- Những con đường treo theo vách đá

Những con đường hiểm trở dọc theo vách đá

Hệ thống sạn đạo trên núi Mạch Tích (Ảnh: MarsmanRom, Wikimedia)

Một bên là núi, một bên là vực, những con đường dọc theo vách đá tại Trung Quốc luôn làm người ta phải trầm trồ thán phục – Thán phục thiên nhiên, và cũng thán phục những con người xây dựng nên “sạn đạo” (栈道) ấy. Ngày nay, các sạn đạo không chỉ phục vụ việc đi lại của người dân, mà còn là nơi những du khách trải nghiệm tự nhiên hùng vĩ hay tán thưởng nghệ thuật khắc đá của người xưa.

1. Ân Thi đại hợp cốc
Ân Thi đại hợp cốc (恩施大峡谷 – Enshi Grand Canyon) nằm tại Châu tự trị dân tộc Thổ Gia, tỉnh Hồ Bắc. Ân Thi từng được đài CNN bình chọn là một trong bốn mươi điểm đến tại Trung Quốc, sánh vai với các di sản văn hóa lớn của đất nước này. Các du khách nước ngoài tới đây đã so sánh quy mô của Ân Thi đại hợp cốc với hẻm Grand Canyon nổi tiếng của nước Mỹ, còn phong cảnh thì “chẳng nơi nào bằng”. Nổi tiếng với phong cảnh non nước hùng vĩ, sạn đạo Ân Thi được xây dựng tại Hồ Bắc vào tháng 10 năm 2007, dài 488 mét, có 118 bậc và nằm ở độ cao 1.700 mét so với mực nước biển.

2. Núi Hoa Sơn
Hoa Sơn (华山 – HuaShan) là một trong năm ngọn núi thuộc Ngũ Nhạc Danh Sơn của Trung Quốc. Hẳn là những người mê truyện võ hiệp Kim Dung đã quá quen thuộc với ngọn núi nổi tiếng này.

Năm 1990, Hoa Sơn được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Núi Hoa Sơn thuộc đoạn đông dãy Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An khoảng 100 km về phía đông. 

Hoa Sơn có năm đỉnh núi chính, trong đó đỉnh cao nhất là đỉnh Lạc Nhạn. Ngọn núi bao bọc bởi toàn đá hoa cương. Từ xa nhìn thì ngọn núi giống như một bông hoa, vì vậy mà có tên là Hoa Sơn. Hoa Sơn nổi danh là nơi nguy hiểm, làm cả những nhà leo núi cũng phải chùn chân.

3. Núi Tam Thanh
Tam Thanh (三清山 – Sanqingshan) là một ngọn núi nằm ở phía Bắc huyện Ngọc Sơn, Thượng Nhiêu thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Đây là một nơi thờ cúng quan trọng của Đạo giáo. Cái tên Tam Thanh được bắt nguồn từ Tam Thanh của Đạo giáo là Ngọc Thanh Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thái Thanh Thái Thượng Lão quân và Thượng Thanh Linh Bảo Đại pháp sư. Núi Tam Thanh cũng là nơi có phong cảnh đẹp nổi tiếng và là vườn quốc gia của Trung Quốc. Tháng 7 năm 2008, vườn quốc gia Tam Thanh Sơn đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Có một câu thế này miêu tả về hình dạng núi Tam Thanh: “Tam phong tuấn bạt, như tam thanh liệt tọa kì điên”, có nghĩa là “ba đỉnh núi như ba Chân Nhân đang ngồi”.

4. Núi Mạch Tích
Núi Mạch Tích (麦积山 – Majishan) gồm một quần thể hang động với những tượng Phật và những bức họa vô giá về Phật giáo được tạc trực tiếp vào đá. Hang đá Mạch Tích Sơn được bắt đầu xây dựng vào thời kỳ cuối Đời Tần (khoảng thế kỷ thứ 3 Trước công nguyên), sau đó tượng Phật lần lượt được tạc trên vách núi cao từ 30 đến 70 mét. Nơi đây chứa hơn 7.200 tác phẩm điêu khắc Phật giáo và hơn 1.000 mét vuông các bức tranh. Hiện nay, hang động núi Mạch Tích cùng với Long Môn, Đôn Hoàng, Đại Túc, Vân Cương trở thành 5 hang động tiêu biểu cho hệ thống kiến trúc tạc tượng Phật còn lưu giữ khá tốt cho tới ngày nay.




Hệ thống sạn đạo phục vụ cho việc tạc và tham quan tượng Phật (Ảnh: MarsmanRom, Wikimedia)
Hệ thống sạn đạo phục vụ cho việc tạc và tham quan tượng Phật (Ảnh: MarsmanRom, Wikimedia)
Các tác phẩm được bảo tồn và khôi phục (Ảnh: MarsmanRom, Wikimedia)
Các tác phẩm được bảo tồn và khôi phục (Ảnh: MarsmanRom, Wikimedia)


5. Núi Thiên Môn
Thiên Môn (天门山 – Tianmen) hay “Cổng trời” là một ngọn núi nằm trong vườn quốc gia Núi Thiên Môn, Trương Gia Giới, ở Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thiên Môn được trang bị một hệ thống cáp treo để lên đỉnh núi, và còn có một sạn đạo cho những người leo núi. Chiều dài của con đường này là 11 km với 99 khúc cua, đưa du khách đến hang động Thiên Môn, một thắng cảnh tự nhiên trên núi có chiều cao 131,5 mét. Ngoài ra, tại đây còn có Cổng Trời, là một mái vòm tự nhiên hình thành do đá vôi bị xói mòn. Một ngôi chùa lớn nằm trên đỉnh núi gần với ga cáp treo. Đền thờ ban đầu được xây dựng trong triều đại nhà Đường, có mái vòm cao 130 mét và rộng 57 mét.




Sạn đạo lên đỉnh Thiên Môn (Ảnh: David Wood, Wikimedia)
Sạn đạo lên đỉnh Thiên Môn (Ảnh: David Wood, Wikimedia)
Cổng trời trên đỉnh Thiên Môn (Ảnh: huangdan2060, Wikimedia)
Cổng trời trên đỉnh Thiên Môn (Ảnh: huangdan2060, Wikimedia)

Quang Minh tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét