- 15 kỹ năng sinh tồn có thể cứu sống bạn một ngày nào đó

Hãy tìm hiểu 15 kỹ năng sinh tồn này vì một ngày nào đó, nó có thể cứu sống bạn trong những tình huống không thể lường trước!


Tất cả chúng ta đều đã quen thuộc với các quy tắc an toàn không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, đôi khi chúng ta phải đối mặt những tình huống bất ngờ khiến bản thân bối rối và quên đi cách ứng phó, dẫn đến thiệt hại cho mình.

Hãy cùng tìm hiểu 15 kỹ năng sinh tồn này vì một ngày nào đó, nó có thể cứu sống bạn trong những tình huống không thể lường trước!

1. Không dùng điện thoại di động trong lúc đi bộ
Các chuyên gia tư vấn sức khỏe và an toàn đã lưu ý rằng việc vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại di động là một thách thức quá lớn đối với bộ não. Điều này có thể làm bạn mất đi sự chú ý với môi trường xung quanh và không thể thấy được những hiểm họa có thể xảy ra, chẳng hạn một chiếc xe tăng tốc đột ngột và đang lao về phía bạn.

2. Loại bỏ các điểm mù khi lái xe bằng cách điều chỉnh chính xác các kính xe
Điều chỉnh kính chiếu hậu hai bên sao cho không thể nhìn thấy các cạnh của chiếc xe, điều này sẽ giúp bạn loại bỏ mọi điểm mù ở khu vực hai bên. Điều chỉnh kính chiếu hậu bên trong xe (gương giữa) sao cho luôn có thể nhìn thấy bất kỳ chiếc xe nào đang chạy từ phía sau. Hãy ngồi ở ghế lái xe và điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả.

3. Mặc quần áo phù hợp với thời tiết lạnh
Hãy nhớ rằng da ẩm ướt tỏa nhiệt nhanh hơn rất nhiều. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng giữ cho da của bạn khô ráo càng lâu càng tốt. Mặc quần áo len để đảm bảo nhiệt độ cơ thể không hạ xuống quá nhanh - quần áo loại này có khả năng hấp thụ độ ẩm rất tốt. Cotton và các chất liệu vải khác hấp thụ độ ẩm rất kém - mặc quần áo loại này chính là nguyên nhân khiến bạn đóng băng và lạnh cóng.

4. Đừng thổi phồng áo phao trước khi thoát khỏi máy bay
Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp máy bay hạ cánh xuống nước khẩn cấp. Vì thổi áo phao bên trong một chiếc máy bay đang bị chìm sẽ khiến bạn nổi lên trần của cabin, bạn không thể di chuyển mà không cần sự trợ giúp. Điều bạn nên làm là hít một hơi thật sâu và bơi ra khỏi máy bay với chiếc áo phao chưa thổi căng. Chỉ khi bạn đã an toàn ra khỏi máy bay thì mới giật dây để bơm hơi cho áo phao cứu hộ.

5. Chữa ngạt thở do dị vật - cấp cứu bằng phương pháp Heimlich
Các bác sĩ khuyên tất cả mọi người nên tìm hiểu phương pháp Heimlich, vừa có thể tự cứu mình, vừa có thể cứu được người khác.

Chỉ cần bạn làm theo các bước sau:
Tự cứu:
Người bị hóc hơi khom người xuống, dựa vào một vật thể bằng phẳng cố định, để đầu vật thể ép vào phần bụng, nhanh chóng dùng lực đẩy lên trên, lặp đi lặp lại động tác cho tới lúc dị vật vọt ra ngoài.

Cứu người khác:
Người cấp cứu đứng sau người bị hóc, hai tay ôm chặt vào phần eo của người bị hóc.
Sau đó, một tay nắm chặt, đặt ngón tay cái của tay nắm đó vào phần bụng ở dưới lồng ngực của người bị hóc. 
Tiếp theo, tay còn lại giữ chặt nắm đấm, nhanh chóng dùng lực ép vào bụng người bị hóc theo hướng lên trên. Làm đi làm lại như vậy cho tới lúc dị vật vọt ra ngoài.
Nếu không có tác dụng, hãy tựa người bị hóc vào một vật thể cố định nằm ngang (chẳng hạn như cạnh bàn, ghế hoặc lan can), ép bụng của họ vào vật thể đó, nhanh chóng dùng lực đẩy lên trên.
Lặp đi lặp lại động tác cho tới lúc dị vật vọt ra ngoài.

6. Luôn mang theo thuốc chống dị ứng (kháng histamin)
Bạn không bao giờ biết được khi nào thì một phản ứng dị ứng sẽ tấn công bạn! Hãy luôn mang theo thuốc chống dị ứng, không chỉ giúp mình mà còn có thể giúp được người khác. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang lên kế hoạch cắm trại hoặc chuẩn bị cho một chuyến đi dài!

7. Luôn ghi nhớ giới hạn chịu đựng của cơ thể theo quy tắc "3 không"
Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, trung bình con người có thể sống mà không có không khí trong 3 phút, 3 giờ không có nơi trú ẩn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, 3 ngày không có nước và 3 tuần không có thức ăn.

8. Trường hợp dầu bắt lửa trên bếp gas, hãy nhanh chóng tắt gas và đặt thứ gì đó lên trên chảo để dập lửa
Các nhân viên cứu hỏa cảnh báo đừng bao giờ dùng nước để cố dập tắt một đám cháy từ chất béo hoặc dầu. Vì khi đó, các hạt nước sẽ chìm xuống đáy chảo và bắt đầu bốc hơi, càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh hơn. Hành động đúng đắn là hãy chụp một thứ gì đó lên chiếc chảo đang cháy vì nó sẽ cắt đứt nguồn nhiệt và oxy của đám cháy.

9. Đừng rút dao hay một vật sắc nhọn khác ra khỏi vết thương
Các chuyên gia y tế nói rằng trong mọi trường hợp, bạn đừng bao giờ rút dao hay một vật sắc nhọn khác ra khỏi vết thương. Miễn là con dao vẫn còn nằm ở vết thương, nó sẽ ngăn việc chảy máu - có thể là hậu quả nguy hiểm nhất của mọi vết đâm. Những gì bạn cần làm là tiếp tục giảm tối đa tình trạng chảy máu trong khi chờ đợi sự trợ giúp từ các nhân viên y tế.

10. Hãy đặc biệt cẩn thận trong ba phút đầu tiên sau khi cất cánh và tám phút cuối cùng trước khi hạ cánh
Theo các nhà nghiên cứu, 80% các tai nạn máy bay xảy ra trong những khoảng thời gian cụ thể. Cách tốt nhất là tiếp tục cảnh giác và tập trung ghi nhớ những thao tác thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

11. Nếu gặp phải một đám cháy, hãy cố gắng để càng gần mặt đất càng tốt
Các chuyên gia lưu ý rằng mối đe dọa lớn nhất trong một đám cháy xuất phát từ khói carbon monoxide (CO), không phải bỏng. Để tránh hít phải khói độc, cố gắng khom người càng gần sàn nhà càng tốt cho tới khi bạn thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

12. Nếu bạn đột nhiên cảm thấy không khỏe ở nơi công cộng thì chỉ nên nhờ một người giúp đỡ
Bạn chỉ nên nhờ một người giúp đỡ vì một hiện tượng tâm lý đã được ghi chép đó là sự khuếch tán trách nhiệm*. Dễ hiểu hơn, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ một người tốt hơn so với một đám đông.

*Sự khuếch tán trách nhiệm hay còn gọi là phân tán trách nhiệm là một hiện tượng tâm lý xã hội trong đó một người cảm thấy ít có chịu trách nhiệm về hành động hoặc không hành động khi có mặt những người khác. Trong trường hợp này, các cá nhân giả định rằng những người khác hoặc là sẽ gánh lấy trách nhiệm để hành động hoặc đã làm rồi. Hiện tượng có xu hướng xảy ra ở những nhóm người trên một cỡ số đông nào đó và khi trách nhiệm không được phân định một cách rõ ràng. Nó hiếm khi xảy ra khi người đó chỉ có một mình và khuếch tán tăng lên khi nhóm có ba người hoặc nhiều hơn. Càng đông người thì mức độ phân tán trách nhiệm càng nghiêm trọng.

13. Luôn mang theo một chiếc đèn pin siêu sáng
Các chuyên gia tư vấn an toàn cá nhân khuyến cáo tiện ích đơn giản này như một vũ khí hiệu quả trong trường hợp bị quấy nhiễu hay một cuộc phục kích bất ngờ. Nếu bạn phát hiện có kẻ đáng ngờ đang chuẩn bị tấn công mình, hãy rọi thẳng đèn pin vào mặt họ. Kết quả là, đối phương sẽ tạm thời bị mất phương hướng và bạn có thời gian để chạy thoát.

14. Học thuộc các quy tắc cơ bản trong trường hợp hỏa hoạn
Rất thường xuyên, khi phải đối mặt với cơn khủng hoảng chưa từng trải qua trước đó, chúng ta thường có xu hướng bất động và chẳng làm gì để tự cứu mình. Đó là lý do tại sao các chuyên gia sinh tồn luôn tư vấn bạn kiểm tra bản đồ thoát hiểm trong bất cứ tòa nhà nào mà bạn thường xuyên lui tới. Tốt nhất là hãy làm điều đó trước khi tình trạng khẩn cấp có thể xảy ra!

15. Luôn mang theo giấy tờ tùy thân và những thông tin y tế cần thiết
Hãy chắc chắn rằng bạn luôn mang theo CMND bên người cũng như những tài liệu liên quan đến thông tin y tế (như nhóm máu, phản ứng dị ứng, tiền sử bệnh tật...) Bằng cách này, nếu có điều gì bất ngờ xảy ra, ngay cả một người hoàn toàn xa lạ cũng có thể hỗ trợ bạn nhanh chóng và hiệu quả. Đừng quên một danh sách các địa chỉ liên lạc cá nhân cũng như số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp (bố, mẹ, vợ/chồng...).

Theo Brightside (Dịch: Ngọc Hà - Ohay TV)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét