Sống tuỳ duyên tức là pháp đến thế nào thì thấy nó là như vậy, không buông xuôi theo nó mà cũng không đối nghịch lại nó. Người sống được như thế là người có sức mạnh lớn nhất. Vì thành công không làm họ phấn khích, thất bại không làm họ chán nản, hoàn cảnh khó khăn hay dễ dàng cũng không làm họ dao động, gặp khổ không lo sợ, gặp vui không chìm đắm.
Thiền không phải là phương pháp vay mượn bên ngoài đem về áp dụng cho riêng mình để mưu cầu một thành quả hay đạt được một lý tưởng ước mơ.
Các pháp luôn luôn đổi mới, nên nhận thức cũng phải luôn mới mẻ. Bình minh ngày hôm qua khác bình minh ngày hôm nay, cái cây ngày hôm qua cũng khác cái cây ngày hôm nay. Dòng nước chảy qua phút giây trước khác phút giây sau mất rồi.
Tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta và trong cơ thể chúng ta đều đang sống và luôn biến đổi trong từng sát-na - đơn vị nhỏ nhất của tiến trình sinh-diệt. Mọi thứ đều sống động vô cùng. Không có cái gì dừng lại để mình có thể định dạng theo một công thức hay một khuôn mẫu nào được cả.
Thân - Thọ - Tâm - Pháp luôn biến động vô cùng vi tế, sự vận hành của thân tâm nơi sát-na này không còn đúng với sát-na ngay sau đó. Muốn hành thiền bằng cách áp dụng một công thức y khuôn nào đó chẳng khác nào bắt sự sống phải dừng lại để mình cân đo khám xét, như vậy thì có khác gì tự hủy hoại mình!
Thực ra không có cái gọi là thiền như chúng ta nghĩ, hoặc là chỉ có đời sống đang diễn ra theo nguyên lý vận hành của chính nó, hoặc là theo ý đồ của cái Ta ảo tưởng mà thôi. Do đó đức Phật dạy chỉ có hai đường, hoặc là sống tùy duyên thuận pháp hoặc là tùy thuận theo vô minh ái dục của bản ngã.
Sự sống bên trong và xung quanh chúng ta đều luôn trôi chảy và đổi mới. Sông Đồng Nai, sáng khác, chiều khác, thủy triều lúc trăng lên, trăng tròn, trăng lặn đều khác. Cho dù cục đá có bất động thì bản thân nó vẫn phụ thuộc vào các duyên sinh của môi trường xung quanh nó.
Thí dụ buổi sáng ngồi buông xả với tâm rỗng lặng trong sáng, chợt nghe tiếng chim hót vang lên rồi mất hút, tiếng ai nói cất lên rồi chìm mất thì đó là tùy duyên mà thấy biết. Tất cả mọi thứ xảy ra đều luôn mới mẻ. Còn khi nghe chim hót hay quá, lắng nghe thêm xem nó còn hót nữa không. Sao lắng nghe hoài không thấy nó hót lại gì cả? Thế là bản ngã tham muốn đã xen vào, muốn tìm kiếm, muốn giữ lại hay sợ mất đi... đã là cái ý lăng xăng tạo tác mất rồi.
Tại sao tâm hồn của chúng ta không đủ mới mẻ để thấy mọi thứ mới mẻ đến rồi đi? Bởi vì chúng ta muốn lập trình, bắt nó phải thế này, phải thế kia, theo công thức này hay khuôn mẫu khác. Pháp thì luôn biến đổi một cách tự nhiên, còn mình muốn thay đổi là vì có chủ ý theo tư kiến tư dục rồi, sao còn tự nhiên được nữa, mà không tự nhiên sao có thể thấy được thực tánh pháp vốn là tự nhiên?
Hãy thử tự quan sát xem khi thuận theo tự nhiên thì hành động thân-khẩu-ý ra làm sao, còn khi hành động theo ý chủ quan thì nó như thế nào. Trong cuộc sống, hoàn cảnh sống xung quanh là hoàn toàn tự nhiên, mặt trời tự nó vẫn mọc và lặn, bốn mùa vẫn thay đổi liên tục theo trình tự như vậy bất kể mình có muốn hay không.
Con người nhỏ bé đang sống trong vũ trụ bao la luôn vận hành theo quy luật tự nhiên lại đòi thay đổi vũ trụ này theo ý mình hoặc muốn nó trở thành của mình. Đó phải chăng là tham vọng quá lớn? Lẽ ra mình nên xem cho kỹ mọi biến đổi của nó như thế nào để tùy theo đó mà sống cho thích hợp, thì mình lại muốn thiên nhiên làm theo ý mình. Lẽ ra cuộc đời giúp chúng ta thay đổi, thì chúng ta lại muốn tự ý thay đổi cuộc đời, nên hậu quả là chỉ chuốc lấy khổ đau.
Bây giờ đang là buổi sáng thì mình muốn phải chi là buổi chiều, đang là bình mình thì lại trông chờ hoàng hôn đến, và thế là suốt từ bây giờ cho đến khi hoàng hôn buông xuống, mình chờ đợi trong phiền muộn và đau khổ. Tại sao mình lại không thấy vẻ đẹp của ánh nắng ban mai? Vẻ đẹp của ánh nắng mặt trời đã lên cao, của mặt trời đứng bóng...? Tại sao mình không thấy được những vẻ đẹp khác nhau ấy mà cứ phải chờ hoàng hôn tới mới cam lòng. Hoàng hôn trước sau gì cũng tới, mà tới rồi thì lại đi, tại sao mình phải chờ đợi làm chi cho mệt?
Mình muốn thiên nhiên theo ý mình, vô tình giữa mình và hoàn cảnh sống xung quanh đã xuất hiện mâu thuẫn tâm lý. Mình đã rơi vào cách sống nhị nguyên, tức là chọn ra một cái mình thích, những cái còn lại bỏ hết. Mình không biết rằng sự thực đời sống là sự tương giao toàn diện, mình chỉ chọn lựa một vài cái và cố gắng để đạt được, có biết đâu tất cả những cái mình lựa chọn để theo đuổi đều là ảo tưởng.
Thiền không phải là áp dụng công thức để đạt được bất kỳ điều gì, mà trở về quan sát hoạt động của thân - tâm trong mối tương giao với hoàn cảnh xung quanh để nhận ra đâu là sự vận hành của pháp (tự nhiên) và đâu là sự tạo tác của bản ngã. Thiền là thấy ra sự thật đang diễn ra nơi chính đời sống mỗi người. Trở về quan sát thân - tâm trong những hoạt động thật sự tự nhiên của nó sẽ nhận ra rằng nếu không có ý đồ can thiệp của bản ngã thì cái thân-tâm này cùng với vũ trụ sẽ tự vận hành một cách hoàn toàn tự nhiên và hoàn hảo nhất.
Đa phần những cái chúng ta cố gắng để đạt tới đều là ảo vọng, dù có gán cho nó là Niết-bàn đi nữa. Trong khi đó nếu bây giờ là ban mai thì mình cứ trọn vẹn với ban mai, bây giờ là xế chiều thì mình cứ trọn vẹn với xế chiều thì cả cuộc đời này lúc nào cũng đẹp.
Sự tương giao và mối quan hệ
Chữ Dhamma (pháp) cũng có nghĩa là tự nhiên, hay sự thật hiển nhiên. Đó không phải là quy định do con người đặt ra. Trong tự nhiên chỉ có sự tương giao, trong xã hội mới có mối quan hệ. Mối quan hệ giữa con người do cộng đồng đặt ra tuỳ theo hoàn cảnh, phong tục tập quán ở mỗi địa phương. Vì vậy chúng chỉ là quy ước tương đối, nhưng trong cuộc sống nhiều khi chúng ta đặt quá nặng mối quan hệ, coi chúng là bất di bất dịch khiến chúng ta bị trói buộc vào đó.
Sự tương giao luôn mang tính tự nhiên, mình có thể tương giao với vũ trụ bên ngoài qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thí dụ bỗng nhiên tai nghe được tiếng chim hót, mắt thấy ánh bình minh. Nhưng rồi bản ngã phát sinh lên, người này chọn bông hoa này, người kia chọn bông hoa kia nên bất đồng ý kiến với nhau. Vì bất đồng ý kiến, muốn sống chung thì phải thoả thuận với nhau, từ đó xuất hiện mối quan hệ. Mối quan hệ càng chằng chịt chừng nào thì chúng ta càng quên mất sự tương giao chừng ấy. Thực ra chúng ta luôn sống trong sự tương giao mà vô tình không cảm nhận được, ngược lại chỉ bận tâm đến mối quan hệ hữu ý, hữu hạn mà thôi.
Các mối quan hệ chỉ là quy ước tạm thời và chúng luôn thay đổi theo vị trí và thời gian. Mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 19 khác với mối quan hệ vợ - chồng ở thế kỷ 20, mối quan hệ cha - con ở phương Tây khác với mối quan hệ cha - con ở phương Đông. Còn sự tương giao thì bất kỳ ở đâu cũng giống nhau.
Trong sự tương giao, chúng ta thấy được sự vận chuyển bên trong và bên ngoài hoàn toàn tương ứng với nhau vô cùng chặt chẽ và không có giới hạn nào cả. Còn ở trong mối quan hệ thì con người lại bị cô lập. Khi thiết lập mối quan hệ, con người kỳ vọng sẽ kết nối được nhiều thứ hơn, nhưng thật ra sự kết hợp nào cũng tiềm ẩn sự đối nghịch. Đối nghịch về mặt cảm giác, cảm xúc, đối nghịch về sở tri, sở đắc, đối nghịch về quyền lợi v.v… Sự đối nghịch này khiến mỗi người trong mối quan hệ dần dần bị cô lập. Lúc đó sống với nhau chỉ dựa trên hợp đồng của mối quan hệ chứ không còn là sự tương giao tự nhiên vô điều kiện nữa. Rõ ràng chỉ có các cá nhân cô lập đang sống ràng buộc với nhau.
Càng thiết lập nhiều mối quan hệ chừng nào, càng cô lập chính mình chừng đó. Phát hiện này nói ra có vẻ lạ lùng và phi lý nhưng sự thực xảy ra đúng như vậy. Đơn giản vì mối quan hệ nào cũng được thiết lập dựa trên một số điều kiện, mà càng đưa ra điều kiện nhiều chừng nào thì càng tự cô lập mình trong chính điều kiện đó chừng nấy, điều này là đương nhiên. Ngược lại quá trình tương giao tự nhiên của sự sống là vô điều kiện.
Ví như nước nóng quá thì tự bốc hơi, hơi nóng tự bay lên cao, gặp lạnh thì tự đông lại thành nước rồi rơi xuống. Nước không muốn phải thế này hay thế kia, không cố ép mình phải nhất định là nước chứ không chịu bốc hơi. Sự tương giao giúp sự sống chuyển vận một cách hài hoà, giao thoa với nhau. Đoá hoa đẹp nở vào mùa xuân chính là nhờ sự trưởng thành và kết tụ lại từ mùa hạ, mùa thu rồi mùa đông từng chút một. Nếu chỉ thích chọn mùa xuân mà loại ba mùa kia đi thì đã tự cô lập chính mình rồi!
Đi trong rừng mà chỉ muốn tìm nghe tiếng chim hót thôi, thì không còn nhận ra được vẻ đẹp của bông hoa ven đường, của cành cây non mới lớn. Vì mải tìm kiếm, mình không biết mình đang bước đi như thế nào, thì có vấp ngã hay đạp nhằm gai là điều đương nhiên thôi. Vì quá muốn thiết lập mối quan hệ, vô tình đã làm mất sự hài hoà tự nhiên vốn có của sự sống.
Vào một ngày nào đó, bản ngã với những ý đồ lăng xăng của nó bỗng nhiên dừng lại, tâm hoàn toàn rỗng lặng trong sáng, ngay đó cảm nhận được sự tương giao kỳ lạ của cuộc sống. Khoảnh khắc đó được gọi là "ngộ", khi cái trung tâm bản ngã biến mất, chỉ còn hoà nhập trong sự tương giao vô cùng của vạn pháp.
Trong sự tương giao thì tất cả đều là bạn bè, từ con chó, cái cây, đám mây bay qua trên bầu trời,… Còn khi tôi muốn kết bạn với anh thì ngay đó sự cô lập bắt đầu. Không có mối quan hệ nào thực sự đưa đến hài hoà cả, vì ngay trong mối quan hệ đã tiềm ẩn sự phân cách mất rồi. Đó là quá trình rất rõ ràng mà mỗi người có thể chiêm nghiệm. Vì vậy mình không cần thiền mà chỉ lắng nghe, trải nghiệm, chiêm nghiệm để nhận ra sự tương giao của vạn pháp chứ không phải đi tìm các mối quan hệ mới.
Chúng ta sinh ra cùng sự tương giao với vạn pháp. Em bé mới sinh bắt đầu tiếp xúc với không khí xung quanh, bắt đầu thấy được, nghe được... Trong quá trình mắt thấy, tai nghe ấy bắt đầu nảy sinh ý thích âm thanh này, ghét âm thanh kia, thích màu sắc này, không thích màu sắc nọ. Từ đó bắt đầu nảy sinh sự cố chấp: “Tôi chỉ thích cái này thôi, tôi nhất định phải có được cái này”. Rồi thêm một bước nữa là loại bỏ những gì mình không thích, lấy về những gì mình thích. Chính chúng ta đã cắt vụn cuộc đời ra thành những mảnh nhỏ. Bây giờ cuộc đời không còn là sự tương giao nữa, chỉ còn sự phân chia manh mún.
Cuộc đời luôn có 2 mặt. Thật kỳ lạ nếu chúng ta lựa chọn cái mình thích thì phải lấy luôn cái mình không thích. Nếu chúng ta loại bỏ cái mình không thích thì cũng phải bỏ luôn cái mình thích. Cuộc đời này vốn không dừng lại ở một chỗ nào cả, nhưng chúng ta lại muốn nó dừng lại ở những cái mình thích. Chúng ta muốn ngăn chặn nó lại để được yên tĩnh, để được hạnh phúc. Có biết đâu những ý đồ ấy vô tình chỉ khiến mình ngày càng bị cô lập giữa cuộc đời mà chuốc lấy khổ đau.
Khi chúng ta muốn được hoàn toàn yên tĩnh liền tự giam mình vào trong phòng kín. Có biết đâu chúng ta không thể cách ly với cuộc đời bằng cách che chắn bên ngoài, vì cuộc đời đã để lại dấu ấn sâu trong tâm trí mình rồi. Những gì mình ghét, những gì mình thích đã chôn sâu vào tiềm thức. Có ngồi một mình trong phòng kín thì tâm vẫn lăng xăng, ồn ào vậy thôi. Sự yên tĩnh thực sự của tâm hồn không phải cố dừng lại mà có, cũng không phải lấy yên tĩnh đối nghịch với sự ồn ào. Đó là sự yên tĩnh tự nhiên xuất hiện khi tâm không còn nắm giữ, cũng không chống lại những gì đang xảy ra, vì nó tương giao trọn vẹn với tất cả.
Thiền không phải để tìm tòi và đạt được một trạng thái mình ưa thích mà là thái độ có thể định tĩnh sáng suốt trong bất kỳ trạng huống nào. Nếu cố giữ tâm chỉ ở trong trạng thái ưa thích thì nó sẽ chống đối những trạng thái còn lại. Cuộc sống luôn ở trong sự tương giao hài hoà tự nhiên bao gồm cả thân-tâm-cảnh, nó không hề có ý định chống đối chúng ta. Chỉ có cái Ta (ngã) luôn muốn lựa chọn cái nó thích đồng thời muốn loại bỏ những cái nó không thích, tạo ra thế mâu thuẫn đối kháng giữa hai ý muốn của chính nó mà thành ra đau khổ.
Những mục đích chúng ta theo đuổi chỉ là ảo tưởng do mình đưa ra. Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn khi mình đạt được mục đích thì hạnh phúc này thật mong manh. Vì khi thoả mãn hết rồi thì chỉ còn lại bất mãn và mục đích khác lại xuất hiện. Nếu đạt được mục đích là hạnh phúc thì mình đang ở nơi đau khổ, do tâm không hài lòng với những gì đang diễn ra mà không ngừng theo đuổi những mục đích chưa tới.
Chúng ta quá đặt nặng mục đích để đạt đến mà quên mất cái mục đích hiện thực đang có mặt ngay đây và bây giờ. Chúng ta không thể xây ngôi nhà hạnh phúc bằng những viên gạch đau khổ. Ngôi nhà hạnh phúc chỉ có thể xây từ những viên gạch hạnh phúc mà thôi.
Hỏi: Mình cứ sống thuận với những gì đang xảy ra mà không cố gắng cải thiện làm cho nó tốt đẹp hơn sao?
Trả lời: Chính những người luôn muốn cải thiện cho mọi thứ tốt hơn là người đau khổ nhất trên đời. Điều này nói ra dường như không hợp lý nhưng đó là sự thật.
Cuộc đời này luôn luôn có hai mặt: thành thì có bại, được thì có mất, hơn thì có thua, vui thì có khổ. Trong lòng thái cực thì cũng phải có cả âm lẫn dương, bây giờ chúng ta cứ đòi chỉ có dương hoặc chỉ có âm không thôi thì làm sao được. Dù chọn được cái gì đó mà mình cho là hạnh phúc nhất thì chính là mình đang tự cô lập trong cái tự chọn đó rồi.
Có câu chuyện người thợ đục đá, đang ngồi đục đá đổ mồ hôi, thì anh ta thấy ông vua đi qua được người hầu kẻ hạ sung sướng quá, anh ước, “giá như mình được làm vua thì hay biết bao”. Vừa ước xong ông ta liền được làm vua, đi đâu cũng được người nâng kẻ đỡ thật thoả mãn vô cùng.
Một hôm ông ta đi đường gặp trời nắng quá, người hầu quạt hết sức mà vẫn nóng không chịu nổi, ông ta tự nhủ: “Hoá ra làm vua còn thua làm mặt trời. Giá như mình làm mặt trời thì tốt biết bao”, liền ngay đó ông được làm mặt trời, thoải mái chiếu sáng khắp nơi. Bỗng nhiên mây ở đâu kéo đến che mất ánh sáng mặt trời, ông ta lại nghĩ: “Hoá ra mặt trời vẫn còn thua mây”. Thế là ông ta được làm mây, ung dung bay khắp nơi che hết bầu trời. Chợt có cơn gió thổi qua làm mây tan mất, ông lại nghĩ: “Vậy gió mới là mạnh nhất”. Rồi ông ta được làm gió, lấy hết công lực thổi bay tất cả mọi thứ, nhưng khi thổi tới dãy núi đá thì đành chịu thua. Ông ta liền chuyển sang làm núi đá, tự nhủ làm núi đá thì chắc chắn nhất, không còn ai làm gì mình được nữa rồi. Nhưng ngó lại dưới chân núi có anh thợ đục đá đang đục trên thân thể mình. Anh ta lại ước được làm thợ đục đá, thế là anh trở lại làm thợ đục đá như xưa!
Cho nên đức Phật mới dạy sống không nương tựa, không bám víu bất cứ điều gì ở đời. Còn nương tựa, còn bám víu chính là còn thiết lập mối quan hệ. Một người đã giác ngộ ra sự tương giao thì dù có mối quan hệ cũng không sao. Nhưng một người vì thiết lập mối quan hệ mà quên đi sự tương giao giữa muôn loài vạn vật thì đó là sai lầm rất lớn.
Lục Tổ Huệ Năng đã giác ngộ khi nghe được lời kinh: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”. Tâm vô trụ ấy nghĩa là mắt không bám víu vào sắc, tai không bám víu vào âm thanh, mũi không bám víu vào mùi, lưỡi không bám víu vào vị, thân không bám víu vào xúc chạm, ý không bám víu vào pháp. Bên thiền tông gọi đó là căn không dính trần là vậy.
Và thực ra quá khứ không đạt được, tương lai không đạt được, hiện tại cũng không đạt được bởi vì tất cả đều là dòng chảy vô thường thay đổi liên tục trong từng sát-na. Không thể bám víu vào chỗ nào, vì bám víu vào bất cứ đâu cũng trở thành ao tù, bị cô lập mà rơi vào khổ đau. Niết-bàn là không bám víu chứ không phải bám víu vào Niết-bàn.
Vậy thiền là để sống trọn vẹn với sự vận hành của pháp hay là để cô lập mình vào điều kiện được cho là tốt đẹp nhất? Đó là câu hỏi mỗi người cần phải tự trả lời cho mình.
Thế nào là sống tuỳ duyên thuận pháp?
Cuộc sống luôn thay đổi. Môi trường tự nhiên mỗi lúc một khác: Sáng - trưa - chiều - tối, mặt trăng mọc - mặt trời lặn. Mỗi năm có bốn mùa biến dịch: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Trong mỗi tình huống, mỗi trạng thái của cuộc sống lúc nào cũng có 2 mặt đối lập: thành - bại, được - mất, hơn - thua, vui - khổ, cao - thấp, sang - hèn, v.v… nghĩa là trong họa có phúc, trong âm có dương. Tất cả những hoàn cảnh ấy đều là điều kiện hỗ tương cho sự sống gọi là DUYÊN. Có nhiều loại duyên nhưng chung quy có ba loại chính:
Thứ nhất là duyên tương giao tự nhiên: Duyên dễ thấy nhất là hoàn cảnh, môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo sẵn có xung quanh chúng ta. Từ thời tiết tự nhiên bốn mùa thay đổi, mặt trời, mặt trăng, mưa nắng... cho đến những gì đã có sẵn như ngôi nhà chúng ta đang ở, văn phòng chúng ta đang làm việc, con đường chúng ta đang đi v.v… đều là duyên ảnh hưởng từ bên ngoài.
Thứ hai là duyên do nghiệp quả: Những hậu quả do chính chúng ta tạo ra trong quá khứ đang trở nên những điều kiện tất nhiên trong đời sống hiện tại. Như tình trạng đau bụng là do buổi sáng ăn phải đồ bị hư hỏng. Cũng thế, máu đang chảy trong huyết quản với áp suất như vậy, tim đang đập với tốc độ như vậy, mắt thấy, tai nghe trong tình trạng như vậy, v.v… có vẻ như tự nhiên nhưng thực ra đều có liên quan đến quá trình gieo nhân gặt quả trong đời sống của mỗi người.
Thứ ba là duyên trong mối quan hệ: Khi sống trong cùng một tập thể hoặc cộng đồng xã hội, như gia đình, học đường, công ty, làng xóm v.v... chúng ta luôn có mối quan hệ thân hay sơ với những người khác. Những cuộc gặp gỡ tưởng chừng như tình cờ, kiểu như, “Người ơi gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không” thì trong ý đã muốn thiết lập mối quan hệ rồi. Tuy gặp người thế này, người thế khác, khi thuận, khi nghịch, không ai giống ai, nhưng đều có duyên có nợ với nhau. Người Ấn khẳng định rằng bất kỳ người nào mình gặp trong đời đều là người đáng gặp, thậm chí có người đột nhiên tiếp xúc được với những người trong cõi vô hình – cùng là cư dân trên trái đất – thì đều có duyên với nhau cả.
Chúng ta đang sống trong điều kiện môi trường tự nhiên nào, hoàn cảnh xã hội nào, đang gặp tình huống nào, thân - tâm đang ở trong trạng thái nào, dù tốt hay xấu, thuận hay nghịch, đó đều gọi là duyên. Vậy tùy duyên là gì?
Tùy duyên là tùy vào điều kiện hoàn cảnh đã có sẵn, thí dụ như khi chúng ta đang ở buổi sáng thì tùy duyên buổi sáng, khi ở trong mùa thu thì tuỳ duyên mùa thu, khi đang bệnh thì tuỳ duyên bệnh, khi đang khổ thì tuỳ duyên khổ, khi đang vui thì tùy duyên vui. Tức là gặp hoàn cảnh nào thì tuỳ hoàn cảnh đó mà ứng xử thích hợp, gặp môi trường nào thì tuỳ môi trường đó mà ứng biến thích nghi, ở trong trạng thái nào thì tuỳ vào trạng thái đó mà sống sao cho phù hợp và đúng tốt. Đó gọi là tuỳ duyên.
Còn thuận pháp là sao? Thuận pháp thuộc về nhân, khi một người chê mình, mình nổi sân thì đã khởi lên nhân sân, khi một người khen mình, mình thích tức là khởi lên nhân tham. Khi gặp duyên mình khởi lên một phản ứng chủ quan thì đó là nhân. Nhân có hai loại: thuận pháp và không thuận pháp.
Thuận pháp tức là nhận thức duyên một cách đúng đắn đồng thời có thái độ ứng xử (phản ứng) trong duyên đó một cách tốt đẹp. Nghĩa là khi gặp duyên gì đến thì tùy vào duyên đó mà có nhận thức đúng và hành vi tốt.
Có người không chịu sống tuỳ duyên mà luôn cố tạo ra điều kiện cho hợp ý mình. Đạo Phật không khuyến khích như vậy, mà dạy nên sống thích ứng với duyên đến tự nhiên hơn là thay đổi hoặc tạo tác thêm duyên tự tạo khác. Duyên chỉ là phụ thuộc bên ngoài, nhân mới là chính yếu bên trong, chỉ thay đổi tình trạng duyên mà không biết điều chỉnh thái độ nhân thì chỉ tạo rắc rối thêm thôi. Như hành thiền thì lấy duyên ngay nơi đời sống tại đây và bây giờ mà tu, mà điều chỉnh thái độ nội tâm, vì dù ở trong duyên nào mình cũng phải có thái độ nhận thức đúng mới biểu hiện được hành vi ứng xử tốt. Thay vì phải tìm cho ra trường thiền nào có điều kiện tốt nhất, phải chọn cho được thiền sư và pháp môn nào thích hợp nhất, tức là tìm duyên bên ngoài cho vừa ý mình, thì người thực sự biết tu cứ ngay nơi thực tại thân-tâm-cảnh mà thấy, dù là đang đi ngoài chợ hay đang ở trong chùa, duyên đâu thì cũng tu đúng pháp là được. Vì vậy, ở trong điều kiện nào không quan trọng mà có thái độ nào mới đáng quan tâm.
Nếu cứ muốn tìm duyên cho vừa ý mình thì sẽ mãi mãi lăng xăng không bao giờ tự an được, mà cho dù có tìm được cái an trong điều kiện thì cũng tự cô lập mình trong chính duyên đó, để rồi quên mất sự toàn diện của pháp tự nhiên. Duyên pháp tự nhiên đến đi không theo ý mình, mà theo sự vận hành của nhân quả nghiệp báo. Đúng là: “Đã mang chữ nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Đã tạo nghiệp trong quá khứ thì bây giờ phải gánh chịu hậu quả để học ra bài học đáng giá đó chứ sao lại cứ cố tình lẩn tránh. Cuộc sống là vô thường, ai muốn duyên phải thường theo ý mình thì càng đau khổ hơn. Đã học dở thì phải nhận điểm thấp để ngay đó còn học ra cách điều chỉnh việc học hành chứ mong điểm cao thế nào được. Vì vậy, nên sống tuỳ duyên mà ứng chứ không nên mong chờ hay tạo tác thêm duyên để rồi rơi vào vòng lẩn quẩn của nghiệp.
Sống tuỳ duyên tức là pháp đến thế nào thì thấy nó là như vậy, không buông xuôi theo nó mà cũng không đối nghịch lại nó. Người sống được như thế là người có sức mạnh lớn nhất. Vì thành công không làm họ phấn khích, thất bại không làm họ chán nản, hoàn cảnh khó khăn hay dễ dàng cũng không làm họ dao động, gặp khổ không lo sợ, gặp vui không chìm đắm. Cuộc đời dường như được trình hiện để mỗi người có thể nhận diện cả hai mặt của cuộc sống mà học ra bài học của mình. Người nào chỉ chọn lựa mặt này và loại bỏ mặt kia tức là đang trốn tránh học ra sự thật, đang tự cô lập hay tự đào thải mình khỏi cuộc đời.
Sống tuỳ duyên thuận pháp là đối với bất kỳ duyên nào cũng sống thuận pháp. Sống tuỳ duyên thuận pháp cần có hai yếu tố cơ bản: trật tự và nhẫn nại.
1. Trật tự
Sống vô trật tự gây ra bất an, bất an gây ra đau khổ. Một pháp đang hiện hữu trong sự vận hành được xác định bởi 3 yếu tố: thời (thời gian) - vị (không gian) - tính (tính chất của pháp ngay trong thời - vị đó). Vào thời điểm này (thời), mình đang ngồi ở giảng đường đây (vị) và đang thấy dễ chịu thoải mái (tính). Thời (thời gian) luôn luôn trôi chảy, vị (vị trí) cũng luôn luôn chuyển động vì mình đâu có ngồi hoàn toàn yên một chỗ, tính chất cũng luôn thay đổi, ngồi lúc đầu thì dễ chịu, nhưng sau một lúc lại thấy mỏi chân, v.v… Vậy cả 3 yếu tố này luôn thay đổi một cách trôi chảy, nhưng dù có biến đổi cách nào thì luôn luôn có thời - vị - tính trong từng sát-na. Đi trật cái thời - vị - tính đó gọi là mất trật tự. Mất trật tự cũng có 3 yếu tố:
Mất trật tự về thời
Đang sống trong hiện tại mà lại tiếc nuối về quá khứ tức là mất trật tự vì bị quá khứ chi phối, hoặc mơ ước đến tương lai tức là mất trật tự vì bị tương lai chi phối. Thiền là trở về trọn vẹn trong sáng với sát-na hiện tại nghĩa là sống đúng với chữ thời trong Dịch lý - dù chỉ là một sát-na nhưng vẫn có đầy đủ tính biến dịch sinh-trụ-diệt. Một ngày 24 giờ được tính bằng sáu ngàn bốn trăm tỷ, chín vạn, chín ngàn, chín trăm tám mươi sát-na. [1]
Nhưng khi không sống trọn vẹn với từng sát-na hiện tại thì chúng ta đã đánh mất rất nhiều thời gian thực sự sống, mà chỉ là sống trong mộng ảo của quá khứ và tương lai.
Mất trật tự về vị
Khi mất trật tự về thời thì cũng mất trật tự về vị. Khi bị quá khứ hay tương lai chi phối thì đồng thời cũng quên mất vị trí thân-tâm đang ở đây.
Mặt khác, khi chúng ta bị thu hút sự chú ý vào đối tượng bên ngoài thì cũng quên mất vị trí thực của mình, thí dụ quí vị đang nghe thầy nói mà quên cả mình luôn, đầu óc cứ suy nghĩ xem thầy nói có đúng không, sao chưa thấy sách nào nói như vậy v.v... Như vậy là nghe mà không nghe điều thầy muốn nói, vì thầy đang chỉ ra thực tại nơi mỗi người thì lẽ ra nghe thầy tức thấy ra chính mình mới đúng, mới không quên vị trí thực tại thân-tâm-cảnh đang là.
Một thí dụ khác là khi đang đi nhưng tâm không trọn vẹn với từng bước đi, mà lại chỉ nghĩ về đích tới, hoặc bị những việc xảy ra bên ngoài chi phối, chú mục xem một cách quán tính mà quên mất chính mình đang đi.
Trong thiền định (chỉ), khi gắn tâm vào một đối tượng (cảnh) thì cũng dễ dàng quên mất vị trí của thực tại thân tâm đang là. Đối tượng của định là do tưởng sinh: sắc tưởng và vô sắc tưởng. Vì vậy cần phải hết sức cẩn thận với loại tứ thiền bát định này. Chánh định là tâm tĩnh tại ở khắp mọi nơi, tức là luôn luôn trọn vẹn với thực tại thời - vị - tính, thì đó mới là đại định của Phật giáo. Còn nếu thiền định chỉ là quên đi tất cả mọi chuyện và ép tâm an trú trong một trạng thái khả lạc hay bất động nào đó thì chỉ là định thế gian, vẫn còn là kiết sử - sắc ái, vô sắc ái – vẫn còn tự cô lập mình khỏi bản chất đời sống vốn vô cùng uyển chuyển và vi diệu này. Nhầm lẫn giữa tứ thiền bát định thế gian với chánh định quả là một sai lầm to lớn.
Đại định hay chánh định của Phật giáo là trong mọi trường hợp, tình huống hay hoàn cảnh (duyên) tâm đều tĩnh tại, tự tại tức là an, an là không mất trật tự, tức là không đánh mất vị trí của thực tại hiện tiền - như nó đang là. Định này mới đi đôi với trí tuệ, vì đối tượng của trí tuệ chính là thực tánh pháp, mà thực tánh pháp chỉ hiện diện duy nhất trong vị trí đang là của nó mà thôi. Thực tánh tức là “pháp trụ pháp vị” có nghĩa là pháp đúng với vị trí đích thực của nó, chứ không phải là hình ảnh ảo qua tướng do tưởng sinh của thiền định.
Mất trật tự về tính
- Về phương diện trạng thái thì tính hay thực tính pháp là bản nguyên của sự vật như nó là, thực tính của một pháp chính là trạng thái nguyên vẹn, hay tình trạng hiện hữu của pháp đó, chứ không phải cái ngoài nó hay khái niệm về nó, vì đó chỉ là tưởng tượng: Thí dụ khi đang ở trong trạng thái bực bội (cảm thọ ưu), thay vì cảm nhận trọn vẹn tính chất của cảm xúc đó, thì lại cho nó là không tốt, phải dẹp nó đi hoặc mong ước nó sẽ trở thành tốt đẹp hơn... Ngược lại nếu lúc đó là trạng thái thích thú (cảm thọ hỷ), thay vì cảm nhận trọn vẹn tính chất của cảm xúc này thì lại cho đó là tốt, phải giữ nó lại hoặc mong muốn nó tồn tại lâu dài. Vì vậy chúng ta không ngừng cho là... phải là... sẽ là... hơn thấy trung thực sự vật như nó là.
Do đó chỉ thấy được vọng tưởng của mình chứ không thể nào thấy thực tính pháp. Khi ở trong trạng thái của một pháp mình không trọn vẹn thấy ra tính bản nguyên của nó mà luôn tự phân chia thành hai, một bên là trạng thái khổ thực đang có, một bên là trạng thái lạc ảo chưa có. Lẽ ra mình phải trở về trọn vẹn trong sáng với cái khổ thực đang có để thấy rõ nó trong từng sát-na sinh diệt thì lại mong cầu một trạng thái lạc ảo ở tương lai. Thế là mất trật tự về tính trong thời-vị-tính của thực tại đang là.
- Về phương diện thái độ thì tính biết nơi mỗi người vốn thanh tịnh, trong sáng và luôn có thể trọn vẹn với pháp tính tự nhiên trong từng sát-na. Tính biết có khả năng thấy biết tất cả pháp với đầy đủ thể tướng dụng, nhưng cái ngã không nhận ra khả năng sẵn có này mà khởi lên ảo tưởng cho là “ta biết” và đôi khi còn coi tính biết là “tự ngã của ta”. Chính cái “Ta” này mới có phản ứng, chọn lựa lấy hoặc bỏ cái này cái kia theo tư kiến, tư dục hay tà kiến, tham ái của mình.
Thực tính của pháp vốn vô ngã - thuộc chân đế - còn bản ngã chỉ là khái niệm ảo thuộc tục đế. Vì quen sống trong khái niệm tục đế nên quên đi thực tính chân đế của pháp. Khi không trọn vẹn với thực tính chân đế ngay đó của các pháp mà khởi lên khái niệm ảo về chúng, đồng thời khởi lên cái “Ta” giải quyết, xử lý pháp theo ý đồ của bản ngã. Vậy là vô tình đã quên mất tự tính (sabhāva) chân như (yathābhūtā) mà rơi vào ảo tưởng (saññā vipallāsa).
Cho nên đức Phật mới dạy tinh tấn - chính niệm - tỉnh giác, tức là trở về trọn vẹn trong sáng với thời-vị-tính đang là nơi thân-thọ-tâm-pháp. Thiền tức là trả lại trật tự tự nhiên của thời-vị-tính nơi tâm và pháp, theo Dịch lý thì gọi đó là "Thời vị trung chính". Thời là ngay bây giờ (trung), vị là ngay tại đây (chính) thì lúc đó tính mới là thực (chân). Vậy đang đứng chỉ có đứng, đang nằm chỉ có nằm, đang nghe chỉ có nghe, đang thấy chỉ có thấy… Đó là lúc thực sự trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại.
Trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại đang là tức là sống tùy duyên thuận pháp. Nói theo Tứ Niệm Xứ thì khi đang đi trọn vẹn với đi là tùy duyên, trong sáng với đi là thuận pháp. Nói cụ thể dễ hiểu hơn là khi đang đi mà thận trọng - chú tâm - quan sát mọi diễn biến của động tác đi, chứ không bị phân tâm ở chỗ khác là tùy duyên thuận pháp. Hoặc khi đi tâm hoàn toàn sáng suốt - định tĩnh - trong lành là đang tùy duyên thuận pháp. Cũng có thể nói theo kinh điển thì đó chính là đang đi với đầy đủ Giới - Định - Tuệ hay trọn vẹn Bát Chính Đạo đều giống nhau. Thực ra nguyên lý vẫn là trở về trọn vẹn trong sáng với cái thời - vị - tính tại đây và bây giờ. Nếu duyên thuận đến thì sống thuận pháp là dễ, còn khi duyên nghịch đến thì sống thuận pháp có vẻ khó hơn, do đó muốn chấp nhận nghịch duyên thì phải nhẫn nại.
2. Nhẫn nại
Nhẫn nại ở đây là nhẫn nại với tất cả phiền não như tham, sân, dao động, thụ động, buông lung, phóng dật, ngã mạn v.v... Có câu nói khó hiểu nhưng rất chí lý là "Phiền não tức Bồ đề". Bồ đề chính là tính giác rỗng lặng trong sáng sẵn có nơi mỗi người. Vậy sao lại nói phiền não tức Bồ đề?
Đơn giản là vì phiền não khởi lên để xem tính giác có thấy ra được hay không. Có thể nói phiền não là phương tiện để đánh thức sự sáng suốt và nhạy bén vốn có của tính giác. Tính giác phát hiện được nhiều phiền não chừng nào thì trí tuệ càng thông sáng chừng đó. Nếu bất cứ phiền não nào khởi lên cũng đều được tính giác phát hiện thì đó chính là giác ngộ hoàn toàn. Và có thể nói nếu không có phiền não thì không thể biết được hoạt dụng của Bồ đề thực chất ra sao.
Cho nên không sợ phiền não khởi mà chỉ sợ không giác được đúng thời-vị-tính của nó. Người tu thường gặp phải sai lầm khi tự tạo ra cái mình cho là đúng, thật ra cái mình cho là đúng phần lớn chỉ là ảo tưởng. Người tu chỉ cần phát hiện cái sai, cái ảo tưởng để đừng bị nó sai sử thôi, còn cái đúng chính là pháp thực tánh chân đế tự nhiên không ai tạo được. Khi không còn ảo tưởng thì tất cả pháp tự tánh đều trở về nguyên vị của nó. Chính tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác mới giúp mình kịp thời phát hiện được phiền não mà không bị bỏ sót.
Vậy gặp thuận duyên thì cứ thuận mà không tham đắm là được, gặp nghịch duyên không loại trừ mà nên nhẫn chịu thì tốt hơn. Nhiều người nghĩ rằng để mau giải thoát cần phải khổ hạnh chứ không nên ở trong điều kiện thuận lợi, vì sợ đắm chìm. Tuy nhiên bản chất cuộc sống luôn có hai mặt thuận và nghịch, bỏ mặt này lấy mặt kia là thái độ lệch lạc. Cái gì đến thì đến, cái gì đi thì đi là tốt nhất. Thực ra gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh đều cần nhẫn nại. Gặp thuận cảnh thì nhẫn nại để không bị đắm chìm. Gặp nghịch cảnh cần nhẫn nại để không sinh đối kháng. Tính nhẫn nại không thể rèn luyện nhờ bất kỳ một phương pháp nào, mà phải ngay khi gặp nghịch cảnh hay thuận cảnh mà nhẫn nại điều chỉnh thái độ nhận thức và hành vi của mình cho thích hợp.
Lúc đầu khi gặp nghịch cảnh thì bản ngã đối kháng liền phản ứng – cương quyết dẹp bỏ nó đi theo thói quen quán tính - nên không tự biết mình. Nhưng khi thường tinh tấn - chánh niệm - tỉnh giác nghiêm túc hơn, tức là luôn trở về trọn vẹn trong sáng với thực tại mà quan sát những gì xảy ra nơi mình trong yên lặng thì mới dễ dàng phát hiện ra những phản ứng lăng xăng này. Rồi bắt đầu nhận diện sự sinh khởi của các phiền não ngày càng sớm hơn, và dễ dàng chấp nhận nghịch cảnh hơn. Thì ra chính nghịch cảnh khơi dậy tính nhẫn nại và những phẩm chất cao quý khác vốn đang tiềm ẩn nơi mình.
Nhờ nghịch cảnh giúp mình thấy ra được bản chất vô thường, khổ, vô ngã của vạn pháp mà giữ được cân bằng, không bị chìm đắm. Đến một lúc nào đó khi nhận thức đã chín chắn mình mới thật sự biết tri ân nghịch cảnh. Đồng thời nhận ra sai lầm của mình trước đây đã quá vội vàng dẹp bỏ nó đi một cách chủ quan.
Rồi cuối cùng khi đã thông suốt mới giác ngộ được rằng thuận hay nghịch đều do cái ngã ảo tưởng dựng ra. Cho nó là thuận thì nó thuận, cho nó là nghịch thì nó nghịch, thực ra chỉ có pháp đến đi ngàn đời vẫn vậy, còn thuận hay nghịch là cái nhãn do mình dán lên. Khi thấy rõ điều này thì mới có thể hoàn toàn sống tùy duyên thuận pháp được.
Người sống hoàn toàn tùy duyên thuận pháp thì cũng sống vô ngã vị tha, vì chỉ còn tính giác hòa đồng trong pháp giới tính mà thôi. Vị Thánh đầu tiên là Tu-đà-hoàn còn gọi là Nhập Lưu tức là bắt đầu sống thuận theo dòng pháp tính tự nhiên. Vị Tu-đà-hoàn đã giác ngộ ra được thế nào là sống tùy duyên thuận pháp và bắt đầu sống đúng theo cái thấy ấy. Thực ra khi đã hòa vào dòng pháp tính tự nhiên thì đâu còn ai đắc mà có quả vị này, quả vị kia hiểu theo ngôn ngữ tục đế. Tất cả các quả vị chỉ là tên gọi quy ước, Phật nói ra để mọi người có thể thấy trình độ tùy duyên thuận pháp của mình tới đâu thôi.
Có người nói rằng Phật cứu độ chúng sinh, nhưng Phật đã nhập Niết-bàn rồi, không còn ai cứu độ nên chúng sinh vẫn khổ. Thật ra đức Phật không cứu độ mà Ngài chỉ khai thị cho chúng sinh thấy bản chất thật của cuộc đời là như vậy, nó luôn có hai mặt, không thể chọn mặt này bỏ mặt kia. Nếu cứ loay hoay đi tìm cái mình cho là hạnh phúc thì chỉ gặp toàn là khổ đau. Nhưng chính nhờ những khổ đau ấy mới giúp mình thấy ra bản chất hai mặt của cuộc sống và hoàn toàn chấp nhận sự thật ấy mà giác ngộ giải thoát.
Sống tuỳ duyên thuận pháp như vậy đức Phật gọi đó là Không, Vô Tướng, Vô Tác, Vô Cầu. Lúc nào cũng sống trọn vẹn với pháp, không khởi lên tà kiến tham ái nên gọi là Không; tâm luôn rỗng lặng trong sáng nên không cần chấp giữ một pháp tướng nào, tướng tự đến đi vô ngại nên gọi là Vô Tướng. Tâm hoàn toàn rộng mở, trọn vẹn với pháp tính tự nhiên, nên không cần phải làm gì để trở thành nữa, đó là Vô Tác, Vô Cầu.
Ảo tưởng về bản ngã tạo ra rất nhiều trói buộc. Đức Phật có nói:"Này các tỳ kheo, có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành bởi vì nếu không có cái không sinh, không hữu, không tác, không thành thì không thể thực hiện được sự thoát ly khỏi cái sinh, hữu, tác, thành".
Ngay thực tại thân - tâm - cảnh nơi mỗi người luôn có cả hai thứ: một là Không Sinh - Không Hữu - Không Tác - Không Thành và hai là Sinh - Hữu - Tác - Thành. Thiền chính là phát hiện ra khi nào là không sinh - không hữu - không tác - không thành, còn khi nào là sinh - hữu - tác - thành.
Thí dụ ngay khi tâm đang rối loạn, mình lại khởi lên ý đồ phải định tâm, đó là sinh, ý niệm này làm xuất hiện ham muốn đạt được (trở thành) định tâm đó là hữu, ham muốn liền khiến mình nỗ lực hành động bằng mọi cách để đưa tới định tâm đó là tác, cuối cùng mình đạt được trạng thái định do mình tạo ra đó là thành. Dù mình có đạt định đi nữa thì tiến trình này vẫn là luân hồi sinh tử vì định này có được từ Sinh - Hữu - Tác - Thành. Ngược lại nếu tâm đang rối loạn mà mình trở về trọn vẹn trong sáng với ngay trạng thái đang rối loạn ấy thì đó chính là Không Sinh - Không Hữu - Không Tác - Không Thành. Đó chính là Đại Định, Đại Tuệ vượt thoát luân hồi sinh tử mà đức Phật truyền dạy.
Hỏi: Sao tâm con cứ lăng xăng hoài không an. Nó làm con rất phiền não. Làm sao cho tâm được an hả Thầy?
Trả lời: Chính ý muốn làm cho tâm an là "đổ dầu vào lửa", càng làm kéo dài trạng thái bất an của tâm.
Đó là câu chuyện về Huệ Khả và Tổ Đạt Ma. Khi tham kiến Tổ Đạt Ma, Huệ Khả trình:
- Xin ngài an cái tâm cho con
Tổ bảo:
- Đưa cái tâm đây ta an cho
Huệ Khả nhìn lại mình một lúc rồi nói:
- Con không tìm thấy tâm bất an đâu cả.
Tổ liền chỉ thẳng:
- Ta đã an cái tâm của ngươi rồi đó.
Mình cố gắng an cái tâm thì không bao giờ tâm an được cả. Cho dù mình có đạt được trạng thái định thì trạng thái định ấy chỉ là sự bất an đã bị đóng đinh. Vì vậy cái định này còn khổ hơn sự bất an. Thật ra khi bất an mà nhìn thấy rõ được sự bất an ấy với đầy đủ tánh - tướng - thể - dụng của nó thì cả Đại Trí lẫn Đại Định đều xuất hiện. Vì thế mới có câu "phiền não tức Bồ đề". Nếu mình đè nén sự rối loạn đó đi thì sự bất an chỉ chìm vào trong vô thức, còn mình thì tự "đóng đinh" mình trong một trạng thái bất động nhất thời nào đó mà mình ưa thích. Cái bất an đã chìm vào vô thức ấy trở thành nghiệp quả mà mình phải gánh chịu, sau này nó sẽ khởi lên còn dữ dội hơn nữa.
Vậy khi tâm mình rối loạn, hãy buông cái ý đồ chống đối nó đi, để nó diễn ra trong yên lặng mà thấy cho rõ, hoàn toàn không xen ý chí kiểm duyệt vào thì cái tâm bất an ấy sẽ lăng xăng một hồi rồi tĩnh lặng trở lại một cách kỳ lạ. Nếu mình không xem cái bất an là kẻ thù, không còn chống đối lại nó, thì nó sẽ giúp tính biết hoàn thành tuệ giác.
Bản thân pháp vốn nhất thể, giống như bàn tay có 2 mặt nhưng cùng một thực thể, chỉ có cái ngã lý trí muốn tách mặt này ra khỏi mặt kia theo tư kiến tư dục của mình. Ngay trong sự đồng nhất và tịch tịnh của pháp đang là, cái ngã lý trí khởi lên “tự chẻ đầu chính nó” (Pháp cú 72) rồi tự than là phiền não bất an, chứ chẳng có pháp tính nào bất an cả.
Tâm bất an, rối loạn, cũng có lý do của nó, giống như rối loạn tiêu hóa là do ăn uống bừa bãi vậy. Nếu tâm lúc nào cũng lăng xăng tính toán việc này việc kia, ý tưởng này ý tưởng nọ mà thiếu sự trầm tĩnh trong sáng thì làm sao mà muốn nó an ngay được. Nhưng nếu ngay khi đang ở trong trạng thái bất an mà tâm vẫn trầm tĩnh sáng suốt biết rõ trạng thái bất an đó, không cố gắng lăng xăng xử lý theo ý mình thì thái độ thấy biết vẫn an. Khi thấy biết an thì trạng thái bất an sẽ tự chấm dứt hoặc chuyển hóa thành trạng thái an tĩnh theo luật chuyển hóa tự nhiên của pháp.
Có hai loại bất an: Một là những niệm tưởng lăng xăng có nguồn gốc từ những xung động vô thức (tập khí), những gì mình đã chứa nhóm hay dồn nén vào tiềm thức trong quá khứ bây giờ nó tìm cách khởi lên. Hai là những ý đồ tạo tác hữu thức đang ứng xử trong hiện tại.
Đối với những xung động vô thức liên quan đến những gì đã làm trong quá khứ thì cần có sự nhẫn nại để chúng sinh khởi tự nhiên và lặng lẽ quan sát chúng thì chúng sẽ tự diệt, đồng thời nhờ chúng mà mình mới biết được nhân quá khứ mình đã tạo là gì. Làm như vậy chính là giúp hữu thức hóa những tập khí vô thức ấy hầu giải thoát chúng ra khỏi tình trạng bị dồn nén. Còn đối với những thái độ tạo tác hiện tại thì chỉ cần đủ chánh niệm tỉnh giác để thấy được sự sinh khởi của chúng thì chúng không còn gây tạo nghiệp được nữa.
Hỏi: Thưa thầy, khi mình lập kế hoạch để làm việc này việc nọ chính là mình cố tạo duyên đúng không ạ? Lúc đó làm sao để mình sống tuỳ duyên được ạ?
Trả lời: Kế hoạch lập ra biểu hiện trình độ nhận thức và hành vi của mỗi người, vậy mỗi người có quyền lập kế hoạch gì thì cứ lập. Nhưng quan trọng không phải kế hoạch gì mà trong khi thực hiện kế hoạch đó có khả năng biết mình để tùy cơ ứng biến hay không. Việc luôn quan sát và chiêm nghiệm để học ra được bài học về quá trình diễn biến trong công việc hiện tại và sẵn sàng điều chỉnh lại nhận thức và hành vi của mình cho thích hợp mới là vấn đề đáng lưu ý.
Lập kế hoạch tức là muốn lập trình công việc của mình trong tương lai. Nếu đó là việc sắp xếp trình tự đương nhiên theo diễn biến công việc thì đó chính là tùy duyên mà sắp xếp. Nhưng nếu người không thấy rõ chính mình trong quá khứ và hiện tại thì làm sao lập được kế hoạch cho tương lai, vì tương lai tùy thuộc vào quá khứ và hiện tại. Và nếu họ có lập kế hoạch thì cũng chỉ dự đoán điều mình chưa biết chắc ở tương lai để tự trấn an mà thôi. Nếu người có khả năng thấy mình trong quá khứ, hiện tại rõ ràng thì đối với họ tương lai dù thế nào họ cũng sẽ biết rõ để tùy cơ ứng biến kịp thời và đúng chỗ. Khả năng tùy duyên ứng biến tốt hơn là lập kế hoạch trước để rồi không ứng phó kịp thời với mọi biến đổi vô thường.
Người có tầm nhìn càng rộng chừng nào thì lập trình càng ít chừng đó, họ có cái nhìn bao quát quá khứ, hiện tại, tương lai và vạn pháp, nên họ chỉ cần sống tuỳ duyên thuận pháp là đủ. Người như vậy thì “tùy cảm nhi ứng, tùy ngộ nhi an” nên đụng đâu ứng đó mà lúc nào cũng hoàn toàn chính xác.
Cái sát-na thời - vị - tính tại đây và bây giờ tuy vô cùng nhỏ bé - gần như không có - nhưng lại hội tụ tất cả yếu tính của hiện tại, quá khứ và tương lai. Nếu không thể trở về tiếp xúc với cái điểm nhỏ bé ấy mà cứ lập trình với thời gian - không gian giả định bề ngoài thì bao giờ mình cũng chỉ là nông cạn. Nhưng chỉ cần sống trọn vẹn được với sát-na thời - vị - tính tại đây và bây giờ thì toàn bộ yếu tính của sự sống đã nằm sẵn trong đó. Lập trình làm cho tâm đi theo một lối mòn định sẵn, không còn hồn nhiên trong sáng để đón nhận mọi sự đến đi đầy ngạc nhiên, mới mẻ và sáng tạo.
Nguyên lý đơn giản là luôn biết trải nghiệm, chiêm nghiệm, học hỏi sự thật mới mẻ và sẵn sàng tùy cơ ứng biến để điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng với thời - vị - tính của pháp. Khi làm một việc, quan trọng không phải kết quả của công việc mà là có thấy ra chính mình trong quá trình mình làm việc đó không. Để có kết quả như ý nhiều khi chỉ cần bỏ tiền ra là mua được. Nhưng thành quả cao quý nhất trong cuộc đời chính là học ra bài học chân lý trong từng sát-na thực tại.
Thích Viên Minh
Ý kiến của độc giả:
Tôi vừa đọc bài này của thầy Viên Minh. Theo tôi, "sống tùy duyên" là đi ngược lại việc gìn giữ giới hạnh. Giữ giới là điều quan trọng vào bậc nhất để có được định và huệ. Chúng ta không nên sống tùy duyên: thí dụ tùy duyên đi đánh bạc, tùy duyên đi đánh bắt cá (duyên do nghiệp quả biến thành thói quen), tùy duyên sàm sỡ với phụ nữ (duyên do mối quan hê rủ rê). Vì sao vậy? Vì "sống tùy duyên'' đa số là nghịch pháp, rất hiếm khi thuận pháp.
Nếu dùng cái duyên gặp gỡ đó để quán chiếu và tự làm chủ cái tâm mình, thì gọi là tùy duyên thuận pháp, còn nếu không thoát khỏi tham đắm, sân hận thì gọi là tùy duyên nghịch pháp. Vì vậy, "sống tùy duyên" cũng ví như một bài học quá cao, một cơn thử thách quá cam go mà phần lú lẩn, thua thiệt là điều chắc chắn. Ngược lại với "sống tùy duyên" là giữ giới: ai rủ đi đánh bạc hay đi đánh bắt cá thì không đi, gái rủ đi chơi đêm cũng không đi. Đó là đẩy duyên ra xa chứ không nên tùy duyên. Trên đời có mấy ai sống tùy duyên mà thuận pháp ?
Đối với một người phàm phu bình thường, nói chung là người đời, hoặc một người tu chưa đắc pháp, việc đánh giá để phân biệt cái nào là thuận pháp và cái nào không thuận pháp hãy còn là khó khăn, mơ hồ: thí dụ thấy tiền vô thì cho là thuận pháp (niệm Quán Thế Âm để cầu làm ăn phát đạt), thật ra đây là nghịch pháp vì tăng trưởng tánh tham. Từ ngữ " tùy duyên" rất dễ đưa họ vào sự hiểu lầm, rồi bào chữa, khiến họ càng lún sâu vào tà nghiệp, nhất là ở vào thời đại suy đồi này.
Lặp lại câu hỏi trên: "Trên đời có mấy ai sống tùy duyên mà thuận pháp". - Có chứ! Những hàng Bồ tát, những nhà tu chân chánh, đắc đạo. Người phật tử đang tu tập không nên sống tùy duyên.
"Sống tùy duyên thuận pháp" thường được đức Phật thuyết giảng cho các vị Bồ tát (thường với câu: Này Bồ tát.....), để các vị này tùy duyên mà hóa độ chúng sanh, như trong kinh Đại Bát Niết Bàn và trong nhiều kinh Đại thừa khác, chứ không phải giảng cho người thường (Này thiện nam tử!..) Người chưa đắc đạo mà áp dụng điều này thật là không hợp lý, giống như trẻ con đang học lớp mẫu giáo mà nhảy phóc lên đại học. Phải vậy không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét