- Chuyện đôi đũa và văn hoá dùng đũa

Đôi đũa trong văn hóa ẩm thực Việt

Việt Nam vốn là nước nông nghiệp, lương thực chủ đạo là lúa gạo, lại có nguồn thủy hải sản dồi dào từ sông ngòi ao hồ và bờ biển dài. Bữa cơm của người Việt có hạt cơm dính dẻo, có sợi rau dài, có cá miếng nên người Việt dùng đũa chứ không dùng tay hay dao dĩa trong ăn uống.


Đôi đũa từ lâu đã trở thành vật dụng hết sức thân quen trong các bữa ăn của người Việt. Về cơ bản, đũa có hình dạng là những que thẳng, đôi đũa gồm hai que thẳng cùng chất liệu mà tạo thành. Đũa cũng có nhiều loại, ngoài đũa ăn thông thường, xưa các bà các mẹ thường dùng đũa cả, loại đũa to gồm 2 thanh dẹt mài trơn để ghế cơm. Khi ghế cũng nhẹ nhàng dùng chiếc này gạt vào chiếc kia cho rơi hết cơm ra chứ không gõ "cọc cọc" thô lỗ vào nồi. 


Người Việt ba miền đều có riêng cho mình nét văn hóa ẩm thực độc đáo, riêng biệt nhưng có một điểm chung là đều sử dụng đũa. Làng quê miền Bắc xưa được lũy tre bao phủ nên người dân sẽ lấy nghe thân tre già để gọt đũa. Người miền Bắc dùng loại đũa ngắn hơn một chút so với người miền Nam. Miền Nam lại được chở che bằng những tán dừa nên người miền Nam dùng chính loại cây ấy làm nên đôi đũa cho mình. Điều đó làm đũa Việt Nam khác biệt hoàn toàn với loại đũa inox, đũa nhôm của Hàn Quốc, Nhật Bản. 


Đôi đũa không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày mà còn chứa đựng giá trị sâu sắc về tình cảm cũng như tinh thần của người Việt. Đầu tiên là tình cảm lứa đôi, vì đũa chỉ làm trọn nhiệm vụ khi có cặp có đôi, cũng như nên duyên người cần có đôi có cặp. Chuyện gia đình không êm ấm hòa thuận cũng được ví như đôi đũa cập kênh "như đôi đũa lệch so sao cho bằng".


Kế đó là tình gia đình, đôi đũa không chỉ dùng gắp thức ăn cho mình mà còn gắp thức ăn mời người thân, điều đó hoàn toàn hiếm gặp trong văn hóa phương Tây. Trước khi ăn cơm, con cháu còn phải so đũa cho cả nhà, lễ phép kính cẩn đưa người lớn tuổi trước. Trong bữa ăn, việc ai gắp trước, gắp sau cũng được ngầm quy định rõ ràng, theo tôn ti trật tự, thể hiện tính văn hóa nhân văn rõ nét. Vậy nên quây quần bên bữa cơm thường được người Việt coi trọng đặc biệt trong đời sống gia đình. Sau phải bàn đến tính đoàn kết, hẳn không ai không biết câu chuyện chiếc đũa và bó đũa, với triết lí sâu xa “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.


Theo Depplus.vn/ MASK

Điều kỳ diệu trong đôi đũa Việt

Từ xa xưa, đôi đũa mộc đã đi vào đời sống của người Việt Nam như một lẽ hiển nhiên nhưng đằng sau đó chứa đựng bao tín hiệu văn hóa hấp dẫn và độc đáo. Có thể nói, đôi đũa là sản phẩm kì diệu do con người sáng tạo ra. Ẩn sâu trong đó là vô vàn những ý nghĩa thú vị cần được giải mã.

Đôi đũa là một thực thể đa chức năng, đầy tính linh hoạt và sáng tạo (Ảnh: internet)

Đôi đũa là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp phương Đông. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước phương Đông đều sử dụng đũa. Nhiều nền văn hóa Đông phương dùng tay để ăn. Ngoài Việt Nam, các nước dùng đũa khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên… Đôi đũa mang tính linh hoạt cao. Nếu như ẩm thực phương Tây cần một bộ dao, dĩa, thìa thì chúng ta chỉ cần một đôi đũa mà vẫn đảm bảo thực hiện đủ các chức năng mà bộ dụng cụ ăn của phương Tây đảm nhận. Đũa có thể lấy thức ăn đưa lên miệng như dĩa, có thể “và” để đưa thức ăn có nước vào miệng như thìa và thực hiện chức năng của dao là xắn, xẻ.

Có thể nói, bản thân đôi đũa là một thực thể đa chức năng, đầy tính linh hoạt và sáng tạo. Các học giả phương Tây đánh giá cao đôi đũa, còn học giả phương Đông thì tìm cách truy tìm nguồn gốc của sản phẩm văn hóa độc đáo này. Trong đó có hai quan điểm. Một quan điểm cho rằng đôi đũa có nguồn gốc từ Trung Quốc bởi khảo cổ học tìm thấy đôi đũa đồng của thời nhà Thương ở đây. Một quan điểm khác lại khẳng định đôi đũa là sản phẩm của cư dân Bách Việt - các tộc người Việt ở phía Nam sông Dương Tử.

Trở lại lịch sử, ta có thể thấy, người Trung Quốc xuất phát từ vùng Hoa Hạ rồi lấn chiếm và thôn tính các cộng đồng người Việt nói chung ở phía nam sông Dương Tử. Khối Bách Việt lúc đó ngoài Việt Nam của ta hiện nay thì còn có các tỉnh Phúc Kiến, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam. Sách Lịch sử văn hóa Trung Quốc do Đàm Gia Kiện chủ biên năm 1993 thì người Trung Quốc “Thời Tiên Tần không ăn dùng đũa, mà lấy tay bốc”. Họ chỉ bắt đầu dùng đũa từ khi thôn tính phương Nam (đời Tần - Hán), ban đầu dùng một cách hạn chế để gắp thức ăn cứng từ các món canh, mãi về sau đôi đũa mới trở thành phổ biến. Quan điểm này có tính hợp lý của nó. Bởi trước khi bành trướng xuống phía Nam, Trung Quốc không trồng lúa nước mà trồng các loại lương thực khô như kê, mạch và chăn nuôi gia súc. Bởi thế thức ăn của họ là bánh bao, màn thầu, thịt (thích hợp dùng tay) chứ không phải là cơm, canh, rau, cá.

Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, đôi đũa được chế tạo là mô phỏng mỏ con chim. Từ lâu chúng ta đều biết người Việt theo tô tem chim, loài chim Lạc, Hồng có mỏ dài, chân cao, giống như loài cò trắng. Đây là một nhận định có lý và thú vị.

Có thể nói, đôi đũa là sáng tạo của cư dân Bách Việt, trong đó có Việt Nam chúng tay ngày nay, nơi mà tre trúc nhiều, cơ cấu bữa ăn gồm nhiều món khó sử dụng tay không như cơm nóng, canh rau… Và nếu hình dung đôi đũa như một biến thể của hình tượng chim Lạc thì đôi đũa ấy còn chứa đựng yếu tố tín ngưỡng và màu sắc riêng của người Việt.

Một trong những sáng tạo riêng có của ẩm thực Việt Nam ấy chính là đôi đũa cả. Có đi khắp nơi trên thế giới cũng không tìm thấy hình ảnh đũa cả trong bữa cơm như xứ Việt. Đũa cả to ngang hơn so với đôi đũa thường, được dùng để xới cơm. Đôi đũa cả chuyên chở những ý nghĩa riêng của nó. Nồi cơm là yếu tố quan trọng nhất trong bữa ăn. Cái no, chuyện đói là vấn đề muôn thủa trong đời sống người Việt. Cái ăn luôn được người Việt nhiều thế hệ qua tâm. Bởi thế mà trong ngôn ngữ, chữ ăn được xuất hiện dày đặc. Nào thì ăn ở, ăn mặc, ăn chơi; nào thì ăn ngủ, ăn nằm, ăn vạ; rồi tới ăn cưới, ăn tết, ăn hội… Dường như hầu hết các vấn đề của sinh hoạt đời thường đều có xuất hiện thành tố “ăn” giống như một nỗi ám ảnh trong tâm thức con người. Và vì thế, sự phân chia, tính toán toàn vẹn no đủ mà đôi đũa cả làm nhiệm vụ là vô cùng quan trọng.

Một trong những sáng tạo riêng có của Việt Nam ấy chính là đôi đũa cả (Ảnh: internet)

Đôi đũa quen thuộc tới mức, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ cho nhiều vấn đề trong cuộc sống. Làm việc phải “ra đầu ra đũa”, “đến đầu đến đũa”, chọn bạn đời thì nên chọn người phù hợp chứ đừng “đũa mốc mà chòi mâm son” để rồi giống như “đôi đũa lệch so sao cho bằng”. Đánh giá, nhìn nhận một con người, một hiện tượng phải bao quát chứ đừng “vơ đũa cả nắm”… Hay trong các câu chuyện kể Việt Nam, không thiếu những câu chuyện gắn liền với đũa. Đó là câu chuyện “bó đũa” răn dạy về sự đoàn kết mà ông bố dạy các con trước khi qua đời. Đó là câu chuyện cô gái mang 1 đôi đũa khi mời cơm 2 anh em trai để xem ai nhường ai…

Cho tới khi sang thế giới bên kia, bát cơm đầy cắm đôi đũa như là lương thực của người thân chuẩn bị cho người đã khuất trên hành trình về suối vàng. Ở nhiều gia đình, trên ban thờ người ta dựng 5 đôi đũa như để chuẩn bị cho ông bà tổ tiên khi về với con cháu vào các ngày lễ lạt. Có thể thấy, ở nhiều nơi trong cuộc sống, ta vẫn bắt gặp hình ảnh hay dấu ấn của đôi đũa trong đó. Nó càng chứng minh thêm vị trí của đôi đũa trong văn hóa người Việt nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng.

Đôi đũa quen thuộc tới mức, nó trở thành hình ảnh ẩn dụ của nhiều vấn đề trong cuộc sống (Ảnh: internet)

Ngoài kế thừa truyền thống và tinh hoa ẩm thực của cha ông, một lý do khiến người ta say mê đôi đũa còn bởi đôi đũa mộc làm tăng hương vị của bữa cơm. Đũa ấy phải là đũa mộc, chứ không phải đũa nhựa, đũa inox như hiện nay. Đũa mộc giống như một vật lưu giữ hương thơm tự nhiên. Đũa mộc tốt bao giờ cũng thoang thoảng mùi thơm. Và một miếng cơm trắng tinh, nóng hổi vào miệng trong khi hương thơm của gạo thơm cùng hương đũa mộc ứa ra, quện chặt với nhau sẽ khiến bạn cảm nhận được thế nào là đồng quê, là xứ sở. Hương của đũa mộc nhạt lắm, phải tinh tế chú ý mới thấy được. Và chính điều đó sẽ đi theo cuộc đời con người như một phần lắng đọng của gia đình, đất nước.

Nguồn từ: Ẩm thực 365

Chuyện đôi đũa và văn hoá dùng đũa 


Trong văn hoá Ẩm thực của người Phương Đông, đũa là một vật dụng không thể thiếu. Người ta thậm chí còn có thể đánh giá nhận thức văn hoá của một người qua việc dùng đũa trong bữa ăn. Vậy, văn hoá dùng đũa quan trọng như thế nào? Nó hằng chứa những triết lý gì? Sự khác biệt về văn hoá dùng đũa ở một số nước Phương Đông ra sao?

Ở Trung Quốc
Có nhiều nước tự coi mình là nơi sản sinh ra đôi đũa. Điều này còn cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, ở Trung Quốc đôi đũa đóng vai rất trò quan trọng trong truyền thống văn hóa. 

Từ xa xưa, đũa được những người dân bên bờ sông Trường Giang gọi là “zhu” có nghĩa là “dừng lại”. Nhưng đối với những người thủy thủ trên tàu, “dừng lại” là một điều không may mắn. Vì thế, người ta đổi “zhu” bằng “kuai” có nghĩa là nhanh nhẹn, hoạt bát. Từ đó đến nay, người Trung Hoa gọi đôi đũa là “kuai”.

Người Trung Quốc không dùng dao và dĩa trong bữa ăn bởi theo quan niệm của họ, đó là những vật dụng liên quan đến bạo lực và binh đao. 

Trong khi đó, đũa tượng trưng cho sự thanh cao và lòng nhân từ, đây cũng là hai nội dung chính của học thuyết Khổng Tử. Một lý do nữa không kém phần quan trọng đó là các món ăn của người Trung Quốc cũng thích hợp với việc giữ và gắp hơn là cắt ra và xiên vào nó. Đôi đũa cũng đóng vai trò quan trọng về mặt văn hoá đối với người Trung Hoa. Ở một số nơi, trong lễ cưới, gia đình chú rể tặng 2 đôi đũa và 2 cái bát cho cặp vợ chồng mới. Người ta cho rằng điều đó thể hiện lời cầu chúc cho cô dâu chú rể không chỉ có cuộc sống hạnh phúc mà còn sớm sinh con đẻ cái vì “kuai” có nghĩa là “nhanh”.

Anh: afamily.vn

Đặc biệt, trong đời sống hàng ngày, người Trung Quốc cũng có những quan niệm thú vị trong việc dùng đũa. “FanzhengKuai” là cầm đôi đũa trái đầu nhau. “QiaoKuai” là dùng đũa để đánh lên bát, đĩa và bàn, điều này giống như gõ đàn, gõ phách, tạo không khí vui nhộn. “GongKuai” là cắm đôi đũa thẳng đứng trong thức ăn, điều này gợi tới một lễ tang. “CiKuai” là dùng đôi đũa để xiên thức ăn như một chiếc dĩa, điều này thể hiện sự tham ăn. “MiKuai” là tay cầm đũa lên và do dự, phân vân khi gắp thức ăn. “YiKuai” là gắp thức ăn lên bát rồi gắp trả trở lại đĩa, điều này thể hiện bất lịch sự. 
“TaoKuai” là dùng đũa xới thức ăn lên để tìm, điều này thể hiện thói quen xấu. “JiaochaKuai” là gắp thức ăn cùng lúc với một người khác, điều này thể hiện sự vội vàng khi ăn. “TuipanKuai” là việc dùng đũa để đẩy bát hoặc đĩa. Cuối cùng là “TianKuai” có nghĩa là việc dùng lưỡi để mút đũa.

Điều mà không chỉ Trung Quốc mà một số nước châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam kỵ nhất là chống đũa vào bát cơm, vì người ta chỉ làm điều này trong nghi thức tang lễ (khi đơm cơm cúng cho người chết). Hơn nữa điều này đồng nghĩa với việc thiếu tôn trọng chủ nhà hoặc những người lớn tuổi.

Người Trung Quốc ít dùng đũa bằng gỗ mà thường chế tạo đũa từ sừng hoặc tre. Mỗi đứa trẻ ở Trung Quốc khi bắt đầu tự ăn đều phải học cách dùng đũa cho đúng để dần trở thành thói quen.

Ở Nhật Bản:
Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, các nước Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc… chủ yếu sử dụng đũa làm công cụ để ăn hàng ngày. Mặc dù vậy nhưng mỗi nước lại có phong tục dùng đũa mang nét chung và riêng nằm trong phạm trù văn hóa phương Đông. So với đũa Trung Quốc và Việt Nam … đũa Nhật Bản làm bằng gỗ, ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. 

Theo quan điểm của Richard Bowring (người Anh), một nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nhật Bản thì: “Đũa Trung Quốc dài và hơi to quá nên khó sử dụng”. Do đó, theo ông quan niệm của người Nhật về đôi đũa có sự thay đổi theo chiều dài. Đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái, đũa của anh dài hơn đũa của em. Điều này ngược lại với thời xa xưa, những bậc đế vương dùng đũa ngắn, bậc càng thấp dùng đũa càng dài.

Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa có giá trị hơn khi nó trở thành chủ đề thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống, nổi tiếng là món Sashimi sẽ dễ bị hỏng nếu như người Nhật sử dụng các dụng cụ ăn bằng kim loại như dao, dĩa… theo kiểu phương Tây.
Trên bàn ăn, người Nhật dùng một đôi đũa chung để gắp thức ăn vào bát của riêng mình. Nếu không có đôi đũa chung, họ phải trở đầu đũa ăn của mình để gắp thức ăn cho khách sau đó trở lại đầu đũa cũ để ăn. Đây không đơn thuần là vấn đề vệ sinh mà còn gần với phong tục: trong tang lễ Nhật Bản, người thân phải dùng đũa gắp xương người đã khuất sau khi hỏa táng và truyền cho nhau.

Ngoài ra, họ còn tránh dùng đũa gắp thức ăn đã bị rơi hoặc không cắm đũa vào bát cơm vì nó gợi lên hình ảnh chết chóc. Điều thú vị hơn cả là người đi cắm trại, đi picnic nhất thiết không được quên tục lệ: đôi đũa dùng xong phải bẻ đôi tránh ma quỷ tận dụng những đôi đũa đó làm điều xấu, điều ác hoặc tránh tà ma theo bám gia đình và bữa cơm gia đình.

Người Nhật ngày nay cũng như người Trung Quốc, người Việt Nam khi ăn xong đều rửa sạch đũa để dùng lại. Với tính cách cẩn thận nên trong các gia đình người Nhật thường chuẩn bị mỗi người một đôi đũa riêng. Ngăn đựng đũa của họ còn phân định rõ đâu là đũa dành cho chủ, đũa dành cho khách, khách đến nhà sau khi dùng bữa thì đũa của họ sẽ được gia chủ vứt đi – biểu hiện sự sạch sẽ của người dân xứ sở Mặt trời mọc.

Thời xưa muốn chứng tỏ mình thuộc tầng lớp "quyền quý", vua, quan và những người giàu có thường dùng đũa một lần sau đó đem vứt đi và dần dần tục lệ này cũng trở nên phổ biến trong đời sống người thường dân. Cũng từ 1185 trở đi, mỗi năm vào thời điểm cấy lúa (mùa xuân) và dịp thu hoạch lúa (mùa thu) người dân Nhật lại có phong tục thay đũa mới. Họ quyết định lấy ngày 4- 8 làm "ngày hội đũa" truyền thống trên toàn quốc.

Ở Hàn Quốc
Người Hàn lại “chuộng” dùng đũa bằng kim loại như đũa nhôm hoặc inox. Họ không thích dùng đũa bằng tre, gỗ như người Hoa, người Việt và người Nhật vì nó nhẹ quá. Trong bữa ăn gia đình, người Hàn dùng muỗng để ăn cơm và dùng đũa để gắp thức ăn.

Ảnh:kokeshi39.com
Ở Việt Nam:
Người Việt Nam có những phong tục dùng đũa khá giống với người Trung Hoa. Khắp nơi, trên đất nước Việt Nam, người ta đều ăn cơm bằng đũa. Lâu dần, dùng đũa ăn cơm không còn là một thói quen tiện dụng hàng ngày mà đã trở thành một nếp văn hoá, tạo ra cả những cách cư xử mang tính nhân văn sâu sắc.

Mặc dù đũa ngà, đũa ngọc là quý nhưng đũa tre là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của tất cả các gia đình người Việt. Trong văn hoá dân gian, đôi đũa xuất hiện nhiều trong các bài hát, trong các câu thành ngữ, tục ngữ. Ông cha ta đã dùng đôi đũa để thể hiện triết lý bình đẳng cân xứng trong hôn nhân như: “Vợ chồng như đũa có đôi” - thể hiện tình cảm gắn bó không thể thiếu giữa vợ và chồng. Hoặc để ví hai vợ chồng không cân xứng với nhau về địa vị và hình thể người ta nói: “Ví dầu chồng thấp vợ cao. Như đôi đũa lệch so sao cho vừa” hoặc “Vợ dại không hại bằng đũa vênh” v.v…
Người Việt cũng có các quan niệm về đũa khá đặc biệt. Trong mỗi bữa cơm gia đình người dưới phải so đũa đều, rồi chia từng đôi đũa cho người trên. Nếu vô tình nhận được đôi đũa lệch người ta thường có cảm giác không vui, giống như mình bị người khác xem thường vậy. Thông thường chỉ khi nào bố mẹ cầm đũa thì con cái mới được cầm sau, chủ nhà cầm đũa rồi mới đến khách. Điều này thể hiện gia đình có gia giáo.

Trong lúc ngồi vào mâm cơm, người lịch sự thì không cầm đũa chọc vào món ăn. Làm như thế sẽ bị cho là kém văn hoá. Cũng không được dùng đũa đảo đều món ăn để tìm lấy phần ngon nhất. Phong cách ăn uống có giáo dục là, gắp thức ăn vừa đủ cho vào bát, tiếp đó mới ăn. Khi nào hết thức ăn thì gắp tiếp. Thêm vào đó, người ta còn tránh trao đũa cho nhau, họ đặt đũa lên bàn chứ không đưa thẳng vào tay người nhận. Người ta quan niệm, đưa thẳng như vậy sẽ có xích mích với nhau. Người ta cũng tránh việc vừa cầm đũa vừa chan canh vào cơm.

Một vấn đề tế nhị khác là trong khi ăn uống, không được dùng đũa để chỉ trỏ hay chọc ghẹo nhau, vì điều đó tạo không khí thiếu nghiêm túc. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không nên dùng đũa để gây ra một hành động phản cảm. Theo tập quán của người Việt, khi cô dâu về nhà chồng hoặc chú rể về vợ sẽ được ưu tiên dành quyền chia đũa cho mọi người rồi mời ông bà, cha mẹ, anh chị em dùng bữa.

Qua cách dùng đũa trong bữa ăn, ta cũng có thể nhận thấy ngay những kẻ thô tục, phàm phu bằng câu: "Gắp thức ăn mời khách mà không giở đầu đũa". Người Việt Nam tế nhị nên luôn ý thức rằng giở đầu đũa gắp cho khách là thể hiện sự tôn trọng, lịch sự. Việc cứ để đầu đũa đang ăn mà gắp cho khách, nhất là những người kỹ tính có thể gây khó chịu cho họ.

Ngoài ra, đôi đũa còn được xem là thể hiện của tính tập thể, tính cộng đồng trong sinh hoạt văn hoá. Bó đũa mang biểu tượng của sức mạnh đoàn kết. Nó được thể hiện trong chuyện ngụ ngôn“Câu chuyện bó đũa” – nói về sức mạnh của sự đoàn kết trong cộng đồng.

Trong cuộc sống thường ngày, người Việt còn đặc biệt kiêng kỵ với hiện tượng bị gãy đũa, ném đũa…vì nó thể hiện sự không may mắn. Với người Việt Nam, đôi đũa là hình ảnh của một nét văn hóa lâu đời cần được trân trọng và phát huy.

Như vậy, văn hoá dùng đũa có nhiều điểm thật phong phú và thú vị. Quan niệm văn hóa dùng đũa cũng như cách dùng đũa của mỗi nước lại có những nét vừa tương đồng vừa khác biệt nhau. Tuy nhiên, về bản chất, văn hoá dùng đũa có thể được hiểu chung là : nó không chỉ đơn thuần là việc giúp người ta ăn sao cho tiện, cho ngon, nấu món ăn sao cho hợp khẩu vị, mà còn làm cho bữa ăn thi vị hơn, qua bữa ăn mà gần gũi, gắn bó nhân ái với nhau hơn. Đó chính là bản chất của văn hoá ẩm thực Á Đông.Th.s. Thân Trung Dũng 

Đôi đũa cả 
Từ lâu lắm nhưng tôi vẫn không quên,
Vật dụng trong bếp là đôi đũa cả,
Đôi đũa to như người chị, người mẹ,
Bên cạnh những đôi đũa nhỏ khiêm nhường.
Đôi đũa cả ngày xưa tôi thân thương,
Khi giúp mẹ nấu nồi cơm trên bếp,
Đũa cả ghế cơm, cơm sôi khỏi khét,
Bớt củi lửa nhỏ để chín nồi cơm.
Đũa cả tiện lợi để mở nắp vung,
Khói nóng bốc lên không làm tay nóng,
Hai đũa cả hai quai nồi nhấc xuống,
Bữa cơm quây quần đũa cả mừng vui.
Đôi đũa cả xới cơm cho từng người,
Bát đầy bát vơi không hề rơi vãi,
Ngồi gần nồi cơm mẹ luôn tay với,
Đón bát chìa ra của chồng của con.
Đũa cả mạnh mẽ cạy miếng cháy thơm,
Dưới đáy nồi khi bữa cơm gần hết,
Đám con của mẹ đứa nào cũng thích,
Nhìn theo đôi đũa cả để đợi chờ.
Đôi đũa cả mòn của thời ấu thơ,
Khi mẹ nấu cơm cả khi mẹ giận,
Đũa cả thay roi tay con mẹ đánh,
Đũa cả hiền mà cũng biết đánh đau.
Tôi rửa bát, rửa đũa cả hơi lâu,
Vì đũa to và dính cơm dính cháy,
Đũa đã mòn trong đôi tay mẹ đấy,
Đũa xấu đi theo ngày tháng đã dùng.
Đôi đũa cả mới cũng chẳng đắt tiền,
Vừa to vừa đẹp thay cho cái cũ,
Kỷ niệm buồn vui cùng đi theo nó,
Những lúc nấu cơm, những bữa ăn cơm.
Đôi đũa cả mới bắt đầu làm quen
Trong gia đình tôi những khi bếp núc,
Khi sạch sẽ nằm yên trong rổ bát,
Đũa cả thảnh thơi mà vẫn oai ghê.
Bây giờ nấu cơm nồi điện tiện nghi,
Chẳng mấy ai dùng đến đôi đũa cả,
Đũa cả đảm đang tôi ví như mẹ,
Mẹ không còn và đũa cả nay đâu? 
Nguyễn Thị Thanh Dương

Nét đẹp đôi đũa trong văn hóa ẩm thực Việt Nam


Đôi đũa mộc mạc đã xuất hiện trên mâm cơm người Việt không biết từ bao giờ và trở thành nét đẹp truyền thống trong ẩm thực Việt. Đũa có đôi và phải tương xứng với nhau và với mâm với bát như âm với dương, như nam với nữ. Người Việt ở ba miền đều mang trong mình những phong tục tập quán riêng, nét văn hóa mang bản sắc vùng miền. Khắp đất nước người dân đều sử dụng đũa trên mâm cơm để gắp thức ăn, đây quả thực là sợi dây liên kết kỳ lạ. Lâu dần đôi đũa không còn chỉ là thói quen hàng ngày, mà nó đã trở thành vật dụng không thể thay thế được trong mâm cơm người Việt. Bởi nó không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng để gắp thức ăn trong bữa cơm hàng ngày mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa và bản sắc tốt đẹp của người Việt.

Chất liệu làm nên đôi đũa cũng rất phong phú và đa dạng, từ chất liệu kim loại (vàng, bạc, nhôm….) thường được vua chúa, quan lại thời xưa sử dụng để phân biệt giai cấp, hay đến các loại chất liệu là nhựa, thiên nhiên (tre, trúc....). Những chiếc đũa bằng tre, trúc gắn liền với văn hóa ẩm thực của Việt Nam, với đời sống thường nhật của người Việt, cũng bởi một phần lý do biểu tượng của làng quê Việt chính là hình ảnh của cây tre, cây trúc.

Theo nhiều nhà văn hóa giải thích thì cách người châu Âu sử dụng dao, dĩa, là cách ăn bắt chước những loài vật ăn thịt sống dưới đất. Còn cách sử dụng đũa trên bàn ăn của người châu Á, trong đó có người Việt là học cách ăn của những loài chim. Việt Nam là đất nước nhiệt đới, là nơi thích hợp cho các loài chim sinh sống như sếu, vạc, cò…. Những loài chim này gắn bó với cuộc sống của người nông và đi vào trong những bài hát, những câu ca dao, đồng dao, trở thành hình tượng khắc trên trống đồng, biểu tượng của nền văn hóa cổ đại. Chính nhờ những mối liên hệ như thế, đôi đũa đã xuất hiện trên mâm cơm của người Việt và trở thành nét đẹp văn hóa mà người Việt vô cùng tự hào.

Đôi đũa nhỏ xinh, mộc mạc và giản dị đã đi vào văn hóa của người Việt từ thời xa xưa. Và nó cũng mang trong mình ý nghĩa khác nhau, những triết lý về đời sống con người từ lúc sinh ra cho đến khi trở về với đất mẹ, về mối quan hệ vợ chồng. Dù cho đời sống văn hóa ẩm thực ngày càng trở nên đa dạng với sự du nhập của các loại đồ ăn đến từ khắp nơi trên thế giới, nhưng người Việt chúng ta vẫn giữ gìn và tô đẹp hơn cho hình tượng đôi đũa trong mâm cơm gia đình, trong văn hóa ẩm thực của dân tộc.

Đũa cả

Người Việt thường có thói quen tự tay chế ra các vật dụng đơn giản trong gia đình bằng những nguyên liệu quen thuộc. Cũng giống như cái cuốc, xẻng… có cán được tạo nên nhờ gỗ của những thân cây quanh vườn, đôi đũa cả - vật dụng không thể thiếu trong bữa cơm gia đình người Việt được vót từ thân tre mộc mạc.


Thời nay, con người được hưởng nền công nghệ tiên tiến với sự ra đời ồ ạt của các vật dụng hiện đại và vô cùng tiện ích trong gia đình. Những vật dụng đó làm giảm tải đi phần nào khó khăn mà con người gặp phải do quỹ thời gian chật hẹp. Và, nét đẹp trong bữa cơm hàng ngày của người dân Việt cũng vì thế mà không còn giữ nguyên vẹn. Bây giờ, người ta nấu nồi cơm điện nên ít dùng đến đôi đũa cả để xới cơm nữa. Thay vào đó, người ta dùng muôi nhựa. Cơm nấu nồi điện, bốc khói nghi ngút và kêu một tiếng “tách” để báo chín. Chỉ chờ có thế, người ta lấy luôn ra ăn. Có nhà lấy muôi đánh tơi cơm rồi múc vào bát cho mọi người, nhà thì không đánh tơi mà xấn luôn một khối, vừa muôi cơm và xúc vào bát.

Tre được chọn làm đũa cả thường phải là tre già, nếu làm bằng tre non thì đũa cả sẽ không để được lâu và dễ bị mọt.

Người Việt dùng đũa cả để đảo khi cơm sôi, để ghế cơm và để xới cơm nữa… Vật dụng quen thuộc, nhỏ bé, mộc mạc là thế nhưng chứa đựng trong nó không ít những triết lí sâu sắc về lễ nghi gia đình, về nếp nhà của mỗi người. Chả thế mà quan sát cách xới cơm cho các thành viên trong gia đình của các bà, các chị là thấy ngay được nề nếp, trật tự, sự lễ phép của con cái đối với bố mẹ, ông bà, của vợ đối với chồng…

GS.TS Nguyễn Trọng Đàn

4 nhận xét: