thế. Lên sếp tức là mình đã phải khúm núm bao nhiêu năm, giờ là lúc thiên hạ gặp mình phải khúm núm chứ. Tha hồ làm oai làm phước. Thế mới là ‘một người làm quan cả họ được nhờ chứ”.

Nhưng người phương Tây đâu có quan niệm thế. Với họ, địa vị chẳng qua cũng là một phân công xã hội. Anh làm lãnh đạo thì anh phải làm tốt trách nhiệm của người lãnh đạo. Còn tôi làm nhân viên thì tôi cũng cần làm tốt trách nhiệm của nhân viên. Đâu có ai quý, ai tiện. Ai ở địa vị nào mà làm tốt công việc xã hội đã phân công thì đều đáng quý, đáng trọng. Người ta đối xử với nhau dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và sự đóng góp cho xã hội. Không phải vì anh làm chức vụ gì mà anh trở nên đáng kính hơn người khác. Vì làm quan to mà hống hách, cửa quyền, coi người khác bằng nửa con mắt là một điều hết sức xa lạ với văn minh phương Tây. “Tự do, bình đẳng, bác ái” đâu phải là tuyên ngôn suông của nước Pháp. Đó là sự thật.

Năm 1928, trong bài “Tư tưởng của Tây phương và Đông phương” đăng trên Đông Pháp thời báo, nhà văn, nhà báo nổi tiếng Phan Khôi đã viết về xã hội Tây phương: “Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; xã hội tức là của chung của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy, có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Mới nghe họ nói những là “quốc gia lợi ích, xã hội lợi ích” thì tưởng là xung đột với chủ nghĩa cá nhân, mà xét kỹ ra thì những cái lợi ích ấy cũng chỉ là lợi ích cho từng người vậy…”.

Thói thường những kẻ hống hách, cửa quyền với người dưới hoặc dân thường thì lại hết sức quỵ lụy bợ đỡ, xun xoe với cấp trên. Dân gian có câu: “Nịnh trên, nạt dưới”, hay: “Thượng đội, hạ đạp” là chỉ những hạng người này. Họ luôn luôn ở một trong hai trạng thái đó, không bao giờ có được tinh thần vô tư trong sáng và ung dung thanh thản trong xử thế. Điều trước tiên họ nghĩ đó là tinh thần nịnh trên nạt dưới ấy sẽ làm lợi cho mình đến đâu. Những người như vậy không hiểu được về sự tôn trọng giữa người với người và thường là họ không có được sự thực tâm tôn trọng của ai cả. Rõ nhất ấy là khi quyền lực đã rời bỏ họ. Do vậy, họ càng muốn bám chặt lấy nó.

Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ Abraham Lincoln đã nói: “Nếu muốn kiểm tra tính cách của một người đàn ông thì bạn hãy trao cho họ quyền lực”.

Tổng thống vĩ đại của nước Mỹ Abraham Lincoln. (Ảnh: officeitpro.org)

Với các đối tác Nhật Bản, họ lại có một văn hóa khác. Người Nhật rất coi trọng địa vị xã hội và xã hội ấy rất coi trọng chữ Lễ. Tôi từng chứng kiến vị tổng giám đốc một tập đoàn dầu nhớt lớn của Nhật Bản đi xe ô tô riêng từ văn phòng ở Hà Nội về nhà máy tại Hải Phòng. Cùng xuất phát với ông này là ông phó tổng giám đốc, nhưng ông ta ngồi một xe khác, và hai ông này sẽ cùng họp với các cán bộ nhà máy tại Hải Phòng. Nhưng họ không đi chung với nhau vì không cùng cấp.

Nhưng người Nhật cũng sống trong một văn hóa tôn trọng bổn phận. Do vậy, người ta đều trọng những người làm tốt bổn phận của mình. Vì coi trọng bổn phận của mình nên việc của ai thì người ấy phải làm cho đến nơi đến chốn, làm gì có thói cửa quyền hống hách. Thủ tướng làm không xong việc, hoặc để cho hậu quả xấu xảy ra trong phạm vi trách nhiệm của mình thì còn phải cúi mình xin lỗi tự thống trách trước quốc dân trước khi từ chức. Có khi còn bị truy tố nếu làm sai luật. Khi giao tiếp, người Nhật nói chung rất nhã nhặn và tôn trọng người khác.

Người viết bài này có nghe được một chuyện trong giới thạo tin về cuộc lưu diễn của đoàn Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam ở hai thành phố Osaka và Tokyo trong chương trình kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản ngày 20/7/2018 vừa rồi. Trong khán phòng của nhà hát Suntory lộng lẫy tại thủ đô Tokyo, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản đã tới dự. Bản thân hai vị tôn quý này cũng đều biết chơi nhạc cụ cổ điển phương Tây. Khi dàn nhạc biểu diễn xong, thông thường khán giả phải chờ dàn nhạc đi vào hết sau sân khấu rồi mới đứng dậy ra về, đó là một dạng lễ tiết của những khán giả có văn hóa.


Dàn nhạc của chúng ta cũng hết sức lịch sự chờ vua và hoàng hậu lui gót nên vẫn còn nấn ná trên sân khấu, nhưng hai ngài vẫn lịch sự đứng vỗ tay chờ dàn nhạc đi vào hết sau cánh gà. (Ảnh: DKN.tv)

Đó là sự trân trọng xứng đáng dành cho lao động nghệ thuật nghiêm túc. Nhưng nhà vua và hoàng hậu cũng không ỷ mình tôn quý để đặt mình ra ngoài truyền thống ấy. Dàn nhạc của chúng ta cũng hết sức lịch sự chờ vua và hoàng hậu lui gót nên vẫn còn nấn ná trên sân khấu, nhưng hai ngài vẫn lịch sự đứng vỗ tay chờ dàn nhạc đi vào hết sau cánh gà. Quả là một hình ảnh đẹp. Ở nước Nhật, sau năm 1945, Thiên Hoàng không còn thực quyền chính trị nhưng vẫn là một biểu tượng tinh thần hết sức tôn quý của nhân dân Nhật Bản.

Tôi lại nhớ đến những người sếp cũ của mình. Qua cách họ hành xử, họ đã dạy tôi rằng: Một người có giáo dục thực sự luôn luôn khiêm nhường. Tất cả những thói hống hách cậy quyền thế coi rẻ người khác đều là biểu hiện của những tâm hồn chưa trưởng thành và những trí tuệ thấp kém. Trong cuộc đời ngắn ngủi này, quyền lực, địa vị, danh vọng nào rồi cũng qua đi. Có lẽ trong ký ức đẹp đẽ của chúng ta về những người thân hay sơ, hay những người mà ta đã gặp thoáng qua trong đời là đức khiêm nhường và cách ứng xử nhân văn của họ, biểu hiện của một nội tâm thuần chính và mạnh mẽ.

Văn Bé

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét