PNO - Sau 20 năm trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng ngập mặn Cần Giờ đã tăng diện tích lẫn độ che phủ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, rừng Cần Giờ đang suy yếu, cần phải có giải pháp bảo vệ lâu dài.
Theo các chuyên gia, cây đước ở rừng ngập mặn Cần Giờ đã 30 tuổi nhưng chưa được tỉa thưa, dẫn đến “sức khỏe” rừng suy yếu đến mức đáng báo động - Ảnh: Sơn Vinh
Nỗi lo do rừng già cỗiPhó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Hồ Thị Thanh Vân (Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM) ví von rằng, mảng xanh ở huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ là hai lá phổi của TPHCM. Do đó, phải giữ bằng được hai lá phổi này nguyên vẹn.
Theo TS Hồ Thị Thanh Vân, trên thực tế, nếu đối chiếu theo “Bản đồ tổng hợp phát thải và hấp thụ CO2 của TPHCM”, sẽ thấy ở khu vực trung tâm, nơi mật độ mảng xanh thấp, lượng phát thải CO2 có thể lên đến trên 100.000 tấn/năm. Ngược lại, nhìn trên bản đồ này, lượng phát thải CO2 ở huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi dường như không có. “Điều đó cho thấy, nếu không có rừng Cần Giờ, TPHCM chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ ô nhiễm không khí” - bà Vân nhận định.
Hiện nay, rừng ngập mặn Cần Giờ đang phát triển về diện tích lẫn độ che phủ. Qua 10 năm, diện tích rừng Cần Giờ đã tăng lên hơn 1.916ha, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trong khu dự trữ sinh quyển từ 40,31% (năm 2010) lên 42,84%. Thế nhưng, các chuyên gia chỉ ra rằng, bên trong màu xanh ngắt của khu rừng ngập mặn này, “sức khỏe” của rừng đang có dấu hiệu suy yếu dần.
TS Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước - cho biết, chất lượng rừng ngập mặn hiện nay rất đáng báo động. Bởi lẽ, phần lớn diện tích rừng ngập mặn là rừng trồng. Quy phạm kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng và bảo vệ rừng đước có quy định về ba lần tỉa thưa theo độ tuổi cửa rừng với cường độ tỉa thưa và số thân cây được chừa lại rất rõ ràng.
“Hiện nay, rừng đước đã đạt 30 tuổi, mật độ cây rất cao so với quy định nhưng chưa một lần được tỉa thưa như các biện pháp lâm sinh bắt buộc. Hậu quả là cây không còn không gian dinh dưỡng, sâu bệnh phát triển, đặc biệt là sâu đục thân. Vì thế, chất lượng rừng đước ở Cần Giờ đang suy giảm” - TS Thành giải thích.
Ông Thành cũng bày tỏ thêm: “Một khu rừng nằm trong một thành phố là trung tâm khoa học, là đô thị khoa học, có một khu rừng đước quý giá nhưng lại đang được quản lý thiếu khoa học về lâm sinh. Trong khi đó, rừng đước ở nhiều nước đang được quản lý rất khoa học nên rất khỏe, đẹp”.
TS Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng và đất ngập nước
Tìm cách bảo vệ rừng bền vữngCùng quan điểm, PGS-TS Viên Ngọc Nam (Trường đại học Nông Lâm TPHCM) lý giải, tỉa thưa là một biện pháp lâm sinh tác động đến rừng nhằm tạo điều kiện cho rừng sinh trưởng và phát triển, nhưng trong thời gian qua, rừng ngập mặn Cần Giờ không được tỉa thưa nên chất lượng rừng giảm, dẫn đến sự đa dạng thực vật rừng ngập mặn giảm.
PGS-TS Viên Ngọc Nam cũng cho rằng, tình trạng xói mòn, sạt lở ven sông đã làm giảm đa dạng sinh vật. Nước thải ô nhiễm và vận tải biển cũng ảnh hưởng xấu đến sự phân bố loài cũng như đa dạng sinh vật trong khu vực. Trong khi đó, hiện nay chưa có các nghiên cứu toàn diện về đa dạng sinh vật ở Cần Giờ để làm cơ sở khoa học cho việc theo dõi, giám sát và phát triển hệ sinh thái quý này.
Để giải quyết vấn đề “sức khỏe” cho rừng ngập mặn Cần Giờ, theo TS Viên Ngọc Nam, có thể học theo cách làm của khu bảo tồn rừng ngập mặn Matang ở Malaysia. Nơi cho khai thác gỗ với chu kỳ, hai lần tỉa thưa ở tuổi 15, 20 và khai thác gỗ ở tuổi 30. Việc làm này vừa góp phần ổn định kinh tế và đảm bảo sự phát triển của rừng. “Rừng ngập mặn Cần Giờ là rừng trồng, nên khai thác để trồng lại rừng nhằm trẻ hóa và gia tăng hiệu quả về nhiều mặt như môi trường, kinh tế và xã hội. Khi rừng được khai thác hợp lý, vững sẽ làm gia tăng 20% việc tích tụ carbon so với rừng để nguyên”, PGS-TS Viên Ngọc Nam, phân tích thêm.
TS Nguyễn Chí Thành cho rằng, cần quy định rõ rừng ngập mặn Cần Giờ là rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển. Việc quy định rõ loại rừng phòng hộ còn làm cơ sở pháp lý cho các quy hoạch khác ở vùng ven biển. Trong đó, có mục tiêu về bảo vệ rừng gắn với phòng tránh thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
Ông Thành đề xuất thêm: “Rừng Cần Giờ cách trung tâm thành phố không xa, lại có cảnh quan đẹp và không khí trong lành nên rất thích hợp để làm nơi nghỉ dưỡng. Thật tuyệt vời nếu một phần diện tích của khu rừng ngập mặn này được xây dựng thành một công viên cao cấp để phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí cho người dân, đồng thời mang lại nguồn lợi về kinh tế. Cùng với đó, TPHCM cần nâng tầm khu rừng ngập mặn Cần Giờ thành mô hình mẫu về phục hồi một vùng đất ngập nước, trở thành một trung tâm nghiên cứu, giáo dục rừng ngập mặn của cả nước và quốc tế”.
Số vụ xâm hại rừng giảm nhờ khoán cho dân bảo vệ
Ngày 23/7, UBND TPHCM đã tổ chức hội thảo kỷ niệm 20 năm quản lý và phát triển Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Tại hội thảo, ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý khu này - cho biết, thành tựu đáng ghi nhận nhất trong 10 năm qua là diện tích trồng rừng tăng đáng kể.
Hiện nay, ban quản lý đã tổ chức giao khoán cho 168 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn thường trú tại H.Cần Giờ và 11 đơn vị bảo vệ rừng, mức giá giao khoán hơn 1,1 triệu đồng/ha/năm. Sau 20 năm, số vụ xâm hại rừng Cần Giờ đã giảm đáng kể.
Sơn Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét