"Hòn đá lăn" ở câu chuyện này là cách nói ẩn dụ của việc duy trì thường xuyên sự vận động cơ thể của con người để có được sức khỏe dẻo dai, giúp chúng ta có một cuộc sống lành mạnh.
"Hòn đá lăn" ở câu chuyện này là cách nói ẩn dụ của việc duy trì thường xuyên sự vận động cơ thể của con người. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh hòn đá lăn thể hiện rõ nhất trong quân ngũ. Với khẩu hiệu "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu" nên những người lính được rèn luyện không ngừng với cường độ cao, chương trình huấn luyện, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi và điều lệnh nghiêm ngặt. Quân nhân gần như không có một phút giây nào được buông thả cơ thể, kể cả trong giấc ngủ, bởi họ luôn phải sẵn sàng hành quân bất chợt trong đêm tối.
Có thể chưa có công bố nghiên cứu nào về tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần của quân nhân sau kỳ huấn luyện quân trường, nhưng tôi tin rằng, đa số họ chắc chắn sẽ tăng cân, mạnh khỏe và rắn rỏi hơn rất nhiều so với trước khi vào huấn luyện. Đó là kết quả của sự vận động không ngừng như hình ảnh của hòn đá lăn.
Không chỉ trong quân ngũ, mà ngoài đời thường, chúng ta cũng bắt gặp nhiều hình tượng của "hòn đá lăn". Chẳng hạn, những người nông dân trước đây khi chưa có nhiều phương tiện máy móc, phải suốt ngày quần quật "một nắng, hai sương" với ruộng đồng từ sáng sớm đến đêm khuya, "quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng rất nhiều người có sức khỏe tốt đến mức kinh ngạc: Có người cơ thể nhỏ nhắn nhưng có thể dễ dàng gánh những bó lúa hay khuân những vật nặng lên đến cả tạ (có khi hơn).
Bây giờ, khi đời sống vật chất khấm khá hơn, người nông dân cũng bớt công việc chân tay hơn nên những người có được sức khỏe dẻo dai hay cường tráng như xưa bỗng ít dần. Tôi nhận thấy điều này qua quan sát những người bà con hiện đang sống và làm ruộng ở quê nhà. Nguyên nhân là bởi một phần máy móc đã thay thế sức lao động, chốn làng quê bây giờ không còn trong lành như trước, môi trường bị ô nhiễm nặng nề bởi thuốc trừ sâu, không khí bị ô nhiễm do khói bụi từ đốt rơm rạ, "ô nhiễm tiếng ồn" từ những trận hát karaoke từ sáng sớm tới tận đêm khuya, thanh niên say xỉn rượu bia ngày càng nhiều hơn…
So với những thế hệ lão nông tri điền trước đây, sức khỏe của những "tráng đinh" bây giờ thua xa. Đó là vì "hòn đá ít lăn".
Đi bộ là một trong những hình thức được khuyến khích ở Nhật Bản để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa)
Khi sang Nhật Bản, đất nước của những người cao tuổi, quan sát cuộc sống của con người xứ sở hoa Anh Đào, ta như càng thấm thía nguyên lý "hòn đá lăn". Người Nhật Bản có lẽ thuộc nhóm người sống tích cực nhất trên thế giới, cuộc sống của họ như được "lập trình" đến từng giây, từng phút; và có vẻ như tất cả họ, già cũng như trẻ đều tự nguyện cống hiến công sức và trí tuệ của bản thân cho sự phát triển của đất nước Nhật Bản.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ, trong bản báo cáo về "Thống kê Y tế Thế giới 2018", ở bảng xếp hạng tuổi thọ của các quốc gia, Nhật Bản đứng đầu, đạt 84,2 tuổi, trong đó tuổi thọ của phụ nữ là 87,1 tuổi và của nam giới là 81,1 tuổi. Sở dĩ người Nhật có tuổi thọ cao như vậy, ngoài chế độ ăn uống thanh đạm và điều độ, thì họ rất chú trọng các hoạt động thể chất và tập thể dục hàng ngày, để tăng cường khả năng kháng bệnh.
Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ở Nhật Bản hình ảnh những đoàn học sinh rảo bước đến trường, hay những nhân viên công sở, những bà nội trơ ra bắt tàu điện ngầm sau đó đi bộ đến văn phòng, siêu thị. Đây là một trong những hình thức được khuyến khích ở Nhật Bản, bởi họ suy nghĩ rằng, đi bộ có thể bảo vệ được môi trường và rèn luyện sức khỏe tốt hơn mỗi ngày.
Đa số người Nhật chọn hình thức đi bộ vào mỗi buổi sáng tới công sở. (Ảnh minh họa)
Theo một khảo sát của phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thường trú tại Nhật Bản năm 2017, cho biết, trung bình mỗi ngày, nam giới của Nhật Bản đi bộ khoảng 7.200 bước chân (gần 6km), còn nữ giới đi bộ khoảng 6.200 bước (gần 5km). Tôi thấy số liệu đó còn ít, ví như bạn tôi, anh Kazu, làm việc ở Viện Nghiên cứu Quốc tế về Khoa học thiên tai đóng tại thành phố Kobe (Nhật Bản) cho biết, mỗi ngày, anh ấy đi bộ 4 lượt từ nhà ra bến tàu điện, rồi lại từ bến tàu đến sở làm và ngược lại, mỗi lượt 6km, tổng cộng là 24km mỗi ngày. Đều đặn 2 ngày cuối tuần, anh Kazu cũng đi bơi với chừng đó km ở hòn đảo gần nơi anh sinh sống. Đáng khâm phục nhất là anh Kazu đã duy trì thói quen này gần 40 năm nay. Tôi gọi thân mật anh với cái tên "Hai Tư".
Anh bạn “Hai Tư” của tôi và đại đa số người Nhật ví như những "hòn đá lăn" không ngơi nghỉ. Chính nhờ thế mà nước Nhật ngày càng phát triển kiên cường và mạnh mẽ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguyễn Đính - Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét