Người càng tĩnh thì trí huệ càng cao và tầm nhìn càng xa
Khi một người không thể buông bỏ những chấp trước và tạp niệm của bản thân thì sẽ thấp thỏm, không an định. Lúc ấy sẽ rất khó để đưa ra được phán đoán và nhận định chính xác đối với những sự tình xảy ra xung quanh, do đó họ cũng không thể lý trí và bình tĩnh để suy xét cho được.
Còn khi một người trầm tĩnh, loại bỏ đi những tạp niệm, đi vào trạng thái thanh tỉnh thì sẽ có một loại cảm giác kỳ diệu tràn đầy trong tư tưởng và thân thể họ. Đây phải là lúc nội tâm thực sự tĩnh lặng thì mới có được loại cảm giác ấy, tĩnh tâm mới có thể sản sinh trí tuệ. Suy nghĩ của một người ở vào thời khắc tĩnh lặng nhất chính là sự kết tinh của trí tuệ và tâm linh người ấy sau khi thăng hoa.
Trong cuộc sống, con người thường bị lạc vào những lợi ích hiện thực và được-mất nên rất khó để xem nhẹ “thất tình lục dục” của bản thân. Vì thế, họ cũng thường không khống chế được oán hận, vui buồn, không thể đạt đến trạng thái tĩnh tâm.
Người tu luyện sau khi hiểu rõ chân lý của vũ trụ, họ có thể xem nhẹ công danh lợi lộc, cũng có thể khoan dung, nhường nhịn. Loại trí tuệ và phong thái này tự nhiên sẽ ở tầng trên cao so với người bình thường, họ có thể tương đối dễ dàng mà tiến nhập vào trạng thái tĩnh lặng.
Trong cõi hồng trần hỗn loạn đen tối, người nào có thể thông qua tu luyện tâm linh của bản thân, đạt đến cảnh giới thanh tĩnh bình thản thì sẽ có được loại trí huệ mà người bình thường không thể có được.
Cuộc sống hiện đại ngày nay có vô vàn thứ đủ để hấp dẫn dục vọng của con người, bởi vậy, một người không tu luyện thì thật khó có để giữ nội tâm thanh tĩnh.
Phật gia có câu: “Do giới nhi định, định năng sinh tuệ.” Ý nói, bởi vì có thể giới cấm hết thảy dục vọng mà có thể định được, định được rồi mới có thể sản sinh ra trí huệ.
Đạo gia cũng nói: “Thục năng trọc dĩ chỉ, tĩnh chi từ thanh; thục năng an dĩ cửu, động chi từ sinh. Bảo thử đạo giả, bất dục doanh”. Ý nói, ai có thể đang đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong ra. Ai có thể đang yên mà nhờ động lại dần dần sinh động lên. Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn. Tĩnh khiến cho người tu đạo nhập tĩnh, mà thành kim đan đại đạo.
Nho gia cũng nói: “Tri chỉ nhi hậu hữu định, định nhi hậu năng tĩnh, tĩnh nhi hậu năng lự, lự nhi hậu năng đắc.” Ý nói, biết đến cùng rồi mới định được, định mới có thể tĩnh, tĩnh rồi mới có thể suy nghĩ tinh tường, suy nghĩ tinh tường rồi mới có thể lĩnh ngộ được. “Tĩnh” khiến cho nhà nho đạt được trí tuệ, hoàn thành được việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
“Tĩnh” không phải chỉ là một loại tu dưỡng mà còn là một loại trí tuệ. Người có thể tĩnh thì đứng trước một việc, gặp nguy mà không loạn, tự có thể sản sinh ra vô số trí tuệ, hóa giải được khó khăn. Trái lại, người lo âu, phấp phỏng thì không những không giải quyết được vấn đề mà còn làm hỏng việc.
(Ảnh minh họa)
Những phiền não của đời người suy cho cùng cũng là đến từ dục vọng, sự tham lam, bị đủ mọi loại hấp dẫn làm mê hoặc. Hầu như người trẻ tuổi thường bị ảnh hưởng bởi bạo lực, áp lực… khiến trong lòng luôn bất an. Thậm chí có người còn cho rằng, nói mấy lời tranh cãi, dùng mấy đường võ thuật thì đã có thể tự xưng mình là nam tử hảo hán. Nhưng bậc trí huệ đều cho rằng, gặp chuyện mà rút gươm thì đây là cái dũng của kẻ thất phu, không phải đại dũng. Từ xưa đến nay, các bậc thánh hiền đều là những người đại khí, càng là gặp chuyện “kinh thiên động địa” thì càng có thể “tĩnh tâm như nước”, bình tĩnh mà ứng phó mới giải quyết được việc.
Trong thế giới hỗn loạn, tâm linh thanh tĩnh giống như núi cao bất động, sừng sững mà bình thản. Tâm linh ngạo mạn chỉ giống như cỏ dại trong nước, nước chảy bèo trôi. Người nào có “tâm tĩnh thần định” thì cho dù thân thể ở trong hoàn cảnh hỗn loạn thì tâm linh của họ cũng đã ở cảnh giới cao rồi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét