- Ấp Tà Dơ - Nơi những đứa trẻ không được thừa nhận

Ở đây trẻ em không có tờ giấy khai sinh, chúng chẳng biết mình được sinh ra ở đâu và lúc nào, cuộc sống lênh đênh trên con nước cứ thế cuốn trôi cả tương lai của chúng.

Chúng tôi men theo con đường đất đỏ cằn khô để vào ấp Tà Dơ. Trước mặt, những nóc nhà lá rách nát, tạm bợ dựng bằng những thân cây cao chênh vênh dần hiện lên. Đám trẻ con mình trần đen nhẻm chơi đùa, rượt nhau chạy vòng quanh dưới cái nắng của mùa hè. 

Trên những nếp nhà, những người phụ nữ ngồi thẫn thờ nhìn ra ngoài phía hồ Dầu Tiếng mênh mông, ánh mắt vô định như chính cuộc đời mà họ đang trải qua...

Những đứa trẻ đen nhẻm hồn nhiên rong chơi dưới cái nắng khắc nghiệt của mùa hè.

Những phận đời lênh đênh con nước
Làng Tà Dơ, còn thường được mọi người biết đến với cái tên là Làng Việt kiều thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Ngôi làng hiện có 211 hộ với trên 1.000 nhân khẩu là dân Việt kiều từ Campuchia về sinh sống.


Làng Việt kiều tạm bợ là nơi người Việt ở Campuchia trở về sinh sống.

Hầu hết họ là người Việt sinh sống tại khu vực Biển Hồ và mưu sinh bằng nghề chài lưới, làm thuê làm mướn, buôn bán nhỏ trên ghe, hoặc sống bằng tiền ăn xin khách du lịch. 

Họ đã sống ở Campuchia nhiều năm. Thậm chí có nhiều người sinh ra tại đó, nhưng vì lênh đênh trên sông nước khiến họ không đủ tiền mua nổi miếng đất cắm dùi.

Thế nên đã mấy mươi năm trôi qua họ cũng chỉ là những kẻ sống tạm bợ nơi đất khách. Họ không được hưởng quyền lợi, an sinh xã hội, cũng không được chính quyền bảo vệ.


Cuộc sống ở Campuchia quá khắc nghiệt khiến họ tìm đường trở về quê nhà.

Cuộc sống khắc nghiệt nơi đất khách đã thôi thúc họ trở về đất Việt để tìm đường sinh sống. Mang danh Việt kiều, nhưng khi trở về, họ không giấy tờ tùy thân, không tiền bạc của cải, không đất đai nhà cửa.

Đa số các hộ dân đều đông con, vì hầu hết họ không có quốc tịch, hộ tịch nên con cháu họ cũng chịu chung số phận như vậy. Bọn trẻ sinh ra và lớn lên nhưng chúng chẳng biết chúng được sinh ra ở đâu và khi nào. 

Chúng tồn tại nhưng không được ai thừa nhận, vì không có bất kỳ một giấy tờ nào chứng minh chúng là người Việt Nam.


Cuộc sống vô cùng khó khăn vì họ chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để được chính quyền thừa nhận là công dân Việt Nam.

Người dân nơi đây sống trong những chiếc lán tạm bợ trị giá chỉ 250.000 đồng do cha xứ vận động quyên góp. Mùa nước nổi, nước có thể tràn vào lán, còn bình thường đây là vùng khô cằn, thiếu cả nước sống! Cuộc sống ở Tà Dơ là nơi nước quý hơn vàng.


Những ngôi nhà được dựng lên tạm bợ.

Họ chủ yếu làm nghề giăng lưới nên cuộc sống bấp bênh theo mùa nước, người thì đi làm mía, sắn, cao su kiếm tiền lay lắt qua ngày. 

Không có giấy tờ và nghèo khó nên con cái của họ phần lớn không được đi học và phải bán vé số mưu sinh! Đa số trẻ em nơi đây không có giấy khai sinh. Cuộc đời của các em không có quá khứ, không thấy tương lai!


Trẻ em ở đây dường như không có quá khứ vì thế cũng chẳng có tương lai.

Tương lai nào cho em
Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết việc kê khai nhân khẩu không hề đơn giản, vì chỉ có vài người còn giấy tờ tùy thân, giấy tờ gốc để chứng minh mình từng là người Việt Nam. 


Theo chỉ đạo từ cấp trên, xã hướng dẫn tường tận cho các hộ quay về Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia chứng thực giấy tờ để làm thủ tục hợp thức hóa các giấy tờ tùy thân. 


Thế nhưng những điều tưởng chừng rất đơn giản đó lại là cả một vấn để lớn đối với những con người nơi đây khi họ đều không có tiền lẫn chữ nghĩa.


Thú cưng quen thuộc của bọn trẻ "hamster cống".

Trẻ em ở nơi này dường như cảm nhận được chúng đang phải vật lộn từng ngày với cái nghèo, thế nên dù còn nhỏ nhưng có bé đã biết phụ bố mẹ bán vé số, chăn trâu, bò, kéo chài... đặc biệt chúng rất hồn nhiên, không đòi hỏi và nói chuyện rất ngoan ngoãn.


Dù còn nhỏ nhưng các em luôn biết phụ giúp cha mẹ.

Trước khi ra về, chúng tôi có gặp một người đàn ông ở bãi bồi nơi chúng tôi chơi với tụi nhỏ. Chú ấy rất thân thiện, còn nói hễ sau này chúng tôi quay lại chú ấy sẽ quăng lưới bắt cá cho tụi tôi nướng ăn. 

Mọi người đang cười nói thì tụi nhỏ leo lên cây chơi, leo rất cao. Chúng tôi la lớn gọi chúng xuống, chú ấy liền cười và nói: "Kệ tụi nó, giờ tụi nó có coi sống chết ra gì đâu".

Các em rất thích leo lên những cây cao để chơi đùa.

Chúng tôi lặng người. Ừ thì ở mảnh đất này cái nghèo, cái đói mới đáng sợ, chứ sống chết đâu còn gì đáng lo. Chúng tôi trở về và cứ trăn trở mãi về một kiếp người nơi vùng biên giới…

Tương lai nào cho những đứa trẻ ở miền biên giới hẻo lánh này?

Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, không giấy tờ, tài sản, quên gốc gác nơi mình sinh ra, những người làm cha, mẹ ở ấp Tà Dơ đã khiến cuộc sống của trẻ nhỏ liên lụy, khổ sở.


Xóm Việt kiều Campuchia thuộc ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh. Xóm được thành lập khoảng năm 2012, lúc đầu có 4 - 5 hộ. Đến nay đã có trên 200 hộ với 1.000 nhân khẩu, tất cả đều từ Campuchia (Biển Hồ) về sinh sống.


Họ sống ở Campuchia nhiều năm, mưu sinh bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ trên ghe. Vì cuộc sống trên con nước ở Biển Hồ quá khắc nghiệt, họ cảm thấy không an toàn nên đã tìm đường quay về Việt Nam. Trở về quê hương với hai bàn tay trắng, không giấy tờ, không tài sản, không nhớ được gốc gác nơi mình sinh ra. Người làm nghề đi giỏ (chài lưới), người mới về chưa có giỏ thì đi bạn (đi đánh cá chung) hoặc cạo chả cá thuê.


Ba mẹ không quốc tịch, không hộ tịch nên những đứa trẻ cũng chung số phận. Họ sống lay lắt qua ngày bằng số cá bắt được. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, không điện, không tiện nghi, không nhà vệ sinh. Nhờ sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, thời gian gần đây họ được dùng nước sạch với giá 10.000 một hộ/tháng.


Những chiếc lán khoảng 9 m2 được dựng lên bằng những thân cây tạm bợ đang mọc lên tại khu đất ven hồ Dầu Tiếng được họ gọi là nhà. Đây là nơi sinh hoạt của 3 gia đình với 20 con người.


Gia đình nào cũng có từ 2 đến 5 con. Những đứa trẻ hầu hết được sinh ra tại Campuchia rồi theo ba mẹ về Việt Nam nên các em không có giấy khai sinh hay bất cứ giấy tờ nhân thân nào. Do đó các em đều không được đến trường đi học. Những em lớn đi bán vé số, chài lưới hoặc đi quét lá cao su với mức thu nhập từ 10.000 - 50.000 đồng/ngày.


Nhung (13 tuổi) là chị của 2 đứa em nhỏ. Ngày nào mẹ đi làm thì Nhung ở nhà trông em gái 2 tuổi. Ngày nào có thể gửi bé cho bà ngoại, Nhung lại đi làm thuê. Chỉ vài hôm nữa, ngôi nhà Nhung đang ở sẽ bị chủ lấy lại. Gia đình sẽ phải xin ở một cái lán khác. Em cũng đang chờ được gọi đi lột vỏ cây keo ở Đắk Lắk.


Những đứa trẻ ở đây, phần đông đều không rõ mình bao nhiêu tuổi. Các em cũng chẳng bao giờ được biết đến bộ quần áo mới. Quần áo của các em mặc hàng ngày chủ yếu là đồ cũ được cho.


Bữa ăn hàng ngày của những gia đình nơi đây hầu hết chỉ có cơm trắng và cá. Cá đi chài về được kho, chiên, nấu chua hoặc muối, phơi khô để ăn dần. Bé Lụa hồn nhiên kể về những bữa cơm của mình: “Em thích thịt heo có cục mỡ lắm mà lâu rồi không được ăn. Nhà em không có tiền mua, toàn ăn cá không à”.


Dù cuộc sống khó khăn nhưng những đứa trẻ vẫn hồn nhiên lớn lên, không lo nghĩ đến tương lai. Cuộc sống thường ngày của các em là rong ruổi, nô đùa khắp đồng cỏ.


Khi hỏi về ước mơ có những em không biết ước mơ nghĩa là gì. Chúng chỉ mong được ăn no, được có một ngôi nhà có tường để ở. Có những em ước mơ được đi học để biết chữ sau này kiếm được nhiều tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em.


Những đứa trẻ nơi đây, cứ thế lớn lên trong cuộc sống thiếu thốn, không biết đọc, không biết viết. Chúng chỉ biết hôm nay chứ chẳng rõ ngày mai như thế nào.


Dù không được đi học nhưng một số em vẫn được học chữ tại lớp của một cô giáo ở cách xóm 2-3 km, với giá mỗi buổi học 3.000 đồng. Bé Hồng chia sẻ: “Ngày nào đi học mẹ cho con 5.000 đồng, 3.000 đóng tiền học cho cô, 2.000 con mua đá bào của cô giáo”.


Những ngày mưa, là những ngày ngôi nhà xập xệ ướt sũng nước. Vì những tấm bạt, tấm ván chẳng thể che chắn gió, mưa tạt vào nhà.


Các em phụ ba mẹ mang những thân cây về đóng lán.


Chiều đến, các em kéo nhau ra hồ Dầu Tiếng tắm rửa. Được tắm mát, vui đùa với nước là khoảng thời gian vui nhất trong ngày của các em.


Sinh ra và lớn lên trên những dòng sông, cuộc đời của các em cũng lênh đênh không rõ bến bờ.


Đi giỏ từ 5h sáng, những người đàn ông trở về vào cuối buổi chiều. Cuộc sống của họ phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Anh Minh vừa đi giỏ về chia sẻ: “Mấy nay mưa quá chỉ đủ cá cho bữa cơm chiều và bán kiếm ít tiền mua rau, gạo”.


Chỉ mới 12 tuổi nhưng Mến đã đi giỏ chung với chú ruột, làn da của em sạm đen vì nắng gió.


Những xe hàng mang theo thịt, trứng vào xóm nhưng người dân trong xóm Việt kiều này chủ yếu mua rau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét