NỖI BUỒN LỚN NHẤT CỦA TUỔI GIÀ
Câu chuyện của một người con: "Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi hướng dẫn cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho mẹ những chức năng cơ bản, rồi bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc.
Lát sau mẹ vào, hỏi lại về một tính năng của điện thoại, tôi chỉ lại cho mẹ.
Thế rồi khi tôi đang xoay xở với một đống việc, mẹ tôi lại vào hỏi tiếp... Sau cùng, bà than rằng điện thoại mới phức tạp quá, không thể dùng được.
Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang mấy lần khiến tôi bực dọc. Tôi gắt lên với mẹ.
Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: "Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ". "Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được", tôi sốt ruột đáp.
Khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: "Con à, mẹ đã già mau quên. Đôi khi mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Con đừng trách mẹ”.
Dòng tin nhắn của mẹ làm tôi cay mắt. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Mẹ sợ làm phiền và sợ tôi cáu gắt.
Những ngày sau đó, mẹ không hỏi tôi về điện thoại nữa. Tự bà mày mò một cách kiên nhẫn, khó nhọc...”.
Thái độ trên của người con đã vô tình gửi đến cho người mẹ một thông điệp: Mẹ đã già rồi, đang dần trở nên lẩm cẩm, phiền hà, vô dụng...
Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi già yếu, chính là buộc phải trở nên "thận trọng" hơn với con mình.
Thủa ấu thơ, trong mắt trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho đứa con.
Nhưng đến một ngày, những "ngọn núi" ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi bố mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con.
Lý do đơn giản, tuổi tác khiến họ dễ tổn thương; trong khi con cái tự cho mình nhiều kiến thức hơn và dần xem thường cha mẹ.
Đó là một trong những nỗi buồn và cô đơn lớn nhất của tuổi già.
Đang ngồi họp, Vân được cho hay có điện thoại khẩn cấp. Chị vội đứng lên, về phòng. Bà hàng xóm nơi mẹ Vân đang ở, cho hay bà cụ vừa được đưa vào nhà thương. Bà cụ té ngã.
Vân vào cáo lỗi với ông chủ rồi xuống lấy xe lái vào bệnh viện thăm mẹ.
Trên đường đi, nàng dùng điện thoại di động báo cho Huân, chồng nàng hay. Huân hiện đang đi công tác ở miền miền Trung nước Mỹ, tuần sau mới về. Rồi suốt mười lăm phút lái xe, nàng suy nghĩ mung lung, với nhiều lo âu, bối rối. Sự việc mà nàng hằng nghĩ trước sau gì cũng xẩy ra, thì bây giờ nó đã đến, hơi sớm một chút.
Sau khi ba Vân mất cách đây dăm năm, mẹ Vân dọn về ở với vợ chồng nàng. Rồi sau một thời kỳ thích nghi với hoàn cảnh mới, nếp sống mới của người góa phụ, bà cụ dọn ra ở riêng.
Cụ tới khu người già trong khuôn viên chùa Linh Sơn. Cụ nói lên đây ở để đi lễ bái cho gần, lại có mấy cụ già quanh quẩn với nhau cho vui. Nhất là có hai người bạn học từ thuở xưa ở Hải Phòng, mà họ thường hay liên lạc chuyện trò.
Khu người già được lập ra từ hơn mười năm, có 40 phòng, dành cho các cụ độc thân, còn đủ sức khỏe, đi lại được, còn tự chăm sóc nấu ăn, giặt giũ. Các cụ sống hợp quần với nhau rất vui. Ngày ngày các cụ lên Chùa lễ bái, tụng kinh rồi làm công quả. Lâu lâu nhà Chùa tổ chức đi thăm viếng đây đó hoặc đi lễ hội Chùa tại thành phố khác. Đôi khi trời mưa, các cụ ở nhà rủ nhau làm vài hội chắn hoặc bài cào để tiêu khiển giải trí.
Nhưng từ trong thâm tâm thì cụ không muốn phiền con cháu quá lâu. Từ trước tới nay cụ là người rất hoạt động, phải nói là đảm đang nữa. Cùng chồng, cụ đã đôn đáo tìm đường thoát khỏi Sài Gòn vào biến cố 1975, rồi nuôi nấng, gây dựng cho sáu mặt con từ khi còn ở trong nước tới khi sang Hoa Kỳ hơn ba chục năm nay. Cháu nội ngoai các cụ có hơn một tá.
Mọi việc xuôi sẻ cho đến ngày hôm nay.
Thực ra thì từ năm ngoái, cụ đã không được khỏe lắm. Huyết áp lên cao, các khớp xương thì mỗi khi trái gió, trở trời là đau nhức, khiến cụ mất ngủ. Có đêm, cụ chỉ ngủ được có vài ba giờ, nên ban ngày mệt và hay kêu chóng mặt, nhức đầu.
Cách đây ba tuần cụ phải nằm bệnh viện mất mươi ngày vì sưng phổi. Sau khi xuất viện, vợ chồng Vân muốn mời cụ về ở chung một thời gian cho khỏe nhưng cụ một mực từ chối, nói không sao. Vân đã cho anh chị em biết về tình trạng sức khỏe của cụ và mọi người dự định là tháng tới sẽ về để cùng thảo luận coi xem nên làm gì.
Tới bệnh viện, Vân được cô y tá cho hay tự sự.
Số là sáng nay, mấy ông bà hàng xóm sang rủ cụ lên Chùa tụng niệm, như lệ thường. Gõ cửa không có tiếng trả lời, một lão ông bèn đẩy cửa bước vào và thấy mẹ Vân nằm song soài dưới đất, cạnh bàn điện thoại, nét mặt nhăn nhó. Cụ sửa soạn lên Chùa thì bị một cơn chóng mặt, xỉu đi và ngã xuống nền nhà. Cụ cố với tay tới điện thoai để kêu cứu, nhưng đau quá, không lết thêm được.
Bác sĩ đã khám, chụp hình thì thấy cụ bị gẫy xương hông. Cụ hiện đang nằm trong phòng cấp cứu. Bác sĩ chờ thân nhân tới để thảo luận vì cụ cần được giải phẫu.
Vân vào phòng, thấy mẹ nằm thiu thiu mà nước mắt trào ra. Da mặt bà cụ xanh nhợt, vẫn còn phảng phất nét đau đớn. Vân nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, để mẹ tiếp tục ngủ. Nhìn mẹ mà lòng vân bối rối. Cả trăm vấn đề hiện lên trong đầu Vân. Sau giải phẫu, mẹ sẽ ra sao? Liệu có đi lại được không? Huyết áp cao, bệnh phong thấp hoành hành, lại mất ngủ thì sức khỏe chắc là phải sa sút.
Mấy tháng trước, khi vợ chồng Vân đến thăm, thấy cụ cứ than là ăn không ngon miệng, nên đôi khi chẳng thèm nấu cơm, mà chỉ uống ly sữa, ăn miếng bánh khô cho khỏi đói bụng. Coi tủ lạnh, Vân thấy mấy món ăn thiu đã lên men. Vào buồng tắm thấy nước vặn bỏ quên không khóa. Vợ chồng Vân đã lo ngại...
Rồi Vân nghĩ tới hoàn cảnh của mình.
Trong sáu người con, Vân là người duy nhất ở gần mẹ. Mà bà cụ vẫn có cảm tình đặc biệt với Vân, nên trước sau cụ vẫn nói là mai mốt nếu cần “tao chỉ ở với vợ chồng con Vân thôi. Nó bướng bỉnh nhưng có lòng”.
Vợ chồng Vân được hai trai một gái đã vào đại học nên cũng nhẹ gánh. Vân mới được lên chức và trong tương lai gần, sở sẽ cho nàng đi học thêm để lấy bằng chuyên môn. Vân đã sắp xếp như vậy cho mình. Chồng nàng thì cứ vài tháng phải đi công tác xa mươi ngày.
Bây giờ, cơ sự sẩy ra như thế này, mọi dự tính của Vân đều phải xét lại. Để chờ cụ giải phẫu xong rồi tuần sau anh chị em về sẽ tính. Nhưng Vân có linh tính rằng nàng sẽ là người đứng mũi chịu sào. Mẹ mình vẫn muốn vậy, nàng tự nhủ.
Bà cụ chợt tỉnh giấc, mở mắt. Nhìn thấy Vân, Cụ gượng cười. Và trong đôi mắt của mẹ, Vân đọc thấy những nét thất vọng, sợ hãi, chịu thua...
Trường hợp của chị Vân là một trong cả trăm ngàn trường hợp tương tự.
Tuổi thọ con người kéo dài lâu hơn, tới 75, 80 là chuyện thường. Chứ không “Thất thập cổ lai hy” như vào thế kỷ trước. Số những người cao tuổi mỗi ngày mỗi gia tăng. Sức khỏe người già có khá hơn nhờ các cụ biết giữ gìn nếp sống cũng như được cung cấp dịch vụ y tế, thuốc men đầy đủ.
Nhưng một cơ thể lâu đời vẫn có những thay đổi tự nhiên theo chiều đi xuống cộng thêm những bệnh kinh niên, những tai nạn bất ngờ, với hồi phục chậm chạp. Biết bao nhiêu mất mát đã chồng chất lên niên kỷ, những xói mòn làm mong manh thân xác.
Dù vậy nhiều người già vẫn gắng gượng tự lo, chưa muốn phụ thuộc vào các con. Họ cũng có những kiêu hãnh riêng tư, những niềm tự trọng, đôi khi cũng chỉ e ngại “cảnh cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày ”. Nhưng sức gắng gượng chỉ có hạn, rồi một ngày nào đó cũng yếu đi. Như căn nhà tranh vách đất trước gió bão, cần được chống đỡ.
Và cũng là lúc con cái phải suy nghĩ, xem ai sẽ là người lãnh trách nhiệm. Chắc phải là người có thiện chí, có điều kiện, khả năng và hoàn cảnh thuận tiện.
Phục vụ thân nhân cao tuổi là một vinh dự cho con cái đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều xã hội hiện nay. Tại Hoa Kỳ hiện nay có tới cả 40 triệu người cung cấp chăm sóc không lương cho cha mẹ già. Sự chăm sóc này ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều lãnh vực khác. Sẽ có nhiều người vắng mặt ở sở hoặc đi làm trễ; sẽ có dùng nhiều điên thoại để lấy hẹn bác sĩ, gọi mua thuốc. Nhiều nhân viên tới sở than phiền mỏi mệt mất ngủ. Tai nạn tại chỗ dễ sẩy ra. Thay đổi việc làm nhiều hơn. Và số người bị trầm cảm, đau ốm sẽ gia tăng.
Trong thực tế thì có rất ít gia đình đã sửa soạn để sẵn sàng giải quyết việc chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhiều việc xẩy đến bất thường, đòi hỏi có quyết định ngay.
Ông bố đang có sức khỏe tốt, đột nhiên bị tai biến não, liệt nửa thân, nằm bất động cần giúp đỡ với nhu cầu căn bản, thiết yếu hàng ngày: ăn uống, tắm rửa, đại tiểu tiện, cho uống thuốc...
Con dâu đang vừa đi làm vừa trông nom bà mẹ chồng, giờ đây con dâu cũng thường đau ốm. Ai là người sẽ lãnh trách nhiệm săn sóc ông bố? Ai sẽ tiếp tay với mình trông nom mẹ chồng?
Theo kinh nghiệm thì dù có nhiều anh chị em, nhưng trách nhiệm chăm sóc không đồng đều chia sẻ khi bố mẹ cần. Có thể là người con gái lớn với cả một bầy con hoặc cô út chưa đi ở riêng, hoặc nàng dâu nhà ở gần bố mẹ. Đôi khi là cậu con trai cưng. Nhưng thường ra thì chỉ có một người đóng vai chính, thường xuyên.
Nói như vậy không có nghĩa lã không có chia sẻ về tài chánh, về công việc chăm sóc mà qua người này mọi việc được giáo phó, phối hợp và thông báo cho người khác khi cần. Một tiểu gia đình cộng thêm hai cụ thân sinh. Thế hệ người chăm nuôi được ví như thế hệ của một chiếc “ bánh mì kẹp chả” , với trách nhiệm làm cha mẹ, bổn phận làm con và đời sống riêng tư của mình.
Nói đến người săn sóc thường thường là ta nghĩ đến vai trò của người phụ nữ: con gái, con dâu, chị em, cháu. Theo kết quả thăm dò tại Hoa Kỳ, cứ 10 người chăm sóc thì 6 người là con gái hoặc con dâu. Cũng chẳng ai hiểu tại sao. Có lẽ đó là thiên chức của họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhậy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, nhẫn nại, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Điều đó cũng đúng vì việc tề gia nội trợ, việc chăm sóc nâng niu thì cũng hiếm đàn ông làm hơn quý bà được.
Cho nên khi một bà cụ khoe “tôi ở với con trai” thì thực ra phải hiểu là bà cụ đang ở với con dâu mới công bằng, chính xác. Đàn ông cũng làm được công việc đó nhưng tổng quát hơn, sắp đặt nhiều hơn là đi vào chi tiết. Mà những chi tiết mới là điều mà người phụ thuộc cần và quan trọng đối với họ.
Người đàn bà có chín tháng mười ngày sửa soạn để đón chào đứa con ra đời, nhưng họ không có một phần mười thời gian đó để sẵn sàng cho trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ .Vì sự việc xẩy ra không lường trước.
Vả lại, nuôi con là thấy mỗi ngày chúng vươn ra khỏi vòng phụ thuộc, còn nuôi bố mẹ già thì nhu cầu giúp đỡ mỗi ngày mỗi tăng, mỗi đi sâu vào sự lệ thuộc. Nhiều người như bơi lội quay cuồng trong vai trò mới của mình. Kinh nghiệm chưa có, làm sao học được cách thức điều dưỡng trong vài ngày. Tài chánh giới hạn. Sức khỏe kém. Công việc trở ngại. Ngoài việc làm kiếm gạo, mỗi ngày cũng phải dành ra vài giờ cho việc săn sóc. Họ cảm thấy cô đơn, buồn chán, nhiều khi bực bội, bất mãn, tuyệt vọng. Không còn riêng tư cho mình. Tương lai như ngưng lại. Họ mủi lòng cho người thân, người mà bạn đường đã sớm bỏ ra đi, sức khỏe đang hao mòn và biết rằng đang là gánh nặng cho con cháu.
Tình nghĩa gia đình, lòng hiếu thảo, mặc cảm chịu ơn là những hỗ trợ để người chăm sóc tiếp tục. Họ nghĩ là có bổn phận phải chăm sóc cha mẹ như cha mẹ đã nuôi nấng, trìu mến họ.
Tuy nhiên dù có cứng nhưng cũng có ngày ngả nghiêng trước gió táp. Những chia xẻ trách nhiệm, những giúp đỡ từ anh chị em, thân nhân đã tới lúc cần có vì việc chăm sóc là trách nhiệm chung của cả gia đình.
Thường thì một người tình nguyện chăm sóc thường xuyên. Còn người khác phụ giúp khi được yêu cầu hay khi có cơ hội thuận tiện. Sắp xếp sao để tránh khỏi một người bị kiệt sức. Hoặc đưa tới bất hòa giữa anh chị em. Một người mẹ có thể chăm sóc cả bầy con mười đứa, nhưng khi cha mẹ già thì mười đứa con không chăm sóc được một mẹ. Kể cũng éo le, tội nghiệp.
Sau một thời gian cố gắng, người chăm nom bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Đôi khi họ cố tình gạt bỏ những nhu cầu riêng, quên những đau ốm cá nhân để lo cho người thân yêu. Có người từ chối sự tiếp tay của anh chị em hoặc bạn bè, nhóm hội. Họ cứ nghĩ có đủ sức làm mọi việc và nếu nhận sự tiếp tay là thú nhận thất bại, kém khả năng. Có người cho là chỉ có mình mới chăm sóc chu đáo, không tin ở người khác.
Để rồi kiệt sức, ngã bệnh. Thử tưởng tượng một người không có sức khỏe dồi dào, săn sóc một người không khỏe lắm, thì chắc kết quả cũng chẳng được mấy hoàn hảo, như ý muốn của đôi bên.
Theo mấy ông bà thống kê thì người cống hiến chăm sóc bị cao huyết áp gấp đôi người khác, 91% bị trầm cảm, bốn lần bực bội, cau có hơn người nhận. Họ bất mãn vì đã cố gắng hết mình mà tình trạng người thân mỗi ngày mỗi suy kém, nên họ phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc. Họ có cảm tưởng như mình là người duy nhất có thể trông nom chu đáo được cho người thân, luôn luôn e ngại rằng sự săn sóc của anh chị em sẽ làm cha mẹ già suy yếu hơn.
Đôi khi họ thấy không có được một thì giờ dành cho mình, một chút riêng tư với chồng con. Rồi tính tình thay đổi, hay cau có, bực tức, giận dỗi vu vơ; cảm thấy khó chịu với người mình đang trông nom, đã chẳng chịu hợp tác lại còn bướng bỉnh, đòi hỏi.
Lâu lâu họ thấy trong người mệt mỏi, ngủ không được. Nhiều sáng họ sợ không dám thức dậy, sợ phải đương đầu với những thường lệ mỗi ngày lại diễn ra.
Ngoài ra, dịch vụ chăm sóc cũng gây trở ngại cho công việc làm ăn, cho đời sống giao tế hàng ngày. Và đôi khi họ không còn thấy vui vẻ kiêu hãnh về trách nhiệm của mình, hoặc cảm thấy tội lỗi về những ý nghĩ không tốt của mình đối với người thân.
Rồi một lúc nào đó ngã bệnh, buông xuôi...
...Để tiếp tục chăm lo cho mẹ, Vân đã dành cho bản thân chị một vài chăm sóc, nhân nhượng. Vân đã như nghe thấy từng thớ thịt kêu gào với Vân, “cho tôi nghỉ chút xíu chứ, bạn đã sử dụng quá sức lao động của tôi để phục vụ bà cụ rồi đó”!
Vân đã sẵn sàng, dễ dãi tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.
Cô Lan ơi, tuần sau lên đón mẹ về với em, đỡ hộ chị mươi ngày nhé, anh chị định đi xả hơi ngoài biển.
Anh Hoan ơi, bác sĩ nói mẹ cần uống thêm sữa đậu nành, hay là anh nói với chị làm hộ em mỗi tuần vài lít nhé.
Chị đã xen kẽ xả hơi và chăm sóc để duy trì sinh lực, lấy lại nhiệt tâm. Dạo này Vân để ý đến ăn uống đầy đủ dinh dưỡng hơn. Ngày nào chị cũng dành 15 phút để vận động cơ thể.
Nàng lo nhất là bị rối loạn giấc ngủ. Ban đêm nhiều khi Vân phải thức dậy giúp đưa mẹ vào phòng tắm, lấy miếng nước, viên thuốc cho mẹ. Vân biết là mất ngủ sẽ mau đưa tới nhiều tiêu hao tinh thần thể xác.
Chị cũng đã nghĩ đến một ngày nào đó phải cần đến sự giúp đỡ của các dịch vụ chăm sóc người già của chính phủ, của các tổ chức trong cộng đồng, tôn giáo, xã hội, những nhóm hỗ trợ tư nhân, trung tâm chăm sóc ban ngày. Các dịch vụ này có sẵn tại mỗi địa phương lớn nhỏ tại Hoa Kỳ.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là nói chuyện với anh chị em. Để phân chia công việc săn sóc, phụng dưỡng người mẹ cô đơn được chu đáo trong những năm tháng còn lại của Mẹ...
Vì:
“ Mẹ già như chuối chín cây”.
Rụng lúc nào không biết.
Cũng như Cha đã về nguồn cách đây mấy năm.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức M.D.
www.bsnguyenyduc.com
http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/videos
Cha mẹ già rồi, con hãy nhẹ tay!
Xương khớp là bệnh người già, người già té ngã, nguy cơ gãy xương rất cao, hồi phục chậm, cảm giác đau đớn xâm chiếm nên người chăm bệnh phải hiểu tâm lý người bệnh.
Có dịp quan sát phòng điều trị dành cho người cao tuổi ở Khoa Ngoại Bệnh viện khu vực Bắc Quảng Nam, mới hay các cụ vào đây phần lớn do bị té gãy xương, phải mổ bắt nẹp, vít. Thời tiết lạnh cóng, càng lạnh vết thương càng đau nhức, có cụ không chịu nổi đã giật phăng ống truyền dịch, nhưng cũng có cụ nén lòng, một tiếng rên khe khẽ cũng không thốt.
Xương khớp là bệnh người già
Cụ Ba ở thị trấn Ái Nghĩa, H.Đại Lộc chia sẻ, quan niệm của cụ là cái gì làm được thì làm. Ví như rót ly nước, không nhất thiết phải sai bảo cháu con. Hoặc trời mưa, nếu con cháu không có nhà, cụ có thể chống gậy rút quần áo vào, nhưng tự nhủ phải đi cho thật cẩn thận, kẻo té ngã thì giúp đâu không thấy, chỉ thấy hại con!
Vậy mà, người tính không bằng… trời tính, ngờ đâu lúc an toàn nhất, lại là lúc chủ quan nhất. Cụ thòng chân từ giường chạm đất, toan bước xuống, nhưng quýnh quáng rồi té, gãy xương đùi, mùng Một tết phải nhập viện, con cháu… mất tết.
Đám con cháu thường ngày dặn mẹ cẩn thận, cứ ngồi yên một chỗ, cần gì thì cứ nhờ vả, nhưng khi mẹ bị nạn, đứa nào cũng chạy xất bất. Các con không những không một tiếng la rầy mẹ bất cẩn, mà còn chiều chuộng bà như chiều trẻ con.
Trường hợp của ông Nhỏ (xã Đại Đồng, H.Đại Lộc) khá đặc biệt. Ông thừa nhận mình dù có tuổi vẫn không bỏ thói hay rượu chè: “Nếu tui đi làm mà té ngã, vợ con chắc sẽ thương hơn là tui đi uống rượu mà té ngã”. Ông tỏ ra hối hận vì những lần vào viện do rượu chè gây ra, tự hứa chuyến này về sẽ giảm bớt, chứ cai rượu hẳn thì… khó lắm. Nói về chồng/cha mình, vợ con ông ngao ngán.
Dù vậy, những ngày tết bận rộn, vợ con ông Nhỏ vẫn không quên “người đàn ông” của họ. Bánh tráng cuốn thịt heo, cơm canh ngày ba bữa, cà phê, thuốc lá lúc nào cũng sẵn sàng trên bàn để phục vụ bệnh nhân “xa rượu là hiền khô”. Ông Nhỏ còn khỏe, cái chân đau phục hồi mau chóng, thêm tật nói nhiều, nên phòng có ông, cứ rộn ràng lên.
Bà Đặng bị té gãy xương vai, xương sườn, vì con trai chở mẹ vấp phải ổ gà. Bác sĩ rầy người con đi đứng bất cẩn, để mẹ té quá nặng. Dù hết sức đau đớn, bà Đặng vẫn một mực đổ lỗi cho cái ổ gà, “chứ con tôi vốn là đứa cẩn thận”.
Vừa bị thương, vừa huyết áp cao, nửa đêm bà ói, sốt, tiểu tiện trong tã giấy, bà “chẳng ngờ một ngày lại đi tiêu trong quần thế này”. Rồi bà khóc, vì tay chân khó cử động, đau đớn, còn “báo” con cháu bỏ tết theo mình vào bệnh viện.
Phải hiểu người già
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Có những trường hợp con cháu hết lòng với ông bà, nên có cụ nhõng nhẽo, ưa mè nheo với con cháu. Ngược lại, cũng không ít trường hợp nhà neo người, con cháu không có thời gian chăm sóc cha mẹ, ông bà mình, hoặc tỏ ra vô tâm, thờ ơ.
Trường hợp bà Thơm là ví dụ. Con đàn cháu đống, nên bà được chăm sóc chu đáo, bà yêu cầu gì là được nấy, thậm chí không chịu đựng nổi cơn đau, bà giật phăng dây truyền dịch, không chịu tập đi sau khi vết thương đã ổn.
Con cháu mải chiều chuộng, đứa nào cũng thương bà đau đớn nên dù vết thương đã “héo”, mổ đã lâu ngày nhưng vẫn chưa được xuất viện, vì bà không cố gắng cử động. Việc con cháu chưa thuyết phục được mẹ, cũng là điều đáng trách.
Cụ Hai vào tuổi 90, có hoàn cảnh thật đáng thương. Hai người con gái đưa mẹ tới bệnh viện, phụ với chị dâu làm xong các thủ tục nhập viện thì… chạy mất dép, bảo công việc bận rộn, để lại mẹ già cho người chị dâu, vì “con dâu là phải chăm mẹ chồng”.
Nàng dâu có vẻ… biết thân biết phận, dù mình cũng nhiều việc, vẫn chấp nhận làm tròn bổn phận. Nàng chăm mẹ khá vụng về, không biết vì bối rối hay vì lý do nào khác mà mặc hoài cái tã giấy cho mẹ chồng vẫn không xong.
Dù cái chân đau, không cử động được, cụ Hai vẫn ngoan ngoãn ăn hết chén bún, nhưng ăn vào lại ói ra, lên cơn hen suyễn, bác sĩ nhốn nháo dùng máy hút đàm, rồi trợ thở cho cụ. Những người nuôi bệnh khuyên nàng dâu sau này không nên cho người già đang ốm ăn bún, rồi mỗi người mỗi tay phụ nàng dâu lau mặt mày, tay chân cho cụ, dọn dẹp giường chiếu vương vãi những sợi bún, mớ giấy lau.
Chị Hương đẩy mẹ (bà Ba) đi dạo trong hành lang bệnh viện
Xương khớp là bệnh người già, người già té ngã, nguy cơ gãy xương rất cao, khả năng hồi phục chậm và khó, cảm giác đau đớn xâm chiếm, nên người chăm bệnh phải hiểu tâm lý người bệnh. Chị Hương (con bà Ba) chia sẻ, chăm sóc người già bệnh, phải hiểu tâm lý họ.
Bệnh xương khớp đau dai dẳng, không ý tứ mà chạm vào cái chân gãy, tha hồ bị… chửi. Người già dễ hờn mát, ưa… kiếm chuyện, nếu con cháu thiếu kiên nhẫn, thiếu thông cảm, thì khó mà phối hợp với ông bà cha mẹ trong những lúc họ ốm đau.
Nhiều cụ lúc bệnh, có cảm giác làm phiền con cháu, nên phải chăm sóc làm sao để các cụ hiểu rằng, đấy là lúc con cháu muốn báo đáp công ơn, mong ông bà cha mẹ sống vui tuổi già, thậm chí các cụ cứ mặc sức mè nheo, vì chẳng ai trách người ốm.
Chị Hương bảo, một tiếng rên của mẹ chị, khiến con cháu lo ngay ngáy, nhưng nếu rên để cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng thì hãy cứ rên, vì thông cảm, yêu thương người già, là nghĩa vụ của con cháu.
Theo Phi Khanh - Phụ nữ TPHCM
Lưu ý dinh dưỡng cho người cao tuổi
Cơ thể mỗi tuổi mỗi khác, vì vậy, khi đã về già, người cao tuổi có thể khó tiêu hóa hay dung nạp những thực phẩm mà họ vẫn ăn ngon lành như thuở đôi mươi.
Về già, cơ thể và các cơ quan nội tạng lão hóa, khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng sẽ sụt giảm, sự trao đổi chất chậm lại, mật độ xương cũng giảm đi và chức năng miễn dịch ngày một suy yếu.
Để chống lại những thay đổi này và duy trì sức khoẻ tối ưu, người cao tuổi nên thay đổi chế độ ăn uống. Dưới đây là những thay đổi trong chế độ ăn uống giúp bạn khỏe mạnh hơn khi đã ngoài 50:
Tăng lượng vitamin B12
Thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến thiếu máu, các vấn đề về tiêu hóa và mệt mỏi. Con người có nguy cơ bị thiếu vitamin B12 nhiều hơn khi ngoài 50 tuổi, lúc này, cơ thể bạn không có đủ acid dạ dày để phân giải B12 từ thực phẩm.
Để bù đắp cho sự thiết hụt vitamin B12, hãy tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều vitamin này, bao gồm: Thị bò, cá, trứng và sữa. Nếu bạn là người thuần chay (vegan), hãy tăng cường tiêu thụ các loại sữa hạt, đậu nành hoặc các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B12.
Bổ sung thêm calci
Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ mất xương, loãng xương tăng gấp 3 lần ở phụ nữ sau mãn kinh. Chính vì vậy, tăng cường bổ sung calci sẽ giúp giữ cho xương khỏe mạnh và ngăn ngừa gãy xương, tàn tật khi về già.
Calci cũng rất cần thiết để ngăn ngừa các cơn co thắt cơ và giúp cân bằng độ pH trong cơ thể. Lượng calci cần thiết hàng ngày cho người trên 50 tuổi là 1.200mg (đối với nữ giới) và 1.000mg (đối với nam giới).
Lưu ý rằng, không nên bổ sung quá nhiều calci vì lượng calci dư thừa có thể gây ra sỏi thận, các vấn đề về tiêu hóa và bệnh tim mạch.
Tăng lượng chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, bệnh tim mạch, đái tháo đường, táo bón và tăng cân.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nữ giới nên ăn khoảng 25gr chất xơ mỗi ngày, nam giới nên ăn khoảng 38gr chất xơ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hầu hết mọi người đều không đạt được chỉ tiêu này.
Tăng vitamin DVitamin D cũng giúp ngăn ngừa mất xương, loãng xương, thậm chí còn có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do các vấn đề sức khỏe ở người cao tuổi.
Thật khó để có được đủ vitamin D khi cơ thể già đi. Một phần do cơ thể lão hóa, tiêu hóa chậm, kém hấp thu vitamin D từ thực phẩm. Mặt khác, làn da cũng khó hấp thu được vitamin D từ ánh sáng mặt trời một cách hiệu quả như khi bạn còn trẻ.
Đây chính là lúc bạn nên tăng cường tiêu thụ vitamin D từ các nguồn thực phẩm như: Trứng, cá hồi, nấm, sữa và các thực phẩm tăng cường khác.
Bổ sung đủ magne
Người cao tuổi nên nạp đủ 400mg magne mỗi ngày. Những người thiếu magne thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, mệt mỏi và hệ thống miễn dịch yếu.
Người cao tuổi nên ăn nhiều thực phẩm chứa magne như: Các loại rau lá xanh đậm, ngũ cốc, các loại thảo mộc khô, bột cacao, chocolate đen, trái cây tươi, các loại đậu và hạt...
Tiêu thụ omega-3
Omega-3 giúp ngăn ngừa lão hóa, chống viêm, tăng cường sức khỏe não bộ và nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Người cao tuổi nên tiêu thụ khoảng 1.000mg omega mỗi ngày. Nên ăn nhiều cá béo - nguồn cung cấp omega-3 phổ biến nhất. Người thuần chay có thể tiêu thụ thêm acid béo này từ hạt lanh và hạnh nhân.
Theo Tạp chí thực phẩm chức năg Health+
Tác dụng của ngũ cốc dinh dưỡng dành cho người già
Đối với người cao tuổi, các cơ quan trong cơ thể đã bị lão hóa, suy giảm chức năng nên cần cung cấp đầy đủ năng lượng để các cơ quan hoạt động hiệu quả, giảm tốc độ lão hóa.
Trong đó, tinh bột và chất xơ chiếm vai trò đặc biệt quan trọng với người cao tuổi. Vì thế, để bổ sung tinh bột, chất xơ thì ngũ cốc dinh dưỡng dành cho người già là sự lựa chọn an toàn và được khuyến cáo sử dụng.
Ngũ cốc dinh dưỡng cho người già. Hình ảnh: Bachhoaxanh
Ngũ cốc dinh dưỡng là sự kết hợp của các lọai đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành. Đồng thời là nguồn bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho người già, giúp mắt sáng, an thần, da dẻ hồng hào. Trong ngũ cốc rất giàu dinh dưỡng, nhiều chất đạm, chất béo, chất xơ cùng các vitamin như B1, B2, B3, B6; các axit như pantothenic (vitamin B5), paraaminobenzoic (PABA), folic (vitamin M), phytic; các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt, magiê, selen, glutathion (GSH), kali và natri; giúp thanh nhiệt cơ thể, tiêu nóng, giải độc, mát gan sáng mắt, cung cấp Vitamin C.
Trong ngũ cốc có nhiều tinh bột và chất xơ tốt cho người già. Hình ảnh: 58pic
Các loại bánh ngũ cốc cho người già ăn vặt hàng ngày. Hình ảnh: Nestle
Ngoài các loại ngũ cốc dinh dưỡng dành cho người già được chế biến sẵn và bày bán trên thị trường hiện nay, bạn vẫn có thể tự tay làm ngũ cốc để sử dụng cho gia đình và những người thân yêu.
Chế biến ngũ cốc nhanh và tiện lợi. Hình ảnh: Blogngucoc
Cụ thể nguyên vật liệu: 250g đậu trắng, 250g đậu đen, 250g đậu xanh, 250g đậu đỏ, 250g gạo lứt tẻ, 100g mè đen, 100g hạt sen khô, 100g hạt ý dĩ (bo bo). Các loại đậu, nên chọn loại hạt nhỏ, đều, bóng, mẩy, không lẫn tạp chất, không mọt. Gạo lứt, chọn gạo nguyên vỏ cám, hạt mầm, đều hạt. Mè chọn hạt bóng, đều. Các loại đậu mua về phải đãi kĩ, lựa bỏ hạt đậu hư, lép, sạn. Gạo lứt, mè đen sàng sạch rồi vo, để ráo. Hạt sen, hạt ý dĩ vo sạch, để ráo. Sau đó đem các loại đậu, mè đen, hạt sen, hạt ỹ dĩ và gạo lứt phơi ở nắng khoảng 2 tiếng. Rang các loại đậu, mè đen, hạt ý dĩ, hạt sen và gạo lứt với lửa nhỏ liu riu trong 10 phút cho đậu chín và thơm.
Có thể tự làm bột ngũ cốc tổng hợp theo sở thích. Hình ảnh: hammycongnghecao
Các loại ngũ cốc dinh dưỡng. Hình ảnh: Youtube
Tóm lại, ngũ cốc dinh dưỡng mang đến những tác dụng hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, cung cấp các dưỡng chất cho cơ thể, giúp hấp thu dưỡng chất, tăng cường cung cấp các chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa. Đây là một trong những lựa chọn tối ưu dành cho người già!
Những người thân yêu, ruột thịt & cả chính chúng ta rồi cũng sẽ già yếu, bệnh tật, đãng trí... hãy chú tâm chăm sóc họ...
Mẹ tôi
Nhạc sĩ: Trần Tiến
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo
Ngoài hiên, mùa đông cây bàng lá đổ.
Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em em làm thơ
Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm ơi mẹ tôi
Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.
[ĐK 1:]
Biển sóng thét gào một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa
Trời gió mây ngàn một ngày khóc mẹ trăm ngàn sao rơi
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt.
2. Ngày xưa chị hát vu vơ những câu ca cổ cho em nằm mơ
Ngày xưa mẹ đắp cho con tấm khăn quàng cổ ấm ơi mẹ tôi
Ngày xưa bên giường cha nằm mẹ buồn xa vắng
Nhìn cha, thương cha chí lớn không thành.
[ĐK 2:]
Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ ngồi trông áng mây vàng
Mẹ ơi hãy dắt con theo ối a để con mãi mãi bên mẹ
Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.
* Trèo lên dãy núi thiên thai ối a mẹ tôi về đâu?
Ngàn năm mây trắng bay theo ối a mẹ ơi mẹ về đâu?
Một bài hát cảm xúc, mời các bạn cùng lắng nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét