- Đời Là Vô Thường

Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. 

Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này mà làm khổ luỵ cho nhau. Quý vị nên nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.



Đức Phật dạy chúng ta hiểu được lý vô thường, mục đích là để ta biết sống có bổn phận và dám chịu trách nhiệm về mọi hành vi tạo tác của mình đối với gia đình, xã hội, không bi quan, không yếm thế, không chán nản, không buồn lo trước cuộc sống tạm bợ, mong manh.

Cũng bởi kiếp người vốn vô thường, ngắn ngủi, mong manh, nên trong Khế Kinh có kể rằng: Có một người chuyên làm việc ác, khi chết bị quỷ sứ bắt vong hồn dẫn đến trình vua Diêm Vương. Vua hỏi, “ở trần gian, sao ngươi không làm việc thiện mà hay làm việc ác như vậy, để bây giờ bị đoạ xuống đây chịu hành hình?” Vong hồn ấy trả lời, “thưa Diêm chúa, ở trần gian chúng tôi, nhà nước muốn làm việc gì còn phải thông báo trước, tại sao ở Âm phủ, Ngài bắt người chết đột ngột thế này, thử hỏi làm sao tôi làm việc thiện cho kịp được?” “ngươi ở trần gian có thường thấy người già, người bệnh, người chết hay không?” “Dạ thưa có.” “Đó là những thông điệp mà ta đã báo trước cho người trần gian biết rồi đấy, ngươi có thấy trên đời này có ai không phải già-bệnh-chết không?” “Dạ thưa không.” “Vậy tại sao ngươi không lo tu tập, lo làm việc thiện, để bây giờ bị giải xuống đây rồi ngươi lại cãi chày, cãi cối với ta?”

Lúc bấy giờ, một vong hồn trẻ tuổi ngồi bên cạnh liền lên tiếng phản đối Diêm Vương, “dạ thưa Ngài, tôi không chịu đâu, Ngài thật là không công bằng chút nào; đối với ông già kia, Ngài đã gửi nhiều thông điệp cho ông ta, còn tôi Ngài chưa hề gửi cho một thông điệp nào mà bắt tôi xuống đây, thật oan uổng cho tôi quá chừng!” Diêm chúa nghe vong hồn trẻ khiếu nại, liền cười, “tại nhà ngươi không chịu mở mắt to ra mà thấy, chứ ta làm việc rất công bằng, không bao giờ có chuyện thương người này, mà ghét bỏ người kia. Ta lúc nào cũng có gửi tin báo trước cho mọi người hay biết, tại nhà ngươi không chịu để ý đó thôi.” “Ngài gửi thông báo lúc nào, sao tôi không thấy?” Diêm chúa mới cười nói, “nhà ngươi có thấy đứa bé ở nhà đối diện với ngươi hay không? Nó mới năm tuổi mà bị chết vì tai nạn giao thông đó! Còn ngươi lớn tuổi hơn nó lẽ nào lại không chết. Ta lúc nào cũng công bằng liêm chính, chí công vô tư, tại ngươi không chịu để ý, hoặc ngươi thấy mà vẫn làm càn, làm bướng đó thôi”.

Đạo Phật dạy, mạng sống con người vốn vô thường, ngắn ngủi, giống như ngọn đèn treo trước gió, có thể bị tắt đi bất cứ lúc nào. Thân người cũng vậy, không phải ai cũng chờ ến già, bệnh mới chết, mà mạng sống kết thúc bất cứ lúc nào với muôn ngàn lý do, vì vậy mà có câu:
Chớ bảo đến già mới tu tập
Mồ hoang cũng lắm kẻ đầu xanh.


Hiểu được lý do vô thường của vạn vật để mỗi người chúng ta cố gắng học hỏi và tu tập, đem tình yêu thương san sẻ với muôn loài bằng trái tim hiểu biết. Chúng ta đừng quá say mê, tham đắm vào xác thân này mà làm khổ luỵ cho nhau. Câu chuyện trên cho ta một bài học đạo lý về mạng sống con người vốn vô thường, tạm bợ. Quý vị nên nhớ rằng, sau khi chết không phải là hết hay mất hẳn, mà chết chỉ là hình thức thay hình, đổi dạng mà thôi, rồi tuỳ theo nghiệp báo tốt, xấu của mỗi người đã gieo tạo trong hiện tại, mà cho ra kết quả trong tương lai.

Thế gian này không có gì là mất hẳn dù là hạt bụi, hạt cát, chúng chỉ thay hình đổi dạng. Hiểu được lý vô thường để mọi người chúng ta sống có ý nghĩa hơn, làm được nhiều điều thiện lành, tốt đẹp, luôn sống có ích cho mình và người trong hiện tại và mai sau.

Ai sống được như vậy, đến khi thần chết hiện đến, ta không sợ hãi, hốt hoảng, mà bình thản ra đi với một hành trang tốt đẹp; còn những thứ của thế gian như tiền tài, vàng bạc, nhà cửa, mình đều bỏ lại, không mang theo được món nào, lúc ấy chỉ có nghiệp báo tốt, xấu do ta tạo dựng lúc còn sống sẽ theo mình suốt đời mà thôi. Biết được như vậy, lúc lâm chung ta sẽ an lòng ra đi, không tiếc nuối bất cứ một thứ gì của thế gian, kể cả sự sống.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

'Vô thường' trong cuộc sống

Cuộc sống và vạn vật xung quanh chúng ta, từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi theo không gian và thời gian, không có bất kỳ sự vật, hiện tượng nào là tồn tại vĩnh viễn. Đó chính là “Vô thường”.

Vô thường có nghĩa là không có gì thường xuyên và trường tồn mãi mãi. Tấm thân con người là vô thường. Quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật muôn thuở của mỗi con người. Tai nạn, bệnh tật bất thường ập đến. Cuộc đời con người cũng vậy, nay còn mai mất. Không ai có thể đoán trước được điều gì.


Hiểu vô thường thì con người mới nhận thức được sự vô bổ của những thú vui tạm bợ, giả dối, và sáng suốt đi tìm những niềm vui chân thật.

Tâm ta vô thường, lúc ta yêu tha thiết nhưng gặp nghịch cảnh, trướng duyên thì chuyển thành oán hận. Lòng tin giảm sút, dễ lung lay, lý tưởng, ý chí cũng dễ thay đổi.

Cuộc sống hối hả, xô bồ, con người ai cũng chạy theo công việc tất bật mỗi ngày ngày, tranh đấu trên chính trường, thương trường, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, chợt nhìn lại thì thấy mình đã già. Thời gian trôi qua, đời người thật ngắn ngủi, để rồi thoáng chốc hiểu ra một điều đó là: được sống một cuộc sống thanh nhàn, hưởng chọn vẹn niềm yêu thương là điều vô cùng quý giá, nên thời gian cũng vô thường như vậy.

Thời gian vô thường

Tiền vô thường, tiền không phải là tất cả, cho nên đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá lãng phí khi sử dụng nó. Khi ta ra đời thì cũng đã chẳng có một đồng, khi chết rồi cũng chẳng mang đi được một xu… Nếu dùng tiền để mua được sức khỏe, niềm vui thì tại sao không làm? Nếu dùng tiền mà mua được hạnh phúc, an nhàn, tự tại thì thật xứng đáng. Người biết đâu là giá trị thực của đồng tiền thì kiếm tiền và tiêu tiền rất khoa học. Ta nên làm chủ đồng tiền, đừng bo bo làm tôi tớ cho tiền điều khiển.

Thế gian vô thường, tài sản của chúng ta có thể bị mất vì nhiều nguyên nhân khác nhau, do thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp,…


“Sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao”.

Vì vậy, mỗi chúng ta hãy coi “Danh vọng vẻ vang chỉ là quá khứ, tiền tài, chức tước chỉ là tạm thời với hiện tại”. Sức khỏe của bản thân mới chính là cuộc sống của mình trong tương lai.

Cuộc sống là vậy, không nên than trách tự làm khổ mình rồi làm khổ mọi người. Giáo lý nhà Phật cho rằng, sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao.

Người hiểu đời là người rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã và đang có, không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó để làm cho cuộc sống được an vui và ý nghĩa hơn.

Hãy tạo cho mình thói quen tự tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Hãy tốt bụng, chia sẻ với tất cả mọi người, vui vì làm việc thiện. Sớm muộn nhìn lại, đến lúc quá nửa đời người ta đã dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào đúng đạo lý thì làm, điều thị phi không thèm nghe và nghĩ ngợi, mình đâu phải sống giả dối đẹp lòng vì ý thích của người khác, nên sống thật với mình.

Con người ta chịu đựng, nhẫn nhịn, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất sẽ xoa dịu mọi vết thương trong cuộc sống. Quan trọng là khi đau buồn chúng chọn cách sống như thế nào.

“Nhân sinh một kiếp đến đi vô thường”.

Hiểu được vô thường, nhân quả, phải có tấm lòng rộng mở, yêu và biết thưởng thức cuộc sống, biết đủ thì lúc nào cũng được hưởng an vui và hạnh phúc. Con người sẽ giữ được bình tĩnh trước hoàn cảnh đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và thản nhiên trước cảnh ân ái chia ly khi hiểu được vô thường và con người dám hy sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa.

Hiểu vô thường thì con người mới nhận thức được sự vô bổ của những thú vui tạm bợ, giả dối, và sáng suốt đi tìm những niềm vui chân thật. Khi chúng ta có trí tuệ cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối, thì giá trị chân thật, hạnh phúc chân chính, Tâm Phật sáng suốt muôn đời sẽ hiện ra.

Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật muôn thuở, và không một ai có thể chống lại được. Đến khi ra đi thì thanh thản ra đi. Miễn sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm, để lại cho đời ý nghĩa, dấu mốc tuyệt diệu và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn, một sự an lạc viên mãn.

Minh Chính




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét