- Cách Dùng I Ngắn Y Dài


“Chữ “y” còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho ta!”
 (Tập Kiều 3161, 3162)

- Anh văn: “die” chết và “dye” nhuộm, phát âm giống nhau: “đai”.
- Pháp văn: “lire” đọc và “lyre” cây đàn ‘lia’, phát âm tương tự: “lia”.

Cũng tiếng Pháp: “Lion” sư tử nhưng “Lyon” tên thành phố đọc giống nhau: “li-ông”
(Cung Trầm Tưởng: “Ga Lyon đèn vàng. Tuyết rơi buồn mênh mang…”)

Cũng như:

- Hoa văn: 立栗厉例荔历沥利力痢,“lập, lật, lệ, lệ, lệ, lịch, lịch, lợi, lực, lỵ” đều đọc là: “lì”.
Chúng ta hãy suy gẫm điều này :
- Việt văn nên chăng như thiên hạ: “lí (nhí )” và “lý (do)”; ‘lí’và ‘lý’ đọc giống, viết khác?
——

Trong tiếng Việt hai nguyên âm /i/ và /y/ là đồng âm nên chính tả dễ lẫn lộn.
Dù vậy, chúng ta kẻ viết ‘hi sinh‘, người viết ‘hy sinh’, song chẳng ai viết ‘hi synh’.
Đã có rất nhiều bài viết về cách sử dụng /i,y/, lắm khi dài, cặn kẽ.
Tôi nghĩ ta có thể trình bày vấn đề ngắn gọn, dưới một góc độ thực dụng.
Tiếng Việt đơn âm nên mỗi âm tiết (syllable) là một từ (word).
Có 3 cách chọn viết /i,y/, tùy thuộc nguyên âm /i,y/:
1) đứng đầu.
2) giữa.
3) cuối âm tiết.
Nếu vị trí là ở cuối thì phân biệt âm tiết đó có một hay nhiều nguyên âm.

1) Nguyên âm /i,y/ đứng đầu âm tiết:
Viết /y/ nếu là tiếng Hán Việt.
Vd: “ý, yên, yết , yếu”, và “ ì, im, in, ít, ỉu”.
Ngoại lệ: “yểng” = một loại chim.

2) Nguyên âm /i,y/ đứng giữa âm tiết:
Viết /y/ nếu giữa âm tiết có /u/; (phát âm /u/ chụm môi nhiều)
Vd: “ khuya, tuyết, xuyên, khuỷu”, và “xiếc, kiện, niêu, xíu, minh”.

3) Nguyên âm /i,y/ đứng cuối âm tiết.

3.1) Kết thành tổ hợp nguyên âm:
Chính tả đơn giản do tổ hợp không đồng âm.
- Với /â/ viết /ây/ vd: mây, giấy, khuây (lý do: âm /ây/ đọc ngắn).
- Với /a,u/ viết: “ái/ áy, tai/tay, xoài/xoay, quai/quay, thúi/thúy”, theo phát âm.
Khó nhầm lẫn –> /tai/ đọc chậm, kéo dài, /tay, tây/ đọc nhanh, ngắn…
Hệ luận: mọi trường hợp khác còn lại thì viết /i/, (cụ thể là sau o,ô,ơ,ư vd: tôi gửi lời nói).

3.2) Là nguyên âm đơn độc, sau phụ âm:
Chính tả theo tập quán truyền thống.
Nên viết Nam Kỳ Khởi Nghĩa hay Nam Kì Khởi Nghĩa, Nhà Lý hay Nhà Lí?

Cách viết thống nhất có thể như sau:
Viết /i/ hoặc /y/ là tương đương sau các phụ âm “h k l m q t” của các từ Hán-Việt.
Hi vọng = hy vọng, nga mi = nga my, qui tắc = quy tắc, tị nạn = tỵ nạn…
(Nhận xét: thường viết /y/ sau /k,l/: kỳ, kỷ, kỹ, ký, kỵ…ly, lý, lỵ và sau từ thông dụng ‘Mỹ’)

Hệ luận: Viết /i/ mọi trường hợp khác: từ Hán Việt ngoài “hklmqt” và từ nôm.
Vd: bí mật, chí khí, di trú, tăng ni, lễ nghi, ấu nhi, phi cơ, sân si, thi hành, vị trí, xí nghiệp…
và tiếng nôm: bầu bí, chị em, cô dì, đi về, ghi chép, hí hoáy, khỉ vượn, lí nhí, bật mí, nghỉ ngơi, nỉ non, phì phèo, quì lạy, rù rì, buôn sỉ, tỉ tê… song đặc biệt: ’cái ly’.

II) CÁC QUI ĐỊNH CẢI CÁCH.
a) Trong Nước.
Trường hợp /i,y/ đứng sau một phụ âm ở cuối âm tiết là nguồn gốc gây tranh cãi từ lâu.
Để chuẩn hóa chính tả, một quyết định của bộ Giáo Dục năm 1984 dùng nguyên âm /i/ thay thế nguyên âm/y/, đặc biệt là nguyên âm [i] trong các âm tiết mở theo quy định là phải viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ… (1)

Các nỗ lực đó chỉ có hiệu quả giới hạn. Hiện tại cách dùng nguyên âm /i/ tràn lan chỉ được thấy trong các sách giáo khoa và các công bố khoa học.

Dân chúng phần đông, báo chí và ở hải ngoại tiếp tục dùng cách viết cũ, quen thuộc.
Các loại từ điển do Viện Ngôn Ngữ Học biên soạn sau này cũng dùng lối viết cũ : xử lý, kỹ sư…
Cách viết cũ quen thuộc đã là phổ biến vào những năm đầu thế kỷ thứ XX và thời đó có hai quyển từ điển cùng in năm 1931 mà lại theo hai nguyên tắc chính tả khác nhau:
Hán Vịêt Từ Điển do Đào Duy Anh soạn và Việt Nam Tự Điển của Khai Trí Tiến Đức.
Uy tín của hai bộ từ điển đã kéo theo sự phân hóa về chính tả sau đó.
Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh thì sau các phụ âm h, k, l, m, q, t phải viết nguyên âm /y/nếu đó là tiếng Hán- Việt.
Vd: ly biệt và li ti, Mỹ quốc và mí mắt, Nam kỳ và kì cọ, quý vị và quì lạy.
Để dễ nhớ “hklmqt”, từ lâu người ta dùng câu “học mau lên kẻo ta quên”
Tôi thì dùng câu “Hoa Kỳ là một tân quốc”.
Việt Nam Tự Điển của Khai Trí Tiến Đức trái lại, viết /i/ đi theo các phụ âm “h, k, l, m, q, t”.
Theo tôi nhận định thì cả 2 cuốn từ điển đều nói đúng.

Thật vậy, ta vẫn viết: hi sinh hoặc hy sinh, quỉ sứ hoặc quỷ sứ, tỉ lệ hoặc tỷ lệ, ti chức hoặc ty chức, ủy mỵ hoặc ủy mị…. Do đó phải tổng hợp, dung hòa cho trường hợp hklmqt.
Có hai minh họa lớn, thời trước và sau 1931, năm ra đời của 2 cuốn từ điển trên:
Trần Trọng Kim trong ”Việt Nam Sử Lược” (1920) viết: “nhà Lý”, “Đại Việt sử ký”, “nước Xích Quỉ”, “học sĩ”, “Mị nương”…
Các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn (1932-1945) thì viết: “lý tưởng”, “hy sinh”, “ký thác”, tri kỷ”, “biệt ly”, “mộng mị”… (Khái Hưng “Hốn Bướm Mơ Tiên”).
Đó là thói quen đã được chấp nhận trong dân gian cũng như trong văn chương tiếng Việt.
Theo phong tục, tập quán, có lúc mặc áo ngắn là được, và mặc áo dài, trang trọng lúc cần.




Dầu sao, tiếng Việt đồng âm, dị nghĩa nên viết xuống khác nhau là một điều tốt.

Tiếng Anh không viết /i/cuối từ: my, fly, why… song cũng có: bikini, ski, stimuli (stimulus)…
Tiếng Pháp không viết /y/cuối từ: ami (bạn), lundi (ngày thứ 2) song cũng có: paddy (thóc), jury, vichy, whisky…

Có thể đó là cái đẹp trong chính tả, sự phong phú và đa dạng.
Tiếng Trung thì mỗi đồng âm có một chính tả riêng. Đọc là ‘lì’ song viết ra nhiều cách.

b)Nước Ngoài.
Một chính tả hoàn hảo là bám sát phát âm. Nhiều nước như Ý, Tây Ban Nha gần được vậy.
Tiếng Anh là một ngôn ngữ có chính tả phức tạp và bất quy tắc. Từ điển phải ghi cách đọc.
Vì khó nên tại Mỹ, Canada và nhiều nước học tiếng Anh, kể cả ở Việt Nam, thường tổ chức các kỳ thi “đánh vần” (spelling bee) lên đến cấp quốc gia cho các học sinh độ tuổi từ 8 đến 15.Và thế kỷ 18 đã có phong trào đòi cải cách tiếng Anh và tiếng Pháp sao cho hợp lý, cách viết đúng với cách phát âm, nhưng đều thất bại.

Tháng 10-1989 thủ tướng Pháp Michel Rocard chỉ định một Thượng Hội Đồng Pháp Ngữ để chuẩn hóa nhiều điểm trong chính tả tiếng Pháp.

Đặc biệt tất cả dấu mũ /^/ trên các nguyên âm /u/ và /i/ đều gạch bỏ trừ phi là cần thiết cho sự phân biệt.
Ví dụ: coût, abîme , sûr. (2)

Hàn lâm viện Pháp nhất trí chấp thuận các sửa đổi này và phán quyết như sau: “Chính tả hiện tại vẫn được thông dụng, và các khuyến nghị của Thượng Hội Đồng Pháp Ngữ chỉ được kích hoạt với các “từ” có thể viết cách khác mà không bị xem là viết sai hoặc là lỗi.”

Tuy vậy hiện nay người Pháp vẫn viết coût, abîme như cũ theo thói quen, ít khi viết cout, abimetheo cách mới gạch bỏ dấu mũ trên /u/ và /i/. (2)

Tiếng Pháp có các từ viết cách nào cũng được: dîner hoặc diner, flûte hoặc flute.
Tiếng Anh thì viết rôle hay role, ameba hay amoeba, dísc hay dísk … đều được.
Năm 1996 Hội Đồng Chính Tả Đức có cố gắng đơn giản hóa chính tả tiếng Đức, do đó dễ học hơn mà không cần thay đổi nhiều các quy tắc đã quen thuộc .

Các cải cách chính tả trở nên bắt buộc tại trường học và công sở.
Tuy nhiên có một chiến dịch chống đối và sự tranh tụng được đưa lên Tòa Án Hiến Pháp Liên Bang Đức.

Năm 1998 Tòa Án phán quyết do không có điều luật nào cai quản chính tả nên ở ngoài học đường, mọi người có thể viết chính tả theo ý mình thích.

Tháng 3/2006 Hội Đồng Chính Tả Đức nhất trí rút bỏ các thay đổi gây tranh luận nhất về cải cách.
Nhiều quốc gia cố cải cách chính tả của mình nhiều ít, song cũng không mấy thành công.
——
III) KẾT.
Ở nước ta chuyện cải cách chính tả được đem bàn thảo trước đó năm ba lần song bất thành và sau cùng quyết định của bộ GD năm 1984 đã trên 30 năm qua thì cho kết quả vẫn giới hạn.
Tôi thì nghĩ quyết định ấy về /i,y/ không thật là cần thiết.
“Chữ “y” còn một chút này, Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan! “

Qui định hành chánh của Bộ gạt bỏ chữ /y/ viết ở cuối từ, ở âm tiết mở, không thể áp đặt trong cộng đồng và sự kiện ở mỗi môi trường chính tả viết mỗi khác, gây lẫn lộn, làm rối rắm thêm vấn đề, từ khi có qui định.

Nói cải cách để hợp lý thì lại cần viết /tăi thay tay/, /quấc thay quốc/, /coai thế quai/ v.v…

Thật sự không có nhu cầu cải cách hoặc cách mạng chính tả mà điều có thể làm là những điều chỉnh chính xác, giới hạn, tôn trọng lịch sử cũng như bản chất của ngôn ngữ, trong quá khứ và trong tương lai của ngôn ngữ.. .khiến sự sử dụng trở nên vững chắc, thoải mái.

Song thống nhất chính tả là cần thiết. Ý thức viết đúng chính tả là ý thức văn hóa. (3)

Ở các nước Anh, Pháp, Đức…trên các ấn phẩm luôn hoàn hảo về chính tả. Trên máy vi tính có chế độ kiểm tra chính tả và văn phạm.

Một từ có 2 cách viết là chuyện có thể xẩy ra, điều phải làm là chúng ta thống nhất trước.
Thói quen, truyền thống, thẩm mỹ, ngữ nghĩa, là những yếu tố quan trọng.

Chính tả đã thành hình, hợp lý hay không thì để nó tự sửa mà không cần đến cào ngang định hướng.
Ngạn ngữ có câu: “Chớ dời một vạch mốc đá xây cũ do tiền nhân dựng lên”
(Do not move an ancient boundary stone set up by your forefathers).

Lê Bá Vận

Chú Thích:
(1) Những âm tiết được kết thúc bằng cách giữ nguyên âm sắc của nguyên âm ở đỉnh âm tiết thì được gọi là âm tiết mở (cụ thể: /i,y/ đứng một mình hoặc liền sau phụ âm).
Cả hai, i và y, đều có chức năng này, ngang nhau.

(2)Tiếng Pháp: coût=phí tổn, abîme=vực sâu, sûr=chắc chắn, sur=ở trên.
- Hồi học lớp 3 tiểu học, tôi nhớ mãi thầy giáo dạy 2 chữ đồng âm, tâche = nhiệm vụ và tache = vết. Để phân biệt, thầy bảo làm nhiệm vụ thì phải có mũ đội, còn có vết thì phải tẩy đi.
- Các cải cách có điểm bị phản đối dữ dội: “To simplify, is to become poorer. A language is rich and beautiful precisely because it is complex.” (Đơn giản hóa, là trở thành nghèo hơn. Một ngôn ngữ giàu và đẹp chính nhờ nó phức tạp.”)

(3) LBV “Bàn Về Chính Tả Bản Di Chúc Hồ Chí Minh”.

+ Không bao giờ kéo rào giậu xuống cho đến khi bạn biết vì sao nó được dựng lên.

+ Học sinh thi đánh vần tiếng Anh “Spelling bee”ở Việt Nam, HA NOI 21/3/2015 .

+Quy tắc y dài và i ngắn trong tiếng Việt

+Khái Hưng “Hồn Bướm Mơ Tiên”

Theo quanvan.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét