Lịch sử bang giao phong kiến Việt Nam với Trung Quốc đã chứng kiến nhiều vụ đối đáp của sứ thần Việt Nam khiến giặc phương Bắc phải nể sợ.
Thời Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm là nhà ngoại giao tài ba được Quang Trung ủy nhiệm giao thiệp với Trung Quốc. Ông đã đem hết tài năng của mình vào việc ngoại giao với triều đình nhà Thanh nhằm giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia.
Việc đầu tiên sau chiến thắng Kỷ Dậu 1789 là ngăn chặn ý chí báo thù của nhà Thanh. Nước Việt Nam nhỏ, tiềm lực không nhiều, nếu quân Thanh lại tiếp tục sang đánh ngay thì nhân dân vốn đã lầm than khốn khổ trong mấy trăm năm nội chiến sẽ lại càng điêu linh. Vua Quang Trung chủ trương dùng lời lẽ mềm mỏng để ngăn chặn ý chí đó của nhà Thanh.
Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định). Nguồn: Wikipedia.
Nhiệm vụ này được giao cho Ngô Thì Nhậm và ông đã hoàn thành xuất sắc với những lời lẽ mềm mỏng mà kiên quyết khi thư từ giao thiệp với Trung Quốc.
Sách Các sứ thần Việt Nam của Phạm Trường Khang cho biết, khi thư từ qua lại với Thang Hùng Nghiệp (một đầu mối ngoại giao của triều Thanh với Tây Sơn), Ngô Thì Nhậm đã có lời lẽ mềm mỏng nhưng cũng không kém phần cương quyết, khiến giặc phương Bắc nể sợ.
Vào thời đó có tin vua Càn Long cử Phúc Khang An làm Tổng đốc Lưỡng Quảng và điều cho 50 vạn quân để ứng phó ở biên giới. Trong bức thư gửi cho Thang Hùng Nghiệp, Ngô Thì Nhậm đã nói ý rằng không phải cứ quân đông là có thể thắng.
Theo sách Các sứ thần Việt Nam của Phạm Trường Khang Ngô Thì Nhậm viết: “Nay quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu. Nếu tình hình trên không được bày tỏ, Thiên triều không khoan dung, muốn động binh chinh chiến thì nước nhỏ không được thờ nước lớn, tôi cũng đành nhờ trời mà thôi”.
Cũng có khi Ngô Thì Nhậm tỏ ra rất cương quyết cứng rắn với triều Thanh. Trong tờ biểu viết thay Quang Trung để cầu phong Vương, Ngô Thì Nhậm nói thẳng với Thang Hùng Nghiệp rằng nếu Thanh triều muốn làm một cuộc phiêu lưu quân sự khác thì sự thể chưa biết thế nào. Ông viết: “Còn nếu chiến tranh kéo dài, tình thế có đến nỗi nào thì thật không phải do thần muốn mà thần cũng không dám nói trước rồi tình thế sẽ đi đến đâu”.
Lời nói khiến Thang Hùng Nghiệp phải sợ hãi mà lên tiếng: “Nay không phải là lúc hai nước đánh nhau sao lại phải hành sự toàn là giọng giận dữ. Nói như thế là để cầu phong vương hay muốn gây hấn can qua chăng?”. Câu nói của Thang Hùng Nghiệp cho thấy nhà Thanh từ chỗ muốn đánh báo thù đã phải xuống thang trước thái độ cứng rắn của Tây Sơn qua những tờ biểu do Ngô Thì Nhậm soạn.
Mạc Đĩnh Chi thể hiện khí phách độc lập tự chủ
Trong gần 1.000 năm bang giao giữa phong kiến Việt Nam và phong kiến Trung Quốc, không hiếm những câu chuyện đối đáp của sứ thần Việt Nam ở triều đình Trung Quốc. Ở đây xin kể lại câu chuyện của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đời Trần.
Sách Các ông trạng Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh kể: “Trong chuyến đi sứ nhà Nguyên, một lần Mạc Đĩnh Chi đến nhà viên Thừa tướng triều Nguyên chơi. Nhân trong lúc gặp gỡ, viên Thừa tướng nọ ra một vế đối: “An khử nữ dĩ thỉ vi gia” nghĩa đen là chữ An bỏ bộ Nữ và thêm bộ Thỉ vào thành chữ Gia nhưng nghĩa bóng là nước Nguyên nhất quyết muốn xóa bỏ nước An Nam để nhập thành châu huyện của họ.
Tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, thờ ở chùa Dâu, Bắc Ninh. Nguồn: Wikipedia.
Mạc Đĩnh Chi rất nhanh nhẹn đối lại rất sắc bén: “Tù xuất nhân, lập vương thành quốc” nghĩa đen là chữ Tù bỏ đi chữ Nhân, thêm chữ Vương vào thành chữ Quốc. Nghĩa bóng là dân ta nhất định xóa bỏ ách áp bức của các thế lực xâm lược để xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ”.
Trong sách Các sứ thần Việt Nam lại nêu một câu chuyện về vế đối của Mạc Đĩnh Chi với vua Nguyên. Sách viết: “Ngay hôm đầu vào bệ kiến, vua Nguyên muốn đích thân thử tài Mạc Đĩnh Chi và nhân thể dò khí tiết của ông nên ra câu đối: “Nhật hỏa vân yên bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ” nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.
Biết vua Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính, Mạc Đĩnh Chi thấy cần phải tỏ rõ thái độ của mình. Hơn thế, phải khẳng định nước Đại Việt ở thế thắng nên ứng khẩu đọc ngay: “Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô”. Câu này có nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.
Vế đối rất chỉnh mà cũng đầy khí phách của kẻ vừa chiến thắng 3 lần liền khiến vua Nguyên rất đau đớn nhưng cũng không làm sao được đành phục tài viên sứ thần Đại Việt.
Giai thoại về chuyện Mạc Đĩnh Chi đi sứ còn rất nhiều. Trong đó ngoài những lần thể hiện tài thơ văn ứng đối ra thì còn một lần ông đánh bại người chơi cờ tướng giỏi nhất Trung Quốc.
Cũng trong chuyến đi sứ này, Mạc Đĩnh Chi đã thắng cờ một người tự nhận là “Trạng cờ” Trung Quốc khiến người kia từ đó phải hạ tấm biển tự xưng “Trạng cờ” xuống. Thắng lợi này tuy chỉ là chuyện cá nhân nhưng qua đó cũng góp phần nâng cao thể diện quốc gia của Đại Việt.
Lịch sử bang giao giữa phong kiến Việt Nam với các triều đại Trung Quốc kéo dài suốt 1.000 năm với những cuộc chiến và những năm chung sống hòa bình xen kẽ. Tuy nhiên dã tâm biến nước ta thành quận huyện thì các triều đại Trung Quốc không bao giờ từ bỏ. Chính trong bối cảnh đó, ngoại giao cũng là một mặt trận đấu tranh quyết liệt mà sứ thần Việt Nam thường bị làm khó dễ, bị thử thách nhưng vẫn thường giành thắng lợi.
Tác giả: Khánh Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét