- Lời Dạy Của Khổng Minh Dành Cho Hậu Bối

Lời Dạy Cho Hậu Bối

Một phong thư ngắn ngủi chỉ có 86 chữ mà Gia Cát Lượng để lại cho con trai lại là những từ ngữ vô cùng tinh túy khuyên răn và cảnh báo con về đạo lý làm người. 

Đến hôm nay, bức thư ngắn đã viết từ hơn 1800 năm trước này vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó cũng giống như câu nói: “Trí tuệ chân chính sẽ trường tồn theo thời gian, càng lâu càng có giá trị.” Câu nói này càng nghe càng thấy đúng!

86 chữ mà Gia Cát Lượng để lại cho con cháu thực hành là: Lấy tĩnh tu thân, sống tiết kiệm để dưỡng đức, không sống đạm bạc không thấy trí tuệ sáng suốt, nội tâm yên tĩnh sẽ suy nghĩ được xa hơn, làm người đàn ông trước tiên nên học lấy chữ ‘Tĩnh’ sau mới học những học vấn khác.

Lười biếng thì không thể nâng cao ý chí, khống chế được nóng nảy chính là đang tôi luyện tính cách. Năm tháng qua đi, con người cũng già đi, niềm vui của trí tưởng tượng cũng sẽ như lá khô rơi rụng, dù có bao nhiêu cũng không mang theo được.

Chỉ sống trong ngôi nhà đơn sơ nhưng Gia Cát Lượng đã để lại một kho tàng tri thức.

Để có thể sống yên ổn trong thời loạn lạc, để tìm được sức mạnh vượt qua nghịch cảnh cuộc sống, chúng ta hãy ghi nhớ 10 bài học từ bậc thầy Gia Cát Lượng:

Bài học thứ 1: Tĩnh tĩnh để tu thân, nội tâm tĩnh tại sẽ nghĩ được xa hơn. Ông khuyên con cháu cần phải tĩnh mới có thể tu dưỡng tâm và thân, tĩnh giúp tinh thần sáng suốt. Tâm không tĩnh thì không thể đưa ra được hướng đi tốt nhất, hơn nữa trước khi học tập những học vấn khác, nên học chữ “Tĩnh” này. Con người ngày nay bận rộn suốt ngày, có phải họ đang tĩnh trong sự vội vàng mà nghĩ về ý nghĩa của đời người?

Bài học thứ 2: Sống tiết kiệm là đang dưỡng đức. Ông khuyên con cháu trau dồi đức hạnh của chính mình. Chi tiêu có nguyên tắc không chỉ giúp thoát khỏi cảnh nợ nần mà còn có thể sống được trong hoàn cảnh đơn sơ và không trở thành nô lệ của vật chất. Trong xã hội văn minh, đâu đâu cũng khuyến khích tiêu dùng, bạn đã bao giờ nghĩ đến chỗ tốt của tiết kiệm chưa?

Bài học thứ 3:
 Sống đạm bạc khiến trí tuệ sáng suốt, nội tâm yên tĩnh sẽ suy nghĩ được xa hơn.
Ông khuyên con cháu rằng, trong cuộc sống nhân sinh nên sống đạm bạc, đừng xem trọng danh vọng và tiền tài. Để biết được mục đích chân chính của đời người cần phải có nội tâm tĩnh tại. Có vậy mới có thể cẩn thận lập kế hoạch cho tương lai. Vậy lý tưởng đời người của bạn là gì? Trách nhiệm của bạn ra sao? Bạn có những sức mạnh gì?

Bài học thứ 4:
 Tập trung lực lượng để học lấy chữ Tĩnh. Đây là yêu cầu đầu tiên mà bậc thầy Gia Cát Lượng khuyên con cháu học theo. Ông nhắc rằng, học các loại học vấn khác trong hoàn cảnh nội tâm yên tĩnh thì mới phát huy hết được tài năng của mình. Làm mọi việc một cách bình tĩnh thì sẽ khiến người đó toát lên sự nhàn hạ. Gia Cát Lượng không phải là bậc thiên tài về đào tạo học trò nhưng ông tin rằng tài năng đến từ học tập. Bạn có thật sự học tập không? Bạn có tin rằng nỗ lực học thì sẽ đạt được thành quả?

Bài học thứ 5:
 Muốn gia tăng năng lực của bản thân, không chỉ học kiến thức ở trường lớp mà cần phải rèn luyện ý chí kiên trì. Ông nói với con cháu rằng muốn thành công thì cần phải học tập chăm chỉ và rèn luyện ý chí của bản thân. Trong quá trình học tập, sự quyết tâm và kiên trì theo đuổi là rất quan trọng. Bởi vì nếu thiếu ý chí, bạn rất có thể bỏ dở giữa đường. Đạo lý này thật sự có bao nhiêu người đã học được?

Bài học thứ 6: Cần nắm chắc tốc độ thì mới có thể vượt thời gian. Ông khuyên rằng, không nên cứ trì hoãn một việc nào đó mà cần nắm chắc việc cần làm. Thời đại hiện nay là thời đại của công nghệ máy tính, hiệu suất công việc rất được coi trọng. Trí tuệ của 1800 năm trước vẫn còn hữu dụng đến ngày nay. Quả là không hẹn mà lại gặp. Nhanh hơn người một bước, không chỉ đạt được thành công mà còn có thời gian để tu sửa cải thiện những thiếu sót, phải vậy không?

Bài học thứ 7:
 Khống chế được sự nóng nảy là đang trong quá trình rèn nhân cách. Ông khuyên con cháu rằng nếu dễ dàng xao động thì không thể hun đúc được tính kiên nhẫn. Một nhà tâm lý học nói rằng tư tưởng quyết định hành vi, hành vi quyết định thói quen, thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh của con người. Gia Cát Lượng đã minh bạch điều mà một sinh mệnh mong là vừa tinh thông mọi sự, vừa tôi luyện nhân cách. Bạn có muốn tăng cường tu sửa chính mình?

Bài học thứ 8: Thời gian qua đi suy nghĩ sẽ trì trệ.
Gia Cát Lượng khuyên rằng, ý chí sẽ giảm sút theo thời gian. Có câu rằng: “Trẻ không gắng học hành, về già mới bi thương”. Quản lý thời gian là một khái niệm quản lý hiện đại. Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, không hơn không kém, chỉ có bản thân mỗi người dùng mỗi giây phút ấy như thế nào. Bạn hãy suy nghĩ một chút xem, những năm tháng qua bản thân có biết trân quý thời gian không?

Bài học thứ 9: Sức mạnh trong niềm vui của trí tưởng tượng cũng sẽ như lá khô rơi rụng, không thể thu giữ, chỉ có nỗi bi thương còn đọng lại, xem cuối cùng đạt được là điều gì. Ông khuyên con cháu mình rằng, thời gian trôi đi rất nhanh, cho đến khi sắp lìa đời, lúc này mới than thở với trời cao vì đã lãng phí thời gian những năm được sống, vậy cũng vô ích. Hãy nhớ rằng, lúc sống bình yên không quên ngày sóng gió mới có thể trong nguy nan mà tâm không loạn. Ý chí mạnh hơn kiến thức. Bạn đã từng suy nghĩ qua, bắt tay vào làm từ việc nhỏ, làm cho thật tốt, đó chẳng phải làm nền tảng cho cuộc sống sao?

Bài học thứ 10: Sức mạnh của việc sắp xếp hợp lý. Gia Cát Lượng viết cho con cháu một bức thư đơn giản chỉ với 86 chữ nhưng nội hàm giáo dục lại bác đại tinh thâm. Tôi tin rằng càng đơn giản thì càng nói rõ được nội hàm. Dài dòng văn tự càng khiến người đọc chán ngán. Vì thế càng ngắn càng đơn giản càng tốt. Bạn có biết bản chất của truyền tải thông tin là gì?

San San biên dịch (ĐKN)
Nhớ Ông Gia Cát
Ba anh em kết nghĩa Lưu Bị (Liu Bei, trái), Quan Công (Guan Yu, đứng sau) và Trương Phi (Zhang Fei đứng trước) en.wikipedia.org

Người Việt chúng ta, vào lớp tuổi không còn son trẻ như tôi, phần đông ai cũng biết truyện Tam Quốc hay ít ra cũng được nghe nhắc tới các nhân vật Lưu Bị nhân đức, Quan Công trung nghĩa, Võ-hương hầu (thường gọi tắt là Võ hầu) Gia Cát Lượng tức Khổng Minh vừa tài giỏi vừa tận trung với chúa... Chuyện Lưu Bị, Quan Công xin để bàn một dịp khác, bài này dành cho nhân vật xuất chúng Khổng Minh.

Đọc Tam Quốc chỉ hấp dẫn từ khi Khổng Minh xuất hiện tới sau khi Khổng Minh đã chết mà còn để lại mưu kế giết Ngụy Diên, đánh đuổi được Tư Mã Ý ("Tử Gia Cát năng tẩu sinh Trọng Đạt"). Khổng Minh quả thật là con người thông minh tài giỏi, tinh thông thiên văn địa lý, biết phù phép sai khiến thần lục, đinh lục giáp, chế được trâu gỗ, ngựa máy biết chạy, nỏ liên hoàn bắn mười phát một lúc (1), bày bát trận đồ... chưa ra khỏi lều tranh đã biết "thiên hạ" (Tam Quốc) tất sẽ chia ba thế chân vạc, vận trù quốc sách ít khi sơ hở, những lần Khổng Minh thất bại đếm được trên dầu ngón tay.

Gia Cát Lượng (Zhūge Liàng, 诸葛亮)

- Bạch Cư Dị (772 - 846) có thơ ca tụng Khổng Minh:
Vịnh Vũ hầu
Tiên sinh hối tích ngọa sơn lâm,
Tam cố na phùng hiền chủ tầm.
Ngư đạo Nam dương phương đắc thủy,
Long phi thiên ngoại tiện vi lâm.
Thác cô ký tận ân cần lễ,
Báo quốc hoàn khuynh trung nghĩa tâm.
Tiền hậu xuất sư vi biểu tại,
Linh nhân nhất lãm lệ triêm khâm.

Dịch:
Tiên sinh náu tiếng chốn sơn lâm,
Hiền chúa ân cần muốn tới thăm.
Cá đến Nam dương rào nước quẫy,
Rồng bay Tây Thục đổ mưa rầm.
Xụt xùi giọt ngọc trao con đỏ,
Gắng gỏi lòng son trả nghĩa thâm.
Hai biểu xuất sư còn để lại, 
Khiến người coi thấy lệ đầm đầm. (2)

- Không phải chỉ con cháu Khổng Tử mới sùng bái mà cả con cháu hờ ở Việt Nam cũng không thiếu gì người tấm tắc khen Khổng Minh.

Thi sĩ Tản Đà (1889-1939) từng làm thơ tỏ lòng hâm mộ Vũ hầu:
Nhớ ông Gia Cát sáu lần ra Kỳ sơn (3)
Mưỡu:
Ngồi buồn nhớ chuyện người xưa,
Nhớ ông Gia Cát bây giờ nơi nao ?
Sáu phen Bắc phạt họ Tào,
Kỳ sơn chí khí, anh hào nghìn thu.

Nói:
Lục xuất Kỳ sơn Gia Cát Lượng,
Tấm trung trinh treo sáng cõi nhân hoàn.
Biểu xuất sư hòa lệ chứa chan,
Bao xiết nghĩ giang san cùng ấu chúa.
Thành, bại, hưng, vong, nguyên hữu số,
Tranh hùng cát cứ khả do nhân (4).
Cuộc trần ai còn sức kinh luân (5),
Sao đã chịu "tam phân hình đỉnh túc" (6) ?
Anh hùng tự cổ nan tri túc,
Kể làm chi vinh, nhục, nghĩa hư vô ?
Diệt Tào rồi sẽ thôn Ngô.

- Trước Tản Đà còn có nhiều người nữa, thí dụ Phạm Ngũ Lão (1255-1320), tướng giỏi của Trần Hưng Đạo, nổi tiếng văn võ toàn tài, cũng có thơ ca ngợi Gia Cát Khổng Minh:

Thuật hoài 
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa :
Thuật nỗi lòng
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như gấu hổ, át cả sao Ngưu.
Thân nam nhi nếu chưa trả xong nợ công danh,
Ắt thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu. (7)

Tuy nhiên, những ai đã phục Khổng Minh chắc đọc Tam Quốc cũng thấy có đôi điều thắc mắc, chẳng hạn về vụ "Hoa dung tiểu lộ" và về vấn đề gia đình vợ con của Khổng Minh.

1- Hoa dung tiểu lộ (hồi 50)

Cái con người tài giỏi "liệu việc như thần", tận trung tận lực với chúa cho đến chết, ai ai cũng phục như thế mà để xảy ra vụ Hoa dung tiểu lộ khiến người ta không sao hiểu nổi.

Nguyên khi ở Hạ khẩu, Khổng Minh biết trước Tào Tháo đại bại ở Xích-bích tất trốn qua Hoa dung tiểu lộ (đường chạy đến Hoa dung, nhỏ hẹp, gồ ghề khó di nhưng gần được 50 dặm so với đường lớn phẳng phiu) nên đặt quân mai phục, thế nhưng lại đặt Quan Công vào chỗ ấy khiến cho Tào Tháo vẫn chạy thoát vì Quan Công nhớ tới ân nghĩa Tào Tháo xưa kia đối với mình nên tha cho chạy đi.

Lưu Bị đã nói ngay với Khổng Minh là sợ Quan Công nghĩa khí tất sẽ tha Tào Tháo thì Khổng Minh thưa: "Tôi xem thiên văn, biết số Tào Tháo chưa chết nên mới để mối tình nghĩa ấy cho Vân Trường làm". Đến đứa trẻ con cũng nghĩ được rằng nếu Khổng Minh đặt Trương Phi hay Triệu Tử Long ở Hoa dung tiểu lộ thì Tào Tháo tất không còn đất sống, sao không làm?

Khổng Minh giải thích là xem thiên văn biết số Tào Tháo chưa chết, đấy là nói thác, xưa nay Khổng Minh không phải là con người chịu khuất phục trước số mệnh, bằng cớ:
- biết vận nhà Hán đã hết mà còn cố "lục xuất Kỳ sơn" và "thất cầm Mạnh Hoạch" (8) để mong khôi phục nhà Hán.

- Tại gò Ngũ-phượng, Khổng Minh biết mình sắp tận số nhưng cũng cứ làm lễ dâng sao giải nạn để xin thêm tuổi thọ.

- Khổng Minh giỏi thiên văn hẳn đã rõ cha con Tư Mã Ý chưa hết số thế sao vẫn cứ nổi lửa ở hang Thượng-phương toan hun chết cha con Tư Mã Ý để rồi khi trời nổi trận mưa "bất ngờ" như trút, dập tắt lửa, Khổng Minh quẳng chén rượu xuống đất than: "Lòng người muốn như thế nhưng ý Trời là thế" ("Nhân nguyện như thử, thiên ý vị nhiên").

Khổng Minh biết Quan Công ắt tha Tào Tháo mà vẫn cắt đặt ở Hoa dung tiểu lộ rồi nói là vì biết Tào Tháo chưa đến ngày tận số, đấy là nói thác. Khổng Minh đã không phải con người chịu khuất phục trước số mệnh thì tha Tào Tháo ở Hoa dung tiểu lộ phải có ý nghĩa khác, chứ không phải vì tin số mệnh, càng không phải vì sơ xuất hay vụng tính. Có thể chỉ vì những lý do sau đây:

a- Thuyết chia ba chân vạc
- Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh đã định rằng trong tương lai Trung quốc tất sẽ chia ba thế chân vạc. Để Tào Tháo sống thì mới duy trì được thế chân vạc, giết Tào Tháo thì hạ Tôn Quyền dễ như trở bàn tay, chẳng hóa ra thuyết chia ba thiên hạ của Khổng Minh sai lầm hay sao?

b- Củng cố uy quyền
- Khổng Minh tha Tào Tháo dễ dàng vì coi là Tào Tháo nằm trong tay mình, muốn bắt lúc nào cũng được. Khi ấy Khổng Minh mới ra giúp Lưu Bị, chư tướng, kể cả Quan Công, chưa ai biết tài, chưa tâm phục, vì thế khi cắt đặt các tướng ra trận, Khổng Minh cố ý lờ Quan Công khiến Quan Công phải tình nguyện xin đi và lập quân lệnh trạng hễ tha Tào Tháo thì chịu tội. Việc Quan Công sẽ tha Tào Tháo nằm trong dự liệu của Khổng Minh, lập quân lệnh trạng là để có thể trị Quan Công một cách "danh chính ngôn thuận", trị được Quan Công tức cũng là khuất phục được chư tướng, củng cố uy tín của mình. Quan Công chỉ là quân cờ trong tay Khổng Minh. Nếu cho Quan Công mai phục ở chỗ khác thì Quan Công vẫn có dịp trả ơn Tào Tháo, nhưng tội Quan Công chưa đủ nặng bởi Tào Tháo sẽ vẫn bị tướng khác bắt tại Hoa dung tiểu lộ. Tội không đủ nặng thì hình phạt không thể quá nghiêm khắc, uy tín của Khổng Minh cũng giảm.

c- Phô tài
- Khổng Minh mới ra giúp Lưu Bị chưa có dịp trổ hết tài năng. Tào Tháo là tướng giỏi, đáng kể là "kỳ phùng địch thủ", tuy đủ thông minh để hiểu thấm thía những nước cờ hay nhưng chưa đủ tài trí để tránh né hết những mưu mẹo của Khổng Minh. Đặt mưu kế lừa được Tào Tháo mới thích chứ lừa được những tướng tầm thường thì không có gì là thú vị. Để Tào Tháo sống là còn có dịp phô trương tài nghệ phi thường của mình.

d- Phòng thân

- Gấp rút diệt Tào Tháo, dẹp xong ngay Tôn Quyền để làm gì? "Bình thiên hạ" rồi chắc gì Lưu Bị còn trọng vọng?
Tục ngữ có câu "Địch quốc phá, mưu thần vong". 

Tào Tháo có nhận biết Lưu Bị là gian hùng ("Anh hùng trong thiên hạ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi") thế thì Khổng Minh ở sát bên cạnh đời nào lại không nhìn rõ bụng dạ Lưu Bị?

Khi sắp chết Lưu Bị đã thử lòng, và có thể là chặn trước Khổng Minh, với những "lời "tâm phúc" khiến Khổng Minh sợ toát mồ hôi:

"... (Lưu Bị) một tay gạt nước mắt, một tay cầm tay Khổng Minh mà nói:'Tài Thừa tướng gấp mười Tào Phi (con Tào Tháo) tất yên định được nhà nước, làm nên việc to. Đối với con trẫm, có thể giúp được thì giúp, bằng không thì ngươi nên làm chủ Thành đô đi'. Khổng Minh nghe nói rụng rời, mồ hôi đổ ra khắp mình (...) rập đầu xuống đất, máu chẩy đầy mặt" (hồi 85).

Khổng Minh không muốn lên ngôi thì thôi, việc gì phải sợ hãi đến toát mồ hôi khắp mình, vập đầu đến chẩy máu, phải chăng vì không ngờ Lưu Bị nhìn rõ ruột gan mình?

Khổng Minh thừa hiểu mình muốn chiếm ngôi dễ như chơi nhưng là người nhìn xa thấy rộng, biết rằng mình đã nắm trọn binh quyền trong tay, có lên ngôi cũng chỉ đem lại cái hư danh, không hơn gì.

Khổng Minh rõ Lưu Bị chẳng tin gì mình tất có nghĩ sẵn mưu đối phó với mình nếu mình tỏ ra có ý khác. Cho nên Khổng Minh từ chối là vì muốn còn đất sống để thi thố tài năng trong vòng luân lý phong kiến: thà trung với Hán mà nắm quyền hành, tha hồ thao túng, "nhà Hán" sẽ làm bia đỡ đạn, còn hơn cướp ngôi báu, quyền hành chẳng hơn mà lại mang tiếng xấu muôn đời sỉ tiếu. Tha Tào Tháo là duy tri thế chân vạc nhưng cũng là để tự cứu mình, Lưu Bị còn cần thì quyết chưa giết Khổng Minh.

e- Hiền thần
- Tào Tháo càng tỏ ra gian ác, càng phản phúc thì vai trò "hiền thần" của Khổng Minh càng nổi bật lên chứ Khổng Minh cũng nhiều thủ đoạn không kém gì Tào Tháo:
- Lừa cha con Lưu Biểu để cướp Kinh châu.
- Lật lọng với anh là Gia Cát Cẩn và Chu Du cũng để giữ Kinh châu.
- "Thất cầm Mạnh Hoạch" quân sĩ cực khổ, chết như rạ, thế mà vừa dẹp xong lại lăm le Bắc tiến "Lục xuất Kỳ sơn", muốn diệt Ngụy ngay để tỏ mình hết lòng với nhà Hán.

Lần cất quân thứ sáu, Tiên Chu phải can, mà can toàn bằng giọng lưỡi của Khổng Minh thường dùng: quân sĩ mỏi mệt, xem thiên văn thấy vượng khí ở phương Bắc, ra quân bất lợi... "Thừa tướng cũng giỏi thiên văn, cớ sao lại làm việc miễn cưỡng..." thế nhưng Khổng Minh lại cãi: "Đạo Trời biến đổi bất thường, không nên cố chấp".

Rõ ràng khi muốn Quan Công tha Tào Tháo ở Hoa dung tiểu lộ thì Khổng Minh viện thuyết số mệnh, bây giờ muốn cất quân thì lại nói ngược lại vì "đạo Trời biến đổi...", Trời biến đổi khéo sao lại phù hợp với ý muốn của Khổng Minh! Có khác gì nói "Khổng Minh muốn là Trời muốn". Giá trước kia giết ngay Tào Tháo ở Hoa dung tiểu lộ thì việc gì phải khó nhọc đánh dẹp sau này tới sáu lần ra Kỳ sơn mà vẫn không xong?

Tản Đà có lẽ cũng nhận rõ phần nào tính "hiếu chiến" của Khổng Minh khi viết:
Cuộc trần ai còn sức kinh luân,
Sao đã chịu "tam phân hình đỉnh túc" ?

Khổng Minh không phải là hiền thần, vì muốn trổ tài nên không dung được Bàng Thống và Chu Du (Chu Du) mặc dầu Bàng Thống cùng với Khổng Minh đều tôn phò Lưu Bị, còn Chu Du phò Tôn Quyền (Tôn Quyền) nhưng Thục (Lưu Bị) và Đông Ngô (Tôn Quyền) thường liên kết với nhau để chống Tào Tháo thì Chu Du cũng kể là một phe với Khổng Minh, thế mà Khổng Minh lại không dung cả hai.

Bàng Thống - Khổng Minh đã có địa vị vững vàng bên Lưu Bị rồi thì Bàng Thống mới xuất hiện. Nếu Khổng Minh thực tâm muốn cho nhà Hán chóng khôi phục Trung nguyên thì phải hết lòng tiến cử hiền tài cho Lưu Bị. Chỉ vì Khổng Minh sợ Bàng Thống không cướp thì cũng chia sẻ quyền hành với mình -Bàng Thống được người đời liệt ngang tài với Khổng Minh, một bên là rồng ("Phục Long" tức Khổng Minh), một bên là phượng ("Phụng Sồ" tức Bàng Thống)- nên đáng lẽ viết thư tiến cử Bàng Thống rồi sai người chạy ngựa lưu tinh dâng thẳng cho Lưu Bị thì lại đưa thư cho Bàng Thống bảo đem dâng Lưu Bị khi ra mắt, biết rằng Bàng Thống kiêu ngạo chắc không đưa thư, mong Lưu Bị nhận ra giá trị mình. Khổng Minh lại biết Lưu Bị là ngươi ưa bề ngoài, thấy Bàng Thống xấu xí tất không đẹp lòng, không trọng đãi. Thế là Bàng Thống đành tạm nhận một chức thấp kém để chờ ngày Lưu Bị "tỉnh ngộ", sau nhờ Trương Phi điều tra ra tài của Bàng Thống nên Bàng Thống mới được cất nhắc lên chỗ xứng đáng hơn, tức ngang hàng với Khổng Minh (điều này thì Khổng Minh không ngờ tới bới xưa nay Trương Phi nổi tiếng là người thô lỗ vô mưu).

Bàng Thống được trọng dụng rồi, nóng lòng muốn phô trương tài nghệ, cất quân đến gò Lạc-phượng thì bị mai phục mà chết. Khổng Minh biết Bàng Thống tất chết (đã "liệu việc như thần" thì còn có gì qua mắt Khổng Minh?) nhưng lại không tìm cách ngăn cản. Bàng Thống chết thì Lưu Bị mất một người phò tá giỏi nhưng Khổng Minh giữ trọn quyền chính.

Chu Du - Chu Du thường bị phê phán là hẹp bụng, ganh tài với Khổng Minh, thấy Khổng Minh tài trí hơn mình thì ghen ghét, tức giận mà chết. Thực ra thì chính Khổng Minh mới không dung Chu Du bởi Chu Du tận trung với Tôn Quyền, không dễ thao túng. Mặt khác, Khổng Minh quỷ quyệt hơn, đã chọc cho Chu Du uất lên mà chết, lại giả vờ tế lễ khóc lóc, khôn khéo đổ hết lỗi lên đầu Chu Du, bịt mắt thiên hạ. Khổng Minh không dung Chu Du cũng như không dung Bàng Thống vì quyền lợi riêng, còn Tào Tháo tuy thuộc phe địch nhưng buông tha Tào Tháo lại có lợi cho Khổng Minh.

Tóm lại, Khổng Minh tài giỏi thì có nhưng có là "hiền thần" hết lòng vì Lưu Bị và nhà Hán thì còn phải xét lại. Tản Đà đinh ninh Khổng Minh tận tuỵ với nhà Hán nên mới viết:
Diệt Tào rồi sẽ thôn Ngô.

Nhưng thử hỏi tại sao Khổng Minh có cơ hội diệt Tào chóng vánh ở Hoa dung tiểu lộ lại không làm?

2- Vợ con
a- Phu nhân
- Trước hết ai cũng biết Khổng Minh trẻ tuổi, "mặt đẹp như ngọc, hình dung thanh thoát như tiên" (hồi 38) lại thông minh tài trí hơn đời, tại sao nhất định xin cưới một người đàn bà nổi tiếng xấu xí lấy cớ vì phục là người thông minh tài giỏi? Thiếu gì người vừa đẹp vừa thông minh giỏi giang -Khổng Minh là một điển hình- vậy thì chỉ có thể là đối với Khổng Minh đàn bà đẹp xấu không quan hệ, Khổng Minh không tha thiết cho lắm. Tuy nhiên, nếu ưa chuộng vợ vì thông minh tài giỏi thế sao không bao giờ thấy Khổng Minh, những khi vận trù quốc sách, "vấn kế" hay có một hành động gì tỏ ra thực sự trọng cái thông minh giỏi giang của vợ?

Thúy Kiều chỉ nổi tiếng nhất về sắc ("Sắc đành có một...") mà còn được Từ Hải mời dự bàn quân cơ. Cứ cho là Khổng Minh kín đáo "vấn kế" phu nhân không ai biết thế nhưng tại sao không bao giờ đoái hoài tới con là Gia Cát Chiêm, cháu là Gia Cát Thượng?

b- Gia Cát Chiêm
- Người ta chỉ thấy Khổng Minh cất nhắc con của Quan Công, con của Trương Phi... không bao giờ săn sóc đến con đẻ, tại sao? Phải chăng vì Khổng Minh thấy con mình quá ngu đần?

Thói thường bố mẹ cùng thông minh tuyệt đỉnh thì đẻ con ra, trừ trường hợp đặc biệt, con cái dù không xuất chúng cũng không đến nỗi quá ngu độn, vậy có phải vì Gia Cát Chiêm ngu si quá đến nỗi Khổng Minh tuyệt vọng không thiết dạy dỗ?

Ta thấy Chiêm chỉ xuất hiện sau khi Khổng Minh chết, lúc Thành đô đang bị nguy khốn khiến Hậu chủ phải ba lần xuống chiếu vời vào triều nghị sự, điều này ít ra cũng chứng tỏ Chiêm không mang tiếng quá ngu đần. Vậy thì từ khi sinh ra Chiêm đã có những thành tích gì?

Theo Tam Quốc (hồi 117) thì Chiêm "thông minh từ nhỏ... lấy con Hậu chủ, làm Phò mã đô uý, sau tập tước cha làm Võ-hương hầu, rồi thăng làm Hành quân hộ vệ tướng quân, sau thác bệnh ở nhà hưu dưỡng" có nghĩa là cho tới khi về hưu gần như Chiêm chỉ có hư vị chứ không có trọng trách gì. Chiêm chỉ thực sự được giao binh quyền khi Thành đô nguy ngặp, không người đấu trí được với Đặng Ngải.

Lần đầu giáp chiến, Chiêm bầy Bát trận và đem tượng Khổng Minh ra dọa khiến tướng Ngụy tưởng Khổng Minh còn sống, bở vía chạy dài, Chiêm toàn thắng. Lần thứ hai không cần dựa hơi cha (đem tượng ra) Chiêm cũng lại thắng nữa, tỏ ra cũng biết bầy mưu kế khiến Đặng Ngải phải than: "Gia Cát Chiêm nối được chí cha, ta không trừ cho sớm tất sinh vạ lớn". Đặng Ngải chỉ đánh hai trận cũng nhận ra Chiêm không ngu sao Khổng Minh lại coi thường con mình, không bao giờ đếm xỉa đến, lại đi tìm người ngoài để truyền sở học?

c- Gia Cát Thượng

- Con của Chiêm là Gia Cát Thượng "19 tuổi, võ nghệ cũng giỏi, xem binh thư nhiều" thế mà cũng không được Khổng Minh lưu ý tới. Khi Chiêm cầm quân giao chiến lần đầu và đại thắng thì Thượng làm Tiên phong, lần thứ hai "Thượng một ngựa một thương đánh giạt hai tướng Ngụy, Chiêm thúc hai cánh quân đánh vào trại Ngụy, quân Ngụy chết không biết bao nhiêu mà kể". Giao chiến lần thứ ba hai cha con mới chết trận. Thế thì con cháu của Khổng Minh dù cho không là thần đồng cũng không thuộc hạng ngu si thế mà Khổng Minh không truyền dạy sở học cho con cháu là tại sao? Tại mảng lo việc nước nên không có thì giờ nghĩ đến việc dạy dỗ con cái? Thế còn phu nhân "lắm tài lạ, thông hiểu thiên văn địa lý, thuộc lầu lầu các sách thao lược độn giáp, Võ hầu giỏi cũng nhiều điều nhờ phu nhân giúp đỡ" lại không gíúp Khổng Minh dạy con được hay sao? Rõ ràng Khổng Minh không đếm xỉa đến con cháu nên khi Khương Duy đầu hàng mới thốt: "Ta từ khi ra khỏi lều tranh muốn tìm một hiền giả để truyền cái nghề cũ của ta nhưng vẫn ân hận chưa gặp được ai. Nay gặp Bá Ước ta thực thỏa lòng lắm" (hồi 93). Khổng Minh cho là con cháu mình không đủ tài trí để truyền nghề, thế nhưng Gia Cát Chiêm dẫu bị cha xao lãng, không dạy dỗ mà còn thắng được tướng giỏi Đặng Ngải hai trận, giết hơn một vạn quân Ngụy, nếu được dạy dỗ tử tế hẳn hoi biết đâu Chiêm không thành được tướng tài, ít ra cũng bằng Khương Duy? Khương Duy cũng giỏi nhưng không phải "bách chiến bách thắng", có sở học của Khổng Minh trong tay mà cuối cùng vẫn thua liểng xiểng, chết bị moi gan mật. Con cháu thông minh sẵn có trong nhà sao lại "đi cầu Thích Ca ngoài đường"?
Mặt khác, Khổng Minh là người giỏi thiên văn, thuật số, hẳn biết Khương Duy mệnh yểu, cái học của mình có thể sẽ mai một với cái chết của Khương Bá Ước, biết thế mà vẫn cứ cố truyền dạy cho Khương Duy chứ không truyền cho con là vì sao? "Muốn lưu lại sở học" không còn lý do đứng vững.

Tư Mã Ý - Chu Du, Bàng Thống, Tào Tháo đều đã chết, còn lại Tư Mã Ý xứng đáng cho Khổng Minh chú ý và kiêng dè, Khổng Minh phải dùng đến trâu gỗ ngựa máy mới thắng nổi... (hồi 103-4). Muốn khích cho Tư Mã Ý ra quân chứ đừng đóng cửa thành cố thủ, thiếu gì cách lại đem khăn yếm đến tặng Tư Mã Ý, lấy cớ là chế giễu Tư Mã Ý hèn nhát như đàn bà? Tại sao những trường hợp khác, gặp tướng cố thủ trong thành không ra thì Khổng Minh không tặng khăn yếm?

Khổng Minh tặng khăn yếm để khích, các tướng Ngụy mắc mưu nổi giận đòi đánh nhưng Tư Mã Ý nhìn rõ bụng Khổng Minh, không sợ Khổng Minh khích, chịu nhận khăn yếm, lại còn trọng đãi sứ giả, nhân đó hỏi thăm chuyện Khổng Minh ăn ngủ, công việc nhiều ít ra sao, khi nghe nói rõ tình hình thì bình rằng: "Khổng Minh ăn ít, làm nhiều, sống lâu sao được?".

Khổng Minh khen:"Tư Mã Ý thực rõ ý ta". Ấy là Khổng Minh vốn đã phục tài Tư Mã Ý lại thấy Tư Mã Ý hiểu mình càng có bụng mến. Tặng khăn yếm để khích có thể chỉ là một nửa sự thật? Khổng Minh quả chỉ coi Tư Mã Ý là đàn bà? Hành động này kỳ quái cũng tựa như Khổng Minh chọn vợ xấu mà lại khen Chu Du "đẹp traì", không dạy con đẻ mà lại "thỏa nguyện" đem sở học truyền cho Khương Duy. Khổng Minh có "bất bình thường" không?

Tóm lại, Khổng Minh đúng là một thiên tài, nhưng "thiên tài" là do Trời phú cho chúng ta không bắt chước được, còn những hành vi của Khổng Minh lại mập mờ như thế, liệu chúng ta có phải " thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu" ?

Nguyễn Thị Chân Quỳnh
Châtenay-Malabry, tháng 11, 2003

Đền thờ Khổng Minh

CHÚ THÍCH
1- Theo truyền thuyết Việt Nam thì Thục An Dương Vương (257-207 tr. TL) đã được thần Kim quy cho một cái móng làm lẫy nỏ, bắn một phát chết hàng vạn người. Tuy là truyền thuyết nhưng năm 1959 các nhà khảo cổ đã khai quật được hàng vạn mũi tên đồng ở Cổ Loa, chứng tỏ chuyện nỏ thần không phải là không có cơ sở. Khổng Minh (181-234) sống sau An Dương Vương mấy thế kỷ thì không phải là người đầu tiên nghĩ ra nỏ liên hoàn.

2- Bạch Cư Dị nổi tiếng thời Thịnh Đường với những bài thơ "Tỳ bà hành", "Trường hận ca"...
Bài thơ khen Khổng Minh trích theo Tam Quốc hồi 104, bản dịch của Phan Kế Bính, song chỉ có bản dịch ra quốc ngữ, không có phần chữ Hán. Bản chữ Hán trên đây trích trong Đường Thi Trích Dịch của Đỗ Bằng Đoàn.

3- Tản Đà Vận Văn, I I, tr. 113-4.
"Lục xuất Kỳ sơn = sáu lần Khổng Minh đem quân ra Kỳ sơn đánh Tào Tháo để mong khôi phục Trung nguyên. 

4- "Tranh hùng cát cứ" = dùng sức mạnh chia cắt bờ cõi, giữ địa vị anh hùng.

5- "kinh luân" = đem tài trí ra xoay xỏa. 

6- "đỉnh" = vạc ba chân, "đỉnh túc" = chân vạc.

7- Phạm Ngũ Lão có công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông và là con rể Trần quốc Tuấn. 
"Thuật hoài", Thơ Văn Lý Trần, tr. 562-3, trích theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.

8- "Thất cầm Mạnh Hoạch" = bẩy lần bắt được Mạnh Hoạch lại tha để Mạnh Hoạch phải tâm phục mới bình được phương Nam. Vừa dẹp xong Mạnh Hoạch lại dâng biểu xin đánh Ngụy, viện cớ nghe tin Tư Mã Ý vừa bị Tào Tuấn cách chức, phải nắm lấy cơ hội tốt bởi Khổng Minh "chỉ ngại Tư Mã Ý cầm quân".

SÁCH DẪN

Đỗ Bằng Đoàn, Đường Thi Trích Dịch, Tủ sách Hoa Xưa, không rõ năm.
La Quán Trung, Tam Quốc. Dịch giả Phan Kế Bính, Hà nội : Phổ Thông, 1960.
Tản Đà Vận Văn, I I. Paris : Institut d'Asie du Sud Est, 1986.
Thơ Văn Lý Trần. Hà nội : KHXH, 1989.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét